COVID-19 quay trở lại Việt Nam, virus corona chủng mới khiến đại dịch diễn biến nhanh hơn, khốc liệt hơn. Giai đoạn đầu vào tháng 1, tháng 2 tại Việt Nam có 16 ca nhiễm, chủ yếu ở Vĩnh Phúc, không có ca tử vong. Giai đoạn sau kéo dài gần 2 tháng với 363 ca nhiễm tập trung tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương, không có ca tử vong. Ngày 25 tháng 7, virus corona quay trở lại Việt Nam với bệnh nhân số 416 được phát hiện, chỉ sau hơn 1 tuần, số ca nhiễm được phát hiện đã lên tới 652 (tăng hơn 200 ca, trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng 25 ca nhiễm), số bệnh nhân nhiễm virus corona thuộc nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, đặc biệt vừa có 06 ca nhiễm tử vong. Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã trở lên khẩn cấp!
Từ cuộc chiến khốc liệt trên toàn cầu
Đầu thế kỷ 21, chỉ trong vòng 17 năm, virus corona đã gây ra 3 trận dịch. Trận dịch thứ nhất thường được gọi là SARS, xảy ra vào năm 2002 tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và lan rộng ra 23 quốc gia. Trận dịch thứ hai là MERS xảy ra chủ yếu ở Saudi Arabia (Trung Đông) vào năm 2012. Cuối năm 2019, trận dịch có tên là COVID-19 xảy ra ở Vũ Hán, nay số quốc gia bị ảnh hưởng đã lên tới 210 quốc gia. Virus corona được nhận dạng là “thủ phạm” của cả 3 trận dịch. Theo SCMP, từ khi người đàn ông 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc - người đầu tiên được xác định mắc COVID-19 vào ngày 17/11/2019, sau đó cứ mỗi ngày lại có 1-5 ca nhiễm mới. Theo website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ca nhiễm corona đầu tiên ở Trung Quốc xuất hiện vào ngày 8/12/2019. Còn theo báo cáo đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet của các bác sĩ bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán - những bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân đầu tiên thì ca bệnh đầu tiên ghi nhận vào ngày 1/12/2019. Đến ngày 9/1/2020, ca tử vong đầu tiên xảy ra với một người đàn ông 61 tuổi ở Vũ Hán. Trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng 31/1/2020 giờ Việt Nam ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão, và đến gần nửa đêm ngày 11/3/2020 giờ Việt Nam, WHO chính thức công bố căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus corona gây ra là “đại dịch toàn cầu”, trong bối cảnh dịch bệnh đã gây nhiễm bệnh cho hơn 126.000 người và 4.616 ca tử vong. Đến ngày 3/8/2020, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu chính thức lên tới 18 triệu, tổng số ca tử vong là gần 700.000 người.
Đây là những con số đáng sợ, nhưng đó là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn nhân loại chống lại căn bệnh quái ác này thông qua lệnh phong tỏa tại hầu hết các quốc gia mà đại dịch tràn qua, thậm chí tại các nước Saudi Arabia, Thái Lan, Sri Lanca, Serbia, Kenia… lệnh giới nghiêm được thực hiện trong nhiều ngày tháng. Có thời điểm, tới gần 4 tỷ người, chiếm trên 50% dân số thế giới sống trong điều kiện giãn cách xã hội. Với nỗ lực lớn lao đó của các chính phủ và người dân toàn thế giới, tại một vài thời điểm nhất định, một số quốc gia, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, dịch bệnh đang quay lại với làn sóng thứ hai. Theo dự đoán thì dịch bệnh còn kéo dài, và theo cảnh báo thì sự nguy hiểm đối với nhân loại của đại dịch COVID-19 thậm chí còn đang ở phía trước. Tại một số quốc gia, đặc biệt các quốc gia nghèo ở châu Phi, đại dịch vẫn sẽ tiếp tục tràn qua, gây nguy hiểm cao độ cho cuộc sống, thậm chí tính mạng của không ít người dân các quốc gia nghèo khó này.
