Khi nói về những nét đẹp văn hóa trong Lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến những ca khúc truyền thống đã ra đời từ mái trường này cách đây gần nửa thế kỷ. Đó là các bài hát “Tâm tình người sinh viên nông nghiệp”, “Hành khúc sinh viên nông nghiệp”, “Đâu còn gương nước trăng soi”, Tài xế xe bò” và bản hợp xướng 4 chương “Chiến thắng”. Thật xúc động, ngần ấy năm đã trôi qua với biết bao “vật đổi sao dời” song cho đến hôm nay, trong các sự kiện trọng đại của Học viện hay ở những buổi liên hoan gặp mặt, những ca khúc này lại được các thế hệ trẻ của Học viện cất lên thật thiết tha, sâu lắng. Không khó để nhận ra giai điệu các bài hát này phản ánh một cách sinh động hình ảnh những thế hệ sinh viên của Học viện dù trong hoàn cảnh gian khó, hiểm nguy của chiến tranh song vẫn luôn tràn đầy lạc quan, yêu đời cùng ý chí quyết tâm trong học tập và rèn luyện để sẵn sàng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với âm hưởng chủ đạo đó, những bài hát thân thuộc này không chỉ làm sống lại những ký ức hào hùng của một thời đã qua mà còn tiếp tục tạo nguồn cảm hứng, thôi thúc các thế hệ sinh viên hiện nay của Học viện hăng hái phấn đấu tiến lên phía trước. Phải chăng đây chính là hồn cốt đã tạo nên sức sống cho các ca khúc truyền thống này đi cùng năm tháng trong lịch sử phát triển của Học viện?

Có thể nói những bài hát này là một phần trong di sản văn hóa đáng được trân trọng của Học viện. Vì vậy nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lai lịch những bài hát nói trên.

Như mọi người đã biết, để chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ mở rộng ra miền Bắc, từ năm 1965 Học viện đã xây dựng nhiều khu sơ tán tại một số địa phương trên miền Bắc. Trong đó, khu trọng điểm đặt tại huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng có tên gọi là khu Chiến thắng. Đây là nơi sinh viên các khóa 10, 11, 12, 13 và một số lớp dự bị đại học sinh sống và học tập trong quãng thời gian từ năm 1965 đến 1969. Chính trong thời gian này chàng sinh viên Nguyễn Văn của lớp Bảo vệ thực vật -10 (khóa 1965-1969) rung cảm trước thiên nhiên, con người và những năm tháng học tập đầy ý nghĩa của sinh viên nơi đây đã ôm đàn sáng tác nên ca khúc “Tâm tình người sinh viên nông nghiệp” và đặc biệt là bản hợp xướng 4 chương mang tên “Chiến thắng”. Sau khi ra trường, kỹ sư Nguyễn Văn công tác ở lĩnh vực Dâu - Tằm - Tơ. Anh là người có công đầu trong việc quy hoạch và phát triển khu đô thị Bảo Lộc (Lâm Đồng) trở thành thủ phủ Dâu - Tằm - Tơ của cả nước. Anh đã đảm trách chức vụ Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp Dâu Tằm Tơ Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Cựu sinh viên Nguyễn Văn

Cùng thời với 2 sáng tác gây tiếng vang nói trên, cũng tại khu sơ tán Chiến thắng còn xuất hiện một ca khúc gây ấn tượng không kém là bài hát “Hành khúc sinh viên nông nghiệp” của tác giả Đào Ngọc Anh. Anh là sinh viên lớp Rau Quả khóa 10. Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Đào Ngọc Anh về công tác tại Trại rau quả Hữu Nghị, tiền thân của Viện nghiên cứu Rau quả ngày nay. Cuộc đời và sự nghiệp đang rộng mở song sự bất hạnh, do bệnh tật dai dẳng, Đào Ngọc Anh đã mất năm 1994.

Cựu sinh viên Đào Ngọc Anh

Về những sinh viên sáng tác bài hát về Học viện, trường hợp đáng nói nhất có lẽ là Lương Quang Thành, sinh viên lớp Trồng trọt 14A (khóa 1969-1973). Nếu như khi cầm bút sang tác, Nguyễn Văn và Đào Ngọc Anh là cán bộ đi học đã có ít nhiều vốn sống thì Lương Quang Thành lại hoàn toàn là “học sinh trơn” tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1971, khi căng sức cùng với sinh viên toàn trường trong chiến dịch chống trận lụt lịch sử ở miền Bắc, Lương Quang Thành đã viết ca khúc “Còn đâu gương nước trăng soi”. Sau đó một năm, khi lớp Trồng trọt 14A về lao động và học tập tại nông trường Mộc Châu (Sơn La), chàng sinh viên này lại tạo dấu ấn mới bằng bài hát để đời “Tài xế xe bò”. Có thể nói đây là một tài năng âm nhạc thực sự, các bài hát đều được anh viết rất nhanh lúc cảm xúc tuôn trào. Tốt nghiệp đại học, Lương Quang Thành về công tác ở tỉnh Tuyên Quang, song người kỹ sư đa tài này lại khá đoản mệnh. Anh lâm bệnh nặng và mất tại đây ở độ tuổi 50.

Nguyễn Trần Hy, Lương Quang Thành (từ phải sang) 

Như vậy, các bài hát truyền thống của Học viện đều do sinh viên chúng ta sáng tác. Song để cho các ca khúc này vang vọng đến hôm nay, không thể không nói đến một cựu sinh viên khác của trường đó là Nguyễn Trần Hy, lớp Trồng trọt 14B (Ảnh 3, hàng đầu tiên bên phải). Sau khi ra trường, anh về làm công tác nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Dược liệu, Bộ y tế song vẫn luôn gắn bó với các hoạt động của Học viện. Chính anh là người đã cất công sưu tầm, biên tập và phục dựng các ca khúc nói trên để in vào đĩa CD giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Để làm được công việc này tất nhiên không thể thiếu tài năng về âm nhạc, song quan trọng hơn đó là sự tâm huyết và trách nhiệm đối với lịch sử và truyền thống mà Nguyễn Trần Hy dành cho ngôi trường thân yêu của mình.