Hội thảo với chủ đề "Thực trạng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trong liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Nam Định" đã được tổ chức thành công tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định ngày 29/11/2024. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cán bộ quản lý các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, đại diện các phòng Nông nghiệp của các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Giao Thuỷ, Hải Hậu, các hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp địa phương.

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Vũ Ngọc Huyên đã phát biểu khai mạc với niềm tâm huyết, mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng liên kết chuỗi giá trị, tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Nam Định.

leftcenterrightdel
PGS. TS. Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc 

Hội thảo đã nghe báo cáo về kết quả nghiên cứu của nhóm đề tài, do Tiến sĩ Phạm Thị Hương Dịu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm, chia sẻ về thực trạng phát triển của các Hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh Nam Định theo chuỗi giá trị. Tiến sĩ nhấn mạnh rằng liên kết chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu, nhưng vẫn gặp rào cản từ tâm lý giữ đất của nông dân và thiếu tính cam kết chuyên nghiệp trong các mối liên kết. Để phát triển vững chắc, các HTX cần thúc đẩy động lực nội tại, đặc biệt là vai trò của Giám đốc HTX, người có khả năng dẫn dắt và vượt qua khó khăn.

leftcenterrightdel
 TS. Phạm Thị Hương Dịu, Chủ nhiệm đề tài báo cáo thực trạng của địa phương

Tiếp theo chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Giáp đã trình bày các kết quả nghiên cứu cụ thể của đề tài về 3 chuỗi giá trị tiêu biểu, bao gồm: chuỗi giá trị gạo, thịt lợn sạch và ngao. Các chuỗi giá trị này không chỉ phản ánh sự phát triển của nông nghiệp tỉnh mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối với các đối tác trong nước đối với chuỗi thịt lợn và quốc tế đối với chuỗi gạo và ngao.

Bên cạnh các báo cáo nghiên cứu, đại diện chính quyền tỉnh Nam Định cũng đã chia sẻ hai mô hình thành công, tiêu biểu trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản tại địa phương. Thạc sĩ Lê Hồng Đức, Phó Chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Nam Định, giới thiệu về mô hình chuỗi giá trị gạo sạch Toản Xuân, một trong hai sản phẩm OCOP đang trình xét 5 sao của tỉnh. Mô hình này đã tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông sản và thúc đẩy sự liên kết mạnh mẽ giữa các hộ nông dân và các thành viên của HTX bằng hợp đồng trong tham gia chuỗi giá trị liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, tạo vùng sản xuất quy mô lớn.

Bên cạnh đó, ông Dương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nam Định, cũng trình bày về mô hình chuỗi giá trị tép moi Hùng Cường. Ông Tuấn khẳng định trong những năm qua, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh không ngừng nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực, hỗ trợ tài chính, thủ tục, cũng như kết nối với các đối tác lớn trong và ngoài nước để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

leftcenterrightdel
 Ông Dương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch liên minh HTX tỉnh Nam Định chia sẻ bài học từ chuỗi giá trị tép moi Hùng Cường

Trong phần thảo luận, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Lâm, Chủ trì Hội thảo, đã nhấn mạnh những tiềm năng to lớn của ngành thủy sản tại tỉnh Nam Định, đặc biệt là với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về kịch bản ô nhiễm môi trường nước có thể xảy ra trong bối cảnh đô thị hoá và công nghiệp hoá, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành thủy sản trong tương lai nếu không có các biện pháp bảo vệ hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Đại diện HTX chia sẻ khó khăn và giải pháp khắc phục

Ngoài ra, ông Bốn, Chủ tịch HTX chế biến nông sản Bốn Thuận cũng chia sẻ những băn khoăn về tương lai khi đối mặt với khó khăn trong phát triển chuỗi giá trị gạo sạch Bốn Thuận, sản phẩm OCOP 3 sao tiêu biểu của tỉnh. Ông mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cụ thể từ chính quyền và các cơ quan chức năng để biết “sẽ bắt đầu từ đâu” để phát triển bền vững chuỗi giá trị thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều nhất trí rằng việc liên kết chuỗi giá trị nông sản không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo ra một nền tảng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định. Mỗi HTX cần phát huy tối đa thế mạnh và vai trò của mình trong chuỗi giá trị nông sản để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao của tỉnh Nam Định.

 

TS. Phạm Thị Hương Dịu