Cách đây 77 năm (14/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền nông, lâm nghiệp nước nhà. Năm 1995, Bộ Canh nông đã đổi tên thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 18/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ngành Nông nghiệp đã phát động phong trào toàn dân tăng gia sản xuất, chỉ sau vụ mùa năm 1946 đã đẩy lùi được nạn đói năm 1945 và trong suốt chiều dài kháng chiến chống xâm lược, ngành Nông nghiệp lại một lần nữa khẳng định được sứ mệnh to lớn gắn với lịch sử dân tộc, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
|
|
Đồng chí Cù Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên(Ảnh tư liệu) |
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, trải qua 36 năm thực hiện đường lối đổi mới, ngành Nông nghiệp nước ta đã phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Đến nay, cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tốc độ phát triển mạnh mẽ, đã có trên 3.200 sản phẩm OCOP được công nhận.
Nhờ tăng trưởng nhanh, nông nghiệp Việt Nam không chỉ cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định kinh tế - xã hội mà còn phục vụ đắc lực cho xuất khẩu. Một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD như cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ… Nông sản Việt Nam đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, “phi nông bất ổn” chưa bao giờ lại là chân lý vững chắc đến như vậy. Mọi lĩnh vực đều bị tác động nặng nề bởi đại dịch, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn giữ được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế, với việc an ninh lương thực bảo đảm, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.
|
|
Ngành Nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời điểm dịch bệnh phức tạp (Ảnh minh họa) |
Việc lấy ngày 14-11 là Ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước - từ thời kháng chiến giành độc lập đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay; đặc biệt là công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đây cũng là dấu mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhiều thế hệ đã góp sức xây dựng và phát triển ngành; đồng thời, khuyến khích, động viên và tạo phong trào thi đua trong toàn ngành để thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế - chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
|
|
Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (Ảnh sưu tầm) |
Tự hào tiếp nối truyền thống 77 năm lịch sử vẻ vang của ngành Nông nghiệp, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động và người học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã không ngừng nỗ lực làm việc, học tập, nghiên cứu, hăng hái thi đua trong phong trào toàn ngành nhằm hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mệnh của mình, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm đổi mới sáng tạo uy tín trong khu vực về nông nghiệp và phát triển nông thôn, chung tay thực hiện sứ mệnh đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững và thịnh vượng./.
Trung tâm QHCC&HTSV