Ngày 16 tháng 11 năm 2023, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, khoa Cơ - Điện cùng các nhóm nghiên cứu: Nhóm NCM Máy và Thiết bị nông nghiệp; nhóm NCM Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Học viện “Cơ Điện nông nghiệp với chuyển đổi số” tại phòng Hội thảo, khoa Cơ - Điện. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Hiên – Phó Trưởng khoa Cơ - Điện, TS. Nguyễn Xuân Thiết – Trưởng nhóm NCSX Công nghệ, máy và Thiết bị, TS. Nguyễn Thái Học – Trưởng nhóm NCM Công nghệ và Thiết bị tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cùng đông đủ các thầy cô trong các nhóm nghiên cứu, các cán bộ giảng viên của Khoa và các đại biểu quan tâm đến dự.

Trong không khí chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, TS. Nguyễn Thị Hiên – Phó Trưởng khoa Cơ - Điện, đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể các thầy cô giáo, cán bộ viên chức, và người lao động trong Khoa. Đồng thời, tặng hoa chúc mừng và vinh danh PGS. TS. Nguyễn Xuân Thiết và TS. Dương Thành Huân, là những nhà khoa học đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công bố công trình khoa học và sáng chế độc quyền trong giai đoạn vừa qua. Tiến sĩ nhấn mạnh Khoa trân trọng và ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến quí báu của các thầy cô, và mong rằng trong hoàn cảnh nào, các thầy cô cũng giữ vững sự nhiệt huyết, quyết tâm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ để xây dựng, phát triển Khoa và Học viện. Cũng nhân dịp này, Liên chi đoàn khoa Cơ - Điện đã đại diện cho các sinh viên trong khoa tặng hoa chào mừng Hội nghị và chúc mừng thầy cô giáo.

Tiếp nối chương trình, TS. Nguyễn Thị Hiên có bài phát biểu khai mạc Hội thảo. Rất nhiều thành tích mà các cán bộ giảng viên và các nhóm nghiên cứu khoa học của Khoa đã đạt được trong giai đoạn 2022 – 2023 được TS. Nguyễn Thị Hiên tổng kết trước Hội nghị và đưa ra định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học trong các năm tiếp theo.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Thị Hiên – Phó Trưởng khoa Cơ Điện phát biểu khai mạc Hội thảo

Ở phần tiếp theo của chương trình Hội thảo, các cán bộ giảng viên, các thành viên nhóm nghiên cứu cùng theo dõi và thảo luận kết quả nghiên cứu của các báo cáo khoa học. Báo cáo đầu tiên: “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống điều khiển và giám sát tự động các thông số của mô hình chiết xuất tinh dầu qua Internet” do TS. Nguyễn Thái Học trình bày. Các phương pháp chiết xuất tinh dầu hiện nay đơn giản, dễ thực hiện ở quy mô lớn hoặc gia đình. Tuy nhiên, chúng đều cho hiệu suất thấp, chất lượng tinh dầu không cao hoặc sử dụng dung môi độc hại dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp và có khả năng gây độc hại đến người sử dụng. TS. Nguyễn Thái Học đã xây dựng, thiết kế mô hình chiết xuất theo phương pháp lôi cuốn hơi nước. Mô hình thiết kế này có khả năng kiểm soát, phát hiện, cảnh báo, xử lý và điều tiết tự động một số thông số của quy trình như nhiệt độ, nước trong lò hơi, làm mát, ngưng tụ tinh dầu với độ chính xác lên tới 98%. Nhờ vậy, hiệu suất, sản lượng và chất lượng tinh dầu đã được nâng cao so với các phương pháp truyền thống trước đây. Đây là chủ đề nhận được nhiều sự trao đổi về phương pháp thực hiện, cách thức chọn các thông số đầu vào, những thay đổi của mô hình khi đưa vào sản xuất với số lượng lớn, ...

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Thái Học với Bài tham luận “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống điều khiển và giám sát tự động các thông số của mô hình chiết xuất tinh dầu qua Internet”

Tiếp theo, TS. Ngô Quang Ước trình bày kết quả nghiên cứu của luận án nghiên cứu sinh đã được bảo vệ thành công “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống điều khiển giám sát quá trình sinh trưởng và bệnh hại cây trồng ngắn ngày” do TS. Bùi Đăng Thảnh và TS. Ngô Trí Dương hướng dẫn. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Các kết quả nghiên cứu trong nông nghiệp về ứng dụng trí tuệ nhận tạo tập trung vào giám sát tình trạng, sức khỏe cây trồng, nhận biết thông số về dinh dưỡng để hạn chế sâu bệnh trên cây. Để giám sát được, tác giả đã xây dựng thuật toán xác định các chỉ số sinh trưởng của cây, áp dụng trên cây dưa chuột. Kết quả thực nghiệm cho thấy hệ số tương quan R2 đều lớn hơn 97.8%. Điều này cho thấy thuật toán nghiên cứu của tác giả về ước lượng các chỉ số này có khả năng hiệu quả tốt trong việc ứng dụng cho hệ thống giám sát quá trình sinh trưởng của cây dưa chuột trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã xây dựng bộ dữ liệu về bệnh phấn trắng và bệnh sương mai trên cây dưa chuột. Để đối chứng, tác giả kết hợp với các bộ dữ liệu bệnh trên cây dâu tây, cây cà chua đã được các nhà khoa học công bố. Nhờ đó, tác giả lựa chọn được mô hình phù hợp để đánh giá là mô hình YOLOv4-tiny-caitien. So với thuật toán gốc, thuật toán cải tiến này có độ chính xác cao hơn 3,36%. Khi đưa ra thực nghiệm, khả năng phát hiện ảnh bị bệnh của thuật toán cải tiến cho ra kết quả  91,24%, trong khi sử dụng thuật toán gốc chỉ cho ra kết quả 60,24% tính trên tổng số ảnh bị bệnh thu thập được. Điều này cho thấy thuật toán mà tác giả đưa ra mang lại hiệu quả thực tế cao. Đây là kết quả rất tốt khi gieo trồng trong nhà lưới. Điều được trao đổi sôi nổi nhất là cùng tìm giải pháp để đưa công nghệ này ra đồng ruộng, nơi chịu tác động nhiều của yếu tố thời tiết và địa hình. Khi đó, dung lượng ổ cứng cần được nâng cấp, tránh tràn dữ liệu bộ nhớ trên máy chủ. Ngoài ra, nếu kết hợp việc thu thập hình ảnh với việc sử dụng các robot trên đồng ruộng cũng là một hướng nghiên cứu mở cần được quan tâm.

leftcenterrightdel
TS. Ngô Quang Ước với Bài tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống điều khiển giám sát quá trình sinh trưởng và bệnh hại cây trồng ngắn ngày” 

Cũng trong Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Minh trình bày lại kết quả nghiên cứu của luận án tiến sỹ: “Nâng cao độ tin cậy hệ thống thủy lực của máy xây dựng bằng phương pháp chẩn đoán kỹ thuật”. Mục đích chính của đề tài là nâng cao độ bền và độ tin cậy của máy xây dựng bằng cách phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các hư hỏng của hệ thống thủy lực dựa trên thông tin chẩn đoán vận hành về tình trạng kỹ thuật của các máy xây dựng. Với kết quả đã đạt được, đề tài mang đến nhiều tính mới trong thực tế. Đó là: i) Mô hình toán học về sự thay đổi tình trạng kỹ thuật của xi lanh thủy lực trên máy xây dựng; ii) Mô hình toán học về sự thay đổi tình trạng kỹ thuật của động cơ thủy lực trên máy xây dựng; iii) Thuật toán chẩn đoán từ xa hệ thống thủy lực trên máy xây dựng; iv) Mô hình toán học nhằm tăng độ tin cậy của máy xây dựng dựa trên thông tin thu được bằng hệ thống chẩn đoán từ xa. Các ý kiến ở Hội thảo đều rất tán đồng với kết quả mà tác giả đã đạt được khi nghiên cứu ở Liên bang Nga. Tuy nhiên, mọi người đều mong rằng, TS. Nguyễn Trọng Minh sẽ sớm ứng dụng các kết quả đó ở điều kiện thực tế của Việt Nam.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Trọng Minh trình bày Bài tham luận “Nâng cao độ tin cậy hệ thống thủy lực của máy xây dựng bằng phương pháp chẩn đoán kỹ thuật”

Sau thời gian thảo luận sôi nổi với những kết quả nghiên cứu hữu ích, có tính ứng dụng cao, TS. Nguyễn Thị Hiên phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo khoa học thường niên tháng 11 của Khoa Cơ – Điện. Các ý kiến thảo luận, góp ý tại Hội thảo sẽ là gợi ý, gợi mở để các nhà khoa học phát triển các nghiên cứu, đưa các nghiên cứu đến gần hơn với thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp trong kỷ nguyên số của Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm
leftcenterrightdel
 Thành viên tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm
với tòa nhà mới của Khoa Cơ – Điện