Để hiểu rõ hơn về công bố quốc tế, về chất lượng các công bố quốc tế, làm thế nào để phát hiện được các bài báo quốc tế "dỏm"... phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp về vấn đề này.
|
|
GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
Cần thống kê Việt Nam có bao nhiêu bài nằm trong SCIE và thứ hạng tạp chí
Phóng viên: Năm 2019, cả nước có 7.705 bài báo công bố ISI, trong đó toàn hệ thống giáo dục đại học chiếm 85% số lượng bài. Giáo sư nhận định thế nào về các công bố quốc tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua?
GS.TS Trần Đức Viên: Trước hết có thể nói đây đây là tín hiệu đáng mừng vì số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng theo từng năm, góp phần tăng vị thế KH&CN, GD&DT của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Tuy công bố quốc tế có tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng Việt Nam vẫn chỉ đạt thứ hạng trung bình ở khu vực Đông Nam Á.
Theo phân tích của cơ sở dữ liệu ISI (7/2020), Việt Nam đứng vị trí 56/151 quốc gia, tính từ năm 2010 đến nay, tổng số 36.839 công bố có địa chỉ từ nước ta, với tổng số lượng cited là 368.457 lượt, tương đương 10 lần cited/bài, vượt trên vị trí Indonesia (63). Tuy nhiên đứng sau Singapore (vi trí 23), Malysia (39), Thái Lan (45).
Theo ISI đánh giá, trong thời gian này, Việt Nam có 615 bài được xếp hạng “top papers” công bố trên các tạp chí uy tín hàng đầu như Nature, Science, Lancet etc, được trích dẫn cao (highly cited papers), vượt trên Indonesia là 282 bài, philipine (333 bài), tuy nhiên đứng sau Singapore (3.638), Malaysia (1.528 bài), Thái Lan (847 bài).
Theo Scimago phân tích số liệu dựa trên cơ sở dữ liệu của Scopus. Việt Nam xếp thứ 58 trên tổng 240 quốc gia với tổng 63.969 công bố có địa chỉ đến từ Việt Nam, với tổng số 671.649 lượt trích dẫn, tương đương 10,5 lượt trên bài tính từ năm 1996 đến nay.
Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Malaysia (vi trí (33); Singapore (vi trí thứ 34), Thái lan (44), Indonesia (47).
Thực tế đánh giá các công bố của nước ta tăng lên đáng kể, nhưng chỉ ở mức trung bình trong khu vực. Trong đó nhiều công bố là kết quả nghiên cứu hợp tác song phương, đa phương trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác quốc tế chiếm từ 65% đến 79%, tùy theo từng năm (tham khảo Figure 2 dưới đây). Hay nói cách khác, các công bố từ nội lực các trường Đại học, Viên nghiên cứu nước ta, vẫn còn ở mức khiêm tốn (30-40%)
|
|
Các công bố liên quan đến hợp tác quốc tế của Việt Nam (Nguồn Scimago, truy cập ngày 28/7/2020) |
Phóng viên: Thưa giáo sư, với số lượng bài báo quốc tế tăng vọt như vậy, liệu chất lượng có đảm bảo? Ngành khoa học nào dễ đăng bài nhất?
GS.TS Trần Đức Viên: Như đã đề cập ở trên, số lượng bài báo có xu hướng tăng đáng kể trong các năm qua, ví dụ số liệu thống kê năm 2019, cả nước có 7.705 bài báo công bố ISI.
Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng bài báo cần phải xem các công bố đó ở tạp chí khoa học nào. Cơ sở dữ liệu ISI đã xếp hạng tạp chí từ Q1-Q4 nhưng chỉ các tạp chí thuộc danh mục SCIE (Science Citation Index Expanded), ISI hiện giờ đã bỏ danh mục SCI tất cả các tạp chí đều là SCIE.
Các tạp chí được ISI xếp hạng phải đảm bảo 2 yếu tố: (1) thuộc danh mục SCIE; (2) có hệ số ảnh hưởng IF (Impact Factor). Trong đó, ISI phân ra các chuyên ngành khác nhau như ngành xã hội SSCI (Social science citation index); ngành nghệ thuật, nhân văn A&HCI (Arts & Humanities citation index),… ngay cả những tạp chí SCIE đa ngành, ISI cũng xếp hạng Q1-Q4 khác nhau. Cơ sở dữ liệu ISI lưu giữ và đánh giá các tạp chí trên toàn thế giới từ năm 1900 đến nay.
