Khi bàn về giáo dục, Ph. Ăngghen cùng với C. Mác là những người đầu tiên đã nghiên cứu giáo dục một cách khoa học, đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển nền giáo dục vô sản.

Ph. Ăngghen cho rằng, mỗi chế độ xã hội cần có một nền giáo dục tương ứng, mỗi trình độ phát triển của xã hội, của sản xuất thì cần có một chế độ giáo dục thích hợp. Bằng phương pháp duy vật lịch sử, Ph. Ăngghen đã phân tích một cách khoa học mối quan hệ biện chứng giữa xã hội, nền sản xuất và con người. Ông cho rằng, xã hội cần có và tạo điều kiện cho con người phát triển, đồng thời chính con người đến lượt mình, lại thúc đẩy xã hội phát triển, do đó, “Muốn thay đổi những điều kiện xã hội phải có một chế độ giáo dục thích hợp [1, tr.771] và “nền công nghiệp do toàn xã hội thực hiện một cách tập thể và có kế hoạch lại càng cần có những con người có năng lực phát triển toàn diện, đủ sức tinh thông toàn bộ hệ thống sản xuất [2, tr.474].

 

leftcenterrightdel
Ph. Ăngghen. Ảnh: Tư liệu 

Thứ nhất, giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân và góp phần quyết định sự vận động và phát triển của xã hội. Công tác giáo dục cần phải làm cho con người “có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn, làm cho họ có thể lần lượt chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất nọ tùy theo nhu cầu của xã hội hoặc tùy theo sở thích của bản thân họ. [2, tr.474]  

Thứ hai, mục đích của giáo dục, vấn đề này được Ph. Ăngghen đặc biệt quan tâm bởi nó có ý nghĩa quyết định đối với cả nền giáo dục. Theo đó, mục đích của nền giáo dục mà giai cấp công nhân hướng tới và thực hiện trong xã hội mới là phải phát triển toàn diện con người về mọi phương diện:  tri thức, chuyên môn, thể chất, sức khỏe, tư tưởng, đạo đức... những phẩm chất cơ bản cần thiết của con người mà xã hội XHCN cần xây dựng, phải “làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình” [2, tr 475]; phải “phát triển một cách tương xứng năng lực của con người sử dụng những phương tiện”[2, tr. 471].

Thứ ba, vấn đề nguyên lý, phương châm, phương pháp, hình thức và nội dung giáo dục được Ph. Ăngghen chỉ rõ rằng: Dạy học phải lấy người học làm trung tâm, dạy học phải phát huy tối đa tính sáng tạo và tích cực của người học; giáo dục phải kết hợp với tự giáo dục; giáo dục phải đảm bảo học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, “Kết hợp việc giáo dục với lao động trong công xưởng"[2, tr.471]; nội dung của giáo dục phải toàn diện bao gồm: đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục. Ph. Ăngghen đặc biệt quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đạo đức cách mạng và giáo dục lý luận chính trị cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Thứ tư, vấn đề vai trò của nhà nước, xã hội đối với giáo dục được Ph. Ăngghen luận giải một cách sâu sắc. Theo đó, nền giáo dục XHCN là một nền giáo dục “thống nhất cho tất cả mọi người, tiến hành cho đến lứa tuổi mà người ta có thể trở thành một thành viên độc lập của xã hội” [3, tr.730] là nền giáo dục thực hiện “giáo dục phổ thông do nhà nước cấp kinh phí cho tất cả trẻ em, không trừ một ngoại lệ nào” [3, tr.730]. Đó còn là nền giáo dục thực hiện “công bằng” trong giáo dục; tạo điều kiện để mọi người “phát triển toàn diện tài năng của mình” [4, tr. 585], đảm bảo “cung cấp một cách hậu hĩ học phí” cho những tài năng để “họ có thể hoàn thành việc học tập” và cất nhắc họ nhanh chóng về chức vụ"[4, 585] tạo điều kiện cho họ cống hiến và phát triển. Tư tưởng này tạo nền tảng lý luận cho sự hình thành và phát triển nền giáo dục vô sản tương lai.

Những di sản tư tưởng, lý luận giáo dục của Ph. Ăngghen là tài sản vô giá trong kho tàng lý luận khoa học của nhân loại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự đối với nước ta. Đó là cơ sở lý luận nền tảng quan trọng, là phương pháp luận căn bản cho Đảng ta đề ra đường lối, chính sách giáo dục, đào tạo và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đó là đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới.

Thấu triệt tư tưởng giáo dục của Ph. Ăngghen, trong tình hình mới Việt Nam đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: “nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế” [Luật giáo dục 2019]. Đồng thời, thực hiện chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; Phát triển giáo dục và đào tạo gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội nước ta và xu hướng phát triển của thế giới.

 

leftcenterrightdel

Giáo dục toàn diện để phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ luôn là tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta (Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt đoàn đại biểu cháu ngoan Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch) Ảnh: TTXVN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995) toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995) toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3.  C. Mác và Ph. Ăngghen (1995) toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4.  C. Mác và Ph. Ăngghen (1995) toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

ThS. Nguyễn Thị Thanh Minh – Khoa KHXH