Các kỹ năng nghiên cứu là hợp phần quan trọng cho sự thành công của bất kỳ một dự án hoặc đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển nào. Những kỹ năng này càng quan trọng hơn đối với các nghiên cứu viên trẻ ở các nước đang phát triển do nguồn lực, cơ hội học tập và tiếp cận hạn chế hơn để họ đạt được các tiêu chuẩn học thuật/khoa học quốc tế. Nếu các kỹ năng được cải thiện sẽ giúp nâng cao tính hiệu quả và bền vững của những dự án phát triển, những đề tài nghiên cứu khoa học. Nhận thấy được vấn đề này, nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết và Phát triển thị trường (BM Phân tích định lượng), thuộc Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại học Tasmania (UTAS), Australia đã thiết kế và xây dựng chương trình tập huấn về các kỹ năng nghiên cứu cho các nghiên cứu viên trẻ trong các dự án phát triển nông nghiệp tại Việt Nam và Lào với sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR).
Các kỹ năng nghiên cứu sẽ được sẽ được tập huấn tập trung vào năm mô-đun:
1) Phát triển dự án: Làm sao để phát triển đề cương (dự án) nghiên cứu;
2️) Quản lí nhóm: Làm sao để làm việc với các thành viên nhóm dự án;
3️) Quản lí dự án: Làm sao để quản lí một dự án nghiên cứu;
4️) Truyền thông nghiên cứu: Báo cáo dự án và văn phong khoa học;
5️) Phát triển sự nghiệp nghiên cứu: Nên làm gì trong tương lai.
Chương trình tập huấn được thiết kế ban đầu là 7 ngày, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, nên đã được thực hiện thành hai hợp phần. Hợp phần 1, tập huấn các nội dung lý thuyết được tổ chức trong 3 ngày theo phương pháp trực tuyến (online), từ ngày 29/06 – 01/07/2020, với nội dung về khung lý thuyết phát triển đề cương nghiên cứu. Hợp phần 2 của chương trình tập huấn sau một thời gian dài bị hoãn lại do dịch bệnh Covid – 19 đã được tổ chức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam bao gồm cả thời gian đi tham quan thực tế các dự án ACIAR (19 – 20/11/2022).
Chương trình được tổ chức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số hoạt động thực địa trong và ngoài Học viện từ ngày 16 – 20/11/2022. Tham gia khóa đào tạo có khoảng 30 thành viên đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam và Lào. Bên phía Việt Nam bao gồm các cán bộ trẻ và tham gia các dự án ACIAR của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Đại học Nông Lâm Thái Nguyên (TUAF), Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI), Viện Khoa học Lâm nghiệp (VAFS), Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 (RIA1), Viện Chăn nuôi (NIAS), Trung tâm Chăn nuôi quốc tế (ILRI). Bên phía Lào gồm có 5 thành viên tham gia khoá tập huấn tới từ Trường Đại học Quốc gia Lào (NUOL) và Viện Nghiên cứu Nông Lâm quốc gia Lào.
TS. Ives Stephen William trình bày tại buổi tập huấn
Trong các ngày tập huấn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia từ Đại học Tasmania (Úc) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hệ thống lại kiến thức về Lý thuyết sự thay đổi (Theory of Change, ToC) đã được tập huấn online trong hợp phần 1. Cụ thể, để có thể hình thành đề xuất dự án dựa trên Lý thuyết ToC, bao gồm 5 bước được tiến hành từ việc hình thành xác định sự thay đổi mong muốn, cụ thể hoá Lý thuyết ToC, thống nhất chung về Lý thuyết ToC giữa các bên liên quan, xây dựng chuỗi logic dự án và tác động dự án.
Trong suốt quá trình tập huấn, cán bộ nghiên cứu trẻ được chia thành từng nhóm nhỏ để có thể thực hành các bước xây dựng dự án dựa trên Lý thuyết ToC đối với các dự án và nghiên cứu mà mình đang thực hiện. Từ đó, kiến thức tập huấn được áp dụng vào thực tế nhằm nâng cao hiệu quả trong ứng dụng sau này. Cũng trong thời gian tập huấn tại Học viện, nhóm học viên đã được đi tham quan và học hỏi từ các mô hình nghiên cứu từ các viện và trung tâm trực thuộc Học viện bao gồm: Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới, Viện Nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm, Trung tâm Sinh thái giáo dục V-Eco và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu Rau và Hoa quả (FAVRI). Đây không chỉ là cơ hội cho nhóm nghiên cứu trẻ tiếp cận với những mô hình nghiên cứu và ứng dụng mà còn được xem như cơ hội để nhóm mở rộng mạng lưới nghiên cứu của mình và là cơ sở hình thành lên những dự án, nghiên cứu mang tính đa ngành trong tương lai. Kết thúc đợt tập huấn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả của mình để nhận được sự góp ý từ các chuyên gia nhằm hoàn thiện hơn sản phẩm của mình.
Tiếp đó, trong 2 ngày thực tế tại huyện đảo Cát Bà, nhóm đã được tham quan Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc, trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản 1. Với quy mô gần 22 ha, mô hình ươm nuôi giống cá mú lai và hàu đại dương tại trung tâm đang không ngừng cung cấp con giống chất lượng cao cho các ngư trường trong và ngoài địa phương. Không chỉ đoàn nghiên cứu viên trẻ hào hứng với những nghiên cứu tại trung tâm, các chuyên gia tới từ Đại học Tasmania cũng bày tỏ sự bất ngờ khi lần đầu tiên được thấy việc sử dụng vỏ hàu làm giá thể ươm nuôi hàu giống. Các chuyên gia đánh giá đây là một trong những phương pháp thân thiện với môi trường hơn so với việc sự dụng giá thể nhựa được áp dụng tại Úc. Ngoài ra, trung tâm còn có những khu vực nuôi cá bố mẹ và cá đầu dòng tại ngoài khơi vịnh Lan Hạ với nhiều dòng cá như: Cá song chuột, cá chim vây vàng, cá giò,…
TS. Dương Nam Hà (VNUA) trình bày tại buổi tập huấn
Các nhóm trao đổi ý tưởng nghiên cứu tại buổi tập huấn
Các thành viên tham gia tập huấn chụp ảnh lưu niệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
TS. Cao Trường Giang trình bày tổng quan về hoạt động của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc và các dự án liên quan do ACIAR tài trợ
TS. Cao Trương Giang giới thiệu về mô hình ươm giống hàu tại Trung tâm
Đoàn thăm quan bè nuôi cá bố mẹ của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc tại ngoài khơi vịnh Lan Hạ
Đưa tin Đỗ Huy Hùng, Ninh Xuân Trung, Dương Nam Hà và Phạm Văn Hùng
Nhóm NCM Liên kết thị trường