Sáng ngày 06/09/2018, Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Chăn nuôi – Thú Y – Thủy sản.   

Tham gia buổi làm việc có đại diện các Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tổ chức cán Bộ, Vụ Tài Chính – Kế Hoạch, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y,  Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Giám đốc Học viện, Hội đồng Học viện, các ban chức năng và các nhà khoa học thuộc các khoa Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ vai trò của ngành chăn nuôi, thủy sản với sự phát triển của ngành nông nghiệp và một số thách thức đổi với phát triển ngành như: vấn đề nguồn nhân lực; cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này còn yếu và thiếu; sự tham gia của doanh nghiệp kèm theo những công nghệ nhập khẩu mang lại sự cạnh tranh cao với các nghiên cứu khoa học trong nước…

 

Thay mặt các nhà khoa học của Học viện, GS.TS. Phạm Văn Cường đã trình bày những thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua, trong đó có một số điểm nổi bật như: nhiều tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm đã được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất (01 giống lợn Piesterain kháng stress: Nhóm lợn Landrace mang kiểu gen BB của gen RBP4 và lợn Yorkshire mang kiểu gen CC của gen RNF4 có năng suất sinh sản cao; 02 giống gà: Tổ hợp lai ½ và ¾ gà Hồ lai với gà Lương phượng;  02 chế phẩm sinh học: Chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA phục vụ xử lý môi trường trong chăn nuôi, Chế phẩm VNUA- BIOMIX làm đệm lót sinh học và xử lý môi trường; 07 tiến bộ kỹ thuật: Quy trình xử lý rơm tươi bằng urê làm thức ăn cho trâu, bò; Quy trình sử dụng vòng tẩm Progesterone do Việt Nam sản xuất”; Chủng giống gốc có tiềm năng và điều kiện sản xuất vắc-xin phòng bệnh: PRRS, PCV2, PEDV, Dịch tả vịt, CDV, Viêm gan vịt, ORT, LMLM, Cúm gia cầm, Rotavirus, Haemophilus parasuis, Mycoplasma hyopneum...) và một số định hướng, đề xuất nghiên cứu trong thời gian tới như: Nâng cấp các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO, Ứng dụng công nghệ gây đột biến (gene mutation) và xóa gene (gene deletion) trên genome của vi khuẩn: Công nghệ sản xuất vắc-xin (vô hoạt và nhược độc, tái tổ hợp); Công nghệ di truyền phân tử: tạo giống năng suất sinh sản cao, kháng stress, gen mục tiêu trên vật nuôi; Nghiên cứu các công nghệ hỗ trợ sinh sản và chọn tạo giống động vật như: sản xuất phôi tươi, tinh phân biệt giới tính, các môi trường pha loãng và bảo quản tinh trùng; Sản xuất kit chẩn đoán bệnh, xác định tồn dư các chất kích thích tăng trưởng trong thực phẩm nguồn gốc động vật; Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong mật.

 

 


 

Thay mặt Ban Giám đốc Học viện, GS.TS. Nguyễn Thị Lan cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ, cá nhân thứ trưởng Lê Quốc Doanh và các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị nghiên cứu trong Bộ đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học của Học viện được tham gia vào các chương trình nghiên cứu của Bộ và hứa sẽ cùng với các nhà khoa học của Học viện phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chức năng của Bộ để triển khai những nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất đặt ra.

 


 

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những đóng góp của Học viện trong sự nghiệp phát triển của ngành và đề nghị Học viện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ để xây dựng các chương trình nghiên cứu phù hợp với định hướng phát triển, đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin tưởng rằng với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện có, Học viện sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển trong lĩnh vực này. Để phát huy tốt hơn trong thời gian tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ như:

-  Hoàn chỉnh và nâng cấp hệ thống các phòng thí nghiệm, xét nghiệm tiến tới đạt chuẩn ISO, để có thể tham gia tốt vào hệ thống quản lý, giám sát chất lượng của Bộ;

-  Nghiên cứu vấn đề quản trị trong sản xuất của ngành chăn nuôi và thủy sản; Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các nguồn gen bản địa (tập trung vào con lợn), nghiên cứu vấn đề dinh dưỡng và chế phẩm phòng trị bệnh, vacxin..; nghiên cứu ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành; Môi trường chăn nuôi, thủy sản; Nghiên cứu an toàn sinh học trong chăn nuôi, thủy sản và an toàn thực phẩm; Nuôi thủy sản trên biển, kỹ thuật khai thác, thiết bị khai thác; đặc biệt là tập trung nghiên cứu sâu về bệnh thủy sản và các giải pháp phòng trị.