Trần Đức Viên

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau khi mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8/2008, thành phố Hà Nội đã có được quỹ đất nông thôn rộng lớn, đa dạng, cảnh quan môi trường thiên nhiên phong phú, thuận lợi; Là nơi sinh sống của 6 triệu người dân, với lực lượng lao động đông đảo[1]… Hà Nội trở thành thành phố có diện tích đất nông nghiệp rộng hơn diện tích đất nông nghiệp của 3 tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Hồng cộng lại. Nông nghiệp Hà Nội có quy mô lớn hàng đầu so với các địa phương khác trong cả nước. Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP của Thành phố, nông nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thu nhập cho dân cư nông thôn, đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm cho nội đô, tạo bệ đỡ cho quá trình phát triển đô thị, “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung, phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính… Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Việc mở rộng phạm vi sản xuất nông nghiệp và địa bàn nông thôn của Hà Nội là nhằm mục tiêu phát triển đô thị rộng lớn hơn, thân thiện môi trường hơn, không phải nhằm đa dạng hóa kinh tế thành phố theo hướng gia tăng sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP hay nhằm mục tiêu tự túc lương thực -  thực phẩm cho thành phố.

Nhờ mở rộng diện tích đất nông thôn, Hà Nội như được chắp thêm đôi cánh, phát huy tốt các tiềm năng lợi thế, thu hút vốn đầu tư tăng mạnh; nhiều dự án lớn về cơ sở hạ tầng đến từ các nhà đầu tư quốc tế và trong nước làm cho bộ mặt Thủ đô thay đổi từng ngày. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/07/2011, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; cùng với đó Quốc hội khóa 13 ban hành Luật Thủ đô (Luật số 25/2012/QH13, ban hành ngày 21/11/2012), sau đó, Quốc hội khóa 15 ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi, Luật số: 39/2024/QH15, ban hành ngày 28/6/2024) đó là các cơ sở pháp lý quan trọng để cán bộ và nhan dân Hà Nội tạo ra những bước phát triển đột phá, cùng với nhân dân cả nước xây dựng Hà Nội, thành phố Anh hùng, “thành phố vì hòa bình”, chuyển mình thành Thủ đô hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới, nhưng vẫn đậm chất Tràng An và văn hóa Xứ Đoài.

Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, Thành phố đã rất chú trọng đến phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, phù hợp với truyền thống văn hóa lâu đời của người Tràng An, người Xứ Đoài. Vì vậy, ngày 05/4/2012, Hội đồng Nhân dân Thành phố đã phê duyệt Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cùng với Quy hoạch chung, định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2030 cũng đã được duyệt.

Đến nay, thành phố kết thúc giai đoạn 1 của Quy hoạch phát triển nông nghiệp. Sau chặng đường 10 năm thực hiện quy hoạch, nông nghiệp thành phố Hà Nội đã đạt được những thành tựu gì? Hiện trạng đang như thế nào, những tồn tại là gì? Với những định hướng đã đề ra đến 2030 thì mục tiêu cần đạt và giải pháp thực hiện cho nông nghiệp Hà Nội đến năm 2030 là gì? tầm nhìn 2050 sẽ như thế nào? đang là mối quan tâm không chỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mà còn là mối quan tâm chung của cả nước.

Cùng với quá trình hội nhập ngày thêm sâu rộng hơn của đất nước, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các dịch bệnh mới xuất hiện khó đoán định và các xung đột địa - chính trị khó lường, v.v... sau năm 2020 là thời kỳ phát triển mới - thời kỳ công nghiệp 4.0, thời kỳ chuyển đổi số, với khá nhiều khái niệm mới trong nông nghiệp đã xuất hiện đồng thời hay trước đó không lâu như Nông nghiệp sinh thái, Nông nghiệp chính xác, Nông nghiệp thông minh, Nông nghiệp công nghệ cao, Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp tuần hoàn... Những điều đó đang đặt ra cho nông nghiệp Hà Nội những vận hội, thời cơ và thách thức mới.

Nông nghiệp và nông thôn Hà Nội 16 năm qua đã lập được những kỳ tích rất đáng tự hào. Trong giai đoạn mới, Thành phố chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, dường như người Hà Nội và những người yêu Hà Nội vẫn cảm thấy, mặc dù có nhiều lợi thế vượt trội, nông nghiệp Hà Nội thời gian qua chưa tạo ra được sự đột phá, các bước chuyển căn bản về chất, chưa tạo được những dấu ấn về nông nghiệp thủ đô với những khác biệt vượt trội dễ nhận biết với nông nghiệp của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, cũng vẫn các nông sản hàng hóa lúa, ngô, cá, rau hoa, quả như các tỉnh thành khác, độ đậm đặc của chất xám, của công nghệ, các nông sản được chế biến và chế biến sâu chưa có gì nổi bật trên thị trường trong nước và nước ngoài. Nông nghiệp thủ đô vẫn chưa làm được vai trò là đầu tầu, là động lực để kéo nông nghiệp các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước đi lên.

Nông thôn mới cũng vậy. Với những thành công đạt được, sau 16 năm sát nhập và phát triển, nông thôn Hà Nội dường như chưa có gì thật vượt trội so với các tỉnh xung quanh như Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... chưa kiến tạo nên các mẫu hình nông thôn mới để các tỉnh thành khác vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước học tập và làm theo. Sự phát triển của đô thị cũng chưa đáp ứng được định hướng đưa các khu dân cư, các trường đại học, đưa các vùng sản xuất công nghiệp và trung tâm dịch vụ lớn ra bên ngoài, đem những giá trị gia tăng đến cho nông thôn và phát huy lợi thế đặc biệt của thủ đô cho nông nghiệp, tạo nên quần thể đô thị - nông thôn khác biệt với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Rất cần một đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp và nông thôn Hà Nội từ sau 2008 đến nay, mối quan hệ và tác động qua lại giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp, giữa thị dân và nông dân: kết quả đạt được, hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, hoàn thiện hay làm mới; làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đến 2030, tầm nhìn 2050.

Việc nhận thức được mục tiêu gắn bó giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển đô thị là xuất phát điểm quan trọng trong quá trình đánh giá lại hiện trạng sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn thời gian qua cũng như xây dựng định hướng phát triển cho thời gian tới trong việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại với những người nông dân mới của thời chuyển đổi số, theo tinh thần của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

2. NHẬN THỨC VÀ QUAN ĐIỂM

2.1. Nông nghiệp sinh thái là một cách tiếp cận mới trong phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước ta.

Thiên nhiên là một chỉnh thể hài hòa và hoàn hảo, loài người là một phần trong chỉnh thể đó. “Không có chỗ nào trống dưới ánh mặt trời”, mỗi giống loài đều có vai trò của nó trong sự tồn tại chung của sinh giới, đều cần thiết và có giá trị ngang nhau, xác lập nên một giá trị vĩnh hằng của thiên nhiên, gọi là ‘cân bằng sinh thái’; Ở đó muôn loài nương tựa vào nhau để sống, chúng nuôi dưỡng, ức chế nhau và loại bỏ những gì cản trở để duy trì sự sống lâu bền trên trái đất. Các loài trong tự nhiên gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau (hỗ trợ, cạnh tranh và ức chế) qua dây chuyền thức ăn (food chain) và mạng lưới thức ăn (food web), những thành tố cốt lõi để làm nên cái gọi là “cân bằng sinh thái”; mỗi loài là một mắt xích của dây chuyền, của mạng lưới thức ăn ấy. Các dây chuyền thức ăn và mạng lưới thức ăn làm nên sự bền vững của các hệ sinh thái. Chính con người đã làm đảo lộn thiên nhiên, tạo ra các vấn đề và làm cho các vấn đề trở nên ngày một tồi tệ hơn do họ đã làm tổn thương đến các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa con người với sinh giới.  

Cách nhìn nhận các thứ biệt lập với tổng thể và tôn thờ chủ nghĩa “lấy mình làm trung tâm” (ethnocentrism) làm hệ quy chiếu để phán xét và hành động, đã làm cho con người có các hành động ngạo mạn, điên rồ và hung hăng khi ‘tấn công’ vào thiên nhiên để săn tìm lợi nhuận kinh tế, đã làm cho thiên nhiên chịu nhiều tổn thương, làm cho các quy luật sinh tồn và đạo đức bị méo mó; và dường như thiên nhiên đã đến giới hạn của sự chịu đựng, nên đã có những phản ứng lại, đôi khi là gay gắt, để đáp trả các hành động phá hoại của con người: hậu quả sinh thái ngày một trở nên trầm trọng hơn, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh và xung đột xảy ra thường xuyên hơn, đến mức người ta cho rằng, loài người dường như đang tự “thắt cổ mình”, nếu như không sớm tỉnh ngộ. Dần dà, người ta cũng nhận ra là, con người cũng chỉ là một thành viên bình đẳng trên trái đất này, dù là thành tố tích cực, vì có trí tuệ, có thể làm thay đổi bề mặt trái đất, nhưng con người không phải là chúa tể của muôn loài một cách ngạo mạn, hung hăng và thiển cận.

Cái gì trái với tự nhiên, phi tự nhiên, chống tại tự nhiên đều là không tốt, sớm muộn gì cũng sẽ chuốc lấy thất bại, thậm chí là còn dẫn đến tai họa và khổ đau. Muốn tồn tại lâu bền, muốn phát triển bền vững, con người phải luôn tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ đa dạng sinh học của các giống loài cùng sinh sống trong các ‘ổ sinh thái’, bảo vệ trái đất, vì ‘trái đất này là của chúng minh’, chúng mình đây là chúng sinh, là sinh giới, phải khiêm tốn lắng nghe và kiên nhẫn học hỏi thiên nhiên, phải hành động trong giới hạn ‘chịu đựng’ của hệ sinh thái, phù hợp với ‘sức mang’ của môi trường. Nông nghiệp thâm canh kiểu kinh tế nâu nhằm tối đa hóa lợi nhuận đã tạo ra hàng triệu nông dân suốt ngày đầu tắt mặt tối với chống suy thoái đất, diệt trừ sâu bệnh hại, diệt cỏ, bón phân hóa học, tìm mua giống mới… nhưng đa số họ vẫn có thu nhập thấp, vẫn còn những nông dân có thu nhập chỉ 0,3 USD/ngày, và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, đa dạng sinh học…) không ngừng bị suy thoái và cạn kiện, nhiều loài đã bị diệt vong.  

Sự khủng hoảng của nông nghiệp, cũng như sự khủng hoảng của một cá nhân, bắt nguồn từ việc chúng ta có quá nhiều tham vọng và mong muốn có mọi thứ để phục vụ tham vọng ấy.  Tham vọng muốn biến đổi tự nhiên theo ý mình đã ngày càng ngăn cách con người với tự nhiên, tách dần con người khỏi tự nhiên, dù tự nhiên chính là “mẹ đẻ” của loài người. Điều đó chính là một thảm họa: Thảm họa sinh thái, có vai trò quyết định đến sự tồn vong và hưng thịnh của xã hội loài người.

Nông nghiệp sinh thái là phương pháp tiếp cận áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và kinh tế - xã hội nhằm xây dựng và quản trị hệ thống nông nghiệp và thực phẩm, tối ưu hóa mối tương tác giữa các loài động thực vật, con người và môi trường, hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng, an toàn và bền vững.

Nông nghiệp sinh thái không đơn thuần chỉ là một quan niệm hay phương thức canh tác tiến bộ trong nông nghiệp, thuận thiên, mà hơn thế, nó còn là một triết lý sống nhân bản và nhân văn của xã hội loài người. Trên thực tế, đó là một quan niệm, một cách tiếp cận làm nông nghiệp hơn là một phương thức canh tác cụ thể mà chúng ta đang nghe, đang thấy hàng ngày như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, v.v… Nông nghiệp sinh thái cũng không loại trừ phân hóa học và hóa chất phòng chống các loài ‘gây hại’ mà sử dụng chúng một cách hợp lý, có chọn lọc, đảm bảo cho môi trường thiên nhiên, sức khỏe của người tiêu dùng và sự an bình của cộng đồng.

Nông nghiệp sinh thái chính là nền nông nghiệp bền vững dựa trên các nguyên lý của sinh thái học, nền nông nghiệp mang lại sự hoàn thiện cho cuộc sống con người nhờ sự hòa đồng với thiên nhiên, vì thế, con người luôn cảm thấy yên bình và hạnh phúc.

Nông nghiệp sinh thái là một “cuộc cách mạng’’, nó chạm đến vấn đề lớn nhất và sâu xa nhất của con người từ khi biết sống thành xã hội, đó là mối quan hệ của con người với tự nhiên. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là con người cần nhìn nhận đúng về vai trò của mình trong tự nhiên, trong sinh giới; điều đó đòi hỏi chúng ta không chỉ làm nông nghiệp một cách khác, ăn uống một cách khác, tiêu dùng một cách khác, mà quan trọng hơn là phải sống một cách khác bằng cách đặt ra các câu hỏi về cõi nhân sinh, ví dụ như: thế nào là tiến bộ, thế nào là hiện đại, và căn bản hơn nữa: thế nào là hạnh phúc? Từ đó thay đổi cách suy nghĩ, cách sống, cách ‘đối xử’ với tự nhiên, cách ‘đối xử’ với đồng loại, cách làm nông nghiệp nói riêng và cách làm kinh tế nói chung, cách hiểu về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và hạnh phúc được làm người…

Nông nghiệp sinh thái có những đặc điểm: (i) Đầu tiên và trước hết, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai; (ii) Tạo việc làm bền vững, đủ thu nhập và cải thiện điều kiện sống và làm việc của cư dân nông thôn; (iii) Duy trì khả năng sản xuất của các nguồn lực tự nhiên đồng thời bảo vệ môi trường; (iv) Giảm thiểu các nguy cơ gây hại cho nông nghiệp do các yếu tố tự nhiên không thuận lợi, điều kiện kinh tế - xã hội và các rủi ro khác, tăng cường tính tự lực của các hệ sinh thái.

Mục đích của nông nghiệp sinh thái là kiến tạo một hệ thống nông nghiệp lâu bền về mặt sinh thái, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng thỏa mãn những nhu cầu ngày càng tăng của con người mà không làm suy thoái đất, nước và tài nguyên sinh vật, không làm ô nhiễm môi trường, trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, tôn trọng thiên nhiên và học hỏi từ thiên nhiên. 

2.2. Không nên phát triển nông nghiệp Hà Nội hôm nay như ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Tây cũ hay của các tỉnh thành khác của đồng bằng sông Hồng. Nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô (urban and peri-urban agricultures), nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng thủ đô. Để làm được điều đó, cần xác định rằng lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội trong tương lai không chỉ mang những vai trò thông thường (đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp thực phẩm an toàn, bổ dưỡng, phát triển nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, sản xuất nông sản hàng hóa,…), mà còn phải làm được cả các nhiệm vụ đặc biệt khác.

Mục tiêu cho ngành nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh thành khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình,…) cho thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng ‘chất xám’ cao cho các tỉnh lân cận. Đảm bảo vai trò dự trữ, nâng cấp và điều chuyển tài nguyên (đất, nước, con người), xử lý môi trường (rác thải, nghĩa trang), phục vụ cảnh quan cho thành phố. Các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp thông thường nên dành cho các địa phương khác. Trên nền tảng đó, cần định hướng rõ nhiệm vụ của các ngành (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến, v.v…), phân bổ theo địa bàn không gian, đề xuất các mô hình sinh kế đa dạng có giá trị gia tăng cao, đảm bảo thu nhập hợp lý cho nông dân; từ đó, đề xuất giải pháp về thể chế, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, chính sách và đầu tư.

2.3. Phát triển nông nghiệp Hà Nội trong tương lai phải dựa trên cơ sở đặc thù (lợi thế) của Thủ đô là thị trường và con người. Nông nghiệp Hà Nội không thể cạnh tranh với các tỉnh đồng bằng khác bằng lợi thế đất đai, lao động giá rẻ.

Nông nghiệp Hà Nội không nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, cũng không nhằm xuất khẩu nông sản hàng hóa. Các nông sản chất lượng nhất, đặc trưng nhất, đặc sắc nhất phải nhằm cung cấp cho thị trường khoảng 10 triệu dân Thủ đô và khoảng 2-3 triệu du khách, cũng như cung cấp cho thị trường trên 100 triệu dân Việt Nam.

2.4. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị sinh thái theo hướng hiện đại; đột phá về khoa học công nghệ, tổ chức quản lý và phương thức sản xuất; tạo ra nông sản hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế cạnh tranh, liên kết vùng, khai thác có hiệu quả - bền vững các nguồn lực; nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và du khách; tham gia xuất khẩu, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư nông thôn.

2.5. Ưu tiên phát triển những cây, con có lợi thế, cây con đặc sản; giảm dần diện tích cây lương thực, đồng thời phát triển lúa chất lượng cao; tăng rau an toàn, hoa cây cảnh, sinh vật cảnh, cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời với việc hình thành các trung tâm sản xuất và kinh doanh cây giống. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại hiện đại, an toàn sinh học; phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội theo hướng sản xuất giống. Trước mắt ổn định, tiến tới giảm dần tổng đàn lợn; ổn định đàn gia cầm; tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt chất lượng cao. Phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh, tăng nhanh năng suất, chất lượng, phát triển bền vững.

2.6. Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển các loại hình du lịch và các sản phẩm OCOP.

2.7. Nông nghiệp Hà Nội cần và phải mang các đặc điểm sau:

- Nông nghiệp Hà Nội tạo ra giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu của ngày càng tăng của người dân thủ đô và du khách, trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, an toàn, hiệu quả cao, gắn với các chuỗi giá trị hiệu quả.

- Nông nghiệp Hà Nội mang tính hiện đại dựa trên các phương thức canh tác tiên tiến như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, hài hòa và bền vững, góp phần tạo cảnh quan sinh thái đô thị, thúc đẩy phát triển du lịch.

-  Phát triển nông nghiệp Hà Nội gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phù hợp với quá trình đô thị hóa văn minh, hiện đại, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.

- Phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng đa ngành, đa giá trị theo không gian các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái, du lịch và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại.

- Phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội gắn với qui hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phát triển nông nghiệp quốc gia đã được phê duyệt, có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh/ địa phương trong và ngoài vùng, nhân lên tầm vóc và sức mạnh của nông nghiệp Hà Nội.

- Phát triển nông nghiệp Hà Nội phải thích ứng linh hoạt và hiệu quả với biến đổi kinh tế, xã hội, môi trường (biến đổi khí hậu) và các cú sốc tự nhiên và nhân tạo.

2.8. Nông dân văn minh là những người nông dân mới, nông dân của thời chuyển đổi số.

Đó là những người nông dân chuyên nghiệp, đủ khả năng làm chủ ruộng đồng, làm chủ công nghệ và kĩ thuật, làm chủ thị trường, đủ sức vươn ra quốc tế, theo hình mẫu ‘nông dân toàn cầu’; thích làm ruộng, biết làm ruộng, hạnh phúc với đồng quê, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên và dám làm giầu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp.

Người nông dân thiếu gì? Họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng và thiếu sự đào tạo để có thái độ đúng, để có đủ kiến thức và kĩ năng ‘làm ruộng’. Người nông dân mới phải là người nông dân có học và được học, thành các ‘thanh nông trí điền’, những con người có văn hóa, thay cho lớp ‘lão nông tri điền’ của một thời chưa xa. Sản xuất cái gì hôm nay là đã biết trồng như thế nào, chăm sóc ra sao, thu hoạch và chế biến thế nào, và quan trọng là đã biết ngày mai sẽ bán cho ai, bán ở đâu, giá cả và thanh toán thế nào, bao bì, nhãn mác ra sao…

2.9. Nông thôn Hà Nội phải là nông thôn kiểu mẫu, hiện đại, tiện nghi, xanh, sạch, đẹp, sáng, nhưng vẫn mang đậm chất Tràng An và văn hóa xứ Đoài trong từng làng xã, trong mỗi ngõ xóm. Nông thôn ấy có điều kiện và tiện nghi sống không thua kém đô thị, ở đó một đứa trẻ được sinh ra cũng có điều kiện và cơ hội phát triển như một đứa trẻ được sinh ra ở chốn thị thành. Nhưng nông thôn ấy vẫn là nông thôn, có cảnh quan nông thôn, có cư dân nông thôn, có sản xuất nông nghiệp, vẫn đậm đặc văn hóa làng quê, vùng miền nhưng cũng mang hơi thở của thời đại. Đó là nơi đáng sống với những ai muốn gần gũi thiên nhiên, tìm thấy hạnh phúc và yên bình trong thiên nhiên, trong cỏ cây hoa lá, trên cánh đồng và trong các trang trại.

2.10. Tạo ra quỹ đất hợp lý gắn với cơ sở hạ tầng thuận lợi và môi trường sinh thái cho 5 thành phố vệ tinh đã quy hoạch; hình thành các không gian để phát triển vùng đệm giảm tải cho thành phố Hà Nội, kéo giãn các trường đại học, khu sản xuất, khu dân cư đô thị ra vùng nông thôn, gắn với môi trường nông thôn (ví dụ trường hợp khu đô thị Ecopark); đạt mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, phát triển trong yên bình nhờ biết gần gũi, nương nhờ vào thiên nhiên.

Đồng thời, qui hoạch và đầu tư phát triển các vùng nông thôn đông dân, ven đô tại các địa bàn trên theo hướng đô thị hóa, hài hòa với không gian và cấu trúc kinh tế xã hội đô thị, thân thiện môi trường, gắn bó thiên nhiên.

2.11. Với các vùng nông thôn, vùng có cảnh quan, có giá trị lịch sử, văn hóa đặc thù, gắn với du lịch cần đảm bảo giữ nguyên bản sắc văn hóa, tạo không gian xanh (ví dụ như Đường Lâm, Miếu Môn, Cổ Loa, Ba Vì,…) phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các vùng bảo vệ môi trường, cảnh quan, kiến trúc cổ truyền gắn với các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, làm cái nôi tâm hồn, gìn giữ môi trường văn hóa cho Hà Nội.

2.12. Với những địa bàn có lợi thế về địa hình, sinh cảnh, cảnh quan tự nhiên, đặc thù như vùng rừng, núi, mặt nước lớn,… như Tam Đảo, Sóc Sơn, Xuân Mai,… cần qui hoạch, phát triển thành các vùng cung cấp nước dự trữ, vùng thoát lũ khi cần thiết, là lá phổi xanh, là vùng xử lý chất thải, nghĩa trang, địa bàn có nhiệm vụ quốc phòng,… nông thôn tại các địa bàn này cần phát triển theo hướng phù hợp đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái, đô thị nhà vườn.

2.13. Không như các địa phương khác, Hà Nội phải phát triển đồng thời cả đô thị và nông thôn, cả công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp. Điều đó mới tạo nên sự phát triển bền vững, cho cả đô thị và nông thôn.

Như thủ đô của nhiều nước phát triển, phát triển nông nghiệp và nông thôn Hà Nội phải gắn chặt chẽ với với phát triển đô thị. Hoạt động nông nghiệp và vùng nông thôn là một phần gắn bó hữu cơ với lõi đô thị và đó là nhiệm vụ, cách thức phát triển đặc thù của kinh tế thủ đô; trong đó có sự gắn bó hữu cơ giữa (i) đóng góp của nông thôn cho đô thị: ví dụ như vai trò của sản xuất nông nghiệp và vùng nông thôn cho thành phố về mặt thay đổi cảnh quan, không gian, sinh thái, môi trường, cung cấp tài nguyên (đất, nước, nhân lực), cung cấp sản phẩm nông nghiệp…; (ii) đóng góp của đô thị cho nông thôn: ví dụ như tạo ra việc làm cho cư dân nông thôn; nâng cao trình độ tay nghề của cư dân nông thôn; thị trường đô thị tiêu thụ nông sản và hàng hóa từ nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông dân; thu nhập từ đô thị được đầu tư trở lại nông thôn, cơ sở hạ tầng của đô thị phục vụ nông thôn, công nghiệp, dịch vụ đô thị hỗ trợ phát triển nông nghiệp…

2.14. Bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng, phải là một chỉ tiêu pháp lệnh; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải "carbon thấp", "kinh tế xanh" và chuyển từ “kinh tế tuyến tính” sang "kinh tế tuần hoàn". 

Cùng với việc luật hóa, việc có chính sách hỗ trợ các nguồn lực thiết thực và hiệu quả để bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính phải nhanh chóng trở thành hiện thực trên đồng ruộng, trong chuồng trại, trong mỗi chuỗi ngành hàng nông sản. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chính sách, luật định liên quan đến Net Zero, Hà Nội cần đi đầu cả nước về hình thành khung pháp lý có liên quan đến nền nông nghiệp carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp không đơn giản chỉ là vì môi trường sống của con người, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, đảm bảo an ninh lương thực mà còn nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân nhờ nâng cao giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt.

3. MỤC TIÊU

Trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và qui hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt, mục tiêu tổng quát phát triển nông nghiệp thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là:

3.1. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, hình thành tầng lớp nông dân mới chuyên nghiệp, làm nông là một nghề có tri thức, để họ có thể tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào quá trình phát triển của đất nước và bảo vệ tổ quốc, tự hào và hãnh diện với nghề nghiệp của họ;

3.2. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đó là nền nông nghiệp có trách nhiệm, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế  xã hội cao và bền vững;

3.3. Xây dựng nông thôn hiện đại, đó là nông thôn mang hơi thở của thời đại, văn minh, tiện nghi và hiện đại, tạo ra cơ hội cho một đứa trẻ sinh ra ở nông thôn cũng không khác gì cơ hội của một đứa trẻ sinh ra ở thành phố; nhưng vẫn là nông thôn Việt Nam, mang đậm văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài.

4.      ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Nông nghiệp Thủ đô chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng GDP, nhưng có vị trí quan trọng trong việc cung cấp nông sản đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng tăng của nhân dân Thủ đô, đồng thời tạo việc làm, cảnh quan, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái. Trước những tác động của quá trình đô thị hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ; cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai và thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc thực hiện Đề án nông nghiệp Hà Nội đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần tập trung đột phá trong thời gian tới nhằm thúc đẩy nông nghiệp Thành phố phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

4.1.            Hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, thực hiện cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp Thành phố thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, như: (1) Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Các cơ sở, trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn ít, trong khi bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch; (2) Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cải thiện, nhưng vẫn còn là mối quan tâm của người tiêu dùng Thủ đô; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều; (3) Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; (4) Chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp hiệu suất hoạt động thấp, giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; (5) Tốc độ phát triển chế biến nông lâm thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu; tỷ lệ nông sản được chế biến sâu, chế biến tinh hoặc bằng công nghệ cao còn thấp, số doanh nghiệp tham gia chưa nhiều; công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu tăng sức sản xuất và đòi hỏi xử lý tính mùa vụ của sản xuất nông nghiệp, tổn thất sau thu hoạch còn cao; (6) Do tốc độ đô thị hóa nhanh, một số diện tích đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đô thị, công nghiệp làm quy mô diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm; diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên đơn vị sản xuất thấp và dần bị thu hẹp, khó khăn cho việc hiện đại hóa và xây dựng nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tình trạng người dân bỏ ruộng không sản xuất làm ảnh hưởng đến phát triển chung của ngành, công tác phòng chống dịch bệnh, tưới tiêu phục vụ sản xuất; (7) Cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn còn chưa đủ mạnh, chưa có chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ, chế biến sản phẩm nông nghiệp; (8) Đầu tư từ ngân sách vào hệ thống hạ tầng nông thôn phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phòng chống thiên tai còn thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường làng nghề, môi trường nước ở nhiều khu vực còn là nỗi lo của người dân nông thôn; (9) Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung thực sự mang tính chất sản xuất hàng hóa mũi nhọn; (10) Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp số lượng ít, quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Hoạt động sản xuất của người nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác còn ít; (11) Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển. Việc tiêu thụ nông sản vẫn phần lớn thông qua các tiểu thương, tiêu thụ thông qua hợp đồng có số lượng hạn chế; (12) Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân nhiều nơi còn khó khăn…

4.2.            Định hướng đột phá

- Cơ cấu lại đầu tư công. Đây là nội dung cần đột phá mạnh, trong điều kiện những năm qua, thành phố Hà Nội đầu tư vào kinh tế nông nghiệp rất thấp, trong khi đó ngân sách nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, cơ cấu đầu tư bất hợp lý, dàn trải, kéo dài.

