Kỹ năng mềm là chìa khóa để giúp mọi giao tiếp và hợp tác trở nên hiệu quả hơn. Việc được trang bị kỹ năng mềm ngay khi bước chân vào giảng đường sẽ hỗ trợ tân sinh viên tối đa trong quá trình lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp và chuẩn bị mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu công việc sau khi tốt nghiệp. Đây được coi là một trong những lợi thế của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Học viện đã đạt được những thành công bước đầu trong việc nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng của người học. Chất lượng đào tạo kỹ năng mềm từng bước được cải thiện và cơ bản nhận được sự đánh giá cao của sinh viên thông qua các đánh giá chất lượng các học phần kỹ năng mềm thông qua đường link lấy ý kiến phản hồi online của sinh viên theo từng nhóm lớp học. Tổng hợp được 16.538 lượt ý kiến đánh giá cho từng môn kỹ năng về các mặt: nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên cơ hữu và diễn giả, sự tương tác của sinh viên với bài giảng, trang thiết bị phục vụ. Đánh giá chung tất cả các mặt, chất lượng đào tạo kỹ năng mềm được đánh giá từ mức tốt trở lên là trên 70%. Sự đánh giá cao của sinh viên đối với chất lượng đào tạo kỹ năng mềm đã góp phần làm tăng chất lượng các chương trình đào tạo và thương hiệu của Học viện trong thời gian vừa qua.

Với yêu cầu có sự thay đổi và ngày càng cao của thị trường lao động về chất lượng đối với sinh viên mới ra trường, đồng thời sinh viên hiện nay cũng có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với sự thành công trong học tập cũng như trong sự nghiệp, Học viện cần có các nghiên cứu sâu và toàn diện về nhu cầu về kỹ năng mềm cũng như khả năng đáp ứng của Học viện để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, việc đánh giá chất lượng đào tạo từ các nhà nghiên cứu, những nhà quản lý giáo dục và đặc biệt là từ phía nhà tuyển dụng, sử dụng lao động chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, để từ đó giúp nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá ngày càng phù hợp hơn với thị trường lao động cũng như phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là rất cần thiết và có tính ứng dụng cao.

Sau 02 năm triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng đào tạo kỹ năng mềm trong giai đoạn 2017-2022 từ đó đưa ra các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng mềm:

Nhóm giải pháp về chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá: đa dạng hóa phương pháp đánh giá, xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, xây dựng quy mô giảng dạy phù hợp, mở rộng kết nối với doanh nghiệp, tăng cường đánh giá và đảm bảo chất lượng, xây dựng kế hoạch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của sinh viên.

Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất: đầu tư các phòng học chuyên sâu, trang bị các phòng học với diện tích phù hợp, xây dựng các khu học tập ngoài trời, địa điểm thực hành.

Nhóm giải pháp giáo viên giảng dạy, phương pháp giảng dạy: Chuẩn hoá đội ngũ giảng dạy, áp dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, sử dụng công nghệ và tài liệu phù hợp.

Nhóm giải pháp về chính sách, tài chính: điều chỉnh hệ số học phí, phát triển chính sách hỗ trợ tài chính, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính hiệu quả.

Cùng với các nhóm giải pháp đưa ra, nhóm nghiên cứu còn xây dựng được bộ tài liệu quy trình hướng dẫn đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên Học viện. Các sản phẩm thể hiện giá trị thực tiễn, có tính chất gợi mở, định hướng cho Học viện triển khai công tác đào tạo kỹ năng mềm trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu đề tài

   

Một phần kết quả nghiên cứu thu được của đề tài đã được công bố trên Tạp chí Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Link bài báo:  https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2023/10/tap-chi-so-10.12.pdf).

Đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp Học viện. Kết quả nghiên cứu được Hội đồng đánh giá đạt xếp loại Khá.

Thu Huyền – TT ĐT kỹ năng mềm