Quản lý chất lượng thực phẩm trong toàn chuỗi đã được quan tâm và cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa thị trường thực phẩm cũng làm tăng thách thức trong quản lý nguy cơ mầm bệnh. Đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng vẫn gặp khó khăn ở cả quốc gia phát triển và đang phát triển.

Nhiều biện pháp, phương pháp truyền thống, hiện đại đã được nghiên cứu, áp dụng trong ngăn ngừa, xác định và loại bỏ mối nguy. Sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm, hướng tới, điều đó đòi hỏi các mắt xích trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ cần được quy trình hóa, số hóa. Để thúc đẩy nhận thức của người dân về vai trò của an toàn thực phẩm tới sức khỏe người tiêu dùng, Hội thảo quốc gia về “An toàn thực phẩm và sức khỏe” đã được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào sáng ngày 10/11/2023. Hội nghị thu hút được sự quan tâm của hơn 80 chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội, và các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, cũng như các em sinh viên đang theo học chuyên ngành.

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nêu rõ: “An toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe công chúng. Khi thực phẩm bị ô nhiễm hoặc không an toàn, nó có thể gây ra các bệnh tật và dẫn đến tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Đảm bảo an toàn thực phẩm giúp ngăn chặn việc lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. An toàn thực phẩm cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và tin tưởng giữa người tiêu dùng và các nhà sản xuất thực phẩm. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và thịnh vượng của ngành công nghiệp thực phẩm. Giáo sư cũng đánh giá cao Nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật” đã tiên phong, nỗ lực tổ chức Hội thảo quốc gia này, đây là cơ hội để các nhà khoa học giao lưu học thuật, chia sẻ các thông tin nghiên cứu bổ ích và tạo mạng lưới liên kết hợp tác sau này trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng

leftcenterrightdel
GS.TS. Trần Đức Viên phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo 

Hội thảo diễn ra với 08 bài trình bày tới từ 08 chuyên gia tới từ nhiều đơn vị khác nhau, mở ra nhiều góc nhìn rộng hơn đối với vấn đề an toàn thực phẩm và tình trạng về kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay. Ngoài ra, Hội thảo cũng đã nhận được 50 bài nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.

Mở đầu là bài phát biểu với đề tài “Xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn vì sức khỏe” do Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Ủy viên BCH Hiệp hội thực phẩm minh bạch trình bày. Nội dung đưa tới cách nhìn tổng quan cho vấn đề an toàn và minh bạch thực phẩm hiện nay, nêu được những trọng tâm chiến lược để thúc đẩy xu thế về tiêu dùng thực phẩm an toàn.

leftcenterrightdel
ThS. Nguyễn Thị Thu Liên, Hiệp hội thực phẩm minh bạch 

Tiếp theo là bài “Hiện trạng và nhu cầu khẩu phần ăn chế biến sẵn cho vận động viên Việt Nam” của tiến sĩ Vũ Duy Nhàn, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga. Bài diễn thuyết đã cho thấy tổng quát về các vấn đề đang còn tồn tại đối với chế độ dinh dưỡng, vấn đề về an toàn thực phẩm đối với các vận động viên ở Việt Nam. Các suất ăn sẵn cần được thiết kế để đảm bảo đầy đủ các yếu tố về về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm mà vẫn phải đảm bảo cho việc tránh được các tiêu cực do xuất hiện các chất kích thích (doping).

leftcenterrightdel
TS. Vũ Duy Nhàn, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga 

Ở bài diễn thuyết thứ ba, tiến sĩ Bùi Thị Dung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nêu bật được nguy cơ rất lớn về an toàn thực phẩm với đề tài “Bệnh sán lá lây truyền cho người qua thực phẩm và bước đầu thử nghiệm kiểm soát sinh học”. Với thói quen sử dụng đồ ăn sống trực tiếp của người Việt Nam, nguy cơ nhiễm sán được cảnh báo với nguy cơ cao với tất cả các đối tượng người tiêu dùng. Bài diễn thuyết đã nêu rõ được thực trạng, tác hại cũng như các cảnh báo nguy cấp về hiện tượng nhiễm sán đối với người Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra khuyến cáo về việc áp dụng triệt để “ăn chín, uống sôi” để đảm bảo được vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.