Trong thời gian tới cần: (1) Tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh: giảm đầu tư cho trồng trọt, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm tỷ trọng đầu tư cho thủy lợi, tăng đầu tư cho khuyến nông; (2) Tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực; tập trung vốn đầu tư cho các chương trình, dự án có khả năng sớm hoàn thành; (3) Tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên vốn hỗ trợ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật hợp tác xã; (4) Lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn để xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, tăng tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng, vốn của các cá nhân, tập thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tư vào kinh tế nông nghiệp; (5) Giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư của ngành. Vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chiến lược của ngành và các dự án không có khả năng thu hồi vốn; (6) Đầu tư phát triển hạ tầng ở các vùng có nhiều khó khăn để hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống cho dân cư; hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

- Cơ cấu lại đất đai cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Trước thực trạng thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, bình quân ruộng đất đầu người hiện đã rất thấp, phân bố lại manh mún, nhỏ lẻ, đã làm cản trở việc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; chưa ưu tiên đất đai cho các lĩnh vực, các sản phẩm có thế mạnh. Việc tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung vẫn chưa có chính sách cụ thể và khả thi.

Trong thời gian tới cần: (1) Thực hiện giảm diện tích đất đai cho trồng trọt, tăng diện tích đất đai cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi đất lúa, màu có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như trồng rau, cây cảnh, hoa, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; (2) Tăng diện tích cây trồng với các giống cây có giá trị kinh tế cao, giảm diện tích chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm, xen lẫn khu dân cư; thực hiện chuyển đổi đất lúa vùng úng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng cao khó khăn về nước tưới sang rau, màu, hoa, cây cảnh… có giá trị kinh tế cao; (3) Tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, cơ cấu lại đất đai theo hướng tích tụ, tập trung đất đai giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản; (4) Cần mở rộng quy mô đất đai cho kinh tế hộ gia đình lên mô hình kinh tế trang trại; mở rộng quy mô đất đai lớn, hiện đại của mô hình hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

- Cơ cấu lại trình độ kỹ thuật nông nghiệp. Đây là một trong những nội dung giữ vị trí quan trọng, trong điều kiện thành phố Hà Nội hiện nay mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất thấp, chưa chú trọng vào nghiên cứu, ứng dụng ở các khâu làm gia tăng giá trị nông sản.

Trong thời gian tới cần: (1) Tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng, giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học; (2) Đẩy mạnh áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất, cụ thể: trong lai tạo giống để tạo ra các cây trồng, vật nuôi có các đặc tính nông sinh học ưu việt, có chất lượng cao, sạch sâu bệnh, phù hợp với yêu cầu của thị trường; (3) Gia tăng các phương pháp, quy trình kỹ thuật mới trong nuôi, trồng, phòng trừ dịch bệnh, chế biến, bảo quản nông sản nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất; (4) Gia tăng các loại công cụ, phương tiện lao động mới (máy nông nghiệp, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, xử lý ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn; (5) Thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm; (6) Phát triển các mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao đáp ứng với yêu cầu của cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp.

- Cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp. Trước thực trạng cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố Hà Nội mất cân đối nghiêm trọng, lực lượng lao động đông nhưng không mạnh, lao động trẻ có xu hướng thoát ly nông nghiệp ngày càng gia tăng, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay, lao động làm việc ở những ngành như trồng lúa còn chiếm tỷ trọng lớn.

Trong thời gian tới cần: (1) Thực hiện cơ cấu lại lao động nông nghiệp theo hướng, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp để chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp; (2) Giảm tỷ trọng lao động phổ thông, tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo, nhất là lao động có bằng đại học, cao đẳng, lao động khoa học kỹ thuật; (3) Tăng tỷ trọng lao động trong ngành chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng lao động trong trồng trọt, còn trong ngành trồng trọt giảm tỷ trọng lao động trong ngành trồng lúa, tăng tỷ trọng lao động trồng cây công nghiệp.

- Cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội hiện nay chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, mang lại hiệu quả thấp và không còn phù hợp trong điều kiện công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh, lực lượng lao động đã rút ra khỏi ngành nông nghiệp với số lượng đáng kể; kinh tế trang trại, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có xu hướng phát triển, nhưng chậm đổi mới, hiệu quả kinh tế chưa cao; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, quy mô sản xuất vừa và nhỏ là phổ biến.

Trong thời gian tới cần: (1) Thực hiện cơ cấu lại cần tập trung tăng nhanh số lượng và chất lượng các tác nhân sau: giảm số lượng các hộ sản xuất nhỏ lẻ, tăng số lượng và chất lượng các trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn có quản trị chuyên nghiệp và hiện đại; (2) Thúc đẩy sự gia tăng về số và chất lượng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kiểu mới, trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các hộ, trang trại, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức quy mô: (3) Gia tăng các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân; (4) Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác kinh tế giữa kinh tế hộ nông dân với các thành phần kinh tế khác theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm, trên cơ sở hợp đồng kinh tế và bảo đảm hài hòa lợi ích như: liên kết giữa nông dân với nhau, nông dân với các hiệp hội ngành hàng, với doanh nghiệp, nông dân với thị trường bán buôn, bán lẻ… Trong đó, chú trọng mô hình liên kết “Bốn nhà” theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho các chủ thể, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

5. XÁC ĐỊNH MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Muốn xác định mô hình nông nghiệp, nông thôn mới của Hà Nội trong thời gian tới, việc đầu tiên cần phải xác định thế nào là vai trò của nông nghiệp, nông thôn với công cuộc phát triển thủ đô Hà Nội như một tổng thể.

Với cách đặt vấn đề thông thường như hiện nay, Hà Nội sẽ phát triển sản xuất như các tỉnh đồng bằng sông Hồng khác, với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế cho địa phương và tăng thu nhập cho kinh tế hộ nông dân chung chung như chiến lược phát triển nông nghiệp cả nước.

Với việc hình dung bối cảnh tương lai sẽ là: chuyển dịch lực lượng lao động, thời tiết khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, chất lượng môi trường xấu đi, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp khó khăn…

Kế hoạch phát triển hiện nay của thành phố đã nêu rất đúng nguyên tắc: “quan điểm và định hướng phát triển phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thủ đô, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đảm bảo thống nhất với qui hoạch ngành, lĩnh vực, xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước”.

5.1. Mô hình phát triển nông nghiệp

Theo như nguyên tắc trên thì mô hình phát triển nông nghiệp trong tương lai được thiết kế theo hai kịch bản:

Kịch bản 1: Nếu Hà Nội vẫn theo xu hướng phát triển như thời gian trước đây, nghĩa là một thành phố lớn tập trung đầy đủ các chức năng quan trọng (trung tâm hành chính, ngoại giao, khoa học công nghệ của cả nước nhưng đồng thời bao gồm nội dung sản xuất công nghiệp, cung cấp dịch vụ và sản xuất nông nghiệp như các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng); vẫn thu hút khối lượng lớn dân cư về sinh sống, vẫn phát triển tập trung vào trung tâm; vùng ngoại ô vẫn là nông thôn như tỉnh Hà Tây ‘gắn’ cơ giới về Hà Nội trước đây.

Trong trường hợp đó, mô hình nông nghiệp, nông thôn sẽ đúng như kế hoạch hiện nay thành phố Hà Nội đã đề ra với mục tiêu “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế về thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và đời sống nông thôn”. Và mô hình phát triển sẽ là: “phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thực hành tốt, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, làng nghề kết hợp du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu” và sau đó là định hướng cho từng ngành chuyên môn theo nhiệm vụ các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Kịch bản 2: Nếu xác định một mô hình phát triển của thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ khác, chỉ tập trung vào các chức năng chiến lược có giá trị gia tăng cao nhất của thủ đô (trung tâm hành chính, trung tâm ngoại giao, trung tâm dịch vụ thương mại, công nghệ cao cấp…) còn toàn bộ các hoạt động sản xuất công nghiệp kể cả công nghệ cao; các hoạt động sản xuất nông nghiệp kể cả nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; các hoạt động dịch vụ, kể cả các dịch vụ cung cấp cho vùng đồng bằng sông Hồng đều được phân cấp cho các địa phương xung quanh. Dân cư trong nội đô được phân tán ra 5 thành phố vệ tinh với dịch vụ và cơ sở hạ tầng hiện đại kèm theo thì mô hình phát triển nông nghiệp của Hà Nội phải hoàn toàn khác.

