Chiều 3/4/2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp chính sách nhằm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” tại thành phố Buôn Ma Thuột. Chương trình hội thảo nằm trong nội dung thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do TS. Lại Phương Thảo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm.
Hội thảo với mục đích chia sẻ kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài và xin ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo về đề xuất các giải pháp chính sách nhằm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian tới.
Chủ trì Hội thảo gồm: PGS.TS. Hồ Ngọc Ninh, Phó trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thành viên chính tham gia đề tài; PGS.TS. Bùi Thị Nga, Giảng viên cao cấp, Thành viên chính tham gia đề tài, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Khoa Kế toán và QTKD - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thay mặt cho Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS. Bùi Thị Nga đọc báo cáo đề dẫn và khai mạc hội thảo; PGS.TS. Hồ Ngọc Ninh, thay mặt cho nhóm nghiên cứu đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài.
Hội thảo thu hút sự tham gia của 50 đại biểu đến từ các đơn vị gồm Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk; Sở Văn hóa, Thể thảo và Du lịch tỉnh Đắk Lắk; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk; Trung tâm Văn hóa - Du lịch tỉnh Đắk Lắk; Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk; Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk; Đại diện các Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đông Á, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Đại diện các công ty/doanh nghiệp/HTX và hộ kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Các công ty du lịch và lữ hành.
Hội thảo cũng lắng nghe 03 báo cáo tham luận trình bày trực tiếp gồm: (i) Kinh nghiệm của HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông - Buôn Đôn trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn xây dựng NTM, do ông Trần Văn Toàn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX trình bày (HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông - Buôn Đôn là đơn vị được nhóm đề tài hỗ trợ, tư vấn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp); (ii) Kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với giáo dục trải nghiệm của Công ty Cổ phần Thực phầm xanh Thành Đồng, do ông Đoàn Xuân Trường - Tổng Giám đốc Công ty trình bày (Công ty Cổ phần Thực phầm xanh Thành Đồng là đơn vị được nhóm nghiên cứu đề tài hỗ trợ, tư vấn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh); (iii) Thực trạng và một số gợi mở cơ chế, chính sách cho phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, do PGS.TS. Lê Đức Niêm và ThS. Bùi Ngọc Tân –Trường ĐH Tây Nguyên chuẩn bị và trình bày. Ngoài ra Hội thảo cũng nhận được các bài tham luận có đóng góp lớn cho sự thành công của Hội thảo từ các nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Thể chế và Chính sách kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm thuộc Khoa Kế toán và QTKD, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích lớn, dân số đông, đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em với các di sản văn hóa nổi tiếng như: cồng chiêng, đàn đá, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, thổ cẩm, tạc tượng,… và các lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú với 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, với lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc như cây công nghiệp (cà phê, tiêu, macca…), cây ăn quả (sầu riêng, bơ, xoài…), ruộng lúa và nương rẫy, cảnh quan thiên nhiên đẹp, các hoạt động chăn nuôi phong phú, và nhiều các lợi thế khác trong nông nghiệp. Đây chính là những tiềm năng, thế mạnh để tỉnh Đắk Lắk thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp.
Những năm qua, việc phát triển nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch, xây dựng nông thôn mới đang là hướng đi đầy triển vọng của tỉnh Đắk Lắk, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác, giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu cho tổ chức, cá nhân và đóng góp cho kinh tế địa phương. Tuy vậy, để mô hình du lịch nông nghiệp phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn do các hoạt động du lịch nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk thời gian qua vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và manh mún. Sản phẩm của du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có đủ các kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Do vậy, nguồn doanh thu từ du lịch nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung trong tâm gồm: (i) Những tiềm năng và lợi thế cho phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của tỉnh Đắk Lắk; (ii) Những cơ hội, thách thức trong phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk; (iii) Các chính sách, giải pháp của tỉnh Đắk Lắk nhằm phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện); (iv) Gợi mở, đề xuất hoàn thiện các giải pháp, chính sách nhằm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.
Một số hình ảnh thảo luận và đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến và chia sẻ ý nghĩa, thiết thực, tăng cường kết nối giữa các đại biểu tham dự đến từ các đơn vị khách nhau và đã góp phần tìm ra các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian tới.
TS. Lại Phương Thảo, Khoa Kế toán và QTKD,
nhóm NCM thể chế và chính sách kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm,
Học viện Nông nghiệp Việt Nam