Những ngày gần đây, giới học thuật và dư luận bàn luận rất nhiều về luận án tiến sĩ có tên "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện Khoa học Thể dục thể thao. Nội dung đề tài công bố tháng 12/2021, nghiệm thu thành công cấp Viện ngày 19/1/2022.

Nhiều nhà khoa học cho rằng những luận án tiến sĩ không xứng tầm, dưới chuẩn như trên là thực tế không lạ trong nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Để nhìn nhận kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên Dân trí đã trao đổi với GS.TS NGND Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp, nguyên Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

Công trình có hàm lượng khoa học rất thấp

Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" gây xôn xao giới học thuật và dư luận thời gian gần đây?

- Lưu ý, đây là một luận án khoa học, nghĩa là phải có hàm lượng khoa học ở mức chấp nhận được; Với luận án "cầu lông" này, người đọc không thấy được tính cấp thiết của đề tài, tức khoảng trống khoa học cần phải được nghiên cứu để bổ sung vào kho tàng kiến thức khoa học của nhân loại về môn cầu lông, hay để giải quyết được một tồn tại nào đó, trên cơ sở các bằng chứng khoa học thuyết phục, trong phát triển môn cầu lông của chúng ta; để từ đó luận án mang "tính mới".

Tác giả chỉ lan man kể lể về phong trào thể dục thể thao nói chung mà chưa làm rõ đặc thù của phong trào cầu lông và sự phù hợp của nó như thế nào đối với đặc điểm của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.

Mặt khác, tác giả đề cập nhiều đến "phong trào cầu lông" hơn là "môn cầu lông" như tên của luận án. Số liệu thì lộn xộn, phỏng vấn 394 công chức, viên chức tham gia tập luyện và thi đấu cầu lông, nhưng tổ chức thực nghiệm chỉ với 371 người; rồi thì phỏng vấn 69 cán bộ quản lý, huấn luyện viên, nhưng kết quả nghiên cứu lại chỉ đề cập đến 54 người mà không có giải thích hay biện minh.

leftcenterrightdel
 GS.TS NGND Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp - Lâm nghiệp, nguyên Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể cũng chưa phản ánh đầy đủ các nội dung nghiên cứu ở trong luận án. Phần tổng quan sơ sài và sắp xếp lộn xộn, không đi theo các từ khóa trong tên đề tài, chỉ đơn giản liệt kê tên các công trình, không phân tích để nêu bật được 'khoảng trống' cần phải được nghiên cứu. Ngay cả nội hàm của "giải pháp phát triển" cũng mù mờ. Phương pháp nghiên cứu không thuyết phục, không làm rõ được căn cứ khoa học của việc tại sao lại chọn môn cầu lông? tại sao lại chọn điểm nghiên cứu này? tại sao lại chọn các mẫu ấy?…

Tóm lại, đây chưa phải là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu, đúng tầm, đạt chuẩn, vì có hàm lượng khoa học rất thấp. Nó gần giống như một đề án phát triển môn cầu lông của một cán bộ chịu trách nhiệm về phong trào thể dục thể thao quần chúng nào đó thuộc phòng Thể dục thể thao, thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La.

Bằng tiến sĩ như một tấm giấy thông hành để bước vào con đường quan lộ

Trao đổi với Dân trí trước đó, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng dù rất đáng lo ngại, nhưng đây là thực tế không lạ ở Việt Nam. Theo ông, vì sao hiện nay lại có nhiều những luận án tiến sĩ như trên?

- Việt Nam là một dân tộc trọng chữ nghĩa, kính người thầy, nên "kẻ sỹ" thường được xã hội trọng vọng. Điều đó đã góp phần tạo ra các thang bậc giá trị trong xã hội, làm cho người ta lảng tránh thực học thực nghiệp, coi trọng bằng cấp, nảy sinh tâm lý sính chữ (dù là chữ rởm), háo danh và sỹ diện.

