Tiếp nối các sự kiện trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, ngày 24 tháng 4 năm 2023, nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật” Khoa Công nghệ thực phẩm đã mời chuyên gia Hàn Quốc tư vấn về phương pháp và hệ thống đánh giá chất lượng thịt của các sản phẩm chăn nuôi.

Chuyên gia tư vấn gồm:

TS. Park Jong Woon – Viện nghiên cứu đánh giá chất lượng sản phẩm chăn nuôi Hàn Quốc (Korea Institute for Animal Products Quality Evaluation) – Seoul Branch Office Expert.

TS. Youngkyoon Oh, Quản lý dự án KOICA “Chương trình đào tạo cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành chăn nuôi VN”,  Viện nghiên cứu Đào tạo Chăn nuôi Việt Nam - Hàn Quốc

Thành viên tham gia:

Giảng viên Khoa Chăn nuôi: TS. Bùi Huy Doanh, ThS. Vũ Thị Ngân - chuyên gia phía Việt Nam phụ trách về đánh giá chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Cùng toàn thể thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật, giảng viên, nghiên cứu viên trong Khoa.

Mở đầu buổi tư vấn, TS. Bùi Huy Doanh đã giới thiệu tóm tắt một số hợp phần trong dự án do KOICA tài trợ tại Việt Nam và những cơ hội phối hợp hợp tác, nghiên cứu trong việc xây dựng trung tâm đánh giá chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

leftcenterrightdel
 TS. Bùi Huy Doanh giới thiệu dự án Koica với hợp phần OD5.4

 

Tiếp sau đó, ông Park Jong Woon chia sẻ về “Hệ thống đánh giá sản phẩm chăn nuôi bên Hàn Quốc (phân loại thịt ra thị trường)”. Tại Hàn Quốc, hệ thống phân loại sản phẩm chăn nuôi được quản lý bởi Viện nghiên cứu đánh giá chất lượng sản phẩm chăn nuôi Hàn Quốc (KAPE). KAPE là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm đánh giá và chứng nhận các sản phẩm động vật, bao gồm thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa. Hệ thống phân loại các sản phẩm chăn nuôi ở Hàn Quốc dựa trên sự kết hợp giữa đánh giá trực quan và đo lường khoa học các chỉ số chất lượng khác nhau. Quá trình phân loại có tính đến các yếu tố như màu thịt, hàm lượng chất béo, vân mỡ và kết cấu.

Đối với thịt bò, hệ thống phân loại ở Hàn Quốc được chia thành bốn hạng: 1++, 1+, 1 và 2. Hạng cao nhất, 1++, dành cho thịt bò có vân mỡ, độ mềm và hương vị đặc biệt. Thịt bò loại 2 được coi là có chất lượng kém hơn, ít vân mỡ và mềm hơn.

Đối với thịt lợn, hệ thống phân loại ở Hàn Quốc được chia thành ba hạng: 1++, 1+ và 1. Hạng cao nhất, 1++, được dành cho thịt lợn có vân mỡ, màu sắc và độ săn chắc đặc biệt. Thịt lợn loại 1 được coi là có chất lượng kém hơn, ít vân mỡ và độ săn chắc.

Trứng ở Hàn Quốc được phân loại dựa trên trọng lượng, màu sắc và hình dạng của chúng. Trứng loại A có chất lượng cao nhất, hình dạng, màu sắc, kích thước đồng đều.

Hệ thống phân loại sản phẩm chăn nuôi ở Hàn Quốc rất quan trọng để đảm bảo chất lượng ổn định và an toàn cho người tiêu dùng. Các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp nhất thường được bán với giá cao trên thị trường.

leftcenterrightdel
 Ông Park Jong Woon chia sẻ về “Hệ thống đánh giá sản phẩm chăn nuôi bên Hàn Quốc

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy giới thiệu tình hình giảng dạy và nghiên cứu về đánh giá chất lượng sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chất lượng sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam đang được quản lý bởi các cơ quan nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến hệ thống văn bản pháp luật, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, bày bán…; năng lực đội ngũ nhân viên làm công tác đánh giá chất lượng, trang thiết bị máy móc; ý thức người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Việt Nam đang nỗ lực trong việc đẩy mạnh quản lý và đánh giá chất lượng sản phẩm chăn nuôi bằng cách tăng cường hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh công tác kiểm tra và giám sát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, ý thức người tiêu dùng để có thể đánh giá và sử dụng được những sản phẩm chất lượng, an toàn.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy giới thiệu về việc đào tạo và nghiên cứu về công nghệ thịt và đánh giá chất lượng sản phẩm thịt tại VNUA

 

Cuối cùng là phần câu hỏi thảo luận và tư vấn của các chuyên gia. Những câu hỏi được đặt ra như “Hệ thống đánh giá sản phẩm chăn nuôi có được áp dụng với các sản phẩm chăn nuôi sẽ dùng để chế biến không? Nếu có thì đánh giá những gì? Việc phân loại thịt giúp người tiêu dùng chọn lựa dễ dàng hơn và có ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm chăn nuôi không? Cách phân loại thịt gà, vịt? có các loại khác nhau như thịt bò và lợn không? Truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi cho trang trại chăn nuôi gà, lợn quy mô vừa và nhỏ được thực hiện như thế nào? Máy móc, thiết bị trong phòng thí nghiệm phân tích thịt được đầu tư và bao gồm các loại thiết bị gì?... Với những câu hỏi trên, các chuyên gia đã thảo luận rất sôi nổi với các thành viên trong nhóm, giải đáp cụ thể những khúc mắc của nhóm. Hiện tại ở Hàn Quốc cũng chưa có hệ thống đánh giá áp dụng với các sản phẩm chăn nuôi dùng để chế biến, các sản phẩm chế biến có thể marketing bằng cách truyền thông sản phẩm đó được hình thành từ loại thịt cấp độ nào. Đối với chất lượng thịt bò Hàn Quốc và một số quốc gia Mỹ, Úc, Canada, mỡ giắt là chỉ tiêu không thể thiếu, lượng mỡ giắt nhiều và đều, thịt bò có phẩm cấp cao hơn. Điều khó ở Việt Nam là chưa tìm được ra tiêu chí nhất định để đánh giá chất lượng thịt. Việc lấy mẫu thịt lợn và bò sẽ lấy theo cá thể, còn đối với gia cầm sẽ thực hiện theo mẫu ngẫu nhiên. Chuyên gia cũng đã tư vấn về các thiết bị máy móc sử dụng để đánh giá chất lượng của thịt trong phòng thí nghiệm, mở ra cơ hội hợp tác, đào tạo và phân tích cho các thành viên nhóm sau này.

leftcenterrightdel
 Chuyên gia giải đáp câu hỏi

 

Kết thúc buổi làm việc, đại diện nhóm Nghiên cứu mạnh Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cảm ơn đoàn công tác và chuyên gia tư vấn. Kết quả buổi làm việc đã mang lại nhiều ý tưởng nghiên cứu cho người tham dự và sẽ có những hợp tác sâu hơn nữa về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các chuyên gia Hàn Quốc và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đánh giá chất lượng của sản phẩm chăn nuôi.

leftcenterrightdel
 Ảnh chụp lưu niệm của đoàn tư vấn với thành viên tham gia

 

Nhóm Nghiên cứu mạnh Bảo quản và Chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật