Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều nước trên thế giới nhằm tôn vinh nữ công nhân lao động nói riêng và phụ nữ nói chung. Đối với dân tộc Việt Nam, đây cũng là dịp gợi nhớ về nữ anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng. Nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1980 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử ra đời Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Việt Nam.
Lịch sử ngày 8/3
Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng.
Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
|
|
Cuộc biểu tình của đòi quyền lợi của phụ nữ trên thế giới |
Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày "Quốc tế phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kỷ niệm 1980 năm ngày mất Hai Bà Trưng
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tương truyền ngày mồng 6 tháng Giêng năm 40 của sau công nguyên Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, làm lễ tế cờ khởi nghĩa trên dàn thề trước quân sĩ ở cửa sông Hát (thuộc đất Mê Linh) Hai Bà đã thể hiện ý chí kiên cường:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này!
Trong cuộc khởi nghĩa này, phụ nữ là lực lượng đông đảo tham gia đội ngũ của nghĩa quân, trong đó có các mẹ, những người vợ, những cô gái trẻ là nữ tướng tài giỏi là kẻ địch hoảng sợ. Chỉ trong thời gian ngắn, quân của Hai Bà đã nhanh chóng đập tan chính quyền đô hộ của nhà Hán, giải phóng và làm chủ toàn bộ lãnh thổ nước ta hồi đó, giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc. Bà Trưng được các tướng lĩnh và nhân dân các địa phương đồng lòng suy tôn làm vua, Bà lấy hiệu là Trưng Vương và đóng đô ở Mê Linh.
|
|
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng |
Sự thất bại của quân Đông Hán đã làm triều đình phương Bắc tức tối, hạ chiếu sai các quận trong nước cấp tốc chuẩn bị lương thực, quân số và các phương tiện chiến tranh để đánh chiếm lại nước ta. Trưng Vương cùng các tướng lĩnh chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều địch. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu, lương thực và khí giới dự trữ đã cạn, quân số hao hụt, lại bị lâm vào tình trạng bao vây nên cuộc khởi nghĩa về cơ bản bị thất bại. Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã khắc dấu son đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làm vẻ vang, rạng rỡ non sông đất nước, hun đúc truyền thống quý báu, niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Năm nay, ngoài kỷ niệm ngày 8/3, khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà còn là năm chẵn kỷ niệm 1980 năm ngày giỗ của Hai Bà Trưng. Ngày 8/3 là hiện thân tái hiện hào khí, tinh thần đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, tinh thần thượng võ của dân tộc cùng những giá trị văn hóa tốt đẹp, như: tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình, họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của thế giới đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần tạo nên giá trị mới của người phụ nữ hiện đại, năng động, tự tin, sáng tạo. Trong những năm qua, nữ cán bộ, viên chức, người lao động và hàng nghìn nữ sinh của Học viện tiếp tục khẳng định được phẩm chất, năng lực của mình, có những đóng góp xuất sắc vào quá trình xây dựng và phát triển Học viện Nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới.
Nhân kỷ niệm ngày 8/3, xin kính chúc các thế hệ nữ cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Ban CTCT&CTSV