Tội phạm nông thôn, đặc biệt là trộm nông thôn đang là vấn đề nổi lên ở các nước đang phát triển như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… Vấn đến này đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ở các nước đang phát triển hiện nay. Do đó, ngày 17 tháng 2 năm 2023, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã mời GS.TS. Ulrike Grote đến từ trường Đại học Leibniz Hannover, Cộng hòa Liên bang Đức trình bày nghiên cứu về “Các yếu tố ảnh hưởng đến và tác động của việc trở thành nạn nhân của tội phạm nông thôn: Bằng chứng từ Thái Lan và Việt Nam“ (Determinants and Impacts of Rural Crime Victimization: Evidence from Thailand and Vietnam). Nghiên cứu này nhằm trả lời 3 câu hỏi (i) Người dân nông thôn ở Thái Lan và Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tội phạm ở mức độ nào? (ii) Những yếu tố nào ảnh hưởng đến nạn trộm cắp ở khu vực nông thôn? và (iii) Những tác động của việc trở thành nạn nhân đối với phúc lợi hộ gia đình là gì?

leftcenterrightdel
 

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng bộ số liệu hơn 3500 hộ nông dân từ 2 nước Việt Nam và Thái Lan được điều tra lặp lại trong 2 năm 2016 và 2017. Nguồn số liệu được truy cập và sử dụng miễn phí từ trang www.TVSEP.de. Nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp random effects logit, firth logit, và multilevel logit model để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc trở thành nạn nhân của tội phạm nông thôn, và phương pháp mô hình hồi quy biến công cụ dựa trên phương sai của sai số thay đổi (heteroscedasticity-based instrumental variable method) để phân tích ảnh hưởng của việc trở thành nạn nhân đến phúc lợi của hộ nông dân như tiêu dùng các loại và sức khỏe của trẻ nhỏ của hộ.

Kết quả của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra: (i) Tỷ lệ các hộ nông dân bị trộm ở các nước đang phát triển ở Đông Nam Á khoảng trên 5% thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển ở Châu Phi; (ii) Sống ở khu vực nông thôn nơi có mức độ bất bình đẳng cao hơn có tương quan thuận với khả năng trở thành nạn nhân của hành vi trộm cắp; (iii) Các hộ gia đình có mức độ thương mại hóa trong trồng trọt càng cao có nguy cơ trở thành nạn nhân cao hơn; (iv) Các hộ gia đình có chăn nuôi nhiều và chuyên môn hóa cao trong chăn nuôi thì liên quan đến rủi ro này thấp hơn; (v) Những nạn nhân trong quá khứ và tiếp xúc với những cú sốc thời tiết có liên quan tích cực đến khả năng bị ảnh hưởng bởi tội phạm; và (vi) việc trở thành nạn nhân của hành vi trộm cắp có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc tiêu thụ thực phẩm và sức khỏe của trẻ em.

TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, chủ trì buổi seminar cho rằng đây là một chủ đề mới, rất thú vị và mang tính thời sự.  Sau đó, các thầy cô tham dự seminar đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề trong nghiên cứu này như: vấn đề văn hóa, dân tộc với tội phạm; vấn đề về vùng kinh tế với tội phạm, các điều kiện kinh tế với tội phạm, hay các chiến lược phòng chống tội phạm của các hộ nông dân ở nông thôn các nước đang phát triển.

Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường