Phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ hiện đại chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản,... là những mô hình các chuyên gia gợi ý cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Ninh Bình phát triển.

Tiềm năng phát triển của 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Ninh Bình

Tại Hội nghị "Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 11/4, các chuyên gia đều nhận định, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Ninh Bình có diện tích lớn và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng; là vùng tiếp nối giữa miền Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng phát triển cả nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. 

Trong những năm gần đây, các tỉnh trong vùng đã đạt nhiều thành tựu, có nhiều địa phương đi đầu trong công tác cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới.

leftcenterrightdel
Đại diện lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: P.V 
 

Mặc dù điều kiện khí hậu trong vùng khá khắc nghiệt: tác động của gió mùa rét ẩm vào mùa đông, nóng khô phía Tây Nam vào mùa hè, cũng như có mùa mưa bão khắc nghiệt nhất trong toàn quốc song các địa phương trong vùng đã tập trung phát huy khai thác tiềm năng về đất đai, khí hậu, tài nguyên đa dạng sinh học với sự lao động sáng tạo để hình thành những vùng nông nghiệp hàng hóa ngày một rõ nét, hiệu quả với những đặc trưng mang lợi thế của vùng.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cố vấn cao cấp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kinh tế rừng đang dần được khẳng định ở 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; đem lại giá trị lớn không chỉ môi trường, sự phát triển bền vững mà cả ngành kinh tế chế biến gỗ và sản phẩm ngoài gỗ; chăn nuôi đại gia súc với những mô hình lớn, tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại đang phát triển mạnh ở Nghệ An, Thanh Hóa; các vùng cây ăn quả trọng điểm, cây công nghiệp phát triển dọc tuyến sườn Tây.

Việc tập trung thâm canh cây lương thực gắn với sự đổi mới cơ cấu khai thác cây trồng vụ đông ở dải đồng bằng xen kẹp toàn vùng cũng là một điểm mới ở các tỉnh này, cho thấy hiệu quả khi biết khai thác các yếu tố tài nguyên trên phương châm "biến nguy thành cơ" tạo ra nét sản xuất đặc trưng hiệu quả;

Lĩnh vực thủy sản cũng là một lợi thế trong vùng, cùng với việc tổ chức khai thác tự nhiên một cách có kế hoạch, trách nhiệm, thực thi khuyến nghị của EC để xây dựng một ngành khai thác thủy sản có trách nhiệm, các địa phương trong vùng cũng đang đẩy mạnh nuôi trồng vùng nước lợ, vùng nước mặn, trong đó có những vùng nước mặt rất lớn được khai thác theo phương thức mới lấy sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã tạo ra sự hài hòa đa ngành giữa nông nghiệp - du lịch - cảnh quan.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.V
 

"Để tiếp tục tạo ra sự phát triển giai đoạn tới, vấn đề tái cơ cấu kinh tế đang được đặt ra cho các cấp, các ngành trong đó có vùng trọng điểm Bắc Trung Bộ trên tất các các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó có nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển", GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định tại hội nghị.

Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ, hội tụ đủ 3 vùng địa lý là miền núi, đồng bằng, ven biển; được ví như một "Việt Nam thu nhỏ", có các tuyến đường giao thông huyết mạch của cả nước, thuận lợi cho kinh tế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực trong khu vực và quốc tế; có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

"Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, tỉnh Thanh Hóa đều xác định Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển nguồn nhân lực là chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ; và việc nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững được xác định là khâu đột phá", ông Tùng khẳng định.

leftcenterrightdel
 Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh cùng chia sẻ tiềm năng, lợi thế, đề xuất các nội dung hợp tác để đánh thức tiềm năng của 4 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: P.V

Trong khi đó, ông Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, với tiềm năng, thế mạnh du lịch, hàng năm tỉnh Ninh Bình đón gần 8 triệu lượt khách du lịch, sản phẩm nông nghiệp đang đáp ứng nhu cầu nội địa, mang lại giá trị kinh tế rất cao.

Do vậy, Ninh Bình chú trọng chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh. Hiện, ngành nông nghiệp và du lịch đã có những bước phát triển song hành đạt được những thành tựu nhất định. Xu hướng của nông nghiệp phát triển cây con đặc sản, đặc hữu, như cá Dầm xanh, cá Tràu, cá rô Tổng Trường, phục vụ nhu cầu du lịch, đồng thời thực hiện các đề án phát triển giống nhuyễn thể mở rộng thủy sản…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn tỉnh được hợp tác và có những cam kết, chia sẻ giữa "nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp" cùng đồng hành nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển.

Đồng quan điểm, ông Đầu Thanh Tùng cho rằng, để xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn thì phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là nhân tố then chốt, tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

"Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nông nghiệp sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng và là một tất yếu trong bối cảnh hiện nay", ông Tùng nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cam kết, với đội ngũ nguồn nhân lực giàu kinh kiệm được đạo tạo bài bản, cơ sở vật chất hiện đại, mối quan hệ hợp tác quốc tế phong phú; với sứ mạng, chức năng nhiệm vụ chính trị của mình, Học viện rất mong muốn được phục vụ, hợp tác cùng các địa phương trong ba chương trình lớn: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phòng trào khởi nghiệp từ THPT; nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để góp phần thúc đẩy kinh tế các tỉnh phát triển.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Chiều cùng ngày, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức thảo luận với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp theo chuyên đề, với nội dung giải pháp về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Theo https://danviet.vn