Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi, những sinh viên ngày ấy đã viết những lá đơn tình nguyện, tạm “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ. Ngày 24 tháng 8 năm 1970, toàn Học viện có 381 sinh viên thuộc tất cả các khóa đang học tập tại trường cùng nhập ngũ. Trong số đó, có cả những sinh viên mới học xong năm thứ nhất và cả những sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường đã trở thành kỹ sư nông nghiệp. Chúng tôi cùng ký tên vào là cờ “Tiền tuyến gọi: Chúng tôi sẵn sàng”. Hiện lá cờ đó vẫn còn được lưu giữ trong phòng truyền thống của Học viện. Với khí thế “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong số 381 tân binh của Học viện đợt ấy có cả những sinh viên không có tên trong danh sách nhập ngũ nhưng vẫn lên xe cùng các bạn đến đơn vị bộ đội. Bởi nhiệt huyết ấy của tuổi trẻ với độc lập, chủ quyền dân tộc, cuối cùng cũng được đơn vị làm thủ tục tiếp nhận bổ sung tân binh. Với gần 400 người nhập ngũ trong tổng số sinh viên ngày ấy của toàn Học viện khoảng 2.500 người, Nhà trường buộc phải sát nhập một số lớp lại để đảm bảo mỗi lớp khoảng 30 – 50 sinh viên.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nay, nhưng những ký ức về một thời trai trẻ “xếp bút nghiên” lên đường cầm súng đánh giặc bảo vệ Tổ quốc thì không thể nào quên được trong tâm trí của những người lính sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chúng tôi đã cùng với hàng ngàn, hàng vạn người lính sinh viên của các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Nhiều người trong số họ đã hi sinh như liệt sỹ Lê Xuân Đĩnh, Phạm Quang Huy, Đào Văn Chiến… Họ không trở lại ngôi trường, để lại bút nghiên tiếp tục học tập thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong số đó, tiêu biểu nhất là Anh hùng liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh.
Mới học hết năm thứ 3, lớp điện khóa 12, Khoa Cơ khí, nay là khoa Cơ – Điện, Lê Xuân Đĩnh cùng bao thanh niên, sinh viên khác của Học viện đã xin được nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, anh được lựa chọn đi đào tạo lớp hạ sĩ quan quân đội. Với trình độ đang học đại học lại được đào tạo bài bản, Đĩnh nắm khá vững kiến thức chuyên môn về sử dụng một số loại vũ khí, nhất là vũ khí hoả lực, cùng với chiến thuật giỏi, chuyên môn nghiệp vụ thông thạo, anh đã đem hết khả năng, kiến thức để huấn luyện cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị và được toàn thể anh em đơn vị kính phục. Năm 1972 Đĩnh cùng nhiều đồng đội trực tiếp chiến đấu 81 ngày đêm để giữ Thành cổ Quảng Trị. Với những thành tích chiến đấu, anh được bầu chọn danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” ba năm liên tục 1972, 1973, 1974. Cuối năm 1972, tức là chỉ sau hai năm nhập ngũ, Đĩnh đã được cấp trên tín nhiệm giao trọng trách giữ chức Đại đội trưởng, Đại đội pháo binh 15, thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 325. Do những thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, anh được tặng thưởng hai Huân chương chiến công Hạng 3.
Lê Xuân Đĩnh là người chỉ huy đơn vị, luôn luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của người chiến sỹ cách mạng, sống giản dị, khiêm tốn nhưng quyết đoán. Trong gian khổ vẫn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống và đặc biệt là lòng yêu thương con người. Đĩnh thường làm thơ, sáng tác bài hát và viết nhật ký nhưng không phải để trở thành nhà thơ hay người nổi tiếng, mà là để động viên tinh thần cho chiến sỹ, khích lệ mọi người sống lạc quan, yêu đời kể cả những lúc cam go, ác liệt nhất của cuộc chiến đấu. Cho đến nay, nhiều anh em trong đơn vị ngày ấy vẫn còn thuộc lòng những bài hát và nhớ như in những câu thơ do anh sáng tác. Gần 40 bài thơ của Đĩnh để lại đã được Nhà xuất bản Văn học in thành cuốn Nhật ký thơ thời chiến 1970-1974 “như khúc tráng ca hùng sáng, du dương của sự hoà quyện giữa hiện thực và lãng mạn” tạc lên vẻ đẹp của người lính và trở thành một trong “10 sự kiện tiêu biểu về văn hóa, thể thao năm 2007”.
