Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống nhân dân. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài trên 3.200km. Theo dự báo, chỉ tính riêng thảm họa thiên tai do nước biển dâng 1m thì 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng Sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 30 triệu dân.

Phải có lực lượng chủ trì trong phòng, chống thiên tai

Tôi đồng tình với việc bổ sung một điều về khoa học công nghệ như Tờ trình của Chính phủ, nhằmtạo hành lang pháp lý, khuyến khích, đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ chuyên ngành, đóng góp nâng cao năng lực công tác phòng, chống thiên tai. Đề nghị nên bổ sung quy định về thu hút nhân tài, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phòng, chống thiên tai. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ phản ánh trong trình độ kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để nâng hiệu quả kinh tế là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn của công tác phòng, chống thiên tai. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn, do đó nhân lực phải được đào tạo bài bản, có chất lượng. Nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn hóa nguồn nhân lực là yêu cầu rất cần thiết cho công tác phòng, chống thiên tai, nhưng hiện nay ít người học quan tâm lĩnh vực này nên cũng cần quy định về việc đặt hàng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực này hết sức cần thiết.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường
 Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai (Điều 6), dự thảo Luật đã xác định lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong công tác ứng phó khẩn cấp, khắc phục hậu quả sau thiên tai cần bổ sung, xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương. Tôi đồng tình với nội dung này, vì khi xảy ra thiên tai thì hơn ai hết lực lượng tại chỗ là dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác như Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, phụ nữ, các doanh nghiệp, trường học… trên địa bàn có thể ứng cứu kịp thời, hiệu quả vói các tình huống do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, trong số các lực lượng này, phải có lực lượng chủ trì để xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng tham gia. Đề nghị quy định rõ trong Luật giao cho lực lượng dân quân tự vệ chủ trì. Cũng tại nội dung này, đề nghị phân biệt, giải thích rõ trong dự luật cụm từ “Nguồn nhân lực cho phòng, chốngthiên tai” và “Người làm công tác phòng, chống thiên tai” để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Về vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai, tôi cơ bản đồng tình với dự thảo sửa đổi khoản 1 Điều 7, nhưng đề nghị bỏ cụm từ “trên địa bàn”, vì khi ứng phó với thiên tai xảy ra có thể xảy ra các tình huống, như: Trên địa bàn không có loại vật tư, phương tiện phù hợp; trên địa bàn không hội đủ vật tư, phương tiện để ứng cứu; trên địa bàn mặc dù đã chuẩn bị vật tư, phương tiện theo kế hoạch, nhưng do yếu kém trong quản lý nên khi cần thì nhiều vật tư, phương tiện không sử dụng đượcmà phải huy động vật tư, phương tiện từ địa bàn khác.

Liên quan đến nguồn tài chính và ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai, tôi đồng tình với quy định bổ sung khoản 4 vào Điều 8 (về “các nguồn khác theo quy định của pháp luật”) và sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và điểmc khoản 3 Điều 9. Các nội dung bổ sung tại Điều 8 và sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 dự thảo Luật phù hợp với tình hình và thực trạng công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta. Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, Quỹ phòng, chống thiên tai còn hạn hẹp, thì việc huy động các nguồn khác phục vụ công tác này là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 “ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động phòng, chống thiên tai gồm ngân sách hàng năm, kế hoạch trung hạn, dự phòng ngân sách nhà nước” là cần thiết và phù hợp, vì thực tiễn cho thấy thiên tai gây ra những hậu quả nghiêm trọng như sập nhà cửa, công trình, cầu cống… cần thiết phải có nguồn vốn trung hạn để khắc phục.

Tôi đề nghị bổ sung quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định chi tiết về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai”. Nội dung này hết sức cần thiết, vì trong thời gian qua việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có trường hợp còn chậm, chưa sát với thực tế (có địa phương thiệt hại ít nhưng báo cáo nhiều hoặc là có địa phương bị thiệt hại nhiều nhưng Chính phủ hỗ trợ ít).

Về thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương, tôi cho là cần thiết. Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương dung nạp hai nguồn chính là tiếp nhận hỗ trợ quốc tế và nguồn khác (ở Trung ương) được bổ sung tại điểm l, Điều 8. Việc Trung ương điều hòa Quỹ phòng, chống thiên tai ở các địa phương cũng cần thiết. Nội dung này đã được quy định trong Nghị định 94,mức thu quỹ phòng, chống thiên tai ở các địa phương là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, có địa phương sử dụng nhiều, có địa phương sử dụng ít, có địa phương sử dụng hết không còn khả năng tài chính để khắc phục hậu thiên tai phải xin hỗ trợ từ Trung ương. Đề nghị Chính phủ khẩn trương sửa đổi Nghị định 94 nhằm khắc phục những bất cập, không chủ động, kịp thời như trong thời gian vừa qua.

Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép

Đối với Luật Đê điều, liên quan đến sửa đổi Điều 25 quy định về cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều, tôi đồng tình với việc bổ sung hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệđê điều cần có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bảo đảm an toàn đối với các tuyến đê cấp I, cấp II, cấp III, cấp đặc biệt. Hoạt động nạo vét luồng rạch ở các tuyến sông có đê để bảo đảm giao thông thủy được pháp luật cho phép. Luật Đê điều (khoản 3, Điều 25) quy định hoạt động này phải được UBND cấp tỉnh cấp phép.

Thực tế, việc cấp phép cho hoạt động này còn nhiều bất cập. Một số dự án cấp phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây sạt, trượt, hư hỏng công trình đê điều, đe dọa đến sự an toàn tuyến đê. Thực hiện Luật Đê điều, hầu hết UBND cấp tỉnh, thành phố có đê đã ban hành quy định cụ thể việc cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều.

Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất, khắc phục được những bất cập trong thời gian qua, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đề nghị bổ sung nội dung: Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép quy định tại Điều 25 Luật Đê điều.

Nguyễn Thị Lan
ĐBQH TP Hà Nội
Nguyễn Vũ lược ghi