Tròn một nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tham gia đầy đủ và hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội. Với tư cách là người đại biểu của nhân dân, với cái tâm và cái tầm của mình, vị nữ đại biểu Quốc hội đã nói lên một cách trọn vẹn tiếng nói của người dân trên nghị trường. Nhân kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, xin trân trọng giới thiệu Phần 2 - Tiếng nói của nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan về các Dự án Luật của Quốc hội khóa XIV.   

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan trao đổi về Luật cư trú sửa đổi tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan trao đổi về Luật cư trú sửa đổi tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV
 

Một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội là thảo luận, cho ý kiến hoặc thông qua Dự thảo các Dự án Luật. Trong nhiệm kỳ Quốc hội thứ XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan đã góp ý kiến bằng văn bản vào hầu hết các Dự thảo Dự án Luật trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình, trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước đối với công dân, bàn về Dự án Luật Cư trú sửa đổi, nữ đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật có nhiều nội dung đổi mới, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú, đảm bảo phù hợp chủ trương cải cách hành chính hội nhập và giao lưu quốc tế, thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân có liên quan đến công tác quản lý dân cư. Đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá cao việc thay thế quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại và có ứng dụng công nghệ thông tin; việc áp dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, điều chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia và chạy trên mạng internet sẽ mang lại những lợi ích, sự tiện lợi cho người dân. Đặc biệt, nữ đại biểu nhấn mạnh: khi Dự thảo Luật góp phần giảm nhiều thủ tục hành chính về quy trình, trình tự, thủ tục đăng ký cư trú, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ đến 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan… thì “đây là một cuộc cách mạng nhỏ trong việc đổi mới quản lý về cư trú, tạo thuận lợi đáng kể cho người dân và cũng phù hợp với xu thế chuyển đổi số, thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Đối với lĩnh vực xã hội rộng lớn khác, trong buổi thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan cho rằng, cùng với việc bảo đảm kinh tế, xã hội, yêu cầu bảo vệ môi trường phải ở vị trí trung tâm của các quy định phát triển, là điểu kiện nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Và theo nữ đại biểu thì: “cần phải có cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tạo nền tảng cho việc hình thành các mô hình tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát triển, ít khí carbon”. Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Lan thể hiện quan điểm rất rõ ràng là phải: “áp dụng đầy đủ nguyên tắc: người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền; người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải chi trả phù hợp với kinh tế thị trường. Huy động nguồn lực tổng thể toàn xã hội cho công tác bảo vệ môi trường”. Sâu sắc hơn, liên quan đến nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải, nữ đại biểu nói: “Nội dung này có điểm quy định tốt song vẫn băn khoăn về lộ trình áp dụng thế nào, làm thế nào để phù hợp với thực tiễn, và tổ chức thu gọn, vận chuyển, cơ chế hỗ trợ cơ sở kinh doanh xử lý chất thải thế nào cho hiệu quả và khuyến khích được tất cả người dân, cộng đồng tham gia”.

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan trao đổi một số ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan trao đổi một số ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Không chỉ có ý kiến về các nội dung có tính chất kỹ thuật, đại biểu Nguyễn Thị Lan còn góp ý kiến sâu sắc về các vấn đề trên khía cạnh xã hội nhân văn thuần túy. Cụ thể khi nêu ý kiến về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nữ đại biểu cho rằng: “Theo quy định của luật pháp thì hiện nay tại Việt Nam có hòa giải ngoài tố tụng được Luật Hòa giải ở cơ sở điều chỉnh, hòa giải trong tố tụng được Bộ luật Tố tụng dân sự điều chỉnh, vậy khi Quốc hội thông qua Luật này với quy định về hòa giải cho thấy quan điểm rõ ràng của Đảng và Nhà nước Việt Nam là coi trọng nền tảng xã hội dân sự, coi trọng tập quán, truyền thống văn hóa của người Việt Nam đó là “trọng tình” hơn là “trọng lý”, “duy tình” hơn là “duy lý””. Đồng thời, với những hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt, đại biểu Nguyễn Thị Lan đặt vấn đề: “Với lẽ sống “một trăm cái lý chẳng bằng một tí cái tình” của người Việt, nên khi có xung đột thường chọn cách giải quyết “chín bỏ làm mười” mà không chọn cách “đáo tụng đình”, cũng là để tránh “một đời kiện bằng chín đời thù”, giữ hòa khí lâu dài về sau”. Như vậy, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với tinh thần coi trọng hòa giải của các bên cho thấy sự khuyến khích cách giải quyết “phù hợp với văn hóa và tâm lý người Việt; lấy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt làm cốt lõi, làm cơ sở giải quyết xung đột trong dân”. Nữ đại biểu nhấn mạnh.

Với tâm thế của người lãnh đạo cao nhất là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một cơ sở đào tạo giàu truyền thống, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan đặc biệt quan tâm cho ý kiến về các văn bản Luật liên quan. Điển hình, khi bàn về Dự thảo Luật Thanh niên, từ thực tế hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tại đơn vị công tác, nữ đại biểu cho rằng: Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ chính sách của Nhà nước đối với các tổ chức thanh niên (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam). Đồng thời đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: “Dự thảo Luật cần khẳng định Nhà nước phải đảm bảo nguồn lực kinh phí để các tổ chức thanh niên thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ và nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giao. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải đảm bảo nguồn lực kinh phí để các tổ chức của thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chương trình khác”. Đối với các trường đại học, nữ đại biểu khẳng định: “Để các tổ chức thanh niên hoạt động hiệu quả, ngoài việc bố trí kinh phí để tổ chức Đoàn, Hội thực hiện nhiệm vụ theo Điều lệ và nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền giao, lãnh đạo Nhà trường cần mạnh dạn giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên thực hiện các dự án, chương trình tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như chương trình thanh niên xây dựng nông thôn mới”.