Tuy nhiên cần lưu ý, các công bố có nằm trong danh mục ISI như: (1) ESCI (Emerging Science Citation Index); BIOSIS citation index; BIOSIS preview, conference proceeding citation index-science (CPCI-S, CPCI-SSH) thì công bố chỉ là ở mức trung bình.
Lý do đây là các tạp chí mới bước đầu gia nhập ISI, để tiến tới SCIE thì còn cần một chặng đường dài phấn đấu không ngừng nghỉ. Thêm nữa, cần lưu ý là chất lượng tạp chí ISI xếp hạng có khác biệt rõ rệt so với SCOPUS (SCIMAGO) xếp hạng cũng từ Q1-Q4.
Cần thống kê, phân tích rõ các công bố từ nước ta, bao nhiêu bài nằm trong SCIE, thứ hạng tạp chí ra sao.
Theo Scimago (Scopus), ở nước ta, 3 ngành công bố nhiều nhất là ngành cơ khí (engineering – 2511 bài (2018); khoa học máy tính (computer science – 1870 bài trong năm 2018); tiếp đến là ngành khoa học vật liệu (materials science-1804 bài năm 2019), toán học (1931 bài năm 2019); dược học (1923 bài trong năm 2019).
|
|
Các ngành có nhiều công bố ở Việt Nam (nguồn Simago, 2020) |
Nói tóm lại, các công bố trên hệ thống ISI, trên các tạp chí thuộc danh mục SCIE, có IF và thứ hạng, thì mức chất lượng là tương đối tốt, vì cho đến nay, chưa có thước đo nào đánh giá chất lượng tạp chí, chất lượng bài báo tốt hơn hệ thống CSDL của ISI.
Ứng viên giáo sư trường ĐH Kinh tế quốc dân: Tất cả 27 bài báo quốc tế đều chưa được ISI xếp hạng
Phóng viên: Giáo sư có suy nghĩ gì khi năm nay có ứng viên giáo sư ngành kinh tế có tới 27 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí quốc tế?
GS.TS Trần Đức Viên: Tôi cũng có nghe qua báo đài về những trường hợp một số ứng viên giáo sư có nhiều bài báo trong năm cuối, thậm chí có ứng viên ngành kinh tế có tới 27 bài báo trong nửa năm 2020 (!).
Thực tế, để đánh giá uy tín, hiệu suất công bố của một nhà khoa học, là đánh giá cả một quá trình nghiên cứu, mức độ thường xuyên công bố quốc tế từ khi có bằng tiến sĩ đến khi “nghỉ” nghiên cứu khoa học (chứ không phải nghỉ hưu).
Chẳng hạn, các nhà khoa học ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới, tần suất công bố cũng rất đều đặn, hàng năm, chẳng hạn 4-5 bài, hay các nhà khoa học suất sắc 10-15-30 bài etc, và họ cũng thường công bố trên các tạp chí uy tín quen thuộc trong sự nghiệp công bố của họ.
Trường hợp ứng viên giáo sư công bố được 27 bài trong vòng 6 tháng đầu năm 2020 cũng nên được đánh giá một cách tổng thể, công bằng và khách quan.
Chẳng hạn, kể từ sau khi nhận chức danh phó giáo sư năm 2012 đến 2016, ứng viên không công bố bất kỳ một bài báo nào trên tạp chí quốc tế nào cũng là một hiện tượng đáng ngạc nhiên.
Trong năm 2017 công bố được 01 bài trên tạp chí nước ngoài không nằm trong danh mục ISI/Scopus, năm 2018 công bố được 03 bài báo nước ngoài không thuộc danh mục ISI/Scopus.
Trong năm 2020 (tính đến tháng 6/2020) đã công bố được 28 bài báo trên tạp chí ISI/Scopus, và 01 bài ngoài hệ thống ISI/Scopus, 27 bài thuộc danh mục Scopus và ESCI.
Có thể nói, đây là hiện tượng “xuất sắc” trong cộng đồng khoa học nước ta, rất cần được suy tôn kiểu như gương "điển hình tiên tiến" để cộng đồng khoa học Việt Nam, nhất là các nhà khoa học trẻ, học tập và làm theo.