leftcenterrightdel
 TS. Bùi Thị Dung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà quản lý từ các ban ngành Nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Dự án An toàn vì sự phát triển Safegro đã đưa ra một góc nhìn rất khác với bài diễn thuyết “An toàn thực phẩm - góc nhìn từ quản lý nhà nước trong thời kỳ hội nhập”, giúp người nghe hiểu được những khía cạnh khác về vấn đề quản lý an toàn thực phẩm, sự quan tâm của các cơ quan quản lý, phương pháp tiếp cận quản lý an toàn thực phẩm của ban ngành và các bên liên quan. Xu thế quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam và trên thế giới được làm rõ, giúp định hướng được về các cách ứng dụng để theo kịp xu thế toàn cầu mới.

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Văn Thuận, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thành viên Dự án An toàn vì sự phát triển Safegro 

Để thực sự thực hiện an toàn thực phẩm một cách hiệu quả, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tới người nghe một khái niệm khá mới ở Việt Nam về việc xây dựng “Văn hóa an toàn thực phẩm và vai trò của các trường đại học”. Khái niệm về văn hóa an toàn thực phẩm vẫn là một khái niệm khá mới và còn nhiều lạ lẫm tại Việt Nam. Khái niệm này chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ 2009, nhưng nó có vai trò lớn trong việc tác động tới hiện trạng về an toàn thực phẩm ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Rất nhiều khái niệm mới được giới thiệu ở bài diễn thuyết, tạo ra một góc nhìn mới nhưng vẫn vô cùng gần gũi với người tiêu dùng. Văn hóa an toàn thực phẩm có vai trò gắn kết để tạo ra những hiệu quả rõ rệt về an toàn thực phẩm, giúp cho quá trình đánh giá được thuận lợi. Vai trò của các trường đại học cũng giúp xây dựng và vận hành đào tạo ở các loại hình khác nhau sẽ giúp truyền tải văn hóa an toàn thực phẩm tới nhiều đối tượng hơn, cũng như xây dựng các chương trình đào tạo về văn hóa an toàn thực phẩm.

leftcenterrightdel
 PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, khoa Công nghệ thực phẩm, học viện Nông nghiệp Việt Nam

Để trả lời cho câu hỏi về việc ảnh hưởng của quá trình chế biến thực phẩm tới an toàn thực phẩm, tiến sĩ Trần Cao Sơn, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã mang tới hội thảo bài diễn thuyết với nội dung “Một số hợp chất có hại đối với sức khỏe sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm”. Quá trình chế biến bằng nhiệt và quá trình lên men là những quá trình vô cùng quen thuộc đối với các phương pháp chế biến truyền thống. Tuy vậy nếu không có sự khống chế và điều tiết phù hợp, một loạt chất độc gây hại vô cùng nguy hiểm có thể sinh ra và tác động rất lớn tới sức khỏe con người. Rất nhiều mẫu thực phẩm đã được tiến hành phân tích hàm lượng các chất độc hại và đánh giá so với ngưỡng quy định để đưa ra cảnh báo tới người tiêu dùng về các loại thực phẩm hiện đang lưu hành trên thị trường.

leftcenterrightdel
 TS. Trần Cao Sơn, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia

Một khía cạnh khác về an toàn thực phẩm luôn được rất quan tâm, đó là mối nguy về vi sinh vật. Vậy hiện nay Việt Nam mình đã có những chính sách gì cho khía cạnh này. Để giúp làm rõ hơn về vấn đề này, tiến sĩ Đặng Thị Thanh Sơn, Viện Thú y đã mang đến bài diễn thuyết với nội dung “Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng, chống AMR trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và kết quả nghiên cứu xác định quần thể gen kháng của vi khuẩn E. coli kháng carbapenem phân lập từ chất thải lợn và người chăn nuôi”. Việc truyền lây các vi sinh vật kháng thuốc thực sự là mối nguy gây hại tới sức khỏe con người, được đánh giá là cao hơn cả bệnh ung thư. Vai trò giám sát quan trọng nhất là cần giám sát từ nguồn là các hộ chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất thực phẩm tới môi trường. Việc sử dụng bừa bãi kháng sinh cho việc quá trình chăn nuôi chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng xuất hiện các dòng vi sinh vật gây bệnh có khả năng kháng kháng sinh. Việc giám sát quá trình sử dụng kháng sinh cần được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn gốc thực phẩm cần được truy xuất tốt, tạo văn hóa sử dụng thực phẩm an toàn, từ đó đánh giá ngược lại nguồn cung, tạo động lực để triển khai các vùng sản xuất an toàn, phù hợp với tiêu chuẩn. Việc phòng ngừa cần được quan tâm tiến tới tầm nhìn xa hơn về việc công tác quản lý được thực hiện một cách chủ động. Hệ thống giám sát kháng sinh, vi khuẩn, gene kháng thuốc cần được xây dựng với sự tham khảo các mô hình và chiến lược từ các nước tiên tiến, giúp giảm thiểu tác động trong việc tạo ra các chủng vi sinh vật gây bệnh có khả năng kháng kháng sinh, điều mà có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới phác đồ điều trị đối với các bệnh do vi sinh vật gây ra cho người.

leftcenterrightdel
TS. Đặng Thị Thanh Sơn, Viện Thú y

Ngoài ra, sự tác động của biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân gây tác động tới an toàn thực phẩm. Để tìm hiểu được sâu hơn về mối liên hệ giữa hai vấn đề này, tiến sĩ Vũ Quỳnh Hương, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam mang tới Hội thảo bài trình bày với nội dung “Biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm”. Biến đổi khí hậu tới từ sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người. Sự biến đổi khí hậu cần được đánh giá trong một thời gian dài để thấy được những biến đổi rõ rệt như nhiệt độ nóng lên, băng tan,… Những điều này gây tác động lớn tới an toàn và an ninh lương thực ở Việt Nam nói riêng và cho cả toàn cầu nói chung. Biến đổi khí hậu dẫn đến các nguồn mầm bệnh vốn dĩ không nổi trội lại có cơ hội bùng phát và hòanh hành, tác động xấu tới sức khỏe, cuộc sống của con người, và kể cả thực vật và động vật. Năm 2008 và 2020, FAO đã đưa ra hai báo cáo liên quan tới biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm, gánh nặng chủ yếu tới từ các vi khuẩn gây bệnh xuất hiện trong thực phẩm có khả năng bội nhiễm do sự kéo theo của việc tăng nhiệt độ khí quyển, hoặc nguồn nước sạch khan hiếm dẫn tới việc khó đảm bảo khâu vệ sinh trong các nhà máy chế biến, lũ lụt gây ra ô nhiễm nguồn nước là nguồn gốc gây mất an toàn thực phẩm cũng là một vấn nạn. Tảo nở hoa do biến đổi khí hậu cũng làm mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên, gây ảnh hưởng lớn tới các động vật thủy sinh, cũng như tiết các độc tố vào môi trường. Từ đó có thể thấy tác động rất lớn do biến đổi khí hậu tới vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.

leftcenterrightdel
 TS. Vũ Quỳnh Hương, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với sự đóng góp ý kiến từ rất nhiều các chuyên gia khác, giúp tạo một cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng an toàn thực phẩm hiện nay. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và người tiêu dùng kết nối, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp tăng cường nhận thức để tiếp tục hình thành kỹ năng, hành vi tốt trong sản xuất và tiêu dùng thực phẩm, góp phần xây dựng cộng đồng và thế giới khỏe mạnh hơn.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Hình ảnh toàn cảnh hội thảo 

 

                                                                                     Lê Thiên Kim

Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam