Phương thức hoạt động và cơ sở vật chất hoàn chỉnh

Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng (NC&PTCT), Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiền thân là Viện nghiên cứu Lúa được thành lập nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học của Học viện trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp. Ngoài phát triển công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội, Viện NC&PTCT còn có nhiệm vụ tham gia và đẩy mạnh công bố khoa học để nâng cao vị thế của Học viện trong khu vực và thế giới.

 

 

Trải qua 10 năm thành lập với một lần đổi tên, hiện nay Viện NC&PTCT có 45 cán bộ, 6 phòng nghiên cứu và bộ phận hành chính, đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, đủ năng lực thực hiện các chương trình nghiên cứu lớn quốc gia và quốc tế. Viện có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động tự chủ theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Để đảm bảo cho công tác nghiên cứu, Viện có 3 phòng thí nghiệm gồm phòng thí nghiệm đồng ruộng, phòng thí nghiệm nghiên cứu lúa lai và phòng thí nghiệm phân tử và kiểm nghiệm hạt giống. Các phòng thí nghiệm này có khả năng thực hiện những nghiên cứu cơ bản đơn giản phục vụ công tác chọn tạo giống cây trồng.

Viện cũng có riêng một xưởng chế biến hạt giống 300m2 có trang bị sấy, làm sạch và đóng bao hạt giống lúa với công suất 5 tấn/ngày. Hệ thống kho thoáng với 192m2, kho bảo quản hạt giống, kho lạnh, hệ thống nhà kính, nhà lưới, sân phơi… hoàn chỉnh theo yêu cầu nghiên cứu.

Đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới

Là một Viện đi đầu trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tính từ năm 2005 đến năm 2015, Viện đã giúp 12 nghiên cứu sinh, 71 học viện cao học và 182 sinh viên thực hiện nghiên cứu đề tài tốt nghiệp với chất lượng tốt. Ngoài ra, hàng năm Viện mở từ 2 đến 4 lớp đào tạo ngắn hạn, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia mở một số lớp tập huấn  về lúa lai như chọn tạo, nhân duy trì dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai F1… Đây là một trong những đóng góp có ý nghĩa đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp của Viện với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương, công ty doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống cây trồng.

Viện NC&PTCT luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ mới phục vụ nền nông nghiệp, do đó từ năm 2005 đến nay, các cán bộ của Viện đã tham gia và chủ trì 36 đề tài nghiên cứu, trong đó có đề tài theo Nghị định thư, đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở với tổng kinh phí trên 54 tỷ đồng.

Những nghiên cứu tập trung vào công tác chọn tạo giống cây trồng và hoạt động thu thập, bảo tồn nguồn gen lúa, ngô được thực hiện sớm làm tiền đề cho công tác phục tráng các giống cây trồng ở địa phương. Công tác thu thập nguồn gen địa phương và nhập nội được Viện đặc biệt quan tâm, cho đến nay giống lúa được Viện thu thập bảo tồn và sử dụng 5200 mẫu nguồn gen, ngô 537 mẫu nguồn gen, trong đó có nhiều mẫu nguồn gen quý có giá trị cao như các dòng bất dục phục vụ chọn tạo giống lúa Pei ải 64S…, dòng thuần ngô Mo17 và B73, dòng kích tạo đơn bội UH400…

Các nghiên cứu của Viện NC&PTCT được nghiên cứu quy trình công nghệ đạt kết quả cao, được chuyển giao và ứng dụng rộng rãi góp phần tích cực nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam và được chuyển giao gồm: Quy trình nhân dòng bố mẹ lúa lai hai và ba dòng; Quy trình thâm canh lúa lai; Quy trình canh tác lúa hàng rộng-hẹp;Quy trình phục tráng giống ngô thụ phấn tự do; Quy trình kích tạo đơn bộ để phát triển dòng ngô đơn bội kép; Quy trình canh tác cây trồng cạn sử dụng màng phủ và tưới tiết kiệm nước; Quy trình sản xuất rau an toàn; Quy trình tăng vụ trồng ngô trong năm.

Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của mình, Viện NC&PTCT đã chọn tạo thành công 21 giống cây trồng mới, trong đó có 8 giống được công nhận giống quốc gia, 7 giống công nhận sản xuất thử, còn lại giống khảo nghiệm triển vọng. Những giống cây trồng mới có phạm vi áp dựng rộng rãi trong sản xuất của Việt Nam là giống lúa lai hai dòng TH3-3, TH3-4, TH3-5, giống lúa lai 3 dòng CT16 do PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và cán bộ phòng CNLL chọn tạo. Giống lúa hai dòng VL20, VL24 do PGS. TS Nguyễn Văn Hoan, TS Vũ Hồng Quảng và cán bộ phòng CNLL chọn tạo. Các giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao như Hương cốm 3, 4, Bắc thơm 7 kháng bạc lá, Hương Việt 3, DH 11 và nếp cẩm DH6 đã làm nên thương hiệu của Viện NC&PTCC về chọn lúa tạo giống lúa chất lượng.

Giống lúa thuần Bắc thơm 7 kháng bạc lá

Giống lúa thuần Hương cốm 4

Chọn tạo giống ngô cũng đã đạt được những thành tựu bước đầu với các giống ngô nếp được công nhận sản xuất thử và khảo nghiệm triển vọng HUA601, MH8, VNUA68, VNUA69 và giống ngô nếp tím NT141.

Hợp tác và thành công

Để có được những thành tựu trên, ngoài sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ Viện NC&PTCT thì không thể không kể đến sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Viện nghiên cứu Ngô, Viện Cây lương thực, các công ty giống cây trồng… Đặc biệt, Viện có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các Viện nghiên cứu, trường đại học nước ngoài như Trường Đại học Nông nghiệp Vân Nam, Trung quốc, Viện Năng lượng nguyên tử Tứ Xuyên, Trường Đại học Kyushu Nhật Bản… trong việc nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai, trao đổi dòng thuần ngô Mo17 và B73 làm vật liệu cải tiến giống ngô lai ở Việt Nam…

Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả qua những giống ngô, giống lúa đạt hiệu quả cao trong sản xuất, Viện NC&PTCT đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý, đã được trao tặng như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT… về những đóng góp của Viện trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đăc biệt, PGS. TS Nguyễn Thị Trâm được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động…

Với những thành tích đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng đang là đơn vị giữ vị trí hàng đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Trong những năm tới, Viện sẽ không những cải tiến nâng cao chất lượng, tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng và chống chịu bất thuận phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Chọn giống cây trồng chống chịu bất thuận tập trung vào chịu hạn, mặn, lạnh, nóng; chọn giống cây trồng chống chịu sâu bệnh, rầy nâu, sâu đục thân, kháng bệnh virus, vi khuẩn và bệnh nấm. Xây dựng quy trình công nghệ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị cao.

Mười năm không phải là một chặng đường quá dài, nhưng Viện NC&PTCT đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình, đặt nền tảng cho sự phát triển trong tương lai. 10 năm – một dấu ấn trong nghiên cứu khoa học, trong những sản phẩm giống cây trồng được công nhận, trong những công bố khoa học làm nâng cao vị thế của Viện NC&PTCT nói riêng và của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung, trên bản đồ giáo dục của khu vực và thế giới.