Đến chiến tuyến cao điểm tại Việt Nam
Bệnh nhân đầu tiên được xác nhận nhiễm virus Corona tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020, đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Chỉ sau đó 4 ngày, phát biểu tại cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) vào ngày 27/1/2020, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh “Chống dịch như chống giặc”. Hiếm có quốc gia nào mà người đứng đầu Chính phủ lại có quan điểm mạnh mẽ, dứt khoát như vậy đối với dịch bệnh từ giai đoạn đầu. Ngay sau đó, Thủ tướng công bố dịch tại Việt Nam, ra quyết định thắt chặt biên giới, thu hồi giấy phép hàng không và hạn chế thị thực. Là ổ dịch lớn nhất cả nước trong giai đoạn đầu chiến dịch, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thắt chặt công tác giám sát, lập các chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch, thậm chí tuyên bố cách ly một xã thuộc tỉnh này là xã Sơn Lôi thuộc huyện Bình Xuyên. Đồng thời các biện pháp cách ly và xét nghiệm giúp phát hiện sớm virus được đặc biệt coi trọng. Nhờ đó, Việt Nam đã có chiến thắng trận đầu với chỉ 16 bệnh nhân nhiễm virus corona.
Sau một thời gian không có ca nhiễm, đến tối ngày 6/3, Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên dương tính với virus corona, sau đó các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện liên tục và thế trận trở nên nguy hiểm hơn trước đó do nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng với biểu hiện cụ thể là hai bệnh nhân COVID-19 là nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, từ ngày 16/3/2020, người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... Từ ngày 10/3/2020, Việt Nam thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân để kiểm soát dịch bệnh một cách tổng thể. Sáng 26/3/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu "dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo", khẳng định sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung quá 20 người, đồng thời tạm dừng các dịch vụ không cần thiết như: các cơ sở ăn uống, tụ điểm vui chơi,... Riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương cần đóng cửa toàn bộ cơ sở cung cấp dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. Từ 0 giờ ngày 28/3/2020, các địa phương có trách nhiệm quản lý đối với người dân từ các thành phố, khu vực đang có dịch như đi từ vùng dịch. Ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn tới các cơ sở đào tạo đại học, Sở GD&ĐT tất cả tỉnh thành, yêu cầu triển khai thực hiện khai báo y tế tự nguyện đối với 2,4 triệu học sinh, sinh viên và 1,5 triệu giáo viên trên toàn quốc. Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg, yêu cầu dừng các hoạt động tập trung đông người; giữ khoảng cách 2 mét giữa người với người nơi công cộng; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động thể thao, văn hoá, giải trí, kinh doanh dịch vụ; hạn chế việc di chuyển của người dân; kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh và đảm bảo an toàn cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ biện pháp cách ly... Ngày 30/3/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời hiệu triệu: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chiến thắng đại dịch COVID-19!”. Do tình hình khẩn cấp của đại dịch, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg với yêu cầu: “...Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm” bắt đầu thực hiện từ 0 giờ ngày 1/4/2020. Chiều ngày 15/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kéo dài thời gian cách ly xã hội ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM và Hà Nội. Kết thúc đợt này, Việt Nam có 363 ca bệnh nhiễm virus corona. Với kết quả bước đầu tốt đẹp, bắt đầu từ đầu tháng 5, các trường học đón học sinh, sinh viên trở lại học tập, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường trong tình hình mới. Chiến thắng trận này, Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá cao bởi sự đồng thuận trong toàn đảng, toàn dân trước cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Sau 99 ngày không có lây nhiễm virus corona trong cộng đồng, ngày 25/7/2020 Bộ Y tế công bố ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng. Chỉ sau 2 ngày, ngày 27/7 tại cuộc họp Chính phủ, ca nhiễm này được báo cáo, đồng thời chủng mới của virus corona được xác định với nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn. Ngay sau đó, các biện pháp phòng chống dịch được kích hoạt và triển khai quyết liệt tại tất cả các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, tại tâm dịch Đà Nẵng, thành phố này áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ 0h ngày 28/7/2020. Trước diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh, các cuộc họp của Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 liên tiếp được tổ chức, Bộ Y tế liên tiếp ban hành các thông báo khẩn để triển khai nhanh chóng, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trên cả nước. Cho tới thời điểm ngày 3/8/2020, ngoài Đà Nẵng, một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong cả nước như thành phố Hội An, thành phố Buôn Ma Thuột… đã thực hiện giãn cách xã hội; 10 tỉnh trong cả nước đã cho học sinh nghỉ học hè (học thêm), 1 trường đại học cho sinh viên nghỉ học tập trung trên giảng đường… Ngoài các thông điệp siết chặt toàn bộ hệ thống, dồn sức cùng Đà Nẵng chống dịch; các địa phương không được lơ là chống dịch, một mắt xích, một ốc vít lỏng có thể gây hậu quả lớn… thì trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 3/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Trước hết, hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là những vùng có dịch, ổ dịch, cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo”; cần phải “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để ổ dịch liên quan đến các khu vực nguy cơ cao là Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như các ổ dịch khác xuất hiện”; “Chúng ta không chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát nhưng cũng cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý”. Đặc biệt, trước tình huống nguy cấp của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chỉnh phủ kêu gọi: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương mình cư trú”.