Bối cảnh phát triển của nông nghiệp Hà Nội cũng khác trước rất nhiều: Đó là có rất nhiều yếu tố bất định, phức tạp và khó lường ‘xen’ vào quá trình chỉ đạo phát triển nông nghiệp của thành phố (đặc biệt là dịch bệnh liên quan giữa con người và vật nuôi). Do đó công tác dự báo và phòng chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu (đặc biệt là ứng phó tình huống ngập lụt nghiêm trọng do diễn biến quản lý nước bất định ở thượng nguồn). Đó là nhu cầu thu hút nguồn tài nguyên đất, nước, lao động không chỉ của các đơn vị sản xuất sẽ phát triển rất mạnh ở các tỉnh công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng và trung du phía Bắc mà của cả nhu cầu dịch vụ từ cư dân đông đảo và có thu nhập cao trong thành phố Hà Nội tương lai sẽ khiến cho sản xuất nông nghiệp của ngoại ô mất hết các lợi thế cạnh tranh thông thường trong thời gian tới.

Đó là mức độ cạnh tranh trên thị trường nông sản cao cấp nhắm vào thị trường Hà Nội khi các hàng hóa nhập khẩu từ thế giới sau khi hiệp định thương mại thế hệ thứ ba được áp dụng và các tỉnh khác có mức độ chuyên môn hóa và lợi thế cạnh tranh hơn sẽ rất quyết liệt. Chính vì thế vai trò của nông nghiệp và kèm với đó là vai trò của phát triển nông thôn Hà Nội phải đặt ra hoàn toàn khác hẳn với những gì Hà Nội đã làm trước đây và với các tỉnh xung quanh sẽ làm trong tương lai.

Trong điều kiện đó, mục tiêu quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn Hà Nội phải là hỗ trợ cho quá trình phát triển đô thị của thủ đô Hà Nội thuận tiện nhất, hiệu quả nhất. Tài nguyên quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn Hà Nội phải là con người có kỹ năng và trí tuệ chứ không còn là sức lao động giản đơn. Quỹ đất cần được điều chỉnh mạnh mẽ để phục vụ cho việc phát triển tài nguyên con người và phục vụ đô thị hóa Hà Nội chứ không đơn thuần chỉ là tư liệu sản xuất ra nông sản thực phẩm cho thủ đô. Ngoài ra nông nghiệp Hà Nội phải đóng vai trò động lực cho các tỉnh xung quanh về khía cạnh khoa học công nghệ vốn là thế mạnh của thủ đô. Như vậy, có thể hình dung mô hình phát triển nông nghiệp nông thôn ở Hà Nội bao gồm các điểm chính sau đây:

(1) Về phát triển nông nghiệp, phải gắn với các viện nghiên cứu, trường đại học[2], hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp giống, vật liệu, công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật trước hết cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng và lan tỏa ra các tỉnh trung du phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các mô hình nông nghiệp như vậy không đơn thuần là công nghệ cao hay hữu cơ hoặc thông minh mà phải là nông nghiệp có giá trị cao nhờ chứa đựng hàm lượng nguồn công nghệ, giải pháp công nghệ, nguyên liệu công nghệ, chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý. Các vùng sản xuất của Hà Nội phải là các vùng trình diễn, giới thiệu thành quả và cung cấp nguyên vật liệu nông nghiệp với giá trị gia tăng cao và hàm lượng kỹ thuật cao.

(2) Tận dụng ưu thế thị trường, phát triển một số ngành hàng nông sản có giá trị cao trên kênh đặc thù - chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng gắn giữa hợp tác xã và cộng đồng nông dân địa phương ngoại thành với cộng đồng và cá nhân nội đô, tận dụng thế mạnh của  công nghệ 4.0 biến quan hệ buôn bán thành quan hệ đầu tư. Đồng thời với chính sách khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp ‘chủ chuỗi’ của các ngành hàng nông sản chủ lực, cũng cần khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác trực tiếp làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến bán buôn và bán lẻ trực tiếp (không cần qua doanh nghiệp bên ngoài) hình thành vùng “ruộng nhà mình”, “ao nhà tôi” “vườn gia đình tôi” để chính người sản xuất làm chủ quá trình tiêu thụ nông sản trong thành phố, gắn với tiêu chuẩn và thương hiệu, vừa làm nơi sản xuất cung ứng nông sản cho nội đô, vừa làm nơi nghỉ dưỡng. Cư dân đô thị là khách hàng mua nông sản, là khách hàng mua dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng vừa là nhà đầu tư trực tiếp cho sản xuất, chế biến, đầu tư nhà vườn, trang trại. Mô hình sản xuất này kết hợp nông nghiệp với phát triển nông thôn, nhà nghỉ cuối tuần của cư dân đô thị với vùng sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành.

Đặc biết coi trọng các nông sản đặc hữu của Thủ đô như húng Láng, đào Nhật Tân, bưởi Diễn, cốm Vòng, gạo Khu cháy, trà sen Tây Hồ, cam Canh, bưởi Diễn, hoa Tây Tựu, nhãn chín sớm Hoài Đức, v.v…

5.2. Phát triển nông thôn

Nên qui hoạch nông thôn thành 3 khu vực chính:

Một là nông thôn văn hóa - môi trường: gồm các làng nông nghiệp cổ truyền, cần gạn đục khơi trong để giữ lại các nét cổ xưa của mỗi ngôi làng Việt, phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa, đa dạng sinh học; các làng này có thể ở ngay gần các khu đô thị (như Đường Lâm của Hà Nội) hay xa hơn. Nguồn sống ở đây là kinh tế nông nghiệp và kinh tế du lịch.

Đây là các vùng phát huy yếu tố tổng hợp về văn hóa cổ truyền, về kiến trúc, quy hoạch không gian, tổ chức cộng đồng, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, gắn với văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường để tạo thành sản phẩm dịch vụ đa dạng (du lịch, nghiên cứu, đào tạo, môi trường, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật). Xây dựng tại đây các viện bảo tàng, phim trường, làng văn hóa, khu bảo tồn, trường đào tạo nghề, khu nghỉ dưỡng,… thu hút khối lượng lớn quỹ đất và tài nguyên con người. Vì thế phải xây dựng một loại tiêu chí nông thôn mới khác so với các vùng khác.

Hai là các vùng chuyên canh nông nghiệp lớn với các thị trấn thị tứ, đây là các đô thị lõi trong vùng nguyên liệu, cung cấp nông sản cho các nhà máy chế biến và chế biến sâu.

Ba là các vùng phát triển đô thị nông thôn: Hà Nội đang trong quá trình phát triển, vận động từ làng ra phố, khi đó sẽ có sự dịch chuyển đáng kể về ngành nghề, đó chính là câu chuyện "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh" cho nông thôn và nông dân. Đặc điểm của nền văn minh sông Hồng, văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, làng quê Hà Nội quây quần thành cụm dân cư cần được khai thác. Đó là các khu đô thị xanh ở các vùng đông dân, với các kiểu nhà vườn kết hợp truyền thống và hiện đại, lao động phi nông nghiệp là chính, kiểu như Ecopark. Đây là các vùng tập trung quanh 5 đô thị vệ tinh và những vùng thuộc các huyện ngoại thành sẽ chuyển sang quận nội thành trong tương lai. Phải xây dựng quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng nhất là giao thông và môi trường cảnh quan, quy hoạch và đầu tư xây dựng các dịch vụ phục vụ đời sống như bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa,… cao cấp để thu hút được cư dân hiện đại từ trong lõi thành phố ra sinh sống như mô hình Ecopark hiện nay, tiến đến thu hút kiều bào, và cư dân quốc tế về sinh sống hoặc du lịch, chữa bệnh, học hành,… Trong mô hình thành phố vườn, thành phố xanh, thành phố gắn với môi trường này, cần có mô hình phát triển phối hợp cân đối giữa đô thị lõi và các đô thị phục vụ xung quanh cho 5 thành phố vệ tinh một cách hoàn chỉnh, tạo sinh kế ổn định cho đông đảo cư dân nông thôn hiện nay chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp một cách chính thức. Trong mô hình này cần giành quỹ đất cảnh quan môi trường, cảnh quan tự nhiên, kết hợp với cơ sở vật chất đô thị hiện đại. Tiêu chí phát triển nông thôn mới ở đây phải là đô thị hóa.

Cả 3 vùng này đều mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, văn hóa, đậm nét vùng miền của các dân tộc anh em, đẩy mạnh hoạt động du lịch. Dân làng nào trong 3 khu vực ấy cũng có một vài sản phẩm nào đó để tự hào, nơi có đình đẹp, nơi có chùa thiêng, nơi nhà thờ lớn, nơi có sản phẩm OCOP 5 sao, nơi có đặc sản gạo, nơi có thịt gà ngon nổi tiếng, v.v…

Nếu có thể, thì sắp xếp lại các làng theo từng cụm với các nét tương đồng về văn hóa, phong tục, cảnh quan, nông sản… có hệ thống giao thông thuận tiện kết nối các làng lại với nhau tạo thành từng cụm làng, đây cũng là các cụm kinh tế, vùng nguyên liệu, cụm văn hóa, với xương sống là nông nghiệp và du lịch, có thị tứ thị trấn là ‘đô thị’ của làng quê.

Cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường để không còn nữa làng "ung thư", làng "ô nhiễm". Môi trường nông thôn không chỉ là môi trường sống cho cư dân, mà đây còn là môi trường tạo ra niềm tin của chất lượng nông sản, môi trường cho sức mạnh cạnh tranh của nông phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông sản Việt, tạo ra năng suất lao động cao của nghề nông...

6. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI TRONG THỜI GIAN TỚI

6.1.            Phát triển nông nghiệp theo không gian

Phát triển các vành đai xanh theo qui hoạch Thủ đô, sản phẩm tươi, sạch, an toàn, chuỗi cung ứng ngắn; liên kết chặt chẽ với các tỉnh, địa phương trong vùng và ngoại vùng.

Mục tiêu phát triển phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng tạo ra không gian kinh tế nông nghiệp nông thôn với các đặc trưng riêng trong một bức tranh tổng thể phát triển của thủ đô: “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; và trở thành một không gian du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.

Nông nghiệp ven đô Hà Nội không những có vai trò vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của thành phố mà còn là hình mẫu cho phát triển nông nghiệp ven đô trong cả nước. Vì vậy đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái trong quá trình đô thị hóa trong giai đoạn tới là một trong những trọng tâm, chiến lược phát triển nông nghiệp của thành phố góp phần xây dựng vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội. Trên cơ sở thực trạng nông nghiệp và nguồn lực đất đai của Hà Nội, phát triển nông nghiệp theo không gian tại thủ đô cho giai đoạn 2020-2030, định hướng đến 2050, cần triển khai thực hiện các nội dung sau:

(1) Tại khu vực nội thành (hình thành nông nghiệp nội thị):

- Thiết lập vành đai xanh dọc theo sông Nhuệ kết nối các không gian mở và hệ thống công viên đô thị tạo vùng đệm và là không gian cách biệt giữa đô thị lõi lịch sử với phần mở rộng mới của đô thị hạt nhân trên tuyến vành đai IV, tránh việc phát triển theo vết dầu loang. Vành đai xanh dọc sông Nhuệ sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng, tiến tới không phát triển dân cư đô thị, chỉ có các công trình công cộng sinh thái cây xanh và mặt nước.

- Hình thành hành lang xanh dọc sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ nhằm phân tách kiểm soát ngưỡng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh. Hành lang xanh chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên, có chức năng bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng như hệ thống sông hồ, vùng núi Ba Vì, Hương Tích, Sóc Sơn; bảo vệ vùng nông thôn, nông nghiệp năng suất cao, các làng xóm, làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá và kiểm soát lũ lụt.

 (2) Tại các khu vực ngoại ô (nông nghiệp ngoại thị)

- Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao: Phát triển sản xuất nông nghiệp Hà Nội theo hướng sản xuất hàng hoá và công nghệ cao. Ưu tiên trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa và cây cảnh, cây ăn quả, trồng rau sạch, chăn nuôi đại gia súc, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các làng nghề mới liên kết với các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ không gây ô nhiễm và nâng cao tính cạnh tranh của các làng nghề.

- Hình thành các trung tâm tiểu vùng trong huyện là các thị trấn hoặc thị tứ về sản xuất nông nghiệp như: xã sản xuất lúa tại Thanh Oai, chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì, nuôi trồng thủy sản tại Mỹ Đức, trồng rau an toàn tại Đông Anh, Sóc Sơn, trồng cây ăn quả tại Đan Phượng, trồng hoa tại Mê Linh, điểm dân cư tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tại Thường Tín, Chương Mỹ...

- Hình thành các mô hình phát triển theo địa bàn: Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái khu vực Đông Anh, nông nghiệp sinh thái khu vực Sơn Tây; Trung tâm triển lãm EXPO, hội chợ hoa kết hợp trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh khu vực Mê Linh; đầu mối phân phối, tiếp vận hàng hóa và Logistics nông sản vùng tại phía Nam của Thủ đô - đô thị vệ tinh Phú Xuyên - Phú Minh.

- Phát triển nông nghiệp theo vùng chuyên canh đặc thù. Việc sáp nhập mở rộng địa giới hành chính, mang lại cho Hà Nội một vùng sinh thái rộng lớn, phong phú về tài nguyên văn hóa và cảnh quan, cũng tạo cơ sở cho phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh đặc thù. Để phát triển theo hướng này, dựa trên thế mạnh của các vùng địa lý gắn với từng sản phẩm, cần xây dựng các quy hoạch phát triển bền vững những vùng nông nghiệp chuyên canh đặc thù gắn theo chuỗi giá trị với các cây, con đặc sản của Hà Nội.

Trên cơ sở hình thành các vùng chuyên canh, sở nông nghiệp thành phố triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông nghiệp Hà Nội; kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm này không chỉ tại thị trường Hà Nội mà còn đến các tỉnh và địa phương lân cận, cũng như định hướng xuất khẩu.

(3) Tại khu vực lân cận Hà Nội (các tỉnh lân cận)

- Phát triển theo hướng tạo sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh và địa phương lân cận. Trong mối quan hệ khu vực và quốc tế, Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế về vị trí địa lý - chính trị, lịch sử phát triển lâu đời và là đô thị trung tâm quan trọng của Việt Nam, có sức hút và tác động rộng lớn đối với quốc gia trong khu vực và quốc tế. Để tạo nguồn cung cấp thực phẩm đa dạng, ổn định cho thị trường Hà Nội (bao gồm cả khu nội đô và ngoại đô), ngoài định hướng phát triển nông nghiệp ven đô, Hà Nội cần tạo dụng vùng nguyên liệu sản xuất và cung cấp sản phẩm nông nghiệp lâu dài với các tỉnh lân cận.

- Hình thành các liên kết chuỗi với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng vùng, từng tỉnh lân cận. Hà Nội xác định là thị trường mục tiêu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, với các sản phẩm truyền thống và đặc trưng của các tỉnh lân cận như nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong - Hòa Bình, chè Thái Nguyên,... Đồng thời là nơi chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho các vùng lân cận.

Ở cả 3 khu vực phát triển nông nghiệp theo không gian, Hà Nội tập trung theo hướng nông nghiệp hàng hóa, gắn với thế mạnh thương mại, dịch vu du lịch và giữ gìn bản sắc lịch sử, các vùng chuyên canh ngoại ô và khu vực lân cận là nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho nông nghiệp thương mại và trung tâm chuyển giao phát triển công nghệ nông nghiệp.

6.2. Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu: Hiện đại - thông minh - sinh thái đô thị

Để thực hiện nội dung này, Thành phố cần phát triển đồng thời theo 4 hướng (1) Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; (2) Nghiên cứu phát triển và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi và thực hành bền vững; 3) Kết nối doanh nghiệp trong đầu tư, chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và quản lý nông sản an toán; (4) Nông nghiệp tạo không gian xanh và phát triển cân bằng với tốc độ đô thị hóa.

Để hướng tới mục tiêu bền vững cho nông nghiệp đô thị Hà Nội nói riêng và bức tranh chung về nông nghiệp của Việt Nam, tất yếu phải đảm bảo được lợi ích cho các tác nhân tham gia. Chính vì vậy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp và sự chuyển giao công nghệ mạnh mẽ cho một nền nông nghiệp hiện đại, một số nội dung cần phải được triển khai thực hiện nhằm đạt được 4 hướng đi trên là: (1) Ứng dụng, chuyển giao, và hiện đại hóa các phần mềm quản lý nông trại (Modernizing Farm Management Software - FMS); (2) Nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng (Enhancing Agricultural Supply Chain); (3) Tối đa hóa công nghệ IoT trong nông nghiệp (AgTech IoT optimization); (4) Kiểm soát công bằng giá cả (Fair Pricing); (5) Giám sát và thanh toán trợ cấp nông nghiệp (Oversight and Payment of Agriculture Subsidies); (6) Nông nghiệp cộng đồng (Community-Supported Agriculture); (7) Hỗ trợ tài chính kịp thời cho người sản xuất nhỏ (Mobile Remittance for Small Farmer); (8) Khuyến khích thực hành nông nghiệp bền vững (Incentivizing Sustainable Practices); (9) Nhân rộng một số mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị thông minh ở các nước tiên tiến (Climate-smart and eco-friendly urban agriculture).

6.3. Phát triển nông nghiệp Hà Nội theo ngành

Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ và thương mại, bao gồm cả dịch vụ logistics, dịch vụ công kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, dịch vụ hỗ trợ khác.

6.4. Phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị các chuỗi nông sản đặc thù gắn với chương trình OCOP, với các làng nghề truyền thống và với du lịch

 

7. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ THÊM ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG, HIỆU QUẢ

Khoa học và công nghệ là chìa khóa để tạo ra bước đột phá trong phát triển nông nghiệp và nông thôn của bất kỳ quốc gia nào, vì khoa học và công nghệ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách, đồng thời khoa học và công nghệ cũng tạo ra các bí quyết công nghệ và các tiến bộ trong quản lý và quản trị hệ thống. Để phát triển nông nghiệp và nông thôn hài hòa, bền vững và hiệu quả, cần làm rõ thêm các vấn đề sau:

6.2.            Về thể chế và chính sách

(1) Mô hình phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp với phát triển đô thị vệ tinh (đô thị hóa nông thôn như thế nào?);

(2) Mô hình nông nghiệp, nông thôn gắn kết giữa kinh tế trang trại và hợp tác xã vùng ngoại ô với thị trường và đầu tư của cư dân nội thành bằng mô hình ruộng nhà tôi, vườn nhà mình, hình thành các làng lúa, làng hoa, làng cam, làng bưởi, v.v… mới của Thủ đô;

(3) Xây dựng nông thôn mới theo hướng kết hợp phát triển văn hóa - môi trường và kinh tế, hình thành vùng nông thôn kết hợp sản xuất với dịch vụ, du lịch;

(4) Chủ trương, chính sách đặc thù trong xây dựng nông thôn mới ở các vùng địa lý - sinh thái khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội;

(5) Mô hình xây dựng nông thôn mới hiện đại gắn với đô thị hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030.

7.2. Về kỹ thuật, công nghệ và quản trị sản xuất, lưu thông nông sản

(1) Giải pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành chăn nuôi;

(2) Mô hình chuyển đổi sang sản xuất rau, hoa, quả an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả và bền vững;

(3) Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp: tính tất yếu cho nông nghiệp hiện đại;

(4) Phát triển chuỗi cung ứng rau tươi đảm bảo an toàn thực phẩm;

(5) Phát triển sản xuất và cung ứng hoa tươi chất lượng cao;

(6) Phát triển sản xuất an toàn, cung ứng thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm;

(7) Phát triển sản xuất và cung ứng thịt, trứng gia cầm chất lượng cao;

(8) Phát triển sản xuất và cung ứng thủy sản chất lượng cao.

 7.3. Cuộc cách mạng lớn nhất trong phát triển nông nghiệp và nông thôn thủ đô là cuộc cách mạng về tổ chức sản xuất, với nòng cốt là hợp tác xã và hình thành nền công nghiệp chế biến tiên tiến, hiện đại

Nông dân chỉ có thể giầu lên nếu họ là thành viên của hợp tác xã, nông nghiệp chỉ mạnh lên nếu hợp tác xã là nòng cốt trong phát triển nông nghiệp. Hợp tác xã đóng vai trò như cầu nối giữa các hộ nông dân nhỏ với nhau và giữa nông dân với thị trường. Vì thế, cuộc cách mạng lớn nhất sắp tới về tổ chức sản xuất nông nghiệp là phải giúp nông dân phát triển kinh tế trang trại và liên kết lại với nhau trong các hình thái kinh tế hợp tác. Các hợp tác xã phải thay thế được (i) thương lái trung gian để làm tốt 3 nhiệm vụ: giúp nông dân mua chung vật tư đầu vào, bán chung nông sản đầu ra và cung cấp cho xã viên các dịch vụ hỗ trợ sản xuất thiết yếu; và (ii) làm chủ tín dụng nông thôn. 

Nông sản chỉ có giá trị gia tăng cao khi được chế biến và chế biến sâu theo các tiêu chuẩn quốc tế; vì thế nông thôn chỉ có thể giàu lên nhờ các doanh nghiệp chế biến nông sản ‘định cư’ trong lõi các vùng nguyên liệu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị thành phố có các đổi mới về cơ chế, thể chế, đầu tư công để đẩy mạnh việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp (thực chất) và các doanh nghiệp chế biến nông sản. Cụ thể như sau:

(1) Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp; muốn vậy, việc phát triển hợp tác xã cần theo hướng hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó hợp tác xã là một tác nhân trong chuỗi, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân nhỏ để ‘làm bạn’ với doanh nghiệp lớn, giúp nông sản hàng hóa của họ có thể vươn ra thị trường toàn quốc, vươn tới thị trường toàn cầu;  

(2) Trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, các chủ trang trại gia đình muốn mở rộng quy mô kinh doanh, buộc phải tích tụ ruộng đất thông qua cơ chế thị trường, chứ không phải hợp tác xã, vì hợp tác xã, tự nó, không thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học, mà là các trang trại; nên hợp tác xã không có nhu cầu bức thiết về tích tụ ruộng đất, nhưng đây lại là nhu cầu và yêu cầu của các chủ trang trại để mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh[3]. Các trang trại này, phải là nòng cốt trong lực lượng sáng lập và quản trị hợp tác xã, xây dựng mối liên kết theo chiều ngang, cùng sản xuất một số loại nông sản hàng hoá, có nhu cầu chung trong việc sử dụng dịch vụ đầu vào và đầu ra. Nhờ đó, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh mới hình thành và phát triển bền vững, tạo nguồn nguyên liệu ổn định có chất lượng cao cho công nghiệp chế biến và thương mại nông sản. 

(3) Thành phố cần đảm bảo hợp tác xã bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn lực và trách nhiệm xã hội, không nên coi hợp tác xã ‘thấp’ hơn doanh nghiệp, hay kéo dài tình trạng doanh nghiệp “núp bóng” hợp tác xã.

(4) Hợp tác xã cần có chế độ kế toán, kiểm toán riêng, tránh tối đa việc quy định “hợp tác xã phát triển ở trình độ cao có thể áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp” hay “đối với các hợp tác xã có quy mô lớn, có nhiều giao dịch mà Thông tư này không có quy định thì được lựa chọn áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa”, v.v...

(5) Hợp tác xã được tự xác định mức độ phân bổ lợi nhuận sau trách nhiệm tài chính cho các khoản chia theo mức độ sử dụng dịch vụ, chia theo vốn góp, chia theo công sức đóng góp. Luật chỉ quy định tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu hợp tác xã dành chia theo mức độ sử dụng dịch vụ.

Việc phân phối kết quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã: nên ưu tiên phân bổ theo thứ tự: (i) Phân phối theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ (≥50%), (ii) Phân phối theo lao động và (iii) Phân phối theo tỷ lệ vốn góp.

(6) Cho phép thành viên không sử dụng dịch vụ tham gia hội đồng quản trị, cũng như cho phép người không phải là thành viên của hợp tác xã tham gia hội đồng quản trị, đó là các chuyên gia nhằm hỗ trợ hợp tác xã trong quản trị, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển. Tuy nhiên, thành viên là người sử dụng dịch vụ của hợp tác xã phải chiếm hơn 50% tổng số thành viên hội đồng quản trị của hợp tác xã.

(7) Đẩy mạnh phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện cơ chế xác nhận, chứng nhận và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp của các chủ trang trại, kinh tế hộ thông qua các hợp tác xã; rà soát quỹ đất công hiện có, tạo quỹ đất cần thiết cho các hợp tác xã thuê xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. 

(8) Xây dựng hệ thống chính sách tín dụng đặc thù cho hợp tác xã; tạo thuận lợi cho thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay; khuyến khích tích lũy, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản thuộc sở hữu tập thể trong hợp tác xã; ban hành quy định tín dụng nội bộ hợp tác xã; hỗ trợ tín dụng đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm phù hợp với mặt bằng chi phí sản xuất trong từng giai đoạn; tăng cường vai trò của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các ngân hàng thương mại và các tổ chức, định chế tài chính, bảo hiểm trong hỗ trợ phát triển, cung ứng vốn tín dụng, cơ chế bảo hiểm kịp thời cho hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh của hợp tác xã; bổ sung, hoàn thiện chính sách, quy định về kiểm toán, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển đổi số, khuyến nông, khuyến công cộng đồng. Nhà nước nghiên cứu cho các hợp tác xã được vay vốn tín dụng với lãi suất phù hợp (như ở Thái Lan, khi hợp tác xã vay vốn chỉ chịu lãi 4,5%/ năm); khi hợp tác xã xét cho các thành viên vay, ban chủ nhiệm có thể áp dụng tỷ lệ lãi vay thương mại. Lãi từ hoạt động tín dụng này không được chia, chỉ được dùng để phát triển sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.

(9) Hỗ trợ việc hình thành Quỹ tài trợ cho các hoạt động ứng dụng/ chuyển giao công nghệ và kĩ thuật của hợp tác xã theo cơ chế hoàn vốn ưu đãi; hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh niên, sinh viên.

(10) Kết hợp tín dụng ưu đãi với việc sử dụng tài sản hình thành từ dự án để thế chấp; cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã như tài trợ kinh phí kiểm toán độc lập hàng năm cho hợp tác xã mới thành lập trong thời gian 3-5 năm, không thu tiền sử dụng đất xây dựng văn phòng, nhà xưởng chế biến nông sản; khi xây dựng các công trình này, Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ tối đa 70% kinh phí, hợp tác xã bỏ ra tối thiểu 30% (70%+30%), theo như cách chính phủ Thái Lan hỗ trợ cho hợp tác xã.

(11) Hợp tác xã phải nộp các loại thuế như với doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng địa bàn và cùng quy mô. Đặc biệt là hợp tác xã phải trả thuế thu nhập như doanh nghiệp. Quy định này sẽ khuyến khích các hợp tác xã, để giảm tiền đóng thuế, sẽ chuyển lợi nhuận cho thành viên của mình thông qua việc cung cấp vật tư dịch vụ đầu vào với giá rẻ hơn giá thị trường và mua sản phẩm đầu ra từ thành viên với giá cao hơn giá thị trường. Với chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy, mục tiêu hợp tác xã chủ yếu phục vụ thành viên có thể đạt được.

