Trong số các bức ảnh xe tăng ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, có hình ảnh cây đàn ghi ta treo trên tháp pháo. Chủ nhân cây đàn là ai và số phận của cây đàn thế nào?

leftcenterrightdel
 

Cây đàn trên vai

Nhiều người xem các bức ảnh lịch sử dịp 30/4, thường tò mò về hình ảnh cây đàn ghi ta được để trên một chiếc xe tăng của quân giải phóng. Chủ nhân cây đàn là ai và số phận của cây đàn thế nào?

Xe 380 thuộc biên chế đại đội 4, lữ đoàn xe tăng 203. Trong trận đánh Nước Trong ngày 28/4/1975, xe 380 được bổ sung cho đại đội 5 của tiểu đoàn 2 cùng lữ đoàn. Các thành viên của xe có Trưởng xe Nguyễn Đình Luông, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa - nguyên sinh viên Trường trung cấp TDTT Thanh Hóa. Pháo thủ Trương Đức Thọ, quê Vũ Thư, Thái Bình. Lái xe Nguyễn Khắc Nguyệt, quê Chí Linh, Hải Dương. Pháo hai Nguyễn Kim Duyệt, nhà ở số 39- Đại La, Hà Nội - nguyên là sinh viên khóa 15 Đại học nông nghiệp 1 Hà nội; đang học năm thứ hai thì nhập ngũ.

Cây đàn được treo trên tháp pháo xe tăng 380 trên đường vào trận địa chính là cây đàn của anh Nguyễn Kim Duyệt.

leftcenterrightdel
Anh Nguyễn Kim Duyệt ngồi dưới lá cờ trên nóc xe tăng (Ảnh: Tư liệu) 

Anh Nguyễn Khắc Nguyệt, lái xe tăng kể lại về anh Nguyễn Kim Duyệt khi anh được bổ sung vào biên chế của xe tăng 380: “Trước mắt tôi là một thân hình khá lẻo khoẻo, một khuôn mặt trắng trẻo hiền lành và đôi bàn tay mỏng mảnh rất thư sinh, sau lưng là một chiếc ba-lô và trên vai lại vác theo một cây đàn ghi ta đã cũ”.

Anh Nguyễn Khắc Nguyệt kể lại với Tiền Phong: “Duyệt hay chơi một số bài hát Nga: Kachiusa, Cây thùy dương, Chiều hải cảng,... và một số bài quan họ của mình”.

Ba lô bí mật

Nhớ lại những ngày tháng Tư lịch sử, anh Nguyễn Khắc Nguyệt nhớ như in: “Chuẩn bị cho trận chiến đấu cuối cùng, chúng tôi được nhận thêm mười viên đạn xuyên. Buồng chiến đấu vốn đã chật hẹp nên để xếp thêm số đạn đó chúng tôi phải bỏ hết tư trang và tất cả những gì không cần thiết ra ngoài. Ba cái ba-lô của Luông, Thọ và tôi đã được buộc gọn gàng sau tháp pháo, còn Duyệt vẫn lúi húi tìm cách nhét cái ba-lô của mình vào một góc buồng chiến đấu.

Pháo thủ Trương Đức Thọ quát tướng lên: “Đời lính có cái quái gì mà cứ giấu giấu giếm giếm như giấu vàng ấy. Đem buộc ra ngoài tháp pháo như bọn tao ấy”.

Anh Duyệt không nói gì, vẫn nhét cái ba-lô của mình sâu vào sát vành tháp pháo rồi cố định đạn lại như cũ. Mọi người đều tò mò, không rõ trong cuộc chiến sinh tử này, anh Duyệt dấu gì trong chiếc ba lô ấy?

Sáng 28/4/1975, xe tăng 380 bắt đầu tấn công vào căn cứ Nước Trong, chốt chặn cuối cùng trên cánh cửa phía Đông tiến vào Sài gòn. Địch chống trả rất quyết liệt. Xe tăng cùng bộ binh giành giật với chúng từng khoảnh rừng cao su.

Lái xe Nguyễn Khắc Nguyệt nhớ lại hình ảnh người đồng đội của mình, anh chàng chơi đàn ghi ta lúc vào trận mạc rất đĩnh đạc: “Duyệt đã chứng tỏ mình là một pháo hai có hạng và đầy bản lĩnh. Với những thao tác chính xác, nhanh gọn chỉ vài giây sau khẩu lệnh của Trưởng xe Luông một viên đạn pháo đã được nạp vào buồng đạn để pháo thủ Thọ sẵn sàng nhả đạn. Được các đồng chí bộ binh chỉ mục tiêu, chúng tôi đã diệt được khá nhiều mục tiêu ở tiền duyên phòng ngự của địch”

Đến gần trưa, xe bị trúng đạn của địch. Theo anh Nguyễn Khắc Nguyệt nhớ lại: “Tôi vừa tăng ga cho xe chạy được vài mét thì bỗng dưng thấy tất cả tối sầm lại, tôi ngất đi không biết bao lâu. Khi tỉnh lại thì thấy pháo thủ Thọ ngồi ngay phía sau lưng đang vỗ vào vai tôi hổn hển: “Xe trúng đạn rồi, Luông và Duyệt bị thương nặng lắm”.

Bên buồng pháo hai Duyệt ngồi tựa lưng vào vách ngăn buồng động lực, nửa người bên trái từ thái dương xuống đến đùi đầm đìa máu.

Xe tăng 380 quay về đến bệnh xá tiền phương Sư đoàn 304 để cấp cứu cho anh Luông và Duyệt. Đến lúc này họ mới biết một quả đạn pháo cỡ lớn đã bắn trúng tháp pháo. Sức nổ mạnh của quả đạn hất tung khẩu cao xạ 12ly7 nặng gần 1 tạ.

Khi chiếc ba lô được mở ra

Anh Duyệt mặc dù bị thương nặng nhưng lại rất tỉnh, anh Duyệt nắm tay anh Nguyệt thều thào: “ Quê ơi, tao đau lắm. Chắc tao không sống được”.

"Nhớ lại cả xe từ hôm qua đến giờ chưa ăn cái gì, anh Nguyệt bảo anh Thọ đi xin cho Duyệt cốc sữa. Vừa bón cho Duyệt từng thìa sữa nhỏ anh Nguyệt vừa thủ thỉ chuyện trò. Ăn gần hết cốc sữa thì Duyệt thiu thiu như ngủ. Anh Nguyệt và anh Thọ lên xe tăng lấy tư trang để lại cho Duyệt để xe tiếp tục hành quân. Moi cái ba lô nặng trịch từ vành tháp pháo ra. Anh Thọ lẩm bẩm: “Chẳng hiểu nó có cái gì mà nặng thế. Mà lại còn ấn vào tận vành tháp pháo nữa chứ".

leftcenterrightdel
Nguyễn Kim Duyệt (Ảnh: Tư liệu) 

Lật cái nắp ba-lô lên, các đồng đội cùng lặng người đi: trong cái ba-lô cũ kỹ có bộ quần áo cũ, cái võng và một bó sách!

Lật qua vài quyển sách thấy toàn sách học tiếng Anh, tiếng Pháp và từ điển Anh- Việt, Việt- Anh, Pháp- Việt....

Anh Duyệt ở lại trạm quân y. Chiếc xe tăng 380 hành quân tiếp tục hướng về phía Dinh Độc Lập. Tối hôm đó đồng đội trên xe tăng được tin anh Duyệt đã hy sinh.

Vang mãi bài ca quan họ

Trưa 30/4/1975, chiếc xe tăng 380 cùng lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh thọc sâu đã tiến vào Dinh Độc Lập. Điều đặc biệt là chiếc xe tăng 380 đã tiến vào dinh khi mà tháp pháo của nó không còn khẩu súng 12ly7 trên nóc. Trong xe cũng không còn người chiến sĩ pháo thủ tài hoa dũng cảm Nguyễn Kim Duyệt.

Chiếc đàn ghi ta của anh Duyệt, cùng ba lô của các đồng đội treo trên tháp pháo đã bị đàn pháo của địch phá tan tành.

leftcenterrightdel
 Chiếc xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc Lập, nhưng trên tháp pháo không còn khẩu 12 ly 7 và cây đàn của anh Duyệt.

Người lái xe tăng Nguyễn Khắc Nguyệt đã ghi vội những dòng thơ trên cuốn sổ bị đạn chém (Cuốn sổ này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp).

“ Khi chiếc xe tăng dừng trước Dinh Độc Lập
Ta ngỡ ngàng! Đây Thật hay Mơ?
Cây số cuối cùng - cuộc trường chinh dằng dặc
Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa”.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, anh Nguyễn Khắc Nguyệt trở thành một cây bút viết rất nhiều tác phẩm về người lính, viết về những chiến công và mất mát hy sinh của anh cùng đồng đội.

Anh Nguyệt nhiều lần tới thăm mẹ của liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt. Anh cho Tiền Phong biết: “Tôi xem bà cụ như mẹ tôi, bà cũng coi tôi như con. Tiếc rằng mẹ cũng đã mất cách đây 2 năm”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt bên người mẹ của anh Nguyễn Kim Duyệt 

Mỗi dịp vào ngày 30/4 lịch sử hàng năm, nhớ về chiến thắng đã giúp đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, anh Nguyệt vẫn còn như nghe thấy văng vẳng những tiếng đàn ghi ta của người đồng đội pháo hai Nguyễn Kim Duyệt trên tháp pháo năm nào. Đó là những bài hát quan họ Bắc Ninh mà anh Duyệt đàn hát rất hay trên tháp pháo thời đó.

leftcenterrightdel
 Cây đàn ghi ta của anh Duyệt trên chiếc tăng 380 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh chụp tại Đà Nẵng (Ảnh: TTXVN)

30/4/2020

Trần Nguyên Anh