leftcenterrightdel
 

Trí tuệ cảm xúc hay thông minh cảm xúc được định nghĩa là khả năng xác định và quản lý cảm xúc của mình cũng như của người khác. Theo các nhà Tâm lý học, trí tuệ cảm xúc gồm ít nhất ba kỹ năng: nhận thức về cảm xúc hay khả năng xác định và gọi tên cảm xúc, khả năng khai thác những cảm xúc đó và áp dụng chúng vào các vấn đề như tư duy và giải quyết vấn đề, và khả năng quản lý cảm xúc bao gồm cả sự điều chỉnh cảm xúc của bản thân khi cần và giúp đỡ người khác làm những điều như trên.

Một cá nhân có sự thông minh về cảm xúc vừa có ý thức về trạng thái cảm xúc của chính họ, kể cả những cảm xúc tiêu cực như sự thất vọng, sự buồn chán hoặc cả những cảm xúc khó diễn tả, và có thể xác định và quản lý chúng.

Không phải ngẫu nhiên mà Darwin viết một cuốn sách về nguồn gốc tiến hóa của cảm xúc (trong tác phẩm Những biểu hiện của cảm xúc ở người và động vật, năm 1872). Ông nhận ra rằng, hệ thống cảm xúc của con người vốn dĩ là như thế, cho dù trong cuộc sống có muôn hình vạn trạng khó khăn, song những cảm xúc của con người cho phép tổ tiên của chúng ta thích ứng với cuộc sống khó khăn ấy. Việc thể hiện cảm xúc một cách hiệu quả và giải mã cảm xúc có ý nghĩa rõ ràng cho sự sinh tồn và sinh sản của con người.

Nhà khoa học hành vi nổi tiếng Paul Ekman (Ekman & Friesen, 1986) đã viết rằng, khả năng phát hiện những biểu hiện cảm xúc cơ bản của con người là kết quả của sự chọn lọc tự nhiên và là nền tảng cho những trải nghiệm của con người. Sự thiếu hụt về khả năng liên quan đến trí tuệ cảm xúc sẽ tạo ra những rào cản cho con người ngày nay cũng như rào cản trong lịch sử tiến hóa của loài người.

Thuật ngữ trí tuệ cảm xúc được Peter Salovey và John D. Mayer đặt ra vào năm 1990, nhưng thuật ngữ này được công chúng hóa và trở thành thuật ngữ quen thuộc trong cuốn sách Emotional Inteligence của Daniel Goleman năm 1995.

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Inteligence-EI), lãnh đạo cảm xúc (Emotional Leadership-EL), Chỉ số cảm xúc (Emotional Quotient-EQ), chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Inteligence Quotient-EIQ), tất cả đều liên quan đến khả năng nhận thức cảm xúc của bản thân và của người khác, gán nhãn chúng một cách thích hợp và sau đó trở thành kỹ năng để thay đổi. Tuy nhiên khái niệm chỉ số cảm xúc (EQ) được liên kết chặt chẽ với khái niệm đồng cảm hơn.

Nghiên cứu của Paul Eckman (1978) chỉ ra rằng con người có các loại cảm xúc cơ bản và hiện diện ở tất cả các nền văn hóa, đó là ngạc nhiên, sợ hãi, ghê tởm, tức giận, buồn bã và hạnh phúc. Theo quan điểm về thần kinh học, rõ ràng cảm xúc là giống nhau ở tất cả các nền văn hóa. Sợ hãi là cảm xúc nguyên thủy, chính yếu. Bộ não con người được tạo ra để phản ứng với nỗi sợ và sự đe dọa một cách nhanh chóng để chúng ta vượt qua nguy hiểm. Và cảm xúc là phản ứng của hệ thần kinh với kích thích từ môi trường, thậm chí trước cả khi bộ não nhận thức được.

Theo những nghiên cứu về NEQ (Neurological Emotional Quotient) chúng ta không thể điều chỉnh những cảm xúc kích thích lên bộ não nhưng chúng ta có thể nhận thức và thay đổi cách chúng ta cảm nhận chúng. Cảm nhận về cảm xúc là thứ phức tạp và tinh tế hơn rất nhiều. Phản ứng DOSE của hệ thần kinh nói lên liều lượng và cường độ cảm nhận cảm xúc của chúng ta. DOSE là viết tắt của các chất dẫn truyền thần kinh cốt lõi trong hệ thần kinh liên quan đến việc trí tuệ cảm xúc diễn ra, D là dopamine, O là oxytocin, S là serotonin, và E là epinephrine.

Những chất dẫn truyền thần kinh này ảnh hưởng đến suy nghĩ của chúng ta và khả năng kiểm soát cách chúng ta cảm nhận và hành xử. Dopamin liên quan đến trí tuệ cảm xúc bằng việc gia tăng động cơ, đó là yếu tố quan trọng để cải thiện hoặc thay đổi trí tuệ cảm xúc. Tập thể dục có thể làm tăng dopamine. Oxytocin tăng lên khi chúng ta kết nối hoặc gắn bó với người khác. Việc đạt được kỹ năng xã hội mới với những người khác có tác động rất lớn đền việc sản xuất oxytocin, dẫn đến cảm giác được kết nối. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, khi được sản xuất nó giúp điều chỉnh tâm trạng và ảnh hưởng đến hành vi xã hội. Serotonin có thể được tăng lên thông qua việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc và chúng ta có thể điều chỉnh tâm trạng một cách tự nhiên. Epinerphrine giúp cho các tế bào thần kinh giao tiếp tốt hơn với nhau. Epinerphrin gây ra trạng thái tỉnh táo và có động lực để hành động.

Có thể nói, bộ não con người luôn thông minh về cảm xúc, luôn cố gắng giúp chúng ta thoát khỏi nguy cơ bị tổn hại. Làm thế nào để tâm trí thay đổi cảm xúc? Chúng ta có thể rèn luyện trí óc để nâng cao nhận thức và trở nên thông minh hơn trong việc quản lý cảm xúc của mình.

Trần Thị Hà Nghĩa – theo Psychology Today.