Chỉ trong thời gian canh tác 100 ngày, nông dân phấn khởi thu lãi tiền triệu mỗi sào nhờ trồng khoai tây vụ Đông Xuân.
Ngày 8/3, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khảo sát, đánh giá mô hình khoai tây vụ Đông Xuân tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm).
Ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch khoai tây tại xã Yên Thường (Gia Lâm). Video: Ánh Ngọc
Thu lãi 60 triệu đồng/ha/vụ
Đã 3 năm nay, cứ vào cuối tháng Giêng, hộ ông Nguyễn Bá Trung lại tất bật vào mùa thu hoạch khoai tây vụ Đông Xuân. Cánh đồng khoai tây với diện tích 40ha nhưng thu hoạch đến đâu đã có doanh nghiệp đến thu mua tận ruộng tới đó. Vụ này, khoai tây được mùa, được giá với giá bán 8.300 đồng/kg; năng suất 5 tạ/sào (360m2), mỗi các khoản trừ chi phí, ông Trung thu lãi hơn 2 triệu đồng/sào.
|
|
Đoàn công tác khảo sát, đánh giá mô hình trồng khoai tây vụ Đông Xuân tại xã Yên Thường (Gia Lâm). Ảnh: Ánh Ngọc |
“Khoai tây vụ Đông Xuân phù hợp với đồng đất Yên Thường (Gia Lâm), cùng với thời tiết thuận lợi, lại có đầu ra ổn định nên cho thu nhập đạt 130 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí, cho thu lãi 60 triệu đồng/ha/vụ. Mừng nhất là không phải lo về đầu ra khi sản lượng khoai tây được Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina ký kết bao tiêu. Chúng tôi chỉ việc thu hoạch khoai, phân loại và đóng bao tại ruộng, công ty thu gom ngay tại bờ.” – ông Nguyễn Bá Trung phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp, Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina - đại diện đơn vị bao tiêu sản phẩm khoai tây cho hay, năm nay cũng là năm thứ 3, công ty Orion Vina ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân trên địa bàn các huyện của Hà Nội; trong đó tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) là 29ha, xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) là 7ha.
|
|
Giống khoai tây Alantic của Viện Sinh học Nông nghiệp đưa vào canh tác có thời gian sinh trưởng 100 ngày. |
Nhu cầu về khoai tây chế biến của Orion Vina rất lớn, bình quân trên 60.000 tấn mỗi năm, song lượng khoai tây thu mua ở trong nước mới đáp ứng được hơn 30.000 tấn, số còn lại công ty phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc.
Do đó, công ty Orion Vina rất mong các địa phương, đặc biệt các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội khuyến khích nông dân sản xuất khoai tây chế biến, liên kết tạo vùng trồng khoai tây nguyên liệu để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa mang lại thu nhập cho nông dân; đồng thời giúp công ty thu mua lượng khoai tây chế biến trong nước đạt 55% trở lên.
|
|
Đoàn công tác tham quan mô hình ứng dụng công nghệ khí canh trong sản xuất khoai tây giống của Viện Sinh học Nông nghiệp Ảnh: Ánh Ngọc |
TS Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, triển khai mô hình trồng khoai tây vụ Đông Xuân tại xã Yên Thường, đơn vị đã đưa giống Atlantic vào canh tác. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm hỗ trợ tối đa nông dân về mặt kỹ thuật và kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Viện Sinh học Nông nghiệp tự hào là đơn vị số 1 của Việt Nam về nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thử nghiệm các giống khoai tây. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với nhiều địa phương, doanh nghiệp để tư vấn, chuyển giao công nghệ trong triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Xây dựng những mô hình quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, một vụ khoai tây chỉ kéo dài 90 - 100 ngày, trong khi đó loại cây này rất dễ trồng và tốn ít công chăm sóc. So với trồng lúa thì trồng khoai tây có ưu điểm hơn hẳn, chính vì vậy mà nhiều năm nay tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố, bà con nông dân đã mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ Đông, vụ Đông Xuân với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp Hà Nội.
|
|
Đoàn công tác tham quan mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh nhỏ giọt trong sản xuất khoai tây giống của Viện Sinh học Nông nghiệp. Ảnh: Ánh Ngọc |
Nói về định hướng phát triển nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: trên cơ sở thực hiện chương trình hợp tác của UBND thành phố Hà Nội với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN&PTNT đã tham quan, khảo sát quy trình sản xuất các giống cây trồng mới tại Viện Sinh học Nông nghiệp, trong đó có mô hình khoai tây giống.
Hà Nội có tiềm năng phát triển lớn khi có không gian nông nghiệp rộng 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận có diện tích sản xuất nông nghiệp. Hiện, diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố hơn 197.000ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp gần 160.000ha. Hơn nữa, thành phố có lợi thế lớn khi tập trung nhiều trung tâm đầu não về khoa học, tri thức; lợi thế về công nghệ chế biến sâu, bảo vệ môi trường.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại
Thực tế, những năm qua, việc triển khai trồng khoai tây vụ Đông, vụ Đông Xuân tại một số huyện của thành phố Hà Nội mang lại hiệu quả rõ rệt: tăng vụ, tăng diện tích gieo trồng, nâng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị hecta canh tác và giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Do đó, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tiếp tục khảo sát, phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp và các đơn vị liên quan triển khai các mô hình trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực đất nông nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, để đón đầu xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP về Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận cơ chế, chính sách; đồng thời nắm bắt vướng mắc khi triển khai nghị quyết để kịp thời kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị về thủ tục, nguồn vốn…
https://kinhtedothi.vn/