Trong khuôn khổ Dự án HRD “Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thực phẩm thông qua hợp tác giữa Nhật Bản với các trường đại học khối ASEAN” do Bộ Nông – Lâm – Ngư Nhật Bản tài trợ và chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, với sự điều phối của Ban thư ký ASEAN, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn về Phân tích thực phẩm từ ngày 05/4/2022 đến ngày 08/04/2022. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, khóa học được tổ chức theo hình thức online qua nền tảng zoom kết hợp với đào tạo trực tiếp tại Học viện.
Sáng ngày 05/04/2022, khóa tập huấn chính thức được bắt đầu, với bài phát biểu khai mạc của bà Mayu Nishikawa, Giám đốc văn phòng Đánh giá Chính sách và Tiêu chuẩn, đại diện cho Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản về nhu cầu và tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng thực phẩm. Bà Kie Inoue, thư ký dự án, đại diện cho Ban thư ký ASEAN đã giới thiệu về sự hình thành của dự án HRD từ những năm 2014 và các khóa đào tạo đã được tổ chức tại 10 trường đại học khối ASEAN, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đại diện của Việt Nam tham gia dự án này. Tiếp theo chương trình, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đã đại diện cho Học viện Nông nghiệp Việt nam phát biểu chia sẻ về những giá trị, những kiến thức hữu ích mà cán bộ, giảng viên, sinh viên trong và ngoài Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhận được từ những chương trình tập huấn được thực hiện từ năm 2015 - 2021. Đặc biệt khóa học Phân tích thực phẩm đầu tiên đã được tổ chức thành công năm 2019 tại Học viện với sự tham gia của 85 học viên.
|
|
Chương trình khai mạc lớp tập huấn Phân tích thực phẩm 2022 |
|
|
Bà Kie Inoue, đại diện cho Ban thư ký ASEAN giới thiệu về dự án HRD |
Để đảm bảo sự an toàn trong công tác phòng dịch, khóa tập huấn phân tích thực phẩm năm 2022 được tổ chức theo hình thức kết hợp. Học phần lý thuyết được tổ chức học online trong thời gian từ 05/04/2022 đến hết buổi sáng ngày 07/04/2022, với sự tham gia của 113 học viên đến từ 20 cơ quan, chủ yếu là giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp của việt nam, nơi đang diễn ra các hoạt động đào tạo, sản xuất, phân tích, kiểm định, quản lý chất lượng thực phẩm. Trong thời gian này, các học viên được giới thiệu kiến thức, thông tin cập nhật do các diễn giả, giảng viên đến từ Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản, Trung tâm Đánh giá Thực phẩm và Nguyên liệu nông nghiệp, Hiệp hội Đo lường và Phân tích Sinh học Nhật Bản, Trường đại học Ritsumeikan, các chuyên gia đánh giá ISO/IEC 17025, các doanh nghiệp thực phẩm của Nhật Bản trình bày. Các chủ đề đó là:
1. Giới thiệu chung về Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản (Japanese Agriculture Standard – JAS).
2. Thực phẩm chức năng – Nấm và ornithine.
3. Phương pháp phân tích mẫu theo Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản.
4. Tiêu chuẩn trong Công nghiệp Thực phẩm – Khái niệm cơ bản và các xu hướng mới nhất.
5. Y học cổ truyền Nhật Bản và một số vị thuốc tự nhiên.
6. Tiêu chuẩn hệ thống quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025.
|
|
Ông Yoshinao Ito, Trung tâm Đánh giá Thực phẩm và Nguyên liệu Nông nghiệp - (FAMIC) giới thiệu về phương pháp kiểm tra mẫu theo Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản – JAS |
Trong thời gian 2 ngày rưỡi, tuy được tổ chức online nhưng khóa học đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc và chất lượng. Các chủ đề giảng dạy đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học viên. 14h chiều ngày 7/4/2022, Ban tổ chức đã bế mạc khóa học lý thuyết với sự tham gia của ông Hiroaki Kinoshita, điều phối viên Dự án HRD phía Nhật Bản, PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, điều phối viên dự án của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Th.S. Nguyễn Thị Thu Nga, giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, đại diện Ban tổ chức khóa học đã gửi lời cảm ơn đến Bộ Nông - Lâm - Ngư Nhật Bản, Ban thư ký ASEAN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ban giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực để khóa học được tổ chức thành công theo kế hoạch.
|
|
Ông Hiroaki Kinoshita, điều phối viên Dự án HRD phía Nhật Bản phát biểu bế mạc |
|
|
Lễ bế mạc khóa học lý thuyết về Phân tích thực phẩm 2022 |
Sau lễ bế mạc là sự tiếp nối phần chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho 20 học viên là giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên của các khoa Công nghệ thực phẩm, Nông học, Công nghệ sinh học, Phòng thí nghiệm Trung tâm khoa Chăn nuôi, Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Jamitech VNUA của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong buổi chiều ngày 7/4/2022, 20 học viên được chia thành 4 nhóm, thảo luận và thuyết trình với dự dẫn dắt của diễn giả về chủ đề đánh giá và tự đánh giá phòng thí nghiệm phù hợp với Tiêu chuẩn hệ thống quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025. Buổi hội thảo đã diễn ra sôi nổi, hào hứng, không những giúp học viên hiểu sâu hơn về các bài học lý thuyết, đồng thời là cơ hội để phân tích, đánh giá thực trạng của phòng thí nghiệm Việt Nam, làm cơ sở cho những bước cải tiến trong tương lai.
|
|
Hội thảo đánh giá và tự đánh giá phòng thí nghiệm phù hợp với Tiêu chuẩn hệ thống quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
Ngày 8/4/2022, khóa học đã được tổ chức tại Phòng thí nghiệm trung tâm đạt chuẩn ISO của Khoa Công nghệ thực phẩm. Công ty Thiết bị Khoa học Trung Sơn, đơn vị được đối tác Nhật Bản lựa chọn và ủy thác, đã hướng dẫn các nội dung thực hành về bảo dưỡng, bảo trì hệ thống HPLC, một trong số những thiết bị phân tích hiện đại, chuyên dụng dành cho phân tích thực phẩm. Các học viên đã được giải đáp các thắc mắc liên quan tới các sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận hành cũng như cách khắc phục và bảo trì để đảm bảo độ tin cậy và chính xác cho các kết quả phân tích trên hệ thống HPLC.
|
|
Chương trình thực hành bảo trì, bảo dưỡng hệ thống HPLC tại Phòng thí nghiệm trung tâm, Khoa Công nghệ Thực phẩm |
Với những kiến thức chuyên môn quý báu, hữu ích được chia sẻ, học viên tham gia khóa đào tạo sẽ được tăng cường các kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành trong phân tích thực phẩm nâng cao. Từ đó có những đóng góp thiết thực trong việc đánh giá, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam và trong khu vực. Khóa tập huấn thực sự đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ về nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm Nhật Bản và Việt Nam.
KHOA CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM