Khẳng định thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng cần lồng ghép mục tiêu KHCN vào mục tiêu phát triển kinh tế, đầu tư cho KHCN là đầu tư cho sự phát triển quốc gia chứ không riêng một ngành, xem xét giao quyền tự chủ thực chất hơn cho các đơn vị nghiên cứu…

leftcenterrightdel
 Thảo luận bàn tròn giữa các chuyên gia, doanh nghiệp, viện trường về phát triển thị trường KH&CN - Ảnh: Hoàng Giang

Minh bạch hóa nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam" do Bộ KH&CN và Đại sứ quán Australia tổ chức, PGS. Donald Scott Kemiss, chuyên gia của chương trình Aus4innovation nhấn mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu, sáng chế là con đường mà nhiều quốc gia mong muốn. Một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Australia... rất chú trọng vào các chương trình thương mại hoá. Tuy nhiên, số lượng sáng chế tăng, nhưng việc ứng dụng lại chưa tương xứng.

Theo ông Donald Scott Kemiss, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu cần phải hiểu nhau. Các trường đại học cần tiếp cận được khả năng thương mại hoá, nắm được nhu cầu của doanh nghiệp, tìm hiểu doanh nghiệp có cần các sáng chế đó hay không và sử dụng kết quả như thế nào. Doanh nghiệp cũng cần đánh giá công nghệ khả thi, đầu tư vào bằng sáng chế có tiềm năng nhất và giá trị đem lại là gì.

Ông Donald Scott Kemiss cho biết một số quốc gia đã xây dựng các chính sách "khuyến công nghệ" nhằm tạo cơ hội trao đổi, tìm hiểu giữa các doanh nghiệp, viện trường và các đơn vị chuyển giao thông qua tổ chức trung gian làm cầu nối thông tin. Hoạt động này giúp doanh nghiệp phân tích rõ nhu cầu và khả năng thương mại, trong khi việc tạo nên cung cầu đồng bộ kết hợp sở hữu trí tuệ cho phép trường đại học giữ được lợi nhuận, tạo không gian nghiên cứu, phát triển.

Chia sẻ câu chuyện thực tế từ ngành dệt may, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng, hiện mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của các doanh nghiệp dệt may vẫn ở mức trung bình với 2,73/5 điểm. Nếu không tập trung vào KHCN sẽ không nâng cao được tính cạnh tranh của ngành để đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may vẫn gặp khó nhất khi tiếp cận dữ liệu về nguồn cung công nghệ trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp biết nhu cầu công nghệ của mình nhưng chưa biết cách đưa lên đâu để giải quyết vấn đề đó, muốn tiếp cận công nghệ cũng không biết tìm ở đâu, và ngược lại, các trường, viện nghiên cứu khi có công nghệ cũng không biết chuyển giao cho ai. Kết nối giữa doanh nghiệp dệt may với các trung tâm nghiên cứu khoa học như trường đại học, viện nghiên cứu về dệt may còn rất hạn chế.

TS. Hoàng Xuân Hiệp đề xuất cần có các sàn giao dịch, tổ chức trung gian để minh bạch hóa các nhu cầu về ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp. Đối với ngành dệt may, cần xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng thông tin về thị trường KHCN ngành dệt may. Cùng đó đánh giá nhu cầu và khả năng cung ứng công nghệ trong ngành dệt may giai đoạn 2022 - 2030...

Để khuyến cầu công nghệ, TS.Hoàng Xuân Hiệp cho rằng cần thiết kế các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ lãi suất vốn vay…cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ của CMCN 4.0. Đây là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp huy động nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như đưa nghiên cứu vào ứng dụng.

Cần biến áp lực thành khát vọng, ý chí quốc gia

Nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu ra bài học lớn nhất mà chúng ta cần làm lúc này đó là phải biến áp lực thành khát vọng, cách tiếp cận phát triển quốc gia phải thành ý chí quốc gia, thoát ra khỏi trạng thái hiện tại để vươn lên đỉnh cao nhất.

"Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy họ làm bài bản, tầm nhìn xa nên họ nhảy vọt, gần như đuổi kịp các nền kinh tế bậc nhất. Cách đây 30-40 năm, thu nhập đầu người của Trung Quốc tương đương Việt Nam, còn hiện nay gấp 3-4 lần. Hay Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong tìm kiếm KHCN biển, bởi Hàn Quốc muốn vươn ra đại dương", PGS.TS Trần Đình Thiên dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cần phát triển một thị trường cạnh tranh bởi thị trường không cạnh tranh thì không có động lực cho đổi mới sáng tạo và KHCN phát triển. Do đó, cần có những quỹ đầu tư, hỗ trợ KHCN vận hành theo cơ chế thị trường, có tập đoàn lớn dẫn dắt và tạo điều kiện.

Đồng thời phải thiết kế được hệ thống thể chế về tiêu chuẩn, tiêu chí cho các sản phẩm công nghệ; xây dựng hệ thống pháp luật về sở hữu về trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ chuẩn mực, rõ ràng minh bạch; có những chính sách sandbox (thử nghiệm) cho KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp; nhà nước hỗ trợ đặt hàng, đưa ra những bài toán cho KHCN...

"Đặc biệt cần trao quyền tự chủ cao cho các tổ chức nghiên cứu KHCN bởi làm sáng tạo mà không có tự chủ thì không làm được", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Giao quyền tự chủ thực chất cho các đơn vị nghiên cứu

Đồng quan điểm, GS. Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dẫn số liệu ở Việt Nam chỉ 4% trường đại học hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp, 29% có hợp tác đào tạo, giảng dạy, đa số giải quyết vấn đề trước mắt của doanh nghiệp.

"Rất ít doanh nghiệp liên kết trực tiếp với viện, trường đại học trong xác định chiến lược dài hạn", ông Trần Đức Viên nói.

GS. Trần Đức Viên chia sẻ kinh nghiệm từ viện thí nghiệm sinh học phân tử Cambridge (Anh), nơi có tới 6 nhà khoa học đoạt giải Nobel, với bí quyết thành công là tự do nghiên cứu, phi hành chính hoá, quản lý tài chính hiệu quả. Viện nghiên cứu thành lập nhiều công ty khởi nguồn KHCN (spin-off), nhờ đó 5 năm vừa qua giúp thu về 700 triệu bảng Anh từ chuyển giao, đặt hàng từ các doanh nghiệp. Trong khi tiền chính phủ Anh cấp khoảng 170 triệu bảng Anh, tức là số tiền thương mại hoá được gấp 4-5 lần tiền chính phủ cấp.  

GS. Trần Đức Viên đề xuất giao quyền tự chủ thực chất cho các đơn vị nghiên cứu, trong đó cần tự chủ mô hình quản trị phương thức hoạt động, nhân sự và tự chủ tài chính, đầu tư. Thí điểm khoán sản phẩm cuối cùng, đặt hàng giao nhiệm vụ theo tiềm lực thế mạnh đơn vị, nhóm tác giả và giảm thủ tục hành chính để hỗ trợ các nhà khoa học; cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, dựa trên chỉ số ứng dụng nghiên cứu để xếp hạng đánh giá các trường đại học..

Nhấn mạnh chính sách đầu tư cho KHCN là chính sách đầu tư cho phát triển chứ không chỉ là câu chuyện của một ngành, một lĩnh vực, GS. Trần Đức Viên cho rằng, nếu dựa trên 3 trụ cột gồm thể chế, đầu tư, giao quyền và tất cả phải vận hành theo cơ chế thị trường sẽ giúp KHCN trở thành động lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước nhà.

Bộ KH&CN cho biết, trước mắt, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh theo hướng: Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KHCN; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hoá được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ (ưu tiên các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu trực tiếp tham gia thương mại hoá kết quả nghiên cứu của mình); viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp spin-off.

Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền sử dụng kinh phí từ Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp theo thông lệ thương mại; tăng mức phân bổ ngân sách nhà nước dành cho nhiệm vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, coi đó là khoản tài trợ (không hoàn lại) cho tổ chức/cá nhân chủ trì, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; tạo cơ chế đột phá cho việc hình thành 

và phát triển các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học...

Hiện nay, Bộ KHCN cũng đang phối hợp với Australia trong xây dựng mạng lưới quốc tế kết nối các chuyên gia, nhà tài trợ và cộng đồng KHCN để hỗ trợ phát triển hơn nữa thị trường KHCN tại Việt Nam.

Hoàng Giang