\r\n Những năm tháng đất nước chiến tranh, gian lao sẽ không bao giờ phai mờ trong trang sử của Học viện. Ngày đó, Học viện được thành lập chỉ với 27 giáo viên và gần 500 sinh viên, cơ sở vật chất nghèo nàn, chủ yếu là tranh tre nứa lá, trên dải đất miền Bắc đâu đâu cũng là di chứng của chiến tranh, còn dải đất miền Nam vẫn ngày đêm ngập tràn tiếng súng đạn. Nhận thấy được trọng trách cao cả của mình, thế hệ cán bộ viên chức và sinh viên đầu tiên của Học viện ngày đêm học tập và rèn luyện kết hợp với sản xuất, đào tạo ra hàng trăm kĩ sư nông nghiệp có tay nghề, là những anh cả đầu tiên đặt nền móng cho nền nông nghiệp miền Bắc.

\r\n

\r\n Nhằm ngăn cản miền Bắc đi lên xây dựng CNXH, giặc Mĩ rắp tâm phá hoại đất nước ta một lần nữa. Năm 1964, đế quốc Mĩ dàn dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất miền Bắc nước ta. Để đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ ra miền Bắc, tiếp tục giữ vững tuyến đường vận tải chi viện cho miền Nam, hậu phương miền Bắc đã phát động phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng", phụ nữ "Ba đảm đang", công nhân "Tay búa - tay súng", nông dân "Tay cày, tay súng", trí thức "Ba quyết tâm"... bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tiếp tục chi viện cho tiền tuyến. Bước vào cuộc chiến đấu mới, chấp nhận những khó khăn mới, Đảng bộ, ban lãnh đạo Học viện đã chuyển hướng cho phù hợp với tình hình, từ học tập trung sang phân tán, tổ chức sơ tán để tiếp tục đào tạo và NCKH, kết hợp thực hiện nhiệm vụ vừa giảng dạy, học tập vừa phục vụ sản xuất, chiến đấu, động viên cán bộ viên chức và sinh viên tham gia kháng chiến. Trực chiến đấu tại Học viện, mỗi khoa thành lập một Trung đội dân quân tự vệ, riêng Trại thí nghiệm thực tập thành lập một Đại đội dân quân tự vệ, chia ra bảo vệ tại các khu vực như: Nhà 4 tầng, Khu Thí nghiệm thực tập, Trại Quang Trung, Cánh đồng mới, Khoa Cơ khí, Khoa Quản lý đất đai, Giảng đường C.

\r\n

\r\n Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 1140 cán bộ, sinh viên của Học viện đã viết đơn tình nguyện và kí tên vào lá cờ truyền thống để tham gia phong trào “xếp bút nghiên lên đường cứu nước”, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt thân yêu”, phong trào tình nguyện nhập ngũ diễn ra rất sôi nổi và lần tuyển quân nào cũng vượt chỉ tiêu. Họ là những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước; một số là lực lượng nòng cốt xây dựng Ban Nông nghiệp Trung ương Cục miền Nam. Trong khói lửa của cuộc chiến tranh những năm 1960 - 1970, trên các vùng căn cứ của cách mạng miền Nam, các cựu sinh viên của Học viện đã là tác giả của các biện pháp canh tác sạ khô, sạ gác, sạ ngầm; của phong trào lên líp nâng cao mặt ruộng, rửa chua phèn, cải tạo đất, phát triển vụ lúa hè thu, phong trào lên vuông kết hợp trồng lúa, nuôi cá và trồng cây ăn quả,… góp phần quan trọng trong cung cấp lương thực cho cách mạng miền Nam.

\r\n

\r\n Những người được vinh dự chọn cử đi đánh Mĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập công xuất sắc, một số đã hi sinh anh dũng trên chiến trường miền Nam, họ trở thành những tấm gương bất tử gây xúc động hàng triệu trái tim, khiến hàng triệu thanh niên coi đó là gương sáng để noi theo. Đó là liệt sĩ Đỗ Xuân Đường, liệt sĩ Vương Đình Cung, liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh, liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy… Họ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, khi trái tim ngời ngời nhiệt huyết với bao ước mơ lí tưởng về cuộc sống và hạnh phúc cá nhân còn dang dở. Những trang sử hào hùng đó đã có những dòng viết bằng máu của những người con của Học viện, để những người còn sống không khỏi rưng rưng xúc động mỗi khi lật giở từng trang.

\r\n

\r\n Mặc dù trong điều kiện chiến tranh và phải đi sơ tán nhiều nơi, hàng trăm cán bộ sinh viên tình nguyện ra chiến trường chiến đấu, nhưng đội ngũ thầy và trò của Học viện vẫn tiếp tục duy trì công tác đào tạo, NCKH, lao động sản xuất. Hơn 15 năm sau khi thành lập, Học viện đã đào tạo cho đất nước 10.941 cán bộ có trình độ tay nghề cao, đồng thời chuyển giao nhiều tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, chuyển đổi vụ lúa chiêm sang vụ lúa xuân, với các giống lúa cấp quốc gia do Học viện tạo ra như ĐX2, ĐX4, ĐX5, VN10, VN20,… có khả năng thâm canh và cho năng suất cao; phát triển vụ đông, đẩy mạnh phong trào “5 tấn thóc, 2 con lợn/1 lao động/1 ha gieo trồng”, nghiên cứu sử dụng phân lân, sử dụng bèo hoa dâu trong thâm canh lúa, xây dựng bờ vùng bờ thửa, kĩ thuật gieo vãi lúa làm mạ sân, đưa máy móc về đồng ruộng với các mẫu máy nông nghiệp thay thế cho các khâu lao động vất vả nhất của người nông dân: máy đạp lúa, máy cày sá nhỏ, bánh lồng, máy cắt cói, đổi mới quản lý hợp tác xã, phát triển lợn lai kinh tế. Đây là những bước tiến quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc, góp phần đắc lực cho tiền tuyến miền Nam.