Liên quan đến khía cạnh hoạt động khác trong cơ sở đại học, khi bàn về Dự thảo Luật Thư viện năm 2019, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan cho rằng: Luật mới được Quốc hội thông qua đã khắc phục được nhiều hạn chế của pháp lệnh cũ, nhất là đã thể hiện rõ nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm. Theo đó, người sử dụng là đối tượng được hướng tới trong mọi hoạt động của thư viện. Luật Thư viện đã có những điều khoản quy định rõ việc người dân có quyền tiếp cận thông tin, tri thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Luật cũng tập trung vào những nội dung phát triển văn hóa đọc và hiện đại hóa, cập nhật hóa hệ thống thư viện, vấn đề liên thông thư viện để dần dần ngành thư viện của Việt Nam có thể tiệm cận với các nước phát triển. Với nhãn quan của người lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, nữ đại biểu nhấn mạnh: Để có thể thúc đẩy được sự phát triển của ngành thư viện, việc tăng cường xã hội hoá là xu thế tất yếu. Việc tạo ra hành lang pháp lý phù hợp cho ngành thư viện sẽ có những tác động tích cực giúp các trường đại học, nhất là các trường đại học tự chủ có thể tìm kiếm thêm nhiều cơ hội cho việc phát triển thư viện, phục vụ người học tốt hơn nữa. Nhìn xa hơn, nữ đại biểu cho rằng: “Luật Thư viện sẽ có những tác động rất lớn đến văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam”, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đang xâm nhập mạnh mẽ vào tất cả các mặt của cuộc sống, đối với ngành thư viện.

Là nhà giáo, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những mối quan tâm lớn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan là hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực quan trọng này. Khi góp ý về Dự thảo Luật Đê điều sửa đổi, nữ đại biểu đồng tình với việc bổ sung hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo an toàn đối với các tuyến đê cấp I, cấp II, cấp III, cấp. Đồng thời, với hiểu biết thực tế việc cấp phép cho hoạt động lĩnh vực này còn nhiều bất cập, đại biểu Nguyễn Thị Lan tán thành quy định về các hoạt động phải được UBND cấp tỉnh cấp phép. Mặt khác, để đảm bảo thống nhất, khắc phục được những bất cập trong thực tiễn gần đây, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nữ đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: “Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép quy định tại Điều 25 Luật Đê điều”. Liên quan đến đặc thù của sản xuất nông nghiệp là chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi điều kiện tự nhiên, trong đó biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, khi góp ý Luật Phòng, chống thiên tai đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị: “Bổ sung một điều về khoa học công nghệ để tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ chuyên ngành, đóng góp nâng cao năng lực công tác phòng chống thiên tai”. Ngoài ra, nữ đại biểu nhấn mạnh: "Nên bổ sung thêm quy định về thu hút nhân tài, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phòng chống thiên tai. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để nâng hiệu quả kinh tế là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn của công tác phòng chống thiên tai". 

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Lan góp ý về dự thảo Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
 Đại biểu Nguyễn Thị Lan góp ý về dự thảo Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
 

Thuộc một trong các lĩnh vực chuyên môn chuyên sâu, đại biểu Nguyễn Thị Lan có nhiều đóng góp giá trị đối với Dự thảo Luật Chăn nuôi, nữ đại biểu cho rằng: “Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 đảm bảo tính kế thừa nhưng có rất nhiều điểm đột phá để đáp ứng đòi hỏi của ngành chăn nuôi trong bối cảnh và thách thức mới sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành chăn nuôi”. Tuy nhiên, nữ đại biểu đặt vấn đề: “Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới cần phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam cũng như quốc tế, phù hợp với các quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là phù hợp với Luật Chăn nuôi cũng như các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi và chiến lược phát triển kinh tế của đất nước nói chung”. Đồng thời đại biểu Nguyễn Thị Lan khẳng định tính cấp thiết và không thể chậm trễ của việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi trong bối cảnh hiện nay. Sâu sắc hơn, nữ đại biểu "đánh giá cao định hướng phát triển chăn nuôi trong Dự thảo. Định hướng tập trung vào 3 trụ cốt chính: Kinh tế, môi trường, an ninh, đảm bảo cơ cấu ngành hàng áp dụng công nghệ mới, hướng tới thị trường xuất khẩu. Áp dụng triệt để mô hình kinh tế tuần hoàn để đảm bảo môi trường bền vững và tăng giá trị phát triển kinh tế". Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng nhấn mạnh: “Trong các giải pháp thực hiện chiến lược, nếu bổ sung và làm tốt vấn đề quy hoạch tổng thể thì hiệu quả chăn nuôi sẽ cao và phát triển bền vững hơn. Vì vậy theo tôi, chúng ta cần quan tâm chú trọng đến vấn đề quy hoạch tổng thể trong chăn nuôi".

Như vậy, trong nhiệm kỳ Quốc hội thứ XIV, nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn thị Lan đã nói tiếng nói của người dân, của nhà giáo, nhà khoa học về các Dự thảo Dự án Luật với tư cách người đại biểu nhân dân, dưới góc nhìn của một người quản lý, nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp về các nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên môn rộng lớn và sâu sắc. Hi vọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới đây, nữ đại biểu Nguyễn Thị Lan tiếp tục được tín nhiệm là đại biểu Quốc hội để có nhiều đóng góp hơn nữa trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. 

Ban CTCT&CTSV