Những nước đa số dân chúng theo đạo Khổng đều có đặc điểm chung này, nhưng không phải nước nào chịu ảnh hưởng của Khổng giáo cũng vẫn duy trì nếp nghĩ ấy trong môi trường học thuật. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí là cả Trung Quốc cũng đều đã hướng theo các chuẩn mực học thuật của phương Tây, của thế giới văn minh. Bản thân họ đã nhận ra và tự giác "thoát Á" trong thế giới học thuật từ lâu.

Trong công tác cán bộ, khi đề bạt hay tiếp nhận cán bộ, người ta vẫn coi trọng lý lịch thân nhân và bằng cấp, dựa vào kết quả thi cử, điểm số để đánh giá ai hơn ai. Việc dựa vào thực tài và cống hiến thực sự của mỗi cá nhân cho sự phát triển của cộng đồng, của đất nước, cho sự tiến bộ của xã hội để đề bạt và tạo cơ hội thăng tiến cho người có tài không nhiều.

Các nguyên tắc đề bạt cán bộ của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hành chính - sự nghiệp cũng được áp dụng giống với các cơ quan học thuật. Điều đó vô hình chung đã khuyến khích tạo ra các luận án tiến sĩ rỏm, vì người ta làm tiến sĩ không phải để dấn thân cho khoa học mà tấm bằng ấy như một chứng chỉ cần có trên con đường quan lộ, để được nhà cao cửa rộng.

Đào tạo trình độ tiến sĩ là đào tạo những nhà khoa học có trình độ cao về lý thuyết và năng lực thực hành phù hợp, có khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết được những vấn đề mới có ý nghĩa về khoa học, công nghệ hay những vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Làm luận án tiến sĩ để thể hiện quyết tâm dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, vào lĩnh vực học thuật, không phải là để làm quan, càng không phải để làm giàu.

Tuy nhiên, ở ta hiện nay, tấm bằng tiến sĩ như một tấm giấy thông hành để bước vào con đường quan lộ, có vị còn "bạo gan" làm phó giáo sư rồi giáo sư. Có lẽ là để in danh thiếp chứ không phải để dấn thân vào con đường khoa học, để tìm ra sự thật, để chứng minh chân lý.

leftcenterrightdel
 Theo NGDN Trần Đức Viên, ở Việt Nam hiện nay, tấm bằng tiến sĩ như một tấm giấy thông hành để bước vào con đường quan lộ (Minh họa: Ngọc Diệp).

Người ta cho rằng, chắc chắn không có luận án "cầu lông" cũng như hàng loạt luận án tiến sĩ tương tự khác mà cộng đồng mạng đang bàn luận thời gian gần đây, nếu như không có sự xuất hiện của Thông tư 18 (ban hành ngày 28/6/2021) thay thế Thông tư 08 (ngày 04/4/2017) ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Thông tư 18 không yêu cầu nghiên cứu sinh phải có bài báo công bố quốc tế trước khi bảo vệ, cũng không yêu cầu người hướng dẫn phải có công bố quốc tế.

Có người coi sự xuất hiện của Thông tư 18 là một bước thụt lùi trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đã làm tầm thường hóa tấm bằng tiến sĩ của Việt Nam, góp phần "đâm toạc" sự phát triển, chắn ngang con đường hội nhập của giáo dục đại học nước nhà. Suy cho cùng, có thể coi đó là sự vô trách nhiệm đối với sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong thời buổi hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn vào hệ thống khoa học công nghệ và giáo dục đại học thế giới.

Thông tư 18 đã gây ngạc nhiên cho không ít người, nhưng cũng đã đáp ứng mong đợi của nhiều người khác.

Bất cập, bất công đối với giới học thuật trong nước?

Vậy Giáo sư đánh giá như thế nào về quy trình đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay?

- Quy trình đào tạo tiến sĩ của chúng ta không khác nhiều so với các nước có nền giáo dục đại học và khoa học công nghệ phát triển. Nhìn vào quy định thì thấy rất nghiêm ngặt và chặt chẽ, thường bao gồm 9-12 bước, từ thông báo xét tuyển đến duyệt đề cương nghiên cứu, cử cán bộ hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, bảo vệ luận án cấp bộ môn, phân công người giới thiệu luận án, phản biện độc lập (phản biện kín), phản biện chính thức, bảo vệ luận án cấp cơ sở đào tạo,…

Nếu quản lý tốt các bước này, hội đồng các cấp làm việc nghiêm túc, thượng tôn chất lượng luận án thì chất lượng của một luận án tiến sĩ không thể kém và đủ sức để có những bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế. Nhưng dường như quy trình ấy chỉ tồn tại trên giấy, nên với không ít trường hợp, tất yếu sẽ sinh ra "tiến sĩ giấy".

