Cần chuẩn hóa, có thước đo trong đào tạo nông dân
Đi nhiều vùng, tôi có cảm giác nông dân hầu hết đang phải “tự bơi” là chính trong việc nâng cao tri thức về kỹ thuật, về thị trường. Thành công cũng có mà thất bại cũng rất nhiều. Vậy theo bà, vai trò của nhà nước ở đâu trong việc giải quyết vấn đề đó?
Do đặc điểm của lịch sử, đại bộ phận các hộ nông dân Việt Nam hiện nay đều có quy mô nhỏ, ruộng đất manh mún và đặc biệt là kiến thức, thông tin về thị trường còn nhiều hạn chế. Khi tham gia vào các chuỗi giá trị hàng hóa, họ rất dễ bị tổn thương, ví dụ như bị ép giá, sản phẩm có tính cạnh tranh thấp, năng lực thị trường hạn chế…
|
|
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam: "Chương trình đào tạo ngắn hạn tôi chưa thấy có chuẩn". Ảnh: Dương Đình Tường. |
Trong khi đó, nông dân rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, cải thiện năng lực thị trường do doanh nghiệp không thể nào liên kết hiệu quả được với nhiều hộ nông dân với “tính nết” và trình độ khác nhau. Mặt khác, nếu có chính sách hỗ trợ thì việc thực hiện cũng sẽ thiếu hiệu quả khi nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp với hơn 10 triệu hộ nông dân...
Theo tôi, nhà nước cần thực hiện hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao tri thức về kỹ thuật, về thị trường thông qua mô hình hợp tác xã (HTX), bởi chỉ có HTX mới gắn bó lâu dài được với nông dân do nó mang tính cộng đồng và tính địa phương, chứ không phải như tình trạng nhiều doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế hiện nay chủ yếu thực hiện “liên kết vãng lai”, đến với nông dân khi dễ dàng tìm kiếm lợi ích và sẽ bỏ đi nếu khó khăn.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngoài đào tạo hệ chính quy và không chính quy cho sinh viên, hiện nay có những hình thức đào tạo, tập huấn nào cho nông dân không?
Học viện Nông nghiệp Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp của đất nước, ngoài đào tạo chính quy còn có đào tạo ngắn hạn và đào tạo nghề. Chúng tôi rất coi trọng tri thức của nông dân, làm thế nào để đào tạo họ thành nông dân văn minh, nông dân hiện đại, những người có kiến thức thực sự để giá trị của nông nghiệp gia tăng lên.
Ngay từ mới thành lập trường, bằng hình thức này, hình thức khác, chúng tôi đã đào tạo cho nông dân rồi. Đó có thể là làm mô hình, hội thảo đầu bờ kiểu "cầm tay chỉ việc", đưa sinh viên đến nghiên cứu hoặc mời cả chuyên gia quốc tế cùng với chuyên gia của Học viện đến xây dựng những khóa đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, các chương trình Tây Nguyên.
|
|
Một tiết học về cấu tạo xương động vật ở Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Chúng tôi chuyển giao tri thức cho nông dân và các HTX nông nghiệp thông qua các đề tài dự án trong và ngoài nước, đặt hàng của các địa phương, các chương trình mục tiêu của các bộ, ban, ngành. Gần đây, chúng tôi có các khóa đào tạo cho đội ngũ giám đốc HTX về kiến thức thị trường, quản trị, kết nối cung cầu và nền tảng trong khởi nghiệp nông nghiệp…
Thực ra, có rất nhiều đơn vị đang đào tạo nông dân nhưng cần phải chuẩn hóa được chương trình. Chương trình đào tạo chính quy, dài hạn như đại học đã có sự kiểm định, có chuẩn chất lượng nhất định nhưng chương trình đào tạo ngắn hạn tôi chưa thấy có chuẩn. Khi đào tạo không có chuẩn, sẽ không biết lấy gì để làm thước đo, làm mất thời gian của nông dân, của thầy giáo, lãng phí nhiều nguồn lực.
Về thước đo chương trình đào tạo ngắn hạn cho nông dân, chúng tôi đã đề xuất nhiều lần với Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính Phủ. Làm thế nào để giao chương trình đào tạo nông dân cho một số đơn vị có năng lực tốt, xây dựng chuẩn hóa như kiểm định đầu vào, đầu ra, người đào tạo trình độ như thế nào, chương trình đào tạo ra sao, sau khi đào tạo phải biết làm những gì… Hiện một số trường đại học, cơ sở đã làm việc đó nhưng chưa thành hệ thống chính thống.
"Đối với Học viện, khi xây dựng một khoa hay một đơn vị nào đó để đăng ký đào tạo, tập huấn cho nông dân đều có những bài giảng được hội đồng thẩm duyệt, có chuẩn hóa để đảm bảo chất lượng. Để nâng cao năng lực thực sự cho nông dân, theo tôi phải "cầm tay chỉ việc" qua mô hình, qua thực tiễn, lý thuyết phải được cụ thể hóa vào thực tế".
(GS.TS Nguyễn Thị Lan)
|
Sản xuất của nông dân phần lớn vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Vậy theo bà, họ phải liên kết với nhau thế nào để tổ chức sản xuất theo yêu cầu của thị trường và bền vững? Kiến thức thị trường và tổ chức sản xuất theo thị trường là khâu đang yếu nhất của nông dân, hiện nay Học viện nhìn nhận thế nào và sẽ tổ chức ra sao để giúp cho họ khắc phục điểm yếu đó?
|
|
Chăn nuôi lợn giống ở một cơ sở thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Như đã nói ở trên, chỉ có HTX mới gắn bó lâu dài được với nông dân. Theo đó, nó đóng vai trò quy tụ nông dân để trở thành đối tác của doanh nghiệp. Cụ thể, khi nông dân tham gia HTX, phải cam kết thực hiện sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng… để tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng nhất… HTX có trách nhiệm nghiên cứu nhu cầu thị trường, tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với vai trò là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đang hướng đến việc hỗ trợ cho các mô hình liên kết nông dân cả trong sản xuất và thị trường. Đối với sản xuất, chúng tôi tập trung vào hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng công nghệ (giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chế biến) thông qua các mô hình liên kết nông dân với doanh nghiệp, trong đó có vai trò đầu mối của HTX.
Về thị trường, chúng tôi tập trung vào các nghiên cứu dự báo thị trường nông sản, liên kết với các doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, trong đó nông dân là người trực tiếp sản xuất và doanh nghiệp thu mua sản phẩm.
Đào tạo tinh hoa và du lịch nông nghiệp
Trong tri thức đại chúng phải có tinh hoa, đầu ngành, bắt nhịp với quốc tế. Trước đây Trường Đại học Nông nghiệp với các khoa Trồng trọt, Chăn nuôi - Thú y, Bảo vệ thực vật, Khoa học đất… nổi tiếng là nơi đào tạo cán bộ khoa học, quản lý cho ngành nông nghiệp, nhiều người phát triển lên lãnh đạo các tỉnh, thành, giờ việc đó ra sao? Cơ sở vật chất hạ tầng tốt hơn, tuyển sinh số lượng nhiều hơn, còn chất lượng theo bà hiện nay Học viện đã đáp ứng được yêu cầu của đời sống chưa?
Chúng tôi luôn đau đáu với sứ mạng “Học viện là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực NN-PTNT; đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước”. Do vậy, hiện nay bên cạnh việc phát triển những ngành học mới mà xã hội có nhu cầu cao, chúng tôi luôn tập trung nguồn lực cao nhất cho những ngành truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi - thú y, bảo vệ thực vật…
Định hướng phát triển đại học đa ngành là câu chuyện của thời đại, chẳng phải chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy. Nhu cầu về việc làm cần những ngành nghề mới, nếu cứ bảo thủ ở những ngành truyền thống thì đến một ngày nào đó cơ sở đào tạo sẽ tự làm khó mình. Bởi thế, Học viện hiện có 47 ngành đào tạo, bên cạnh những ngành truyền thống, còn có những ngành thị trường hiện có nhu cầu cao như công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh…
|
|
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ nghiên cứu. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Đặc biệt từ khóa 67, tuyển sinh năm 2022 này, Học viện sẽ tổ chức đào tạo các lớp “tinh hoa” đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sinh viên theo học các lớp này sẽ được tuyển chọn có học lực, điểm đầu vào tốt; được ưu tiên bố trí đội ngũ các giáo sư, nhà giáo giàu kinh nghiệm của Học viện trực tiếp đào tạo; được ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ thực hành, thực tập và sẽ được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp qua các modul/học kỳ doanh nghiệp, trải nghiệm thực tế… Với định hướng này, chúng tôi tin tưởng các em sẽ trở thành những đầu tàu, đảm trách tốt những yêu cầu mới đặt ra hiện nay.
"Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong các cơ sở đào tạo đầu tiên của cả nước xây dựng mô hình Bệnh viện thú y, Bệnh viện cây trồng, Viện Nghiên cứu lúa và Phát triển cây trồng, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo… Đây vừa là các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao KH-KT, vừa là cơ sở đào tạo, phát triển năng lực nghiên cứu và kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để tiếp nối được truyền thống là nơi đào tạo nên những chuyên gia đầu ngành, giúp rạng danh cho ngành nông nghiệp".
(GS.TS Nguyễn Thị Lan)
|
Trước đây, nói về nông nghiệp là chỉ có sản xuất chứ không có các giá trị tăng thêm như du lịch. Vừa rồi, được biết Học viện đã mở ngành Quản lý và Phát triển Du lịch. Bà có thể phân tích thêm về nông nghiệp đa giá trị qua những ngành nghề mới của Học viện?
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trường đại học công lập, tự chủ, đa ngành. Chúng tôi đang định hướng phát triển Học viện thành trung tâm đổi mới sáng tạo của đất nước, của khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn và khoa học công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo theo mô hình tiên tiến trên thế giới. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, từ năm 2019, Học viện đã được thụ hưởng dự án “Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.
|
|
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong giờ thực hành. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Đến nay, các sản phẩm của dự án đang dần phát huy hiệu quả, tác động tích cực cho nghiên cứu khoa học và đào tạo của Học viện. Tới đây, dưới sự tiếp tục hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Học viện sẽ xây dựng và triển khai thực hiện các dự án về hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng Đại học thông minh… Các mô hình khoa học công nghệ mà Học viện chuyển giao vào thực tiễn sản xuất là những mô hình tiên tiến (Aquaponics, vi tảo, nấm dược liệu, Viện sinh vật cảnh, Viện Dược liệu và mỹ phẩm…) thu hút sự quan tâm lớn của xã hội.
Nông nghiệp đa giá trị là hướng đi mới, rất quan trọng. Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi ý thức được rằng nông nghiệp đa giá trị là quan trọng nên năm 2019 đã mở và tuyển sinh đào tạo ngành Quản lý và Phát triển Du lịch với quy mô tuyển sinh hằng năm là 70 sinh viên. Năm 2022, chúng tôi thành lập khoa Du lịch và Ngoại ngữ. Tại sao lại kết hợp Du lịch và Ngoại ngữ? Bởi chúng tôi hướng tới du lịch nông nghiệp không chỉ phục vụ cho đối tượng khách trong nước mà còn đón khách quốc tế.
Chúng tôi đang truyền thông để các em sinh viên hiểu được giá trị của nhu cầu nguồn nhân lực của lĩnh vực đang rất cần này như thế nào. Xã hội đang có xu hướng thích đi du lịch sinh thái, không chỉ đến các khu du lịch đơn thuần mà còn trải nghiệm ở những vùng nông thôn, tới các trang trại độc đáo nên hình thành thị trường rất lớn cho lĩnh vực này.
|
|
Mô hình vườn nho như thế này rất có khả năng kết hợp với du lịch. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Thực tế về du lịch có rất nhiều trường đang đào tạo nhưng không chuyên sâu về du lịch nông nghiệp, còn Học viện đào tạo du lịch gắn với nông nghiệp, và nông nghiệp khi tạo ra sản phẩm được hướng tới du lịch, tạo ra các giá trị phục vụ cho khách du lịch. Nếu sản xuất đơn thuần chỉ mang lại giá trị đơn thuần nhưng nếu biết phối hợp với du lịch sẽ mang lại giá trị gấp nhiều lần.
Học viện có thế mạnh liên kết địa phương, liên kết vùng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn. Như ở huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương, nông dân không chỉ đơn giản là chăm sóc vải, thu hoạch và bán mà vừa rồi chúng tôi xuống đó đã thấy hình thành những nhóm hộ đón khách đến tham quan, ăn tại vườn, bán mang về và có bán vé tham quan trải nghiệm các mô hình sản xuất, sản phẩm nông nghiệp địa phương...
Nó giúp nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi cố gắng tạo ra những mô hình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn như thế. Học viện có các đề tài nghiên cứu, các em sinh viên được tìm hiểu về vấn đề này để chuyển tải đến xã hội. Thực tế nhu cầu du lịch sinh thái đang rất lớn, mọi thứ trong nông nghiệp đều có thể gắn kết tốt với du lịch. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà Học viện xác định cần phải đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Dương Đình Tường (Thực hiện)