Khoảng đầu tháng 8/1974, Ban chỉ huy Trung đoàn 18 giao kế hoạch K1 cho Đại đội 15 do Lê Xuân Đĩnh làm Đại đội trưởng tấn công để trừng trị và tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, tạo ra tương quan lực lượng có lợi cho ta và tạo ra tiền đề cho sau này. Sau khi nhận nhiệm vụ, Lê Xuân Đĩnh đã trình bày phương án tác chiến là “phải táo bạo, bất ngờ, không để cho địch kịp trở tay, phải bắn trúng mục tiêu, bắn áp đảo ngay từ những loạt đạn đầu tiên” và đề nghị đưa tổ đài chỉnh pháo do anh chỉ huy luồn sâu vào cao điểm 200, áp sát căn cứ địch để chỉnh pháo của đơn vị bắn cho thật chính xác. Theo phương án tác chiến, trận đánh thứ nhất được thực hiện vào đầu buổi chiều ngày 03/9/1974; trận thứ hai được thực hiện cùng ngày sau trận thứ nhất ít phút. Kết thúc trận đánh, Đại đội 15 do Đĩnh chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Địch bị thiệt hại nặng về người và phương tiện chiến đấu. Tuy nhiên, điều không may mắn đã xảy ra, địch phát hiện được tổ đài của anh trên điểm cao 200 và đổ quân ra bao vây. Lúc này Đĩnh lệnh cho ba chiến sỹ đem toàn bộ máy thông tin 2W, cùng các thiết bị và bản đồ quân sự rút lui trước, còn một mình ở lại với 1 khẩu súng AK, 2 quả lựu đạn và cơ số đạn có hạn vừa chiến đấu yểm trợ, vừa đánh lạc hướng địch để đồng đội rút lui. Khi đồng đội chần chừ, anh đã đạp vào chân và hô “rút ngay”, rồi dúi tấm bản đồ vào tay một trong số những người đồng đội để họ tìm đường về đơn vị. Dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng nhận cái chết về mình để cứu sống đồng đội, Lê Xuân Đĩnh đã vĩnh viễn nằm xuống vào chiều ngày 03/9/1974 ngay tại điểm cao 200, mới ở tuổi 26. Mấy ngày sau, thi hài của anh mới được tìm về để mai táng. Tấm gương người Đại đội trưởng Lê Xuân Đĩnh đã được toàn Trung đoàn phát động phong trào học tập, noi theo và đề nghị truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lực vũ trang nhân dân”. Cảm phục trước sự hy sinh của anh, nhạc sỹ Hoàng Yến đã sáng tác bài hát “Bài ca Lê Xuân Đĩnh”. Ngày nay, mỗi lần gặp mặt cựu chiến binh của đơn vị, Bài ca này lại được vang lên như nhắc nhở chúng tôi không bao giờ quên những đồng đội hy sinh đã từng sống chiến đấu bên nhau của một thời chinh chiến.
Hiện tại, những người may mắn còn sống trở về với đời thường như chúng tôi hàng năm vẫn họp mặt nhau vào những ngày truyền thống và không khi nào không nhắc đến những người đồng đội đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có Lê Xuân Đĩnh. Đầu tháng 7 năm 2007, chúng tôi đã tổ chức một đoàn cựu chiến binh sinh viên về đơn vị cũ, tập hợp hồ sơ để tiếp tục đề nghị, ngày 30 tháng 01 năm 2011, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 164/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sỹ Lê Xuân Đĩnh. Có được kết quả xứng đáng này, những người đồng đội chúng tôi thật sự vỡ òa trong niềm sung sướng như anh vẫn còn đang sống. Đón danh hiệu Anh hùng lực lực vũ trang nhân dân cho Đĩnh, đơn vị nơi anh từng công tác và chiến đầu tổ chức một nghi lễ long trọng với sự có mặt của cán bộ chiến sỹ toàn đơn vị, các đồng đội hiện là các cựu chiến binh, trong đó có những đồng đội là cựu sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt đại diện cho Học viện còn có vị lãnh đạo cao nhất lúc đó là GS.TS. Trần Đức Viên.
Học viện nông nghiệp Việt Nam là Học viện anh hùng, anh hùng không chỉ trong lao động, sáng tạo trong khoa học, bề dày kinh nghiệm hơn 60 năm đào tạo mà anh hùng cả trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Học viện đã đào tạo cho đất nước không chỉ có những cử nhân, kỹ sư, nhà khoa học trên mặt trận phát triển đất nước, phát triển nông nghiệp, nông thôn mà có cả những chiến sĩ phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ đã đem hết sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc. Sinh viên của Học viện Nông nghiệp ngày nay là lớp thanh niên rất vinh dự, tự hào, mang trọng trách to lớn, phát huy truyền thống anh hùng của Học viện. Mỗi sinh viên hãy tự rèn luyện mình để nắm vững kiến thức chuyên ngành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, nông thôn Việt Nam giầu mạnh, để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha, anh đi trước.
Bài: TS. Dương Văn Hiểu, nguyên giảng viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn
Ảnh và chủ đề ý tưởng: Ban CTCT&CTSV