Ngày 25 tháng 4 năm 2023 Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương và huyện Tứ Kỳ tổ chức hội thảo “Nông nghiệp tuần hoàn và tầm nhìn phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương”. Chủ trì hội thảo: ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương; Bà Vũ Thị Hà- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ và PGS.TS. Nguyễn Minh Hiền-Trưởng khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.
Đã có 8 tham luận được trình bày tại hội thảo. Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến từ các khoa Kinh tế & PTNT, Thú y, khoa Chăn nuôi, khoa Công nghệ sinh học, Trung tâm Nghiên cứu liên ngành PTNT và Viện Tăng trưởng xanh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Tập đoàn Kamichiku Nhật Bản, Công ty CP Nông nghiệp thế hệ mới, Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Cây ăn quả, các cơ quan chuyên môn trong huyện Tứ Kỳ và trong tỉnh Hải Dương.
Các bài tham luận của hội thảo đã tập trung vào những vấn đề lý luận về kinh tế tuần hoàn (KTTH), nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) và kinh nghiệm thực tế trong phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng từ đó tìm ra những khó khăn, những rào cản, thách thức đối với phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong phát triển chăn nuôi, từ đó đề xuất xuất các giải pháp và những định hướng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hiền trình bày tập trung vào những vấn đề lý thuyết về một số quan điểm về KTTH và NNTH, các nguyên tắc, lợi ích và các rào cản áp dụng KTTH vào phát triển nông nghiệp. Đặc biệt môt số kinh nghiệm phát triển KTTH và NNTH của châu Âu, Úc, châu Á và một số trường hợp điển hình tại Việt Nam đã được thảo luận từ đó làm cơ sở cho phát triển NNTH của tỉnh Hải Dương.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, ở trên địa bàn tỉnh, trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay rơm rạ, thân cây ngô và phụ phẩm trên cây rau đã được tận dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, phủ luống hành tỏi, cà rốt, ủ gốc giữ ẩm qua đó gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng độ tơi xốp của đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình lúa – rươi – cáy sử dụng 100% hữu cơ, giúp nông dân thu nhập hàng tỷ đồng/ha. Trong chăn nuôi, Sở Nông nghiệp cũng hướng dẫn các hộ chăn nuôi xử lý phân gà, chim cút thành phân hữu cơ truyền thống để bón cho cây trồng tại địa phương. Sử dụng phân bò để nuôi giun trùn quế và sử dụng làm thức ăn cho gà và nguyên liệu bổ sung làm thức ăn cho chăn nuôi. Tỉnh Hải Dương hiện có 122 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGap, có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng được tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên bà Kiểm cũng tổng hợp lại một số khó khăn của tỉnh như: người dân chưa nhận thức được vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, thậm chí chưa có dẫn đến nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhất là nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn mơ hồ, chưa đầy đủ. Bên cạnh đó người dân vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng thông qua gia tăng đầu vào, nên vẫn dùng thuốc kích thích tăng trưởng, bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ; năng lực tái chế, tái sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp còn hạn chế; chưa có hành lang pháp lý, thiếu hướng dẫn và tiêu chuẩn hóa cho triển khai kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.
GS.TS. Vũ Đình Tôn và PGS.TS Sử Thanh Long đã có hai bài tham luận về "Phát triển chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn tại tỉnh Hải Dương" và bài "Hướng đi cho nông nghiệp tỉnh Hải Dương trong kinh tế tuần hoàn". TS. Nguyễn Thị Nhiên trình bày về “ Ruồi lính đen triển vọng đa chiều trong nông nghiệp tuần hoàn” và ông Nguyễn Văn Tuân đã trình bày về một số kết quả triển khai sản xuất lúa hữu cơ trên vùng rươi tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp của huyện Tứ Kỳ và của tỉnh Hải Dương đã có những ý kiến thảo luận trao đổi và đề xuất hướng đi hiệu quả cho phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng của tỉnh. Cụ thể, cần coi tuần hoàn là hướng tất yếu mang tính chiến lược, cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn; Xây dựng chương trình và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu; tăng cường tuyên truyền và giới thiệu các mô hình mới trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng và triển khai Đề án ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; Khảo sát thực trạng nông nghiệp tuần hoàn toàn tỉnh và ở các địa phương trong tỉnh…
ThS. Bạch Văn Thủy
Nhóm NCM Quản lý phát triển nông thôn