Với mục đích tìm giải pháp cho việc quản lý trong chăn nuôi để tối đa hoá năng suất, hiệu quả kỹ thuật, lợi nhuận và phát triển chăn nuôi bền vững. Ngày 15/06/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Thức ăn và Sản phẩm chăn nuôi an toàn, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Seminar với chuyên đề “Số hoá và quản trị đàn heo hiệu quả” do ông Nguyễn Lương Luận – Công ty CP Công nghệ và Dịch vụ PenSoft trình bày tại phòng Project Khoa Chăn nuôi.

Tham dự buổi seminar có PGS.TS. Phạm Kim Đăng – Trưởng khoa Chăn nuôi, trưởng nhóm nghiên cứu, các thầy, cô trong các nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa và nhiều sinh viên quan tâm tham gia.

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Phạm Kim Đăng đề cập đến vấn đề hiện nay trong ngành chăn nuôi chúng ta, chăn nuôi quy mô công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, việc quản lý các vấn đề trong quy trình chăn nuôi và vận hành quy mô trang trại cần số hoá để hỗ trợ các nhà quản lý có cái nhìn tổng quát để phát triển doanh nghiệp của mình. Do đó, nhóm nghiên cứu mạnh đã tổ chức buổi seminar này để cùng tìm hiểu vấn đề số hoá và quản trị đàn heo hiệu quả trong phát triển chăn nuôi bền vững.

Ông Nguyễn Lương Luận trình bày những bước trong quản lý gồm: Quản lý bản thân, quản lý công việc, quản lý con người, quản lý hệ thống, quản lý mục tiêu. Trong doanh nghiệp, mỗi vấn đề sẽ do một bộ phận chịu trách nhiệm quản lý riêng, ví dụ: quản lý nhập liệu (admin), quản lý thống kê tài sản (kế toán), quản lý quy trình công việc (kỹ thuật), quản lý hệ thống kế hoạch (ban điều hành), quản lý mục tiêu (ban giám đốc). Để các vấn đề quản lý này trở nên dễ dàng và hiệu quả, ông Nguyễn Lương Luận đã giới thiệu phần mềm quản lý Pigpen.

Sau bài chia sẻ của ông Nguyễn Lương Luận, các giảng viên trong Khoa đánh giá cao và cho rằng đây là một bài chia sẻ mang tính ứng dụng rất cao và khi áp dụng sẽ đem lại hiệu quả cho các nhà chăn nuôi công nghiệp như hiện nay. GS. Nguyễn Xuân Trạch có ý kiến: Tiến tới cần thêm các chỉ tiêu quản lý chất thải cho doanh nghiệp để hướng tới phát triển môi trường xanh theo định hướng của Nhà nước. Nên đưa quy luật tối đa hoá lợi nhuận để giúp cho người quản lý trang trại đưa ra quyết định tối ưu nhất trong quản lý. Ngoài ra, PGS.TS. Phạm Kim Đăng nên đưa thêm các tiêu chuẩn với từng chỉ tiêu để những nhà quản lý không có chuyên môn về kỹ thuật chăn nuôi khi đọc báo cáo cũng có thể hiểu kết quả này là tốt hay xấu.

Kết thúc chương trình, PGS.TS. Phạm Kim Đăng đã gửi lời cảm ơn đến các giảng viên trong và ngoài khoa và các bạn sinh viên đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận có ý nghĩa góp phần thành công buổi seminar của nhóm nghiên cứu. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều buổi chia sẻ về các chủ đề khác nhau và có tính ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.

Một số hình ảnh trong buổi seminar:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Nhóm NCM Thức ăn và Sản phẩm chăn nuôi an toàn