Khi danh sách 39 người Việt bị tử vong ở Anh trong một hành trình "đi tìm miền đất hứa" vô cùng khắc nghiệt được công bố thì mỗi ngày vẫn có rất nhiều người dân ở nông thôn phải rời xa làng quê đi tìm việc làm ở nước ngoài, cả chính thức và phi chính thức. Năm 2019, con số lao động ra nước ngoài chính thức là 142.000 người. 10 năm, bức tranh sinh kế của nông dân Việt vẫn còn nhiều những gam màu tối.
Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo: "Người nông dân Việt Nam: Cơ hội và thách thức" và lễ ra mắt sách chuyên khảo “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam và Viện Chính sách & Chiến lược PTNNNT tiến hành nghiên cứu về hiện trạng sinh kế và đời sống của nông dân Việt Nam nhằm làm rõ năng lực, thế mạnh, điểm yếu để đề ra chính sách và giải pháp tổ chức thích hợp giúp họ phát triển. Kết quả nghiên cứu này đóng góp cơ sở xây dựng chương trình hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và góp phần cải tiến nội dung chương trình phát triển nông thôn trong giai đoạn mới.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cũng cho hay, cuốn sách chuyên khảo “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” ra đời dựa trên các thông tin từ các cuộc điều tra định kỳ, các thống kê chính thức và các nghiên cứu chuyên đề, phân tích kinh tế và nghiên cứu xã hội để giới thiệu tình hình sản xuất, điều kiện sinh sống và cơ hội phát triển của người nông dân Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ y tế, dinh dưỡng, văn hóa, giáo dục đến sinh kế, lao động, việc làm và liên quan đến cả các lĩnh vực về thể chế và quản lý. Đồng thời cuốn sách cũng chỉ ra các cơ hội và thách thức của nông dân và đưa ra các khuyến nghị chính sách thiết thực.
|
|
GS.TS.Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo |
Hộ nông thôn chỉ tích lũy được 22 triệu đồng/năm
Theo TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - chủ biên cuốn sách, bên cạnh những gam màu sáng như phát triển nông nghiệp được đánh giá là một trong những thành tựu to lớn nhất của quá trình đổi mới; thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể nhưng vẫn có những mảng xám do xuất hiện những nguy cơ thiếu bền vững.
Cụ thể, một bộ phận lớn dân cư tại nông thôn vẫn đang ở mức thu nhập ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, chỉ cần một cú sốc có thể kéo người nông dân vào vòng xoáy của nghèo đói; tỷ lệ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn rất cao ở khu vực miền núi và trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (gần 50%). Mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày một nới rộng.
Thống kê của nhóm nghiên cứu cho thấy, năm 2002, trung bình một hộ thuộc nhóm 20% hộ có thu nhập thấp nhất ở nông thôn chi tiêu khoảng 11 triệu đồng/năm, trong khi nhóm 20% hộ có thu nhập cao nhất chi tiêu khoảng 50 triệu đồng/năm; đến năm 2016, khoảng cách này là 26 triệu đồng/năm và 98 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, khả năng tích lũy và đầu tư mở rộng của hộ nông dân cũng rất thấp. Bình quân hộ đô thị có khả năng tích lũy nhiều gấp đôi hộ nông thôn. Mức chênh lệch từ thu nhập, sau khi đã trừ đi các khoản chi tiêu bình quân một hộ đô thị là 15 triệu đồng/năm vào năm 2002, tăng lên mức 52 triệu đồng/năm năm 2016; trong khi con số này ở hộ nông thôn chỉ là 7 triệu đồng/năm và 22 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, đất đai, là tài sản lớn nhất của nông dân thì vẫn rất manh mún, chỉ giảm từ 4,4 mảnh/hộ năm 2008 xuống còn 4,1 mảnh/hộ vào năm 2016, cho thấy quá trình tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa vẫn diễn ra chậm chạp.
Điều đáng suy nghĩ là, tỷ lệ hộ bị thu hồi đất mặc dù có xu hướng giảm dần nhưng vẫn chiếm khá lớn, từ 1,8 - 4,4% số hộ được điều tra. Bên cạnh kết quả tốt về phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, vẫn có tình trạng lãng phí nguồn đất, hiệu quả không cao.
Gần 239 khu công nghiệp với tổng diện tích lên tới 54.882ha đã được phê duyệt thực hiện trong thời gian 2011 - 2020 nhưng tỷ lệ lấp đầy và hiệu quả phát triển các khu công nghiệp chưa cao.
|
|
Sau 10 năm, thu nhập của người nông dân Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, lao động nông nghiệp Việt Nam vẫn ở trình độ thấp, 80% số lao động chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo chuyên môn nào; lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 9%; năng suất lao động ở nông thôn Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á do trình độ, tính chuyên nghiệp thấp, già yếu, thể lực kém, chuyên môn thấp và quy mô nhỏ.
"Dù hiện nay có rất nhiều chính sách hướng về nông dân nhưng việc được thông tin, phổ biến các chính sách còn hạn chế. Tỷ lệ dân cả nước, đặc biệt là cư dân nông thôn được biết các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương là rất thấp, chỉ 20% nông dân được thông báo, 4% nông dân tự thu thập thông tin; minh bạch chính sách chưa cao, chỉ 17% số người được hỏi ở nông thôn cho biết danh sách các hộ nghèo không được công khai" - ông Thắng nêu một thực tế.
Trong khi đó, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng, bức tranh giữa nông dân và thị dân đang có sự chênh lệch lớn. Con số ông Sơn đưa ra hẳn khiến nhiều người giật mình: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nông thôn cao gấp 2,6 lần thành thị; người lớn thiếu cân nặng ở thành thị là 5,9% trong khi ở nông thôn là 18,8%.
"Ngày càng có nhiều người rời ra nông thôn, giai đoạn 2008 - 2018 ở ĐBSCL có 70.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài; năm 2019 có 142.000 lao động ra nước ngoài chính thức, số bỏ trốn bằng 10% số lao động đang làm việc ở Đài Loan" - ông Sơn thống kê.
Hướng đến phát triển bao trùm
Từ bức tranh sáng - tối của sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị một số chính sách hướng đến phát triển bao trùm, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn phát triển đô thị và nông thôn thay vì mô hình "kinh tế phân cách".
"Giải pháp hợp lý nhất để chuyển mô hình tăng trưởng từ ưu tiên phát triển các vùng động lực sang phát triển bao trùm là tạo điều kiện để các vùng trong cả nước phát huy được nội lực dựa trên lợi thế có sẵn, tạo cho mọi ngành kinh tế nhất là nông nghiệp và dịch vụ có thể phát huy tối đa sức phát triển, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là lực lượng đông đảo nông dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội phát triển" - ông Sơn nói.
Đổi mới tổ chức, quản lý của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chấm dứt can thiệp hành chính, lấy chất lượng hoạt động làm mục tiêu; hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động để các tổ chức này thực sự đại diện cho quyền lợi của hội viên, là lực lượng liên kết ngành, có năng lực đấu tranh quốc tế, xử lý tranh chấp nội bộ, cung cấp các dịch vụ thiết thực, tham gia chính sách, quản lý phát triển ngành hàng,...
Phát triển ngành nông nghiệp tổng hợp (dịch vụ, chế biến, kinh doanh) và kinh tế dịch vụ để phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, tạo nhanh việc làm cho lao động ở nông thôn, đưa công nghiệp và đô thị về nông thôn; đẩy mạnh xuất khẩu lao động có tổ chức, gắn kết giữa địaphương, doanh nghiệp xuất khẩu với doanh nghiệp và quốc gia nhậpkhẩu lao động.
Anh Thơ - http://danviet.vn/