Chiều ngày 28/11/2022, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức buổi seminar với chủ đề “Tổng quan về thuế tài sản đối với nhà đất do TS. Phạm Thanh Lan – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường trình bày. Buổi seminar do TS. Đỗ Trường Lâm là chủ tọa với sự tham gia của TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT cùng các cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.

leftcenterrightdel
 TS. Phạm Thanh Lan trình bày seminar về thuế tài sản đối với nhà đất - Ảnh Đoàn Bích Hạnh VNUA

Thuế tài sản đối với nhà đất là nguồn thu chính cho ngân sách của các địa phương và là một loại thuế được đánh giá cao bởi tính hiệu quả và công bằng. Hiện nay ở Việt Nam chưa áp dụng thuế sử dụng nhà. Các loại thuế sử dụng đất đóng góp một tỉ lệ rất nhỏ trong doanh thu thuế của chính phủ. Bộ Tài chính đã hai lần đưa ra dự thảo Luật Thuế nhà, đất và Luật Thuế tài sản vào năm 2009 và 2018 nhưng đều chưa được Chính phủ và Quốc hội xem xét, thảo luận. Việc tìm hiểu lý luận và thực tiễn áp dụng thuế tài sản của các quốc gia trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là cần thiết.

Trong buổi seminar, TS. Phạm Thanh Lan đã trình bày khái niệm, phân loại, chức năng, các thành phần chính của chính sách thuế tài sản đối với nhà đất; khái quát về các chính sách thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam, các khó khăn khi thực hiện; và đưa ra bốn nhóm đề xuất cho việc xây dựng và thực thi chính sách thuế tài sản đối với nhà đất ở Việt Nam.

Thuế tài sản hiện được áp dụng tại 174 quốc gia trên thế giới với những tên gọi khác nhau như thuế tài sản, thuế bất động sản, thuế đất, thuế nhà và đất… Thuế tài sản đối với nhà đất có các chức năng chính: là nguồn thu quan trọng của ngân sách, đặc biệt là ở các nước phát triển và ngân sách ở các địa phương; có tính hiệu quả hơn so với thuế thu nhập và thuế hàng hoá khi người nộp thuế khó thay đổi hành vi để giảm số thuế phải nộp; thực hiện chức năng phân phối lại khi gánh nặng của thuế chủ yếu do người có thu nhập trung bình và cao phải chịu; có tác dụng điều tiết thị trường bất động sản, giảm đầu cơ, ổn định giá, giảm lãng phí. Trên thế giới, thuế suất đối bất động sản giao động từ 0,5 đến 1,0%, với thuế suất cao ở Hoa Kỳ và các nước Đông Á.

Ở Việt Nam hiện nay, chính sách thuế đối với nhà đất bao gồm ba nhóm: thuế sử dụng đất nông nghiệp; (ii) thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; và (iii) thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng nhà đất của doanh nghiệp và của cá nhân. Tuy nhiên, số thuế sử dụng đất thu được chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước, từ 1,33-1,37% trong giai đoạn 2018-2020, chưa tương xứng với khả năng có thể đem lại từ nhóm tài sản này. Giá tính thuế nhà đất do UBND tỉnh thành quy định và thường thấp hơn giá thị trường, làm giảm tính phân phối lại của thuế và giảm thu ngân sách. Ngoài ra, chính sách thuế đối với đất đai chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm và chưa có tác dụng hạn chế đầu cơ bất động sản.

Tại phần thảo luận, TS. Đỗ Trường Lâm đưa ra câu hỏi về phương pháp nào để xác định giá đất gần với giá thị trường. TS. Nguyễn Thị Minh Thu bày tỏ băn khoăn về việc tổ chức nào sẽ được giao trách nhiệm định giá đất và chi phí định giá sẽ cho đối tượng nào chi trả. TS Nguyễn Minh Đức bàn về mục tiêu chính của chính sách thuế đối với nhà đất là ưu tiên đảm bảo công bằng hay để điều tiết thị trường. TS. Lưu Văn Duy đã chia sẻ kinh nghiệm định giá đất của Nhật Bản do một cơ quan độc lập thực hiện và được Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch công bố hàng năm trên internet. Chủ tọa - TS. Đỗ Trường Lâm kết luận rằng chính sách thuế đối với nhà đất có vị trí quan trọng, tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị và xã hội và rất nhiều ngành nghề liên quan. Các ý kiến đóng góp và để xuất của các nhà nghiên cứu là kênh thông tin cần thiết để các nhà lập sách tham khảo và xây dựng những chính sách phù hợp, hiệu quả và công bằng.

Nhóm NCM Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường