Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch được thành lập theo Quyết định số 1014/QĐ-TCCB ngày 20/11/2001 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã không ngừng khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về công nghệ sau thu hoạch, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Khoa Công nghệ Thực phẩm nói riêng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung.
1. Đội ngũ nhân lực và hoạt động đào tạo
Đội ngũ giảng viên của Bộ môn gồm các Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu tại các nước có thế mạnh về công nghệ sau thu hoạch và công nghệ thực phẩm như Nga, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Bộ môn đảm nhận giảng dạy nhiều học phần cốt lõi và chuyên ngành trong các chương trình đào tạo đại học: Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ và kinh doanh thực phẩm, Nông nghiệp công nghệ cao, Khoa học cây trồng, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan,… và một số chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bên cạnh đó, Bộ môn còn tham gia đào tạo, hướng dẫn luận văn cho học viên cao học thuộc các ngành Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ thực phẩm bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Với mục tiêu luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ môn tích cực tham gia xây dựng, rà soát và cải tiến chương trình đào tạo; đóng góp vào quá trình kiểm định các chương trình theo chuẩn AUN-QA và Bộ GD&ĐT. Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp sở hữu kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành thành thạo, đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực cao cấp của thị trường lao động.
2. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Nghiên cứu khoa học là một trong những mũi nhọn của Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch. Trong hơn hai thập kỷ qua, các giảng viên đã chủ trì và tham gia hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp (Nhà nước, Bộ, địa phương, Học viện), cũng như nhiều chương trình hợp tác quốc tế do EU, FAO, Ailen, Nhật Bản… tài trợ. Mục tiêu xuyên suốt là tìm kiếm, hoàn thiện và ứng dụng các quy trình, công nghệ tiên tiến để giải quyết bài toán giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản.
Những hướng nghiên cứu chính của Bộ môn gồm:
· Ứng dụng công nghệ xử lý trước thu hoạch nhằm cải thiện năng suất, chất lượng và rải vụ thu hoạch cho các loại rau, quả.
· Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thu hoạch, sơ chế, bảo quản rau, quả và các nông sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu.
· Khai thác hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao ứng dụng trong bảo quản nông sản và chế biến thực phẩm.
· Phát triển sản phẩm chế biến sâu từ nguyên liệu thực vật, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao công nghệ luôn được chú trọng. Một số công trình nghiên cứu của Bộ môn được ứng dụng trong thực tiễn, hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương về kỹ thuật xử lý, sơ chế, bảo quản rau củ quả; xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
3. Đóng góp cho xã hội và cộng đồng
Với tinh thần “Nghiên cứu khoa học vì cộng đồng”, Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch không chỉ tạo ra những sản phẩm khoa học - công nghệ có giá trị, mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp và thực phẩm. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, doanh nghiệp đã giúp giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường.
Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của Bộ môn còn hướng dẫn nhiều nhóm nghiên cứu sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận trực tiếp với những vấn đề thực tế, phát triển tư duy sáng tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu. Một số công trình nghiên cứu của sinh viên đã đạt giải cao trong các cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Học viện cũng như quốc gia, đóng góp tích cực vào phong trào nghiên cứu khoa học trẻ.
4. Định hướng phát triển
Nhìn về tương lai, Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch xác định rõ những hướng phát triển mũi nhọn nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại mới và tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong. Các lĩnh vực được ưu tiên trong định hướng phát triển bao gồm:
· Phát triển công nghệ bao gói từ phụ phẩm nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vật liệu bao gói có thể kiểm soát, kéo dài thời gian bảo quản, duy trì chất lượng và đảm bảo an toàn cho nông sản.
· Tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch: Nghiên cứu giải pháp công nghệ, tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, tích hợp hệ thống quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm theo chuỗi cung ứng.
Bộ môn cũng xác định cần gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương, thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tế sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững và hiện đại. Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ với các tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và công nghệ thực phẩm giúp đội ngũ cán bộ tiếp nhận tri thức tiên tiến và nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo.
Với bề dày thành tích, đội ngũ giảng viên tâm huyết, trình độ cao cùng hệ thống cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư, Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch sẽ tiếp tục cập nhật kiến thức mới vào giảng dạy, tăng cường kỹ năng thực hành và sáng tạo cho sinh viên, và mở rộng hợp tác nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước. Mục tiêu dài hạn là xây dựng Bộ môn trở thành một trong những đơn vị hàng đầu của cả nước về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
Khoa Công nghệ thực phẩm