(12) Để khuyến khích việc tích lũy, tăng vốn của hợp tác xã, thành phố nên có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần lợi nhuận của hợp tác xã được chuyển thành vốn chung của hợp tác xã. Hợp tác xã cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần lợi nhuận chia lại cho thành viên dựa theo mức độ sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, việc miễn thuế này chỉ áp dụng với hợp tác xã có ít nhất 50% giá trị mua, cung ứng sản phẩm, dịch vụ thu được từ thành viên.

(13) Cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Thành phố cho hợp tác xã gắn liền với điều kiện thụ hưởng. Theo đó, các hỗ trợ mềm (tập huấn kỹ thuật, năng lực quản lý) dành cho tất cả các hợp tác xã. Tuy nhiên, với các ưu đãi về thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng), hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, giao đất, miễn tiền thuê đất chỉ áp dụng với các hợp tác xã có mục đích hoạt động chính là phục vụ thành viên (cụ thể phải cung ứng ít nhất 50% sản phẩm, dịch vụ cho thành viên). Riêng với đất đai, chỉ hỗ trợ các hợp tác xã có quy mô thành viên đủ lớn.

(14) Lợi nhuận thu được của hợp tác xã dùng để gia tăng tài sản không chia nhằm nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của xã viên, không nên chia theo vốn góp của họ, nếu có thì chỉ một phần nào đó. Vì hợp tác xã là một tổ chức đối nhân, mỗi xã viên dù góp vốn nhiều hay ít, cũng đều có một lá phiếu biểu quyết các vấn đề của hợp tác xã; nếu chia lợi nhuận hoàn toàn theo vốn góp thì hợp tác xã chẳng khác gì doanh nghiệp.

(15) Khuyến khích thành viên, hợp tác xã thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản trên đất để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tập trung; làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho, cơ sở chế biến; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh của hợp tác xã. Ví dụ như: (a) hợp tác xã tập trung đất đai bằng hình thức nhận vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất của thành viên để sản xuất nông nghiệp được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu như đường giao thông nội đồng, thủy lợi, điện; được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư kho, xưởng, nhà sơ chế, chế biến, cửa hàng dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; (b) hợp tác xã được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đối với toàn bộ sản phẩm chịu thuế được sản xuất ra từ vùng sản xuất tập trung do các thành viên góp đất; (c) thành viên góp giá trị quyền sử dụng đất vào hợp tác xã để trở thành lao động thường xuyên được hỗ trợ 50% chi phí tham gia bảo hiểm xã hội.

Đề xuất ban hành các quy định hướng dẫn thành viên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất vào hợp tác xã. Hồ sơ thành viên góp vốn bao gồm: hợp đồng góp vốn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản của thành viên góp vốn, thẩm định giá (nếu có), trích lục bản đồ địa chính, văn bản xác nhận góp vốn, chứng thực (nếu có).

(16) Có chính sách hỗ trợ hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP. Việc triển khai chính sách hiện nay còn thiếu hướng dẫn thống nhất. Các thủ tục hồ sơ xây dựng dự án liên kết ở các tỉnh không đồng nhất, gây khó khăn cho hợp tác xã; có nhiều vướng mắc trong quá trình hợp tác xã chuẩn bị hồ sơ trình thẩm định, chưa rõ thủ tục, trách nhiệm trong việc phân bổ ngân sách, giải ngân; các nội dung hỗ trợ chưa bao phủ hết nhu cầu của hợp tác xã, định mức hỗ trợ tối đa 30% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết không hấp dẫn hợp tác xã tham gia.

(17) Hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với hợp tác xã: đầu vào sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn, qui chuẩn, cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ chứng nhận; hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại sản phẩm.

(18) Hoàn thiện hỗ trợ phòng ngừa rủi ro theo hướng triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, và hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau rủi ro.

(19) Điều chỉnh mức hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng liên kết theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP từ 30% lên mức 50% hoặc 70% (đường giao thông nội đồng; hệ thống thủy lợi, hệ thống điện; nhà xưởng sản xuất, cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói; máy móc trang thiết bị; cơ sở hạ tầng về dịch vụ, kinh doanh của hợp tác xã).

(20) Bổ sung chính sách hỗ trợ hợp tác xã trong việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin vào sản xuất - kinh doanh, trước hết ở các khâu then chốt có thể làm ngay là (a) Truy suất nguồn gốc, (b) Mã số vùng trồng, và (c) Giao dịch và tiêu thụ nông sản.

(21) Khuyến khích các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp chủ chuỗi đầu tư vào nông nghiệp bằng cách: (a) Tiếp tục đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công vào nông nghiệp: hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi; (b) Cung cấp các dịch vụ công cho nông nghiệp (hợp pháp hoá các hoạt động tích tụ tập trung đất đai, dịch vụ thú ý, bảo vệ thực vật, thuỷ nông, cấp mã vùng, hướng dẫn truy suất nguồn gốc…) để kiến tạo hình vùng nguyên liệu lớn, đủ công suất của các nhà máy chế biến sâu; (c) Cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để hình thành vùng nguyên liệu và liên kết vùng.

Mặt khác, Nhà nước nên có chính sách tài trợ một phần lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao và đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị nông sản (doanh nghiệp đầu chuỗi) trong 3-5 năm đầu.  

(22) Hỗ trợ đào tạo nông dân ‘thanh nông tri điền’, coi đây là một khoản đầu tư dài hạn vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, thông qua trường đại học số (4.0: Không giảng đường, Không giáo viên, Không thư viện, Không bằng cấp).

8. KẾT LUẬN

Những năm vừa qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể, được cả nước ghi nhận. Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn phát triển mới, Thành phố cần có các giải pháp về cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu của chương trình CTr04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, sớm hiện thực hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) trên mỗi cánh đồng, trong từng nhà xưởng, trong mỗi gia đình, ở mỗi làng quê…

Hà Nội sẽ có một nền nông nghiệp đô thị xanh - an toàn - thân thiện và bền vững; một nông thôn hiện đại và thịnh vượng của văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài, với một tầng lớp nông dân mới, những ‘thanh nông tri điền’ văn minh, nông dân của thời chuyển đổi số.    

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội (2020). Báo cáo kết quả Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; tiến độ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy giai đoạn 2020-2025; Đề án thí điểm xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô; Hội thảo liên kết 4 nhà. Hà Nội, tháng 09/2020.

2. Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Thành ủy Hà Nội (2021). Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội quý I/2021; nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2021. Hà Nội, ngày 29/04/2021.

3. Chu Phú Mỹ và cộng sự (2019). Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài: Đánh giá nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân của Thủ đô nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015 - 2020) và định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mã số CT20/03-2018-2. Đề tài nghiên cứu cấp Bộ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ trì.

4. Chu Phú Mỹ và cộng sự (2021). Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân Thành phố Hà Nội phục vụ xây dựng chương trình công tác của Thành ủy giai đoạn 2021-2025. 2. Mã số: 01C-05/01-2021-1.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

6. Đỗ Minh (2021). Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Tái cơ cấu hướng đến hiện đại, truy cập từ http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1005615/nganh-nong-nghiep-ha-noi-tai-co-cau-huong-den-hien-dai

7. Hà Tâm (2021). Nâng cao thu nhập từ mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, truy cập từ https://thanglong.chinhphu.vn/nang-cao-thu-nhap-tu-mo-hinh-htx-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao

8. Quốc hội Khóa XV (2024). Luật Thủ đô (sửa đổi), truy cập từ https://dangcongsan.vn/ha-noi-thu-do-van-hien-anh-hung-vi-hoa-binh/tin-tuc/quoc-hoi-thong-qua-luat-thu-do-sua-doi-nhieu-quy-dinh-moi-dot-pha-671197.html

9. Sơn – Huyền (2021). Nông nghiệp Hà Nội lấy thị trường làm căn cứ phát triển, truy cập từ http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/991216/nong-nghiep-ha-noi-lay-thi-truong-lam-can-cu-phat-trien

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội (2020). Báo cáo Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

11. Sở Nông nghiổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 v (2022). Báo cáo phục vụ buổi làm việc giữa UBND thành phố Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

12. Thành ủy Hà Nội (2021). Chương trình 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.

13. Thiện Tâm (2021). Hiệu quả kinh tế từ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, truy cập từ https://thanglong.chinhphu.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-co-cau-lai-nganh-nong-nghiep

14. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

 



[1] Hà Nội có diện tích lên đến 3.344,6km2, tăng gấp hơn 3,6 lần so với thời điểm 31/7/2008 trước khi mở rộng (921,8km2); còn dân số Hà Nội tăng gấp đôi, từ trên 3,145 triệu người năm 2008 trên 6,45 triệu người năm 2009, Thành phố hiện có 17 huyện ngoại thành

 

[2] Nông nghiệp Hà Lan gắn bó hữu cơ với Trung tâm phát triển nông nghiệp của đại học Wagenigen (WUR), tương tự như vậy, nông nghiệp Israel có được tầm vóc như hiện nay là nhờ đã biết dựa vào đại học Hebrew, nông nghiệp bang California rộng lớn phát triển mạnh mẽ là nhờ có sự hỗ trợ của UC David, v.v…

[3] Có thể tham khảo trường hợp ở huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang: Toàn huyện có 36 ngàn ha, trong đó có khoảng 10% là người có ruộng từ 30-40ha đất; riêng xã Tây Phú có 70% dân ở huyện khác hoặc người ngoài tỉnh đến mua đất với số lượng lên đến hàng trăm công mẫu.