Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một mốc son lịch sử đánh dấu bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc đấu tranh của dân tộc vào thời kỳ phát triển mới. Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng luôn thể hiện rõ là một đảng cách mạng chân chính, hội tụ sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam suốt 93 năm qua đã minh chứng cho tầm vóc bản lĩnh, trí tuệ của Đảng trên con đường lãnh đạo xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

leftcenterrightdel
 

Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam

Nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, từ tháng 6/1929 đến tháng 01/1930 ở Việt Nam lần lượt xuất hiện 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Tuy nhiên ở một nước có tới 3 tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, khó thống nhất về tư tưởng và hành động. Yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam là cần phải thành lập một Đảng Cộng sản (ĐCS) duy nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và ĐCS Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của ĐCS Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng.

Sau này tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) quyết nghị lấy ngày 03/02 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập ĐCS Việt Nam.

Như vậy, ĐCS Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của các chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc.

Sứ mệnh ra đời của Đảng Cộng sản Việt nam đối với lịch sử dân tộc

Trải qua 93 năm lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ĐCS Việt Nam luôn ý thức được vị trí, vai trò, trọng trách của mình trước vận mệnh dân tộc, tương lai của đất nước, tạo ra những dấu mốc quan trọng của cách mạng Việt Nam “Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

ĐCS Việt Nam - chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời mang bản chất giai cấp công nhân, là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Do đó, lợi ích của Đảng trước hết đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc. Có thể nói, sứ mệnh lịch sử của ĐCS Việt Nam là do thời đại, giai cấp và dân tộc quyết định.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng không chỉ là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong và đại biểu cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc mà còn là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong và đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác - con đường cách mạng vô sản”. Để thực hiện được mục tiêu đó, Người chỉ rõ: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. ĐCS Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo nhân dân cùng một lúc phải làm tư sản cách mạng, làm dân tộc cách mạng và làm giai cấp cách mạng. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của cách mạng vô sản ở Việt Nam do ĐCS lãnh đạo và cũng là một đặc điểm của sứ mệnh lịch sử của Đảng đối với giai cấp, dân tộc và xã hội Việt Nam.

Vai trò lãnh đạo của Đảng ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi của Đảng khi Đảng mới thành lập, đó là: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”;... “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”;... Làm cho nước Việt Nam được độc lập;... giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản; mở mang công nghiệp và nông nghiệp;... đem lại mọi quyền lợi tự do cho nhân dân”.

leftcenterrightdel
 

93 năm qua, Đảng ta đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. 15 năm sau khi thành lập, Đảng đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đánh đuổi đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến, lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, cả dân tộc ta đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc và đã giành được thắng lợi to lớn, đánh thắng đế quốc xâm lược; lập lại hoà bình ở miền Bắc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Khi đế quốc Mỹ đưa quân vào xâm lược miền Nam (năm 1965), tiến hành chiến tranh cục bộ đánh phá các căn cứ cách mạng ở miền Nam và mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc (năm 1964), Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đánh cho Mỹ cút (năm 1973), đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975), đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) do ĐCS Việt Nam lãnh đạo, dân tộc Việt Nam trở thành một trong những dân tộc đầu tiên làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công ở một nước thuộc địa và lệ thuộc; một trong những dân tộc đầu tiên đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, mở đầu phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - La tinh.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Đảng đã chủ động khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu to lớn sau hơn 30 năm đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh, quan hệ quốc tế... đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam. Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, bị các thế lực thù địch chống phá, bị bao vây, cấm vận kinh tế, lại phải chịu nhiều tổn thất do thiên tai khắc nghiệt gây ra, Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động không ngừng được cải thiện; chính trị ổn định; lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam trở thành một trong những nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên tiến hành đổi mới thành công theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân, dân tộc Việt Nam có quyền tự hào về ĐCS Việt Nam - người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Từ thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, có thể khẳng định rằng: đường lối lãnh đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng suốt và luôn được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin tưởng. Đảng có đủ bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam không chỉ giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến giành và giữ chính quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà cả trong xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng đất nước theo mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ban CTCT&CTSV tổng hợp