Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trí tuệ, trách nhiệm, dân chủ bằng hình thức trực tuyến, Đợt 1 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV kết thúc tốt đẹp theo đúng chương trình đề ra, đảm bảo chất lượng tuyệt đối, sau 11 ngày làm việc. Đại biểu và cử tri, nhân dân đánh giá cao và tin tưởng, kết quả này sẽ là nền tảng, bản lề nối tiếp thành công của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề ra.

leftcenterrightdel
 Đợt 1 họp trực tuyến của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV

 

Cử tri đánh giá cao thành công của Quốc hội

Ngày 20/10/2021, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Sau 11 ngày làm việc, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, chiều tối 30/10/22021, Quốc hội kết thúc chương trình làm việc Đợt 1, để lại những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

Cử tri Phạm Gia Hưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội bày tỏ, Quốc hội làm việc trên tinh thần kế thừa và đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, khoa học, dân chủ và đảm bảo chất lượng. Các vấn đề đưa ra nghị trường thảo luận, lấy ý kiến đều rất gần dân, sát dân và rất thiết thực với cuộc sống như công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, vấn đề bảo hiểm y tế… Các vấn đề đưa ra bàn thảo, phân tích rất sôi nổi, thẳng thắn, qua đó giúp cử tri và nhân dân có cái nhìn tổng thể hơn về các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.

Cử tri Phạm Gia Hưng kỳ vọng và tin tưởng, Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV sắp tới sẽ thành công tốt đẹp, qua đó đưa ra được nhiều quyết sách hợp lòng dân, đất nước sẽ dần dần trở lại “bình thường mới”, kinh tế xã hội tiếp tục được phục hồi, phát triển.

leftcenterrightdel
 Cử tri Hoàng Thị Liên
 

Chia sẻ về dấu ấn đặc biệt ở Đợt 1 của Kỳ họp thứ 2, cử tri Hoàng Thị Liên bày tỏ ấn tượng đặc biệt nhất là đầu kỳ họp của Quốc hội, người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi khi tiếp cận với thông tin Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Các hàng hóa, dịch vụ như vận tải, lưu trú, ăn uống, du lịch…cũng được giảm thuế giá trị gia tăng.

Cử tri Hoàng Thị Liên cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến cửa hàng kinh doanh của chị bị thất thu nhiều tháng do phải đóng cửa, khi mở cửa thì việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do chịu tác động từ đại dịch. Tuy nhiên, nhờ có Nghị quyết của Quốc hội đã tiếp thêm làn gió mới, sức sống mới, hi vọng mới cho người dân, doanh nghiệp nói chung.

Mặt khác, Nghị quyết cũng thể hiện, Quốc hội đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhân dân, bám sát yêu cầu thực tiễn để có những quyết sách hành động nhanh nhạy, kịp thời. Qua đó, đồng hành với hệ thống chính trị, Chính phủ thực hiện tốt các chính sách, giải pháp đột phá cho người dân, doanh nghiệp sau những tác động của đại dịch Covid -19.

Cử tri Hoàng Thị Liên cho biết, bản thân cũng có thêm nhiều động lực thúc đẩy, niềm tin vực dậy sản xuất kinh doanh, hoà chung vào hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Kết quả Đợt 1: Tạo bản lề, nối tiếp thành công cho cả Kỳ họp

Đánh giá về Đợt 1 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XV, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, chỉ ra những thành công lớn của kỳ họp. Đó là Quốc hội đã tiếp tục kế thừa, đổi mới, linh hoạt, khoa học, dân chủ và chất lượng, qua đó giải quyết được khối lượng công việc lớn và đảm bảo chất lượng.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm

 

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ phương châm: "rút ngắn thời gian tối đa thời gian của kỳ họp song vẫn phải đảm bảo chất lượng nhất". Chính vì vậy, Quốc hội đã làm việc trên tinh thần liên tục đổi mới, linh hoạt không có ngày nghỉ kể cả thứ 7 và Chủ nhật để bảo đảm dù rút ngắn tối đa chương trình kỳ họp song không vì vậy mà ảnh hưởng đến chất lượng công việc của Quốc hội. Chính vì vậy, trong 11 ngày làm việc của Đợt 1, Quốc hội đã làm việc tới 3 ngày nghỉ cuối tuần và làm việc ngoài giờ. Việc họp liền mạch đã giúp đại biểu Quốc hội tận dụng tối đa thời gian, tiết kiệm thời gian để có thêm thời gian dành cho những công việc cấp bách khác của địa phương, nhất là đối với những tỉnh, thành phố đang đối diện với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, chia sẻ: Đợt 1 của kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Chương trình hoàn thành như dự kiến ban đầu Quốc hội đề ra. Chất lượng, hiệu quả của hoạt động Quốc hội cũng rất rõ nét. Đặc biệt, trong quá trình điều hành phiên họp, Đoàn chủ tịch Quốc hội luôn đảm bảo đúng nguyên tắc, song rất dân chủ, linh hoạt, khoa học và phù hợp với thực tiễn. Qua đó, tạo không khí thoải mái, đảm bảo đầy đủ mọi ý kiến của các đại biểu phát biểu tại các phiên họp tại tổ và thảo luận trực tuyến.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan
 

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, việc sắp xếp khoa học, điều hành linh hoạt của Đoàn Chủ tịch đã giúp tận dụng tối đa thời gian, để các đại biểu Quốc hội có thể đóng góp nhiều ý kiến, qua đó phát huy sức lực, trí tuệ của mỗi đại biểu một cách hiệu quả nhất trong hoạt động của Quốc hội.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Dương Minh Ánh  - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, cũng cho rằng, Quốc hội đã luôn tận dụng tối đa thời gian thảo luận ở tổ và thảo luận trực tuyến. Vì vậy, nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội ở 62 điểm cầu và tại tòa nhà Quốc hội phát biểu sôi nổi, bàn thảo đầy đủ mọi ý kiến, mọi góc cạnh, góp phần tạo nên chất lượng ở mỗi vấn đề được lấy ý kiến, đặc biệt trong các dự án Luật, Nghị quyết hay các vấn đề phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

Đặc biệt, trong công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thảo luận, cho ý kiến về nhiều dự án Luật hay ở các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế rất sâu sắc, đa chiều, giúp cho Ban Soạn thảo, Cơ quan thẩm tra sửa đổi kịp thời, đồng thời cũng giúp cho Quốc hội nhìn nhận, chỉnh lý bổ sung Dự thảo để đưa ra những định hướng, quyết sách đúng đắn nhất ở Đợt 2, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV sắp tới.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn
 

Theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, trong các phiên họp của Quốc hội, mỗi ý kiến của các đại biểu ở 62 điểm cầu hay tại tòa nhà Quốc hội đều xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc. Các ý kiến đều thể hiện rõ trách nhiệm, tiếng nói của người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thể hiện rõ vai trò làm cầu nối giữa cử tri với nghị trường Quốc hội.

“Qua các phiên họp của Quốc hội cho thấy, các ý kiến của đại biểu Quốc hội luôn đi thẳng vào vấn đề trọng tâm mà cử tri cả nước đang quan tâm, trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, tâm huyết, trí tuệ với tinh thần trách nhiệm cao ở tất cả các lĩnh vực, nhất là khi bàn thảo về vấn đề phát triển kinh tế xã hội, bàn thảo về các dự án Luật hay Nghị quyết…”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, đánh giá: Quốc hội đã thể hiện rõ sự sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Đó là họp trực tuyến, đưa ứng dụng công nghệ số vào trong chương trình của kỳ họp. Dù họp trực tuyến song Quốc hội vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai, đảm bảo hoàn thành nội dung chương trình đề ra và đảm bảo chất lượng của chương trình.

Đặc biệt, không ít điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã mời chuyên gia, cơ quan chuyên môn, các đơn vị ngành tham dự, đóng góp thêm ý kiến vào các vấn đề Quốc hội đang bàn thảo, lấy ý kiến, qua đó góp phần tăng chất lượng ở mỗi nội dung phát biểu của các đại biểu, đồng thời cũng mở rộng hơn tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương

 

Đồng quan điểm này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, đánh giá cao các phương tiện kỹ thuật đã đảm bảo cho kỳ họp trực tuyến diễn ra thành công. Theo đại biểu, trong cả quá trình họp, các thiết bị kỹ thuật, đường truyền được thông suốt từ Tòa nhà Quốc hội đến 62 điểm cầu của các tỉnh, thành phố. Dù không họp tập trung nhưng việc cung cấp thông tin cho 499 đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì thông qua các phần mềm ứng dụng. Qua đó, giúp đại biểu có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tiếp cận thông tin trực tuyến, tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu và sử dụng tài liệu điện tử trên các thiết bị phần mềm dễ dàng. Mặt khác việc đăng ký phát biểu cũng rất thuận lợi.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, qua theo dõi, mỗi phiên họp trực tuyến có hàng chục lượt ý kiến phát biểu ở nhiều điểm cầu khác nhau. Vấn đề đường truyền, tín hiệu an ninh, an toàn luôn được được đảm bảo thông suốt, từ Nhà quốc hội đến 62 điểm cầu.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng
 

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, để đảm bảo đường truyền không bị gián đoạn, tín hiệu, âm thanh đáp ứng yêu cầu, Quốc hội luôn nỗ lực các phương án dự phòng để đảm bảo chất lượng của kỳ họp trực tuyến được tốt nhất.

Có thể thấy, với quyết tâm, trách nhiệm cao trước cử tri, nhân dân cả nước, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt để thích ứng điều kiện hoàn cảnh thực tế, tạo nên thành công của chương trình nghị sự Đợt 1. Thành công của chương trình nghị sự Đợt 1 sẽ góp phần là nền tảng, bản lề nối tiếp thành công của cả Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV trên các phương diện lập pháp; giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước./.

Lê Phương - Kim Yến 

https://quochoi.vn/