Bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Có thể nói một cách khái quát rằng, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung và nông thôn Việt Nam nói riêng đã đạt được khá nhiều tiến bộ trong những năm đổi mới. Điều này thể hiện qua một số thực tế: Nhiều hoạt động lao động nông nghiệp nặng nhọc trong nông nghiệp trước kia nay đã được thay thế bằng máy móc và phương tiện cơ giới, làm giảm thiểu sự vất vả đã gây tác động không tốt đến sức khỏe của nông dân nói chung, nông dân nữ nói riêng. Cùng với đó các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp không phân biệt lao động nam, nữ đã tạo ra thành công lớn trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách nông nghiệp trong giai đoạn đổi mới đã không có sự phân biệt nam, nữ mà coi họ là một thực thể thống nhất, vừa cùng nhau hưởng lợi, vừa cùng nhau gánh chịu rủi ro trong quá trình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Vì vậy, chính sách này đã lôi cuốn được sự tham gia tích cực và bình đẳng của lao động cả nam và nữ trong hộ gia đình nông dân vào sản xuất, tạo ra sự thành công của đổi mới, sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua. Chính sách xã hội, trong đó có xã hội nông thôn không phân biệt nam, nữ đã tạo ra sự bình đẳng cần thiết về giới xét trên góc độ thu nhập và thụ hưởng các dịch vụ xã hội.
Như vậy, việc thực hiện các chính sách xã hội nói chung và ở nông thôn nói riêng đã phần nào thể hiện sự bình đẳng cần thiết giữa nam và nữ. Tuy nhiên hiện nay nhận thức và quan niệm truyền thống về các vấn đề giới ở nông thôn còn hạn chế và chưa đầy đủ nguyên nhân chính của những bất bình đẳng giới trong NN&PTNT nhận thức và quan niệm truyền thống về các vấn đề giới còn hạn chế và chưa đầy đủ như: cách ứng xử của xã hội vẫn còn ảnh hưởng khá rõ rệt của chế độ phụ hệ; nếp gia trưởng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các quan hệ gia đình, đặc biệt là ở nông thôn. Nói chung, đa số phụ nữ giữ một vai trò thứ yếu so với nam giới trong gia đình suốt cuộc đời của họ. Thái độ của xã hội muốn người phụ nữ đóng một vai trò “thích đáng” trong gia đình gây rất nhiều khó khăn cho việc giải quyết những vấn đề phức tạp như bạo lực đối với phụ nữ, li hôn và nhu cầu của những người mẹ đơn thân... Thay đổi quan niệm và cách ứng xử của xã hội trong vấn đề giới là một quá trình lâu dài và phức tạp, song nó đóng vai trò nền tảng để tạo ra và duy trì sự thay đổi thái độ của mỗi cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
Một thực tế cho thấy, phần lớn các dẫn chứng về sự bất bình đẳng giới được đưa ra gần đây đều chưa xuất phát từ nhận thức thực tế về quyền và nghĩa vụ có tính xã hội của từng giới nam và nữ trong các nhóm đối tượng được nghiên cứu, chưa phân tích rõ những điều kiện khách quan, chủ quan dẫn đến sự khác biệt giữa nam và nữ, những điều kiện nào có thể khắc phục và những điều kiện nào rất khó hoặc không thể khắc phục được. Chính vì vậy, rất cần có các tiêu chí thể hiện sự bình đẳng về giới trong các quan hệ kinh tế, văn hóa và xã hội khác nhau, để đi đến cách nhìn thống nhất về nội dung và phạm vi của phạm trù bình đẳng trong quan hệ giới. Để đóng góp vào Luật Bình đẳng giới, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thiết nghĩ cần nghiên cứu rõ hơn về bản chất những vấn đề bất bình đẳng giới trong hoạch định và triển khai chính sách nông nghiệp, nông thôn hiện nay, cụ thể là một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, những hình thức khác nhau trong tham gia quyết định sử dụng các quyền đối với đất nông nghiệp theo quy định của Luật đất đai trao cho hộ gia đình nông dân sản xuất nông nghiệp, đó là các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn kinh doanh. Những quyền nào nên trao cho nữ, những quyền nào nên trao cho nam trong chính sách đất đai được xem xét trên góc độ giới.
Thứ hai, những hoạt động lao động nào chỉ phù hợp với nữ nông dân và những hoạt động lao động nào thích hợp với nam nông dân xét trên góc độ đặc tính sinh học tự nhiên của nam và nữ để làm cơ sở cho xây dựng chính sách sử dụng lao động bình đẳng đối với cả nam và nữ trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong các quan hệ lao động khác ở nông thôn.
Thứ ba, những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận và sử dụng vốn vay tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác để có chính sách, chế độ riêng đối với nam và nữ nông dân trong triển khai chính sách tín dụng hiện nay.
Thứ tư, những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, khuyến công và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn. Từ đó có cơ sở trong hoạch định và triển khai chính sách khuyến nông, khuyến công phù hợp.
Thứ năm, những khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận thị trường nông sản và thị trường các hàng hóa khác. Qua đó, có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại phù hợp xét trên góc độ giới.
Thứ sáu, những khác biệt giữa nam và nữ trong tạo việc làm ở nông thôn cả trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trên cơ sở này hoạch định chính sách việc làm và phân công lao động ở nông thôn hợp lý...
Tóm lại, mục tiêu phấn đấu để tiến tới bình đẳng nói chung và bình đẳng giới trong nông nghiệp, nông thôn là rất đúng đắn và cần thiết cho sự phát triển một nông thôn văn minh, hiện đại và bền vững. Để xây dựng một quan hệ bình đẳng mang tính thực chất và bền vững, vấn đề quan trọng hàng đầu là không để tồn tại sự chênh lệch về thu nhập, kiến thức kinh tế, xã hội và trình độ văn hóa. Quan hệ bình đẳng giới cũng không nằm ngoài quy luật trên, vì thế, để có bình đẳng giới thật sự thì cả nam và nữ cùng phải tự nâng cao khả năng độc lập của mình trong xã hội, với tư cách là những cá thể tự chủ toàn diện, được luật pháp bảo hộ. Ngoài ra, việc triển khai nghiên cứu những đề xuất trên đây cần bám sát những đặc thù, điều kiện riêng của các cộng đồng dân cư nông thôn, có chú trọng sự tham gia của các hội nông dân, hội phụ nữ cấp huyện, xã ở nông thôn.
Phạm Thị Thu Hà – Khoa Khoa học xã hội
Tài liệu tham khảo:
Chu Tiến Quang (2018). Vấn đề bình đẳng giới trong phát triển kinh tế nông thôn truy cập tại http://www.vwu.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/van-%C4%91e-binh-%C4%91ang-gioi-trong-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-nong-thon-8588-4504.html ngày 11/4/2023.
Nguyễn Thị Tuyết Lan và cs (2000). Nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong nông hộ ở xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển