Dự án “Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị rau để cải thiện sinh kế cho các hộ dân tộc Thái ở xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc, Việt Nam” do Quỹ Hỗ trợ các cựu sinh viên Úc (AAGF) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ và được thực hiện bởi nhóm giảng viên Khoa KT&PTNT (TS. Nguyễn Hữu Nhuần – chủ nhiệm đề tài, ThS. Trần Thế Cường) và Khoa Nông học (TS. Vũ Thị Thúy Hằng, TS. Nguyễn Thị Hòa). Dự án có mục tiêu phát triển chuỗi giá trị rau theo định hướng thị trường cho phụ nữ Thái ở xã Quài Cang, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế và kỹ thuật của sản xuất rau, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thái, là cơ sở giúp chính quyền và hệ thống khuyến nông địa phương mở rộng quy mô hướng đến phát triển sinh kế bền vững cho cho người dân Tây Bắc.

Trong hai ngày 27-28/04/2023, dự án đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tổ chức chuyến thăm quan học hỏi mô hình HTX sản xuất rau theo chuỗi giá trị tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Đây là vùng rau chuyên canh của Hà Nội, và quy trình sản xuất rau an toàn (RAT) được thực hiện nghiêm túc. Người trồng rau nơi đây chuyển sang sản xuất theo quy trình RAT và trở thành vùng RAT lớn của Thủ đô Hà Nội. Tại UBND xã, các hộ nông dân đã được nghe lãnh đạo UBND xã Vân Nội và Giám đốc HTX Ba Chữ chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển các mô hình sản xuất rau hiệu quả về kinh tế và môi trường tại địa phương.

leftcenterrightdel
 Nông dân, cán bộ Trung tâm DVNN huyện Tuần Giáo và nhóm thực hiện dự án chụp ảnh lưu niệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
 

Qua chia sẻ của địa phương cho thấy HTX Ba Chữ có gần 150 thành viên, hoạt động theo mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh. HTX có tổng diện tích trồng rau an toàn 35 ha; trong đó có 13 ha sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, diện tích còn lại được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX Ba Chữ đã cung cấp hơn 30 chủng loại rau đa dạng, phong phú rải đều các vụ trong năm như: rau bắp cải trắng, tím, súp lơ, cải bó xôi, su hào, rau cần, cà chua, dưa chuột, mướp, rau ngót, rau muống, cà chua bi, rau gia vị và ngải cứu. Năm 2022, bình quân mỗi ha trồng rau an toàn của HTX cho giá trị 610 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, HTX Ba Chữ đã đăng ký tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của thành phố và đã có khoảng 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, bao gồm rau cải chíp, rau cải ngồng, rau cải xanh, cải bó xôi, rau mùng tơi, xà lách xoăn, rau muống…

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo UBND xã Vân Nội báo cáo tình hình và chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất rau an toàn của địa phương
leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Huyền – Chủ tịch hội đồng quản trị HTX Ba Chữ chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong triển sản xuất rau an toàn, sản phẩm rau OCOP của HTX
 

Tiếp đó đoàn đã đi thực tế đồng ruộng tới các mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tại cánh đồng thôn Vân trì, xã Vân Nội và chợ đầu mối nông sản tại xã Vân Nội. Đoàn kết thúc đợt thăm quan tại quầy rau củ quả ở siêu thị Aeon Long Biên – nơi có nhiều sản phẩm rau củ quả của Tây Bắc và các địa phương trong cả nước.

leftcenterrightdel
 Các hộ phụ nữ dân tộc Thái thăm mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao – chi phí tiết kiệm tại xã Vân Nội
leftcenterrightdel
 Nông dân xã Quài Cang và cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuần Giáo trao đổi với lãnh đạo HTX Ba Chữ, lãnh đạo và nông dân xã Vân Nội về kinh nghiệm sản xuất rau an toàn
 

Thông qua đợt thăm quan mô hình sản xuất và siêu thị, các hộ nông dân được nâng cao hiểu biết về sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị trong đó HTX là chủ chuỗi cũng như tìm hiểu các cơ hội tiếp cận thị trường. Đây cũng là cơ hội cho cán bộ khuyến nông huyện Tuần Giáo trao đổi trực tiếp với nông dân về định hướng phát triển sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, phát triển hợp tác xã và phát triển sinh kế bền vững cho các hộ nông dân.


Tổng hợp: Nhóm dự án