Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của cả nước, có tốc độ đô thị hóa cao (nhất là các huyện ven đô (như Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh) tạo điều kiện và cơ hội cho nhiều hoạt động kinh tế phát triển mạnh. Tuy nhiên, nhiều biến động về đất đai, dân số ở những vùng ven đô dẫn đến cấu trúc nông thôn truyền thống bị phá vỡ đột ngột, hạ tầng quá tải gây nên những ảnh hưởng về môi trường; nhà ở, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật chưa kịp đáp ứng nhu cầu; quy hoạch đô thị phát triển nóng, xây dựng không đồng bộ với hạ tầng giao thông, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều.
Phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) và khu vực ven đô bền vững là xu hướng phát triển tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp trong tương lai. Nông nghiệp đô thị cần được hỗ trợ và phát triển – Đó cũng là điều kiện cần và đủ cho phép chúng ta thiết lập được mối quan hệ với thiên nhiên, góp phần giảm các thiên tai về môi trường, vừa bảo vệ năng lượng và nguồn nước, giúp môi trường đô thị bền vững.
Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến chính sách phát triển nông nghiệp đô thị ở Hà Nội
1. Vị trí địa lý
Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh lớn về địa giới vào năm 1961, 1978, 1991, 2008. Hà Nội có vị trí địa lý quan trọng, là Thành phố Trung tâm của ba vùng quy hoạch lớn: (i) Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, (ii) Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), (iii) và vùng Thủ đô Hà Nội. Hà Nội là trung tâm hàng đầu về KH-CN, đào tạo, tài chính – ngân hàng, thương mại, bưu chính – viễn thông. Mặt khác cũng chịu sức ép của đô thị hoá mạnh mẽ (thiếu lao động tay nghề cao, ô nhiễm môi trường).
|
|
Bảng 1. Quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở TP Hà Nội năm 2020
Nguồn: UBND TP Hà Nội (2013) |
2. Địa hình
Hà Nội có địa hình đa dạng (vùng đồi gò; vùng núi; vùng đồng bằng) thuận lợi cho đa dạng hóa cây trồng và phát triển nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có dạng địa hình đê sông và bãi bồi thuận lợi để phát triển được nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái.
3. Đất đai và sự đa dạng hoá cây trồng
Sau khi mở rộng, Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất vùng ĐBSH. Hà Nội có quỹ đất khá đa dạng, được hình thành từ 7 nhóm đất với 21 loại đất khác nhau, trong đó: Đất phù sa chiếm 36,13%, đất đỏ vàng chiếm 14,44%, đất xám bạc màu chiếm 5,65% diện tích tự nhiên. Đất sản xuất nông nghiệp phân bố phần lớn ở các huyện ven đô ngoại thành. Trong nội thành, đất sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở các quận như Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ. Hà Nội có nhiều cây trồng đặc sản có giá trị như bưởi Diễn, hồng xiêm Xuân Đỉnh, khế Bắc Biên, ổi Đông Dư, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên.
4. Khí hậu, nguồn nước
Hà Nội có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa hè nóng, mưa nhiều, mùa đông lạnh, mưa ít. Hà Nội có mạng lưới sông ngòi khá dày, là nguồn cung cấp phù sa bồi đắp cho đồng ruộng và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (sông Hồng, sông Đáy, sông Tích…).
5. Quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở TP Hà Nội năm 2020
Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 09/7/2012 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 đã nêu rõ “Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, góp phần tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, hài hòa và bền vững với môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”.
Thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị TP Hà Nội
Hiện nay, Hà Nội đã có hơn 92% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 huyện nông thôn mới. Ngoài ra, TP đang có 7 huyện phấn đấu hoàn thành nông thôn mới năm 2020, đây là kết quả rất cao so với các tỉnh, TP khác trên cả nước. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các huyện, thị xã và TP Hà Nội.
- Rau an toàn: Trên địa bàn TP Hà Nội có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung đã thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng RAT tập trung với diện tích 2.080,9 ha; có 16 dự án được đầu tư và đưa vào sử dụng (trong đó: 10 dự án nguồn vốn của TP, 06 dự án QSEAP nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á);
- Mô hình trồng hoa, cây cảnh: Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh. Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội trên 5.300 ha, tập trung ở một số quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng…;
- Mô hình trang trại (theo hướng phát triển gắn với sinh thái): TP Hà Nội hiện có hơn 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao. Số lượng trang trại tăng khá nhanh. TP Hà Nội có 76 xã chăn nuôi trọng điểm. Tuy vậy, quy mô trang trại nhìn chung còn nhỏ, số lao động, số đầu vật nuôi còn ít;
- Mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch: Hiện nay, TP có 8 trang trại, hợp tác xã phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch có quy mô lớn và một số hợp tác xã, trang trại đã manh nha phát triển theo hướng này. Tuy nhiên, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cần quỹ đất lớn và những mô hình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao…
- Mô hình nông nghiệp gắn với công nghệ cao: TP Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó, gồm: 109 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 40 mô hình chăn nuôi; 15 mô hình thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC chiếm khoảng 32% giá trị nông nghiệp toàn TP. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp CNC phải thực hiện GPMB như các dự án đô thị, giao thông khác hoặc thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ.
Định hướng chính sách và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị ở TP Hà Nội
1. Định hướng chính sách phát triển nông nghiệp đô thị TP Hà Nội
Phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hà Nội theo hướng nông nghiệp đô thị – sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh; phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hà Nội theo hướng nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung; phát triển nông nghiệp đô thị hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tươi sống, có giá trị cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân Thủ đô; phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy xã hội hóa lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân của TP Hà Nội.
|
|
Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 152,242.0 ha. Vì vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp phải tăng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, an toàn. |
2. Vành đai nông nghiệp đô thị cho TP Hà Nội
Nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh và địa điểm vui chơi cho người dân Thủ đô. Phát triển 3 vành đai nông nghiệp xác định theo khoảng cách như sau: Vành đai nông nghiệp nội đô có bán kính dưới 10 km; vành đai nông nghiệp ven đô có bán kính từ 10 – 20 km; vành đai nông nghiệp xa đô thị có bán kính từ 20 – 50 km.
3. Khuyến nghị chính sách phát triển nông nghiệp đô thị
NNĐT đã và đang góp phần rất lớn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của các quốc gia trong quá trình đô thị hóa. NNĐT sẽ tiếp tục là giải pháp và là hướng đi chiến lược cho sự phát triển nhanh, bền vững của thủ đô Hà Nội.
- Vùng nội đô (ở các quận nội thành cũ và các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông): Giải pháp nông nghiệp đô thị đã được người dân thực hiện nhằm tối ưu hóa không gian xen kẹt giữa các dự án, giữa không gian kết nối các khu dân cư nên được khuyến khích trồng cây xanh thành dải công viên, hoa, cây cảnh hoặc cải thiện không gian bằng vườn cây trên mái các tòa nhà;
- Vùng ven đô – vùng đệm (các huyện vùng ven đô có tốc độ đô thị hoá cao như: Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai…): Giải pháp nông nghiệp đô thị cho vùng này là hình thành hành lang xanh: Rau an toàn, hoa cây cảnh, vườn trại sinh thái, làng sinh thái ven đô;
- Vùng xa đô thị (Ba Vì, Mỹ Đức, Sơn Tây, Ứng Hoà, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn…): Giải pháp nông nghiệp đô thị cho vùng này hình thành làng nông nghiệp đặc thù gắn với phát triển du lịch, hình thành các làng sinh thái, vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng chuyên canh cây trồng, trang trại sinh thái.
|
|
Bảng 2. Phân tích, đánh giá SWOT đối với phát triển nông nghiệp đô thị TP Hà Nội |
4. Một số giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị TP Hà Nội theo hướng bền vững
a. Giải pháp về quy hoạch
Phát triển nông nghiệp đô thị ở TP Hà Nội phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo ra một cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường.
Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sức cạnh tranh theo hướng NNĐT. Vùng đô thị phát triển hoa cây cảnh, rau an toàn.
b. Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ góp phần định hướng trước mắt cũng như lâu dài cho sản xuất nông nghiệp đô thị của TP Hà Nội; phù hợp với điều kiện không gian ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa; tương thích với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xây dựng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cây, con chủ lực với từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu…
c. Giải pháp về đất đai
Dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai; huy động đất đai xây dựng cơ sở hạ tầng, để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững cần phải chuyển một số diện tích sản xuất nông nghiệp sang các mục đích đó. Hạn chế sự thu hẹp của đất đai sản xuất nông nghiệp, vì có bảo đảm được quỹ đất nông nghiệp mới tận dụng lợi thế về quy mô trong xác định chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp đô thị ở TP Hà Nội mang tính căn cơ, lâu dài và thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững.
d. Giải pháp về vốn đầu tư, tín dụng
Tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi của Trung ương và TP; phát triển mạng lưới tín dụng ở nông thôn vùng ven TP phục vụ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; xây dựng chính sách tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị phù hợp quy mô thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vốn mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất.
e. Giải pháp về phát triển thị trường
Nông sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp đô thị của TP Hà Nội được xác định tiêu thụ thị trường TP là chủ yếu, một phần nông sản đặc sản cung cấp cho các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu. Hơn nữa, việc giải quyết tốt vấn đề thị trường sẽ trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu của cư dân đô thị về các sản phẩm cao cấp và sản phẩm văn hoá tinh thần ngày càng cao.
|
|
Phát triển nông nghiệp ven đô trong đô thị hóa |
Kết luận
NTĐT TP Hà Nội không những có vai trò vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của TP mà nó còn là hình mẫu cho phát triển NTĐT trong cả nước. Vì vậy, đầu tư phát triển NNĐT theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững trong quá trình đô thị hóa trong giai đoạn tới là một trong những trọng tâm, đóng góp phần xây dựng vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội.
PGS.TS. Trần Trọng Phương
Phó Trưởng Khoa Quản lý Đất đai – Học viện Nông nghiệp Việt Nam
GS.TS. Trần Đức Viên
Chủ tịch Hội đồng Học viện – Học viện Nông nghiệp Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2020)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- HĐND TP Hà Nội (2012). Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND của hội đồng nhân dân TP Hà Nội ngày 05/4/2012 về quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030
- Phạm Văn Khôi (2004), Phát triển nông nghiệp ngoại thành Hà Nội theo hướng nông nghiệp sinh thái, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
- Trịnh Kim Liên (2013). Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ngoại thành Hà Nội theo hướng giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội (2016). Báo cáo kết quả thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2016.
- UBND TP Hà Nội (2011). Quyết định 2801/QĐ-UBDND của UBND TP Hà Nội về việc phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
- UBND TP Hà Nội (2012), Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND, ngày 09/7/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030.
- UBND TP Hà Nội (2011), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội
- UBND TP Hà Nội (2013). Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) của TP Hà Nội.
- UBND TP Hà Nội (2019). Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 21/1/2019 về việc phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP Hà Nội giai đoạn 2019-2020.
- UBND TP Hà Nội (2020). Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 16/4/2020 về khuyến nông TP Hà Nội năm 2020.
- Vũ Thị Mai Hương (2012), Những điều kiện thuận lợi và khó khăn để phát triển nông nghiệp đô thị ở TP Hà Nội, Hội thảo khoa học, NXB ĐHSP Hà Nội, 2010.
- Tran Trong Phuong (2014), Research on Developing ecological Urban Agriculture in Hai Phong Province, Viet Nam, Proceedings of Workshop: Joint Symposium between Kyushu University and Viet Nam National University of Agriculture. “Effective Land,Water use in Agriculture and Protection of Rural Environment in Viet nam and Japan” (2014). Agrilcultural University Press. 11/2014, Ha Noi.