Tỉnh, Thành phố
|
Số ca nhiễm
|
Đang điều trị
|
Khỏi
|
Tử vong
|
Đà Nẵng
|
162
|
150
|
6
|
6
|
Hà Nội
|
144
|
23
|
121
|
0
|
Hồ Chí Minh
|
70
|
8
|
62
|
0
|
Quảng Nam
|
51
|
44
|
5
|
2
|
Bà Rịa - Vũng Tàu
|
32
|
23
|
9
|
0
|
Thái Bình
|
31
|
1
|
30
|
0
|
Bạc Liêu
|
24
|
1
|
23
|
0
|
Ninh Bình
|
23
|
10
|
13
|
0
|
Vĩnh Phúc
|
19
|
0
|
19
|
0
|
Thanh Hóa
|
17
|
1
|
16
|
0
|
Quảng Ninh
|
11
|
0
|
11
|
0
|
Bình Thuận
|
9
|
0
|
9
|
0
|
Nam Định
|
7
|
7
|
0
|
0
|
Hoà Bình
|
6
|
2
|
4
|
0
|
Đồng Tháp
|
6
|
0
|
6
|
0
|
Hải Dương
|
5
|
0
|
5
|
0
|
Hưng Yên
|
5
|
0
|
5
|
0
|
Hà Nam
|
5
|
1
|
4
|
0
|
Quảng Ngãi
|
4
|
4
|
0
|
0
|
Hà Tĩnh
|
4
|
0
|
4
|
0
|
Trà Vinh
|
4
|
2
|
2
|
0
|
Tây Ninh
|
4
|
0
|
4
|
0
|
Bắc Giang
|
4
|
0
|
4
|
0
|
Đắk Lắk
|
3
|
3
|
0
|
0
|
Đồng Nai
|
2
|
1
|
1
|
0
|
Lào Cai
|
2
|
0
|
2
|
0
|
Cần Thơ
|
2
|
0
|
2
|
0
|
Khánh Hòa
|
2
|
1
|
1
|
0
|
Ninh Thuận
|
2
|
0
|
2
|
0
|
Thừa Thiên Huế
|
2
|
0
|
2
|
0
|
Bắc Ninh
|
1
|
0
|
1
|
0
|
Lai Châu
|
1
|
0
|
1
|
0
|
Cà Mau
|
1
|
0
|
1
|
0
|
Bến Tre
|
1
|
0
|
1
|
0
|
Thái Nguyên
|
1
|
0
|
1
|
0
|
|
1
|
1
|
0
|
0
|
Hà Giang
|
1
|
0
|
1
|
0
|
Kiên Giang
|
1
|
1
|
0
|
0
|
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam – Tính đến sáng ngày 4 tháng 8 năm 2020
Và sự quyết liệt chống dịch bệnh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Từ đầu tháng 2, Học viện đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-HVN ngày 03/2/2020 về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gồm 29 thành viên với nhiệm vụ tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, Học viện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch như: Thông báo số 97/TB-HVN ngày 31/01/2020, Thông báo số 98/HVN-YT ngày 03/02/2020, Công văn số 479/HVN-VP ngày 31/3/2020. Khi có Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy, Hội đồng Học viện, Ban Giám đốc Học viện đã gửi thư đến cán bộ, viên chức, người lao động và người học về phòng, chống dịch COVID-19 với mong muốn: “Mỗi cán bộ, viên chức, người lao động, người học sẽ là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Từ ngày 31/3/2020, Học viện hạn chế tổ chức các cuộc họp, sự kiện tập trung đông người; tổ chức kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đối với cán bộ, viên chức và khách ra vào cơ quan. Từ ngày 01/4/2020, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Học viện yêu cầu cán bộ, viên chức và người học thực hiện nghiêm túc việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày; tổ chức họp trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams. Để đảm bảo chương trình đào tạo, Học viện triển khai dạy học, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên theo hình thức trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams từ đầu cuối tháng 3. Bên cạnh đó, Học viện thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, yêu cầu cán bộ, viên chức và người học thực hiện kê khai y tế trên trang www.tokhaiyte.vn.
Không chỉ thực hiện mạnh mẽ và triệt để các biện pháp phòng chống bệnh tại công sở, vượt ra khỏi trách nhiệm bảo vệ chính mình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xác định trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng công tác quan trọng và khẩn cấp lúc này thông qua các chương trình giúp đỡ cụ thể đối với một số địa phương. Điển hình là việc các cán bộ, giảng viên Khoa Môi trường đã nghiên cứu và nhanh chóng sản xuất trao tặng cho các trường học thông qua sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc 1.000 chai dung dịch sát khuẩn vào ngày 22/2. Tiếp đó, sáng 29/2, Học viện tiếp tục trao tặng dung dịch sát khuẩn cho Trường Tiểu học Nông nghiệp. Đỉnh điểm của hoạt động này là việc trao tặng 500 chai dung dịch sát khuẩn cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội tại Quân khu 2 do GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng Đoàn đại biểu của Học viện thực hiện ngày 21/4.
Khi làn sóng COVID-19 quay trở lại Việt Nam, chỉ sau 2 ngày từ thời điểm Bộ Y tế công bố phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng số 416, ngày 27/7/2020 Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 1185/KH-HVN về tăng cường phòng chống dịch hô hấp cấp covide-19 trong tình hình mới. Sau đó, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh của Học viện đã tổ chức cuộc họp, từ đó các kịch bản phòng, chống đại dịch COVID-19 trong tình hình mới được ban hành theo văn bản số 1216 ngày 30/7/2020. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sáng ngày 3/8/2020 cuộc họp cấp Học viện do Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nguyễn Thị Lan chủ trì đã đánh giá, tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp hơn trước trên cả nước. Riêng đối với Học viện, khác với đợt dịch trước, sinh viên thực hiện giãn cách xã hội tại quê nhà sau Tết Nguyên đán nên việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ yếu thực hiện đối với vài trăm cán bộ, viên chức làm việc thường xuyên tại Học viện. Nhưng trong đợt dịch này, khoảng hai vạn sinh viên đang tập trung học tập tại Học viện, đối tượng thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh đông đảo hơn nên càng trở nên phức tạp. Trước tình hình này, Giám đốc Học viên yêu cầu tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch trong cán bộ, sinh viên; thực hiện công tác phòng chống dịch nghiêm, triệt để đồng thời yêu cầu các đơn vị trong Học viện chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó để Học viện xây dựng một phương án, kịch bản tổng thể cụ thể, chi tiết, sát thực tiễn để bảo đảm tính hiệu quả trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Trước mắt, Học viện yêu cầu toàn thể cán bộ, sinh viên thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên Học viện; thực hiện rửa tay thường xuyên đúng cách và các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được hướng dẫn để cùng chung tay với cả nước, với nhân loại đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Ban CTCT&CTSV
(Bài viết sử dụng thông tin từ nhiều nguồn, trong đó có bài viết của một số đồng nghiệp)