Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xem xét việc bổ sung các đối tượng: như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản và các loại tảo, nấm, công trùng, ong,….vào Luật.

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến phiên về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH Hà Nội cho biết, Luật SHTT là một trong những bộ luật rất quan trọng của bất kỳ quốc gia nào. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, với một thế giới ngày càng mở và phẳng hơn, SHTT thực sự đã trở thành động lực chuyển giao và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đồng thời cũng là cách thức để thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của các quốc gia.

leftcenterrightdel
ĐBQH Nguyễn Thị Lan, Đoàn ĐBQH Hà Nội góp ý tại phiên thảo luận. Ảnh: HVNN. 

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Luật đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh bảo hộ thương mại của các quốc gia trong điều kiện đại dịch Covid, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, các bất ổn do các yếu tố địa-chính trị, có xu hướng gia tăng.

Đồng thời, Luật SHTT hiện hành cũng chưa tương thích để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA hay Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Thêm nữa, tình trạng xâm phạm quyền SHTT có chiều hướng gia tăng do phần lớn các vụ xâm phạm quyền SHTT chỉ bị xử lý hành hành với mức phạt rất nhẹ, làm giảm hiệu quả trong công tác đấu tranh xử lý vi phạm.

Trong phần góp ý hoàn thiện thêm dự thảo luật sửa đổi, bổ sung, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho biết, cần xem xét việc bổ sung các đối tượng khác như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản và các loại tảo, nấm, VSV, công trùng, ong,… vào Luật, vì hiện nay chúng ta mới chỉ đề cập đến "giống cây trồng". 

Mục liên quan đến Quyền của Nhà nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước theo bà Lan cần xem xét lại hợp lý giữa thời gian nghiên cứu và thời gian cấp bằng bảo hộ với các quyền trên. Thời gian nghiên cứu của đề tài thường là 2- 3 năm, trong khi thời gian từ khi chấp nhận đơn đến khi cấp bằng khá dài từ 12 tháng đến 24 tháng và hơn nữa, dẫn đến hiện tượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN các tổ chức, cá nhân thường không thực hiện nội dung này, từ đó ảnh hưởng đến việc bảo hộ các bản quyền công nghệ.

Cùng đó, cũng như nhiều đại biểu đã phát biểu, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đồng tình với phương án 1 là trao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc sử dụng một phần một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì và có quyền sở hữu sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh hoặc lĩnh vực đặc biệt khác hoặc các sản phẩm trí tuệ có tính đặc thù khác vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Làm như vậy để tháo gỡ khó khăn vương mắc cho các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học trong việc chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xem xét việc bổ sung các đối tượng: như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản và các loại tảo, nấm, công trùng, ong,… vào Luật SHTT. Ảnh: TL.

Cũng theo bà Lan, Luật mới cần xây dựng được hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành, rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả hơn, triệt để hơn các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền SHTT. Hiện nay đã có nhưng chưa đầy đủ và chưa đủ mạnh để răn đe. Luật mới cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và cơ chế vận hành minh bạch các liên kết hợp tác sáng tạo giữa doanh nghiệp, với người sản xuất, viện nghiên cứu/trường đại học và Nhà nước; đây là một giải pháp quan trọng, giúp tạo dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ;

"Cần đẩy mạnh bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền NN hàng hóa và xây dựng NTM", bà Lan cho hay.

Ngoài ra, cần làm rõ hơn trong luật các quy định và biện pháp bảo hộ các nguồn gen, quy trình sản xuất, nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân Việt Nam. Đồng thời cũng cần làm rõ cách phân chia lợi nhuận cho cộng đồng bản địa đó. Nguồn gen, vật liệu, kiến thức bản địa là thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Luật SHTT cần thúc đẩy phát triển các thế mạnh trên trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị cạnh tranh trên thị trường, nhưng đồng thời cần bảo hộ được các giá trị này bởi trong bối cảnh hội nhập các tổ chức, quốc gia bên ngoài sẽ tăng cường tìm kiếm, khai thác trong khi chúng ta chưa có hệ thống đủ mạnh để nghiên cứu, phát triển và thương mại.

Cũng tại phiên thảo luận, liên quan đến nông sản hàng hóa, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần xem lại việc sửa đổi tại Điều 190, khoản 1: d) Hộ sản xuất cá thể sử dụng sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng được bảo hộ để tự nhân giống và gieo trồng cho vụ sau trên diện tích đất mình có quyền sử dụng trong giới hạn hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đối với các giống cây trồng nhân giống từ hạt. Vậy những giống cây trồng tồn tại cả 2 phương pháp nhân giống (vô tính và hữu tính) thì có bị hạn chế không? Cần làm rõ hơn điểm này? Mặt khác, cũng cần lưu ý: nếu cho phép tất cả các hộ đều có quyền tự nhân giống, thì có làm lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu của giống bị ảnh hưởng không?

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Điều 211 nên sử dụng phương án 2: a) “Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;" vì trong quyền sở hữu đã gồm cả quyền tác giả và các quyền liên quan… Và khi chúng ta liệt kê như phương án 1 sẽ không bao quát được hết các đối tượng điều chỉnh...

Theo https://nongnghiep.vn