Các quy định này hầu như chỉ dựa vào tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của thầy hướng dẫn, các thành viên hội đồng; thiếu chế tài thưởng phạt nghiêm khắc; thiếu các quy định cụ thể cùng tiêu chí khả thi và khả tín về chất lượng luận văn; thiếu quy định về chế độ kiểm tra, giám sát từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đến cơ sở đào tạo.

Theo Thông tư 18, tiêu chí khả tín nhất về chất lượng của một luận án là bài báo công bố quốc tế lấy kết quả nghiên cứu từ luận án này bị loại bỏ, nhưng lại không có các tiêu chí kiểm soát chất lượng khác thay thế, nên người ta dễ "lập lờ đánh lận con đen".

Tôi biết, một số nước cũng không cần công bố quốc tế, nhưng chắc chắn là họ vẫn có các quy trình và tiêu chí đánh giá luận án tiến sĩ nghiêm ngặt. Nhờ đội ngũ các nhà khoa học có lòng tự cường dân tộc, tự trọng cá nhân cao nên các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ quốc kế dân sinh và bảo vệ an ninh quốc gia của họ vẫn được cộng đồng các nhà khoa học quốc tế kính nể, làm nên sức mạnh vật chất của đất nước họ.

Ở nước ta, cán bộ giảng dạy đại học và nghiên cứu viên tại các đơn vị nghiên cứu, nếu còn đủ tuổi và có vốn tiếng Anh ở mức "chấp nhận được" thì đại đa số đều đã nhận được học bổng, không của đối tác nước ngoài thì cũng từ ngân sách Chính phủ qua các chương trình ngàn tỷ đào tạo cán bộ.

Những người còn lại, dám làm nghiên cứu sinh trong nước đã là một sự "dũng cảm". Đại đa số họ làm theo hình thức "tại chức", nghĩa là vẫn hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của cơ quan, lại thêm công việc nghiên cứu để hoàn thành luận án. Nhiều người trong số đó có khi một năm chỉ xuất hiện 2 lần ở cơ sở đào tạo: vào dịp 20/11 và Tết âm lịch, vừa là lễ tết thầy, vừa tranh thủ xin ý kiến thầy về quá trình nghiên cứu cũng như các kết quả đã đạt được của mình, rồi lại "lặn" tiếp.

Cũng hiếm đất nước nào như ở xứ ta, nghiên cứu sinh không có học bổng để hoàn thành nhiệm vụ học tập và nghiên cứu, đã thế lại còn phải đóng học phí 28 triệu đồng/năm. Tiền cho nghiên cứu không có, hoặc nếu có thì cũng rất ít, lại thêm vẫn phải hoàn thành các công việc ăn lương. Bởi vậy, làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu khoa học để hoàn thành luận án với đúng nghĩa của một công trình khoa học, có tính mới, giải quyết được khoảng trống nào đó về tri thức mà khoa học còn chưa được lấp đầy hoặc giải quyết được một tồn tại nào đó trong phát triển kinh tế - xã hội?

Cho đến nay, hình như Nhà nước không chi ra một đồng học bổng nào cho nghiên cứu sinh trong nước, trong khi lại có thể sẵn lòng bỏ ra cả chục ngàn USD/năm cho một nghiên cứu sinh của các chương trình 322, 911.

Dẫu vậy lại đòi hỏi luận án của nghiên cứu sinh trong nước phải có chất lượng tương đương với luận án của các trường có thứ hạng cao của nước ngoài; yêu cầu họ phải có công bố quốc tế mới được bảo vệ. Đó là sự bất cập của chính sách hay là sự đối xử bất công của Nhà nước đối với giới học thuật?

Trong hoàn cảnh hiện nay, với các nghiên cứu sinh trong nước không đủ dũng khí, hoặc con đường tiến thân không rõ ràng, tính khả thi không cao, hoặc là phải cố làm cho xong để giữ chức danh hoặc lên chức danh cao hơn, thì thường sẽ bỏ cuộc, không có gan đi đến tận cùng cho đến khi nhận được tấm bằng tiến sĩ, dù là chỉ để in danh thiếp.

Do vậy, với không ít các nghiên cứu sinh, sau khi có tấm bằng tiến sĩ, họ đã cho đó là đỉnh cao của khoa học, không cần phải nghiên cứu nữa. Họ hoàn toàn không ý thức được rằng tấm bằng tiến sĩ chỉ là tấm giấy chứng nhận người sở hữu nó bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp và đã có đủ khả năng tổ chức nghiên cứu độc lập, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho người khác.

Như vậy, lỗi này thuộc về ai, thưa Giáo sư?

- Tôi nói thế không phải để bênh vực nghiên cứu sinh này và các ông thầy của họ, mà để thấy rằng, lỗi không hoàn toàn thuộc về họ. Lỗi thuộc về chính sách đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao, bao gồm cả đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, quy trình quản lý chất lượng luận án, thái độ và trách nhiệm của người hướng dẫn khoa học, của hội đồng bảo vệ luận án các cấp, của cơ sở đào tạo, chính sách sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật, chính sách trọng dụng người tài,…

Các luận án tiến sĩ, dù thuộc chuyên ngành nào cũng đều theo một khuôn mẫu chung, nên dù không có kiến thức chuyên môn, đọc qua luận án "cầu lông" của nghiên cứu sinh gặp "đại hạn" (vì không phải riêng NCS này có luận án với chất lượng như vậy), ai cũng đều thấy đây không phải là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và công phu.

Luận án chưa trả lời được thấu đáo 2 câu hỏi cơ bản về mặt học thuật khi bắt tay vào nghiên cứu bất kỳ một công trình khoa học nào, đó là: nghiên cứu vấn đề đó để làm gì hay tại sao phải nghiên cứu vấn đề này và ai cần công trình đó. Tất nhiên là có thể trả lời: Tôi cần một tấm bằng tiến sĩ! Đúng thôi, nhưng nếu thế thì không còn gì gọi là nghiên cứu khoa học nữa.

Chúng ta cần một hệ thống giáo dục đại học chất lượng

Giáo sư đã chia sẻ, việc luận án tiến sĩ "cầu lông" bị đem ra bàn luận là "đại hạn" với nghiên cứu sinh, vì thực tế không phải riêng người này có luận án chưa xứng tầm. Vậy theo ông, nền giáo dục đại học sẽ ra sao nếu các luận án chất lượng tương tự vẫn xuất hiện ngày càng nhiều?

- Phải thừa nhận là nền giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều cố gắng, kiên trì đổi mới, cải cách trong mấy chục năm qua theo hướng tiệm cận dần với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Có lẽ vì thế mà giáo dục đại học đã khởi sắc, có nhiều tiến bộ trong những năm gần đây. Bằng chứng là 10-15 năm trước, giáo dục đại học Việt Nam không có tên trên "bản đồ giáo dục đại học" thế giới, nhưng vài ba năm gần đây đã có trường này trường kia lọt top (tuy chưa cao) trong các bảng xếp hạng đại học uy tín.

Thiết nghĩ cũng nên thử hỏi: nền giáo dục đại học của các quốc gia, vùng lãnh thổ quanh ta như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật bản, Trung Quốc… đã như thế nào sau 20 năm, 30 năm, 40 năm, 50 năm kể từ khi hòa bình lập lại trên đất nước họ hoặc sau khi họ đổi mới giáo dục đại học?

Bất luận thế nào, chúng ta cần một hệ thống giáo dục đại học mạnh, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Chúng ta không cần một hệ thống giáo dục đại học với việc tuyển sinh gần như tháo khoán, đến mức "khó như trượt đại học" và với hàng ngàn luận án tiến sĩ mà người làm ra nó cũng không muốn đọc lại sau khi đã bảo vệ xong.

Những luận án tiến sĩ như thế này chỉ làm chật chội thêm các kho lưu trữ và như ai đó đã nói, đó là các luận án "bôi bác nền học thuật nước nhà bằng những đề tài tào lao" như luận án "cầu lông" và không chỉ có luận án "cầu lông".

leftcenterrightdel
Thông tư 18 không yêu cầu nghiên cứu sinh phải có bài báo công bố quốc tế trước khi bảo vệ, cũng không yêu cầu người hướng dẫn phải có công bố quốc tế (Minh họa: Ngọc Diệp). 

Chúng ta cần một hệ thống giáo dục mạnh, đóng góp nhiều chuyên gia cho các tổ chức quốc tế, cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước, đóng góp nhiều giảng viên chính thức và giáo sư thỉnh giảng cho các đại học danh giá trên thế giới. Chúng ta cần nhiều tiến sĩ có thể tranh biện ngang ngửa và sòng phẳng, tâm phục và khẩu phục, với các nhà khoa học cùng chuyên môn nước ngoài cả về lý luận/lý thuyết và thực tiễn, chứ không phải các tiến sĩ chỉ có tên trên các tấm card visit thoang thoảng mùi nước hoa rẻ tiền.

Chúng ta cần nền giáo dục đại học với nhiều phát minh, sáng chế đóng góp thiết thực và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đóng góp cho sự tiến bộ xã hội, làm giàu có thêm kho tàng tri thức của nhân loại, chứ không cần một nền giáo dục đại học với rất nhiều giáo sư nhưng lại rất ít giáo sư biết nghiên cứu khoa học, gặp "Tây" (nhà khoa học nước ngoài) là "chạy"; tuyệt đại bộ phận các công nghệ mới mà các doanh nghiệp cần đều là "hàng ngoại nhập"!

Tóm lại, chúng ta cần là một nền học thuật chất lượng chứ không phải nền giáo dục chạy theo số lượng, khoe mẽ với thiên hạ bằng số giáo sư, tiến sĩ, bằng các tấm danh thiếp; để các nhà khoa học Việt Nam đều có thể tự hào ngẩng cao đầu ở các hội nghị và hội thảo khoa học quốc tế.

7 giải pháp loại bỏ dần các luận án tương tự "tiến sĩ cầu lông"

Giáo sư có thể đưa ra một số giải pháp để dần loại bỏ các luận án tương tự kiểu "phát triển cầu lông"?

- Học thuật nói chung, nghiên cứu khoa học nói riêng là một lĩnh vực cực kỳ nghiêm cẩn, cần tuyệt đối mô phạm (không giả mạo, không bịa đặt, không nói điêu viết điêu, không ăn cắp, không mượn tạm, không sao chép công trình của người khác…). Để loại bỏ dần các luận án kiểu "cầu lông", thiết nghĩ cần tiến hành 7 giải pháp sau.

Thứ nhất, Thư viện Luận văn - Luận án (chuyên trang Luận văn - Luận án) của Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên chỉ là một thư viện đơn thuần theo kiểu là nơi lưu trữ, phân loại, giúp bạn đọc tra cứu, tìm hiểu, tham khảo các luận văn luận án, mà có lẽ cần có một bộ phận phân loại chất lượng luận văn luận án.

Đầu tiên là dùng phần mềm lọc ra tỷ lệ sao chép của các luận văn luận án. Bộ cần có quy định: luận văn luận án sao chép bao nhiêu % thì không được lưu trữ, buộc tác giả phải làm lại, viết lại. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này dao động từ 5% đến tối đa là 20%. Theo tôi, ở ta, trong bước thí điểm có thể du di đến 30% là cùng.

Bên cạnh đó, theo dõi tỷ lệ trích dẫn, xem luận văn luận án ấy có bao nhiêu trích dẫn sau 5 năm, 10 năm, 20 năm bảo vệ. Công khai các con số này trên trang mạng của thư viện. Làm thế, chắc chắn các hội đồng bảo vệ luận án không còn dám "cà trớn quá đáng" với một vấn đề rất nghiêm túc là nghiên cứu khoa học nữa.

