Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước nhà.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Website Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ông là tấm gương mẫu mực về đạo đức và là người có ảnh hưởng lớn trong Đảng, nhân dân và ngành Giáo dục.

Toàn ngành Giáo dục cùng soi chiếu

Ấn tượng về đức tính khiêm tốn, giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhớ lại: “Khi Hội Cựu giáo chức Trường THPT Nguyễn Gia Thiều về tặng hoa chúc mừng thầy Nguyễn Văn Quế được tặng Huy hiệu Đảng.

Thời điểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn tôi là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức của trường. Tôi có mời Tổng Bí thư lên tặng hoa cho thầy Quế nhưng ông nói: Thầy là Chủ tịch cựu giáo chức, tặng hoa sẽ hay và ý nghĩa hơn. Em là cựu học sinh nên sẽ đi bên cạnh để tri ân các thầy”. Câu nói giản dị, chân thành nhưng tinh tế và cho thấy một nhân cách lớn, một tinh thần “tôn sư trọng đạo” của một nhà lãnh tụ”.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhìn nhận, Nghị quyết 29 là dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Nghị quyết này là sự tổng hợp thành quả của 3 cuộc cải cách giáo dục trước đó (năm 1950, 1956, 1976). Nghị quyết 29 là nền tảng, kim chỉ nam cho toàn ngành Giáo dục hành động.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn coi giáo dục là nền tảng, quốc sách hàng đầu. PGS.TS Đặng Quốc Bảo khẳng định, quyết tâm chống tham nhũng, không có vùng cấm của ông đã ảnh hưởng lớn đến ngành Giáo dục.

Từ đó, các thầy, cô giáo, nhà quản lý tự soi chiếu. Hiện nay, phòng chống tham nhũng được đưa vào giáo dục trong các nhà trường từ phổ thông đến đại học; trong đó, điểm nhấn là phòng, chống bệnh thành tích, học thật, thi thật, chất lượng thật và giáo dục cho trẻ không tham, sân, si.

Khi còn là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ được mời tham dự một hội thảo về giáo dục do TP Hà Nội tổ chức. Dự hội thảo còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Bí thư Thành ủy, chủ trì hội nghị.

“Khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nêu: Cần phải giáo dục toàn diện cho học sinh. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhớ lại, đồng thời cảm phục khi ở thời điểm còn nhiều khó khăn của thập niên 1990, thế kỷ trước mà Tổng Bí thư đã đề cập đến giáo dục toàn diện. Sau này, được xây dựng thành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29).

Điều đó cho thấy, những trăn trở, trắc ẩn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà. Văn kiện và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; đồng thời tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Cũng tại hội nghị nêu trên, khi được chủ tọa mời phát biểu với tư cách lãnh đạo Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đã đề cập đến vấn đề quỹ đất cho giáo dục. “Tôi nhấn mạnh đến 3 từ: Đất, đất và đất”. Bởi với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, nếu không dành quỹ đất cho giáo dục thì không thể quy hoạch, xây dựng trường học khang trang cho dù chúng ta có tiền. Không có quỹ đất, giáo dục không thể phát triển xứng tầm và đổi mới toàn diện giáo dục khó thành công.

“Ý kiến của tôi được đồng chí Nguyễn Phú Trọng ghi nhận. Sau này, ông có nhắc lại ở nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay. Từ đây, các địa phương đã quan tâm, chú trọng đến quy hoạch đất cho giáo dục. Nhiều nơi đã có sáng kiến, sáng tạo thiết kế, cải tạo lại trường học để mở rộng không gian cho học sinh vui chơi.

 
leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư đến nhà thăm cô giáo cũ năm 2005. Ảnh: Gia đình cung cấp

 

Dấu ấn Nghị quyết 29

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ấn tượng và tâm đắc nhất là, ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Tuy không dùng từ “cải cách giáo dục” như lần đổi mới trước đó, nhưng Nghị quyết 29 thực sự là cuộc cách mạng về giáo dục, bởi chúng ta đổi mới từ gốc rễ, trên mọi phương diện. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh đến cụm từ căn bản và toàn diện”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao đổi.

Hơn 10 năm qua, Nghị quyết 29 đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận thấy, hệ thống giáo dục đã và đang đổi mới từ chương trình, phương pháp dạy - học đến quản lý, quản trị nhà trường. Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực người học và lấy học sinh là trung tâm của giáo dục.

