Ngày 19/09/2023, tại phòng 405 của Khoa Kinh tế và PTNT, Nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường tổ chức buổi seminar với chủ đề: “Overview of agriculture and rural development in Vietnam” (Tổng quan về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam) do TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương trình bày.
Tham dự buổi seminar có PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng và TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa, cùng các giảng viên và sinh viên chương trình quốc tế của Khoa. Buổi seminar còn có sự tham dự của nhóm giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên của trường Đại học Saga Nhật Bản do PGS.TS. Tsuji Kazunari làm trưởng đoàn. Điều hành chương trình là PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng.
|
|
TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương trình bày tại seminar |
Bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương nhằm chia sẻ, giới thiệu sơ lược về đất nước Việt Nam, tình hình sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Với những điều kiện về vị trí địa lý độc đáo, khí hậu nhiệt đới gió mùa, lực lượng lao động dồi dào và sự năng động trong hội nhập kinh tế, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nhiều nông sản ra thế giới. Sau Đổi Mới năm 1986, đặc biệt là sau Nghị quyết khoán 10 năm 1988, Việt Nam đạt được thành tựu đáng kể trong cải cách nông nghiệp, nông thôn. Bộ mặt kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ rệt, đóng vai trò quan trọng, tích cực trong việc làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của cả nước. Đến năm 2022, ngành Nông nghiệp (bao gồm cả Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản) của Việt Nam chiếm 11,88% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 3,36%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53,22 tỷ USD, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 73%. Tuy nhiên, nông nghiệp nông thôn Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, từ đó cần đề ra các định hướng nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Trong đó, mục tiêu Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ Việt Nam là đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu có một nền nông nghiệp phát triển với ngành chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch đẹp.
Bài trình bày nhận được sự quan tâm và thảo luận của các đại biểu như GS.TS. Nguyễn Văn Song, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, đặc biệt là sự chia sẻ của PGS.TS. Tsuji Kazunari với kinh nghiệm quá trình phát triển nông nghiệp của đất nước Nhật Bản và so sánh với điều kiện tương đồng trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam là nước đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm từ phát triển nông nghiệp Nhật Bản.
Các đại biểu cũng kỳ vọng rằng các chủ đề này sẽ tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu thêm để làm cơ sở khoa học có giá trị góp phần khuyến nghị những chính sách và giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Buổi chia sẻ, thảo luận kết thúc vào 16h30 cùng ngày.
|
Một số hình ảnh trong buổi seminar |
Nhóm Nghiên cứu mạnh Kinh tế & Quản lý tài nguyên môi trường