\r\n Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Thể dục Trung ương và viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục tháng 3 năm 1946, nền thể dục thể thao (TDTT) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được bắt đầu một kỷ nguyên mới. Bác kêu gọi và đặt TDTT thành một tiêu chí “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”.  

\r\n

\r\n Ngay trong những năm tháng vệ quốc gian khổ, Bác đã nêu tấm gương rèn luyện qua các buổi tập thường xuyên bóng chuyền, võ thuật, bi-a, tạ tay. Còn nhớ phong trào “Khoẻ vì nước” do Người phát động lan toả sâu rộng mọi miền với nhiều loại hình tập luyện, vui chơi, thi đấu như phong trào tập thể dục giữa giờ, điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, võ vật cổ truyền và các trò chơi dân gian bơi chải, bơi thuyền, kéo co, ném còn, đá cầu chinh, đánh phết… Những năm tháng đất nước bị chia cắt sau hiệp định Genève, phong trào rèn luyện thể dục thể thao ở miền Bắc càng thể hiện vai trò của mình thông qua các hoạt động phong trào “Luyện vai trăm cân, luyện chân ngàn dặm”, “Thanh niên khoẻ”, “Chiến sỹ khoẻ”… tất cả đều rèn luyện để nâng cao hiệu quả lao động sản suất, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.

\r\n

\r\n Về mặt thể thao đỉnh cao (ngày nay là thể thao thành tích cao) ở miền Bắc đã có các mô hình bơi vượt sông Bạch Đằng, chạy việt dã Tiền phong, ở Hà Nội có chạy giải báo Hà Nội mới. Đã có những hoạt động quốc tế rất sôi nổi như giải thể thao “Việt  - Trung - Triều - Mông”, Giải thể thao các nước Xã hội chủ nghĩa SKDA. Và mô hình trường huấn luỵện, các trường Kỹ thuật thể dục thể thao được thành lập ở các tỉnh thành đặc biệt là ở Hà Nội,… đã đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển quốc gia để tham dự các cuộc thi đấu quốc tế nhất là GANEFO (Games of the new emerging forces - Đại hội thể thao dành cho các lực lượng mới trỗi dậy). Một điều rất cảm động về sự quan tâm của Bác đối với thể dục thể thao là Bác đã nồng hậu tiếp đón các vận động viên đạt HCV của GANEFO những năm 1960 - Trần Oanh bắn súng, Vũ Thị Sen bơi lội, Nguyễn Mạnh Hùng bắn súng, Trần Hữu Chỉ điền kinh - tại Phủ Chủ tịch. Cũng thời gian này Bác đã nhiều lần bố trí cho các võ sư, võ sĩ tới Phủ Chủ tịch để biểu diễn những tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam cho các đoàn khách quốc tế. Và chính Bác cũng cho mời một đại võ sư về Thái cực quyền của Trung Quốc là Cố Lưu Hinh sang hướng dẫn tập luyện thêm Thái cực quyền cho mình cũng như các thành viên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...

\r\n

\r\n Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, nền thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng trưởng thành mạnh mẽ. Phong trào TDTT cả nước không ngừng phát triển, tinh thần tự rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ ngày càng cao, đã hình  thành được hàng ngàn Câu lạc bộ sức khoẻ ngoài trời, mà tiên phong là Hà Nội, các Hội thi văn nghệ thể thao, Hội thi thể thao các dân tộc miền núi, các giải võ cổ truyền, vật dân tộc ngày càng tăng, các phong trào chạy, bơi, bắn, võ, thanh niên khoẻ, chiến sỹ khoẻ, thu hút hầu hết lực lượng tham gia rèn luyện thân thể.

\r\n

\r\n Từ năm 1989, khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào SEA Games lần thứ 15 tại Kuala Lumpur, chính thức hội nhập với đấu trường của khu vực Đông Nam Á. Thể thao được coi là mũi nhọn tiên phong của đất nước hội nhập vào khối ASEAN, xác định tầm quan trọng vai trò Thể thao như một nhịp cầu hoà bình của Việt Nam vào khu vực Đông Nam Á. Thể thao Việt Nam (ngành Thể dục Thể thao và Ủy ban Olympic quốc gia) đã đặt trọng trách quảng bá về đất nước con người qua sự hội nhập trong đời sống thể thao của khu vực nhất là SEA Games (2 năm một lần) với sự phấn đấu ngày càng cao từ mốc khởi đầu chỉ có 3 huy chương vàng năm 1989 đến 35 HCV năm 1997. Và khi trực tiếp đăng cai Đại hội SEA Games năm 2003 Việt Nam đã giành được 155 HCV cùng lúc Thái Lan - cường quốc bậc nhất thể thao khu vực cũng chỉ giành được 90 HCV. Đây là một dấu mốc lịch sử đưa Việt Nam về mặt thể thao từ một nước ở mức dưới trung bình do hậu quả chiến tranh trở thành một nền thể thao top 3 ở khu vực. Thành tựu này cũng đã được Chính phủ ghi nhận, tin tưởng để chính thức giao chỉ tiêu pháp lệnh cho ngành tại đấu trường SEA Games tới năm 2020. Ở đấu trường ASIAD, Việt Nam cũng phấn đấu để có vị trí ngày càng cao với mục tiêu là top 10 Châu lục. Còn đấu trường Olympic, Việt Nam cũng đã từng có 2 tấm HCB quý giá, một của Trần Hiếu Ngân (taekwondo) tại Olympic Sydney năm 2000 và một của Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) tại Olympic Bắc Kinh năm 2008.

\r\n

\r\n Về thể hiện vai trò của mình với khu vực và Châu lục, một trong những thành công nổi bật của Việt Nam chính là đã đăng cai tổ chức rất thành công nhiều sự kiện chính trị kinh tế tầm cỡ toàn cầu. Riêng về thể thao, Việt Nam kể từ khi đăng cai thành công Sea Games 22 năm 2003 sau đó là Asian Indoor Games lần thứ 3 năm 2009 và sắp tới là Asian Beach Games lần thứ 5 năm 2016.

\r\n

\r\n Chặng đường của Thể thao Việt Nam 70 năm đã góp một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân, nâng cao hiệu quả cho lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Ngày càng có cơ sở để tin rằng tương lai của Thể thao Việt Nam sẽ dần hoàn thiện thêm về mô hình Đại hội thể thao toàn quốc, lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp, đầu tư có trọng điểm để phấn đấu đạt mục tiêu top 10 Châu lục, nhất là sẽ phấn đấu như một số nước đã phát triển hơn ở Đông Nam Á là sẽ luôn có Huy chương ở các kỳ Đại hội Olympic.

\r\n

\r\n Một số hình ảnh

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n