Tuy nhiên, để đánh giá chi tiết chất lượng các bài báo, và chất lượng tạp chí nơi bài báo công bố, từng cấp Hội đồng giáo sư phải làm chặt chẽ, tránh ồ ạt, qua loa, nhất là tránh đưa vào hội đồng giáo sư các nhà khoa học không có hoặc có quá ít công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI.
Phóng viên: Thưa giáo sư, thế nào là "có quá ít" công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI?
GS.TS Trần Đức Viên: Vấn đề này thì phải hỏi Hội đồng Giáo sư Nhà nước, có lẽ là dưới 10 bài hay 5 bài gì đó, hay họ đã "nghỉ" không còn có công bố quốc tế nào trong 5 năm gần đây.
Cụ thể với trường hợp ứng viên ngành kinh tế này, chúng ta có thể thấy: Trong số 27 bài báo của ứng viên đều công bố trên tạp chí thuộc danh mục Scopus được Scopus xếp hạng từ Q2-Q4, và một số bài nằm trong danh mục ESCI (tạp chí mới nổi của ISI).
Tuy nhiên, ứng viên chưa công bố được công trình nào thuộc danh mục tạp chí SCIE, có hệ số ảnh hưởng IF và được ISI xếp hạng (Q1-Q4).
Như vậy, có thể nói, tất cả 27 bài đều chưa được ISI xếp hạng. Hơn nữa, một số tạp chí ứng viên công bố bài là các tạp chí vừa mới gia nhập được vào hệ thống Scopus từ năm 2017, 2018, 2019, và ESCI.
Hơn nữa cũng khá nhiều tạp chí, nhà xuất bản (nơi xuất bản tạp chí) thuộc danh mục Scopus, bị cộng đồng khoa học đánh giá là tạp chí kém uy tín, hay khả năng là tạp chí “predatory” tạp chí “ăn thịt”, (tham khảo ở link: https://predatoryjournals.com/publishers/#G) con số cũng lên tới gần ngàn tạp chí.
Thông thường đây là các tạp chí mới được gia nhập hệ thống Scopus, hay ESCI; chưa kể, ứng viên này còn có một số công bố trên tạp chí và NXB bị nghi ngờ về chất lượng công bố (bị xếp hạng predatory, ví dụ như NXB Growing Science Publishing Company: http://growingscience.com/index.html).
Các dẫn liệu của tôi có thể là không chính xác, vì bị hạn chế về khả năng và trình độ, rất mong được ứng viên và các nhà khoa học thông cảm và lượng thứ.
|
|
Bài báo của ứng viên giáo sư trường ĐH Kinh tế quốc dân |
Hội đồng giáo sư phải công tâm, phải là các nhà khoa học đầu ngành
Phóng viên: Ngoài trường hợp ứng viên “chạy đăng bài” thì còn có nhiều ứng viên dồn dập đăng bài trong một vài năm cận kề nộp hồ sơ xét giáo sư, phó giáo sư, có ứng viên giáo sư riêng năm 2020 đăng 5 – 6 bài trên tạp chí quốc tế, tạo cảm giác là đăng “quốc tế” còn dễ hơn cả đăng bài ở tạp chí (uy tín) trong nước. Vậy, theo giáo sư trách nhiệm của các Hội đồng giáo sư cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành khi xét các ứng viên có điểm bất thường này như thế nào?
GS.TS Trần Đức Viên: Đúng vậy, hiện tượng “chạy đăng bài” trong những năm cuối xét chức danh của một số nhà khoa học đang diễn ra, do vậy vai trò Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở, Giáo sư liên ngành cần phải rà soát kỹ lưỡng, chi tiết, đánh giá công tâm, khách quan, đúng với năng lực và phẩm chất của các ứng viên, trong đó nên quan tâm vào một số vấn đề như:
- Xác định nội dung bài báo có đúng, sát với chuyên ngành của ứng viên hay không (vì một số ứng viên ngành kinh tế, lại có những công bố về các độc tố môi trường…);
- Các công bố trên tạp chí có thực sự uy tín hay không?, thông thường những tạp chí qua bộ lọc ISI và Scopus là khá uy tín vì đến nay chưa có thước đo nào đánh giá chất lượng tạp chí, bài báo bằng 2 cơ sở dữ liệu này. Nhưng cũng cần lưu ý, không phải tất cả các tạp chí thuộc danh mục ISI là đều nằm trong cơ sở dữ liệu Scopus; ước tính chỉ có khoảng xấp xỉ 70% tạp chí thuộc danh mục ISI là có trong cơ sở dữ liệu Scopus;
- Đánh giá về h-index của ứng viên, số lần citation của các bài báo (trong danh mục ISI/Scopus).
Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ trên, Hội đồng giáo sư phải công tâm, phải là các nhà khoa học đầu ngành, am hiểu những xu thế thay đổi (và cả những bất cập nữa) trong thời đại ngày nay.
Trên thế giới, hiện tượng “mua bài báo khoa học” hay là “chợ khoa học- researchmarket” đã diễn ra từ rất lâu rồi ở một số nước đang nỗ lực vươn lên vị trí đứng đầu về KH&CN như Trung Quốc, Iran, Ấn độ, Hàn Quốc, Nga…
Ở nước ta hiện tượng này cũng bắt đầu xuất hiện trong khoảng 10 năm gần đây; thậm chí là còn được ‘rao’ trên các trang mạng xã hội như facebook, fanpage…
Do vậy, vai trò của Hội đồng là ngăn chặn các nhà khoa học “dỏm”, họ là những người sẵn sàng mua bài để chen chân và leo cao vào con đường học thuật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cộng đồng khoa học chân chính nước nhà.
|
|
Hội đồng giáo sư phải công tâm, phải là các nhà khoa học đầu ngành, am hiểu những xu thế thay đổi (và cả những bất cập nữa) trong thời đại ngày nay. |
Sẽ loại bỏ được “tương đối” một số ứng viên háo danh và hãnh tiến
Phóng viên: Thưa giáo sư, nhiều tạp chí khoa học quốc tế mặc dù trong Scopus hoặc ISI nhưng lại có uy tín thấp, thậm chí là “dỏm”, đăng bài dễ dàng như vậy nên nhiều người “đua nhau” đăng bài. Chính vì điều này sẽ làm xấu hình ảnh của cộng đồng khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo sư có khuyến cáo gì? Biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?
GS.TS Trần Đức Viên: Rất chính xác! Về vấn đề này tôi đã đề cập ở trên rồi, một số tạp chí thuộc danh mục Scopus (các tạp chí mới được gia nhập), hay ISI, thường là tạp chí mới nổi (ESCI).
Các tạp chí này đang hướng tới gia nhập SCIE, có IF, và được ISI xếp hạng. Không hẳn tất cả các tạp chí mới gia nhập Scopus hay ESCI đều là chất lượng kém; vì thế, ở đây chúng ta cần phải am hiểu và tham khảo rộng rãi từ cộng đồng khoa học, kể cả các nhà khoa học có uy tín quốc tế trong và ngoài nước đánh giá; ví dụ như cách các nhà khoa học “tử tế” ở nước ngoài đã kỳ công xây dựng hẳn một hệ thống các tạp chí khoa học, nhà xuất bản “ăn thịt” để cảnh báo các nhà khoa học chân chính cần tránh.
Ở nước ta, đã có bao nhiêu thành viên Hội đồng giáo sư các cấp tham khảo hệ thống cảnh báo này?
Để khắc phục tình trạng này nên thực hiện một số nội dung sau:
Khuyến cáo các nhà khoa học nên cân nhắc ký trước khi quyết định công bố trên các tạp chí bị nghi ngờ là tạp chí “ăn thịt” cho dù các tạp chí này có thuộc danh mục Scopus và ISI;
Các ứng viên phải công bố các bài báo trên tạp chí thuộc danh mục SCIE, (có IF và được ISI xếp hạng Q1-Q4). Gần đây, quỹ Nafosted đã ban hành danh mục tạp chí Quốc tế uy tín, và Tạp chí ISI uy tín (2019), trong danh sách đã loại bỏ tất cả tạp chí Q4 do ISI xếp hạng và không đề cập đến tạp chí thuộc danh mục Scopus.
Nếu Hội đồng giáo sư sử dụng danh mục tạp chí này là điều kiện cho các ứng viên chức danh giáo sư hoặc cho cả chức danh phó giáo sư thì chắc chắn sẽ loại bỏ được “tương đối” một số ứng viên háo danh và hãnh tiến.
Vì vậy, mấu chốt vẫn là không ngừng nâng cao năng lực và phẩm chất của tất cả các vị thành viên Hội đồng giáo sư các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước vì thường thì thày nào trò ấy.
Xin trân trọng cám ơn giáo sư!
Hồng Hạnh (thực hiện)
https://dantri.com.vn