Thực tế cho thấy, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra từ Nghị quyết 29; đặc biệt những quan điểm chỉ đạo có tính định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển nước ta.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, với đường lối đúng đắn đó, những năm qua, giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Qua đó, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào xã Dur Kmăl (Krông Ana, Đắk Lắk). Ảnh: gdtd.vn

 

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo tâm đắc với phát biểu chỉ đạo của cố Tổng Bí thư về giáo dục: “Phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình; yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước, có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người trực tiếp ký ban hành Nghị quyết 29 - một nghị quyết quan trọng với nền giáo dục của Việt Nam, GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - quả quyết. Hơn 10 năm nay, toàn ngành Giáo dục vẫn thực hiện Nghị quyết này một cách khẩn trương, nghiêm túc và sáng tạo, dù thực tiễn còn bộn bề và khó khăn.

Nghị quyết 29 nhấn mạnh, chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội. GS.TS Hoàng Chí Bảo bày tỏ, điều đó mới là thực chất sâu xa của bản chất giáo dục, mang tính khoa học, cách mạng và nhân văn.

Tư tưởng đó giúp chúng ta thấu hiểu: Dạy chữ, dạy nghề để cuối cùng là dạy người và hoàn thiện nhân cách. Điều này cũng đúng với tâm nguyện của Bác Hồ khi viết thư gửi học sinh, sinh viên, thanh niên từ những năm học đầu tiên sau Cách mạng tháng 8/1945 thắng lợi. Người viết, một nền giáo dục mới, giáo dục dân chủ, khoa học cách mạng sẽ đào tạo cho các em thành con người lao động có ích cho xã hội. Nó sẽ phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng ảnh Bác Hồ cho học sinh, sinh viên tiêu biểu năm học 2017 - 2018. Ảnh: gdtd.vn

 

Tư tưởng ấy mang tính cương lĩnh về giáo dục và đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa, phát huy. Điều đó cho thấy, vấn đề giáo dục nhân cách hệ trọng như thế nào. Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến giáo dục ở các cấp học, từ mầm non đến tiểu học, trung học, đại học và sau đại học. Trong hoạt động thực tiễn, những lần có điều kiện tiếp xúc với giáo dục, đến thăm các nhà trường, thầy, cô giáo và khi nói chuyện với học sinh, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đạo đức, nhân cách.

Một điểm nữa mà GS.TS Hoàng Chí Bảo muốn nhấn mạnh về ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp giáo dục là vấn đề đổi mới. Đổi mới giáo dục nằm trong một tổng thể chung của đổi mới kinh tế, xã hội. Giáo dục, đào tạo có thể nói là “vườn ươm” nhân lực chất lượng cao, nơi phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài của đất nước. Không có hiền tài thì không có nguyên khí quốc gia.

Nhấn mạnh, Nghị quyết 29 là một cuộc cách mạng trong giáo dục, GS.TS Hoàng Chí Bảo liên hệ tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi Đảng còn chưa ra đời, năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Bác đã đưa ra định nghĩa sâu sắc về Kách mệnh là phá cái cũ để đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt, tức là đổi mới và phát triển.

Cũng như trong lĩnh vực giáo dục, thay đổi một quan niệm tư duy về giáo dục, để rồi thay đổi cả về thiết kế chương trình giáo dục, đào tạo, thay đổi về kiểm tra, đánh giá, nhất là vấn đề đào tạo cho được hình mẫu nhân cách của nhà giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới; từ đó tác động đến thế hệ học sinh. Thực chất đó là một cuộc cách mạng. Thay đổi những cái cũ, thói quen đã lỗi thời, lạc hậu để tiếp cận cái mới, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của lịch sử.

Gần đây, chúng ta nói nhiều về công dân toàn cầu. Vì thế, phải chuẩn bị cho thế hệ trẻ khả năng, tâm thế sẵn sàng thích ứng và làm việc trong môi trường toàn cầu. Trước tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhìn nhận, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thực sự mang tầm vóc một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp với đại diện các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên giỏi xuất sắc, những tấm gương nổi bật trong thi đua người tốt, việc tốt - chiều 3/11/2018. Ảnh: gdtd.vn

 

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất lạc quan. Ông từng nói, chúng ta chưa bao giờ có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay. Ở tầm nhà lãnh đạo chiến lược của quốc gia, thì phẩm chất này rất quý và cần thiết.

Luận điểm của Tổng Bí thư về đổi mới giáo dục đạt được những thành tích trong thực tiễn rất đáng tự hào. Điều đó tiếp thêm cho chúng ta niềm tin rằng, nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng về đổi mới giáo dục là đúng đắn, được thực tiễn xác nhận. Nó chính là một trong những cội nguồn dẫn đến thành tựu mà chúng ta đạt được trong những năm đổi mới giáo dục vừa qua.

Nói rộng hơn, cả quốc gia, dân tộc, cả đời sống xã hội và trong tương quan với quan hệ quốc tế thì Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh rằng, chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, sự nghiệp, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Điều này được chính thực tiễn đổi mới gần 40 năm nay xác nhận.

Từ sự biến đổi về mặt kinh tế, đời sống chính trị, nhất là động lực dân chủ, cho đến nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, mà sâu xa ra là chúng ta tận dụng mọi khả năng của văn hóa, giáo dục. Đó là nguồn lực nội sinh của xã hội phát triển. Chính cơ đồ, sự nghiệp, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta, trong đó có bức tranh khởi sắc của giáo dục đã khẳng định niềm tin của nhân dân với đường lối đổi mới sáng tạo của Đảng; trong đó có dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

leftcenterrightdel
 Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết cô giáo cũ từ thời tiểu học. Ảnh: Gia đình cung cấp

 

Những năm cuối đời, khi quyết liệt trong chỉ đạo cuộc chiến chống tham nhũng, mà nếu không chống tham nhũng một cách thành công thì nó sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, mà sâu xa nhất là niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với chế độ của chúng ta, Tổng Bí thư từng nói, danh dự là điều quan trọng và thiêng liêng nhất. Điều này đang thức tỉnh rất nhiều người, từ trong Đảng đến nhân dân; trong đó có ngành Giáo dục.

Cho nên, chúng ta cần tập trung vào vấn đề đạo đức; rộng hơn là văn hóa, giáo dục; bởi đó là danh dự, trách nhiệm, lương tâm và liêm sỉ, để tự mình có thể bảo vệ mình ra khỏi những cạm bẫy, cám dỗ rất dễ hư hỏng do đồng tiền của nền kinh tế thị trường tác động đến. “Tôi nghĩ rằng nhận thức ấy và truyền nhận thức đó đến cho tất cả chúng ta là công lao lớn của Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng trên góc nhìn giáo dục đào tạo”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhìn nhận.

Cho nên Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, chăm lo đến đội ngũ giáo viên, các nhà giáo, bởi hình tượng mẫu mực của các nhà sư phạm, nhà giáo mà ảnh hưởng đến giáo dục đào tạo, nhất là nhân cách của lớp trẻ. Vì thế, giáo dục toàn diện, cần đặc biệt giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ, nhất là chúng ta đang đứng trước bối cảnh chuẩn bị cho năm học mới, năm học có ý nghĩa quan trọng tiến tới Đại hội đại biểu quốc lần thứ XIV của Đảng. “Chúng ta học tập, tiếp thu những tư tưởng và di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại càng thấm thía những vấn đề nêu trên”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

***

Mấy ngày nay, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo - giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền không khỏi xúc động khi thấy báo chí ghi lại nhiều tấm lòng, cảm xúc của người dân đối với đồng chí Tổng Bí thư, đặc biệt là ký ức của các thầy, cô giáo, những người bạn đồng niên từ thuở học sinh phổ thông, sau này là đại học.

Điều đó, càng giúp chúng ta thấu hiểu thêm ở Tổng Bí thư, không chỉ là một nhà lãnh đạo tài năng, mà còn là mẫu mực của một nhân cách lớn: Nghĩa tình với nhân dân, với thầy cô, bè bạn. “Tấm gương và đạo lý tôn sư trọng đạo - một trong những nét đẹp của truyền thống giáo dục Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn trao truyền lại trong triết lý giáo dục của mình”, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo nhìn nhận.

“Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong công tác tư tưởng, lý luận, góp phần hoạch định chủ trương, đường lối trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đồng chí luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đặc biệt”, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh.