Mục đích của hội thảo nhằm trao đổi những kết quả nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám (RS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), máy bay không người lái (UAV) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý tài nguyên và môi trường; nâng cao năng lực ứng dụng các công nghệ này trong quản lý nhà nước, giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.
|
|
GS,TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo |
GS,TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ viễn thám (RS) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đã mở ra nhiều hướng ứng dụng trong nhiều ngành khoa học và công tác quản lý, đặc biệt đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Việc sử dụng công nghệ tích hợp dữ liệu hệ thống thông tin địa lý, viễn thám, hệ thống định vị toàn cầu cho phép tạo nên một giải pháp cập nhật, xây dựng dữ liệu, phân tích biến động hiệu quả và hỗ trợ ra quyết định nhanh, trên phạm vi rộng với giá thành rẻ nhất so với biện pháp truyền thống trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên môi trường.
"Để đáp ứng kịp thời và hiệu quả với trong bối cảnh đất nước, các bộ ngành chuyển sang nền kinh tế số, kinh tế xanh thì đào tạo nguồn lực con người có ý nghĩa then chốt, quyết định. Với quan điểm đào tạo nguồn lực chất lượng cao theo hướng phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh, Học viện luôn sẵn sàng đồng hành cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu cùng Bộ TN&MT, địa phương, doanh nghiệp trong công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức triển khai các hoạt động cùng doanh nghiệp, các địa phương; đặc biệt là trong lĩnh vực Hệ thống thông tin địa lý-GIS, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường" -GS, TS Nguyễn Thị Lan cũng cho biết!
Sự phát triển của hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ viễn thám (RS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), máy bay không người lái (UAV) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra nhiều hướng ứng dụng trong nhiều ngành khoa học và công tác quản lý, đặc biệt đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung chia sẻ các nội dung liên quan tới việc ứng dụng GIS, GPS và viễn thám trong quản lý tài nguyên môi trường; quản lý đất đai, quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật, lĩnh vực y tế và chăm sức sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu biến đổi khí hậu, hỗ trợ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai,..
Trong hơn 67 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước hơn 13.000 kỹ sư ngành quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; hơn 1.200 kỹ sư ngành nông hóa thổ nhưỡng; hơn 2.600 cử nhân ngành khoa học môi trường. Sau đại học ngành quản lý đất đai và khoa học môi trường, Học viện đã đào tạo 3.149 thạc sĩ, 113 tiến sĩ. Lĩnh vực ứng dụng công nghệ 3S, UAV trong tài nguyên và môi trường, Khoa Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và tham gia hơn 36 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì hơn 100 đề tài cấp bộ, tỉnh; hàng trăm đề tài cấp cơ sở và dự án chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
|
PV