Thứ hai, luận án tiến sĩ là công trình nghiên cứu khoa học công phu để giải quyết một vấn đề nào đó về lý thuyết/lý luận và thực tiễn hoặc cả hai, đóng góp cho kho tàng tri thức của đất nước, của nhân loại, cũng như đóng góp cho sự tiến bộ xã hội. Khi mà các nghiên cứu sinh đều có trình độ tiếng Anh đạt và vượt tiêu chuẩn đầu vào tối thiểu là B2, họ thừa sức viết tóm tắt luận án bằng tiếng Anh để "trình làng".

Đây là giải pháp giám sát chất lượng đáng tin cậy khi không còn yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trước khi bảo vệ nữa. Cộng đồng khoa học Việt Nam khá nhỏ, nhìn tên đề tài là đã đoán ra ai là người hướng dẫn, ai là phản biện, ai ngồi hội đồng, nên để giám sát chất lượng, đã đến lúc cần sự giám sát của các đồng nghiệp quốc tế. Điều này cũng mang lại sự tin tưởng và trọng thị của cộng đồng khoa học nước ngoài với nền khoa học và giáo dục đại học Việt Nam.

Thứ ba, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp như Hội cựu giáo chức đại học, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam cũng nên gắn trách nhiệm với quá trình đào tạo tiến sĩ, chất lượng khoa học của các luận án tiến sĩ theo tư cách là các tổ chức phản biện nghề nghiệp có trách nhiệm với nền học thuật nước nhà. Nếu không, xã hội cũng ít người biết được sự tồn tại của các tổ chức này thực ra là để làm gì.

Thứ tư, Nhà nước xem xét cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, buộc họ phải tập trung toàn thời gian cho nghiên cứu khoa học và học tập trong thời gian làm nghiên cứu sinh; hạn chế tối đa lề thói "tại chức" trong đào tạo nghiên cứu sinh hiện nay. Chúng ta có thể vẫn có nghiên cứu sinh tại chức, nhưng cách thức đào tạo phải thay đổi, hướng tới học thuật chứ không phải chỉ hướng tới tấm bằng.

Trước đây, một thời chúng ta đã có các nghiên cứu sinh trong nước rất chất lượng, đáng nể trọng. Họ chuyển lương, chuyển sinh hoạt Đảng, chuyển tem phiếu về cơ sở đào tạo, sinh hoạt tại cơ sở đào tạo như một thành viên chính thức trong suốt quá trình làm nghiên cứu sinh.

Thứ năm, giảng viên hướng dẫn buộc phải có đề tài nghiên cứu khoa học (trong hoặc ngoài nước). Nghiên cứu sinh tham gia một phần nào đó trong đề tài lớn của thầy; dứt khoát loại bỏ hướng dẫn "chay".

Thứ sáu, sớm quay về với việc thực hiện Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 trong quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, cả thầy và trò đều phải có trình độ tiếng Anh đủ để tham khảo tài liệu chuyên môn viết bằng tiếng Anh, phải có công bố bài báo khoa học có liên quan đến đề tài trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Điều này giúp từng bước đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn với giáo dục đại học của thế giới, theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thứ bảy, qui định thẩm định lại 5-10% số luận án đã bảo vệ thành công; biện pháp này mang tính răn đe là chính, vì cộng đồng các nhà khoa học cùng chuyên môn của Việt Nam khá nhỏ, nên quan niệm "trăm cái lý không bằng một tý cái tình" sẽ dễ "lên ngôi" làm nảy sinh tư tưởng xuê xoa, dễ người dễ ta, buông xuôi "cho nó lành", dẫn đến tình trạng "đánh bùn sang ao" có thể sẽ chiếm đa số; nhưng còn hơn là chỉ thẩm định các Luận án "có vấn đề" hay các Luận án được đánh giá là xuất sắc.

Xin trân trọng cám ơn GS!

10/05/2022-https://dantri.com.vn/