\r\n

\r\n Sau chiến tranh, đất nước chồng chất những khó khăn, theo yêu cầu của Đảng và Chính phủ, một số cán bộ của Học viện được phân công vào miền Nam công tác phục vụ cho sự phát triển của nông nghiệp Nam Bộ. Thầy và trò Học viện vừa giữ vững truyền thống “dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt” vừa đẩy mạnh hoạt động NCKH. Những giống lúa mới năng suất cao (như T125, A3, A4, A5…) các mẫu máy nông nghiệp mới (máy nghiền trục đứng, máy trộn thức ăn gia súc, máy thái củ, máy băm vùi thân lá dứa, máy rũ đay ngâm…) ra đời và được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Phong trào phát triển vườn quả Bác Hồ, mô hình VAC mở rộng khắp miền Bắc, có cội nguồn từ những thành công trong lai ghép cây ăn quả và phát triển vườn quả của Học viện. Đặc biệt, hàng ngàn lượt thầy cô giáo và sinh viên của Học viện đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp, và các Cục, Vụ, Viện của Bộ Nông nghiệp tiến hành các chương trình điều tra dịch bệnh gia súc, điều tra cơ bản nông nghiệp và đất đai Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, tham gia xây dựng bản đồ thổ nhưỡng toàn quốc

\r\n

\r\n Hiện nay, Học viện có trên 1.350 CBVC đang giảng dạy, NCKH và phục vụ tại tại 15 khoa, 9 ban, trạm, 17 viện, trung tâm nghiên cứu, công ty. Học viện có 27 ngành đào tạo với 50 chuyên ngành đào tạo đại học, 20 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Đến nay, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 80.000 kỹ sư và cử nhân, trên 5.000 thạc sĩ và gần 500 tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo chiếm 65% số cán bộ KHKT và quản lí ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước. Họ đang là lực lượng nòng cốt, chủ đạo trên mặt trận KHKT và quản lí kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong số họ, nhiều người trở thành các nhà khoa học có uy tín cao, nhà giáo ưu tú, mẫu mực, doanh nhân tiêu biểu, cán bộ lãnh đạo và quản lí tài giỏi, Anh hùng Lao động.

\r\n

\r\n Học viện cũng liên tục đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy; mở rộng ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội; có nhiều công trình NCKH mang tính ứng dụng cao, chuyển giao nhiều tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học của Học viện đã thực hiện trên 70 đề tài, chương trình cấp Nhà nước, gần 300 đề tài, chương trình cấp Bộ và tương đương, hàng trăm đề tài, dự án hợp tác quốc tế. Gần 100 nhà giáo và sinh viên được nhận giải VIFOTEC, được trao bằng lao động sáng tạo; ba công trình và cụm công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều công trình và cụm công trình khoa học được trao giải thưởng Nhà nước, hàng trăm tiến bộ kĩ thuật, giống mới, biện pháp canh  tác mới, biện pháp quản lí mới… được công nhận và áp dụng rộng rãi vào sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

\r\n

\r\n Trong công tác quốc tế, Học viện có quan hệ với gần 60 trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới, tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, đào tạo kĩ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cho nước bạn Lào, Campuchia, Môzămbich, Angola.

\r\n

\r\n Để có được những thành tựu trên, Học viện đặc biệt coi trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ. Học viện đã được Nhà nước phong tặng 6 Nhà giáo nhân dân, 102 Nhà giáo ưu tú; 33 GS và 164 PGS; hơn 400 tiến sĩ và thạc sĩ. Lịch sử phát triển của Học viện đã có những tên tuổi mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ thầy và trò Học viện như thầy Bùi Huy Đáp, Lương Định Của, Nguyễn Đăng, Nguyễn Công Tạn, Lê Duy Thước, Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng, Nguyễn Thị Trâm và nhiều tên tuổi vẻ vang khác, những người đã ghi dấu ấn vào lịch sử phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

\r\n

\r\n Với những thành tích và đóng góp to lớn trong giai đoạn 1956 -1975 và trong thời kì đổi mới, Học viện đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và của các nước bạn Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 12 năm 2014, Học viện đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

\r\n

\r\n Năm tháng chiến tranh đã rời xa, quá khứ khép lại, tương lai ngày càng tươi sáng, thế hệ trẻ Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ không bao giờ quên quá khứ hào hùng đầy máu lửa và thương đau của dân tộc, không bao giờ quên những người đã anh dũng ngã xuống vì tổ quốc, mang tới cuộc sống hòa bình tự do tươi sáng hôm nay.

\r\n

\r\n Tuổi trẻ Học viện Nông nghiệp Việt Nam nguyện học tập, rèn luyện, phấn đấu hết sức mình trên mọi phương diện, để làm rạng danh truyền thống của Học viên, tiếp nối những trang sử vàng thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

\r\n