ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười đã có nhiều nội dung đổi mới, vừa là để hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú vừa bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính hội nhập và giao lưu quốc tế, thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân có liên quan đến công tác quản lý dân cư. Từ đó, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật...

leftcenterrightdel
Ảnh: Q. Khánh 

Dự thảo Luật đã thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý số hóa và có ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là đã áp dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, điều chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia và chạy trên internet. Tôi đánh giá rất cao việc đổi mới phương thức quản lý này vì nó sẽ mang lại những lợi ích, sự tiện lợi cho người dân, giúp người dân giảm được các thủ tục hành chính cũng như sau khi chứng thực giấy tờ, việc phải lưu giữ rất nhiều các giấy tờ, tài liệu dễ dẫn đến chuyện thất lạc, bất tiện cho người dân.

Dự thảo Luật đã giảm được nhiều thủ tục hành chính về quy trình, trình tự, thủ tục đăng ký cư trú, đã bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký quản lý thường trú, tạm trú của công dân và rút ngắn được thời gian giải quyết đăng ký vì chỉ có tối đa là 7 ngày thay vì như trước đây là phải mất 15 ngày. Đây cũng là một cuộc cách mạng nhỏ trong việc đổi mới quản lý về cư trú, tạo thuận lợi đáng kể cho người dân và cũng phù hợp với xu thế chuyển đổi số, thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới, nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung và để phục vụ cho thực tiễn được tốt hơn. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, có 2 vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Vấn đề thứ nhất, Điểm b, Khoản 3, Điều 20 về điều kiện đăng ký thường trú. Tôi tán thành Báo cáo giải trình của Chính phủ, theo phương án 1 với quy định cụ thể là bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Theo đó, một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định như trên với 2 lý do.

Một là, diện tích nhà ở tối thiểu là 8m2 sàn/người là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 đã được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mức tối thiểu là 8m2 sàn/người và cũng nhằm đảm bảo được điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hai là, với cách tiếp cận phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước thì việc Quốc hội trao quyền cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương để quy định về điều kiện và diện tích nhà ở tối thiểu trong đăng ký thường trú cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương cũng là hợp lý.

Vấn đề thứ hai, quy định tại Khoản 3, Điều 38 về điều khoản thi hành. Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1 quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn có giá trị và được sử dụng cho đến hết ngày 31.12.2022 và phương án 2 quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch kể từ khi luật có hiệu lực thi hành, tức là ngày 1.7.2021. Đa số đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến vừa qua ủng hộ phương án 1. Tuy nhiên, tôi thấy băn khoăn cả 2 phương án.

Nếu theo phương án 1 thì đến ngày 31.12.2022 mới áp dụng đổi mới toàn bộ phương thức quản lý mới, tôi e là quá muộn và chúng ta sẽ không theo kịp được sự hội nhập quốc tế, sự chuyển đổi số, sự nhập cuộc với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cũng không theo kịp được sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các chủ trương, nghị quyết, chiến lược phát triển của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ.

Nếu làm được theo phương án 2 thì rất tốt, có thể xem đây là một sự đột phá, là một bước tiến mới trong quản lý cư trú và cũng phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thách thức đặt ra thì rất lớn đối với Bộ Công an, đối với Chính phủ, đối với các địa phương và đối với cả công dân. Phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất tốt để có thể chuyển đổi phương thức quản lý về cư trú. Đó là khối lượng công việc rất lớn.

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Công an rà soát lại về nguồn nhân lực, vật lực để xác định thời điểm áp dụng cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi cao nhất của luật. Phải nỗ lực và quyết tâm cao để có thể đổi mới, tạo đột phá và sớm áp dụng phương thức quản lý cư trú mới để theo kịp được sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển của công nghệ, sự hội nhập quốc tế và để đáp ứng bối cảnh mới, thách thức mới, đòi hỏi mới của thực tiễn quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân.

 
PV ghi (https://www.daibieunhandan.vn/)