Bộ TN&MT đề xuất người xả rác sẽ trả tiền theo khối lượng thông qua việc mua túi đựng rác, thay vì tính bình quân đầu người như lâu nay.

Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, trong buổi thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Luật sửa đổi lần này đã cắt giảm 40% thủ tục hành chính, nhưng không buông lỏng vấn đề môi trường.

Những lĩnh vực có tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao sẽ được khoanh lại với 17 nhóm quy định trong luật này. Từ đó quy định vấn đề hậu kiểm thay cho tiền kiểm. Cắt giảm 40% thủ tục hành chính là cắt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Tình trạng rác thải sinh hoạt vứt tràn lan ra sông đang làm ô nhiễm môi trường nhiều hệ thống thủy lợi. Ảnh: HG.
 Tình trạng rác thải sinh hoạt vứt tràn lan ra sông đang làm ô nhiễm môi trường nhiều hệ thống thủy lợi. Ảnh: HG.

Còn về phân cấp quản lý, theo Bộ trưởng, sau này sẽ xác định luôn. Lĩnh vực gì thuộc về Quốc hội, Chính phủ, dự án lớn thì Bộ TN&MT chịu trách nhiệm. Còn dự án nào về an ninh quốc phòng do quốc phòng và công an phụ trách, các bộ, ngành khác không tổ chức bộ máy, nhân lực.

Một điểm mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đó là vấn đề liên quan đến rác thải sinh hoạt.

Bộ trưởng cho biết, trong luật lần này, cơ quan soạn thảo xác định quan điểm, chất thải không phải hoàn toàn là thải đi, bỏ đi. Chất thải là một dạng tài nguyên, ít nhất là tái sử dụng 40%. Như vậy, việc phân loại ra là điều tiên quyết.

Cùng với đó, công nghệ xử lý không chôn lấp; tái chế, tái sử dụng 40%, hướng tới hình thức đốt thành sinh khối, đốt thành điện năng. Để làm được điều này, trong dự thảo Luật cũng quy định rõ từ khâu thu gom là người dân tới xử lý cuối cùng phải đồng bộ.

Đặc biệt, rác thải sinh hoạt không tính bình quân theo bao nhiêu tiền một hộ nữa mà tính theo khối, theo kg, có nghĩa là thải ra bao nhiêu thì phải trả bấy nhiều. Cách tính tiền là người dân cũng chịu một phần.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có một số ý kiến: Cùng với việc bảo đảm kinh tế, xã hội, yêu cầu bảo vệ môi trường phải ở vị trí trung tâm của các quy định phát triển, là điểu kiện nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây là một quan điểm rất đúng đắn, cần phải coi trọng yếu tố môi trường.

Một quan điểm nữa mà đại biểu Lan cũng đánh giá rất cao đó là cần phải có cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tạo nền tảng cho việc hình thành các mô hình tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát triển, ít khí cacbon.

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trao đổi một số ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: HVNN
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trao đổi một số ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: HVNN 

Cũng theo bà Lan, dự thảo cũng thể hiện một quan điểm rất rõ ràng là áp dụng đẩy đủ nguyên tắc: người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền; người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải chi trả phù hợp với kinh tế thị trường. Huy động nguồn lực tổng thể toàn xã hội cho công tác bảo vệ môi trường.

Bà Lan cho rằng đây là một quan điểm rất tốt để tất cả mọi người đều có ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường.

Về nhóm chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan cho rằng: Dự thảo luật lần này đã bổ sung và chỉnh sửa làm cho đầy đủ, chặt chẽ các quy định đối với chất thải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên.

Dự thảo đã phân nhóm các loại chất thải rất rõ, và có các quy định cụ thể rất rõ để xử lý tái chế. Trong dự thảo đang quy định các hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị phải phân loại, lưu giữ chất thải sau khi phân loại trong các bao bì, thiết bị chứa không gây ô nhiễm (như trong điều 79).

Bà Lan nhận định: “Đây là điểm quy định tốt sẽ góp phần để đảm bảo môi trường nông thôn, dân cư rất tốt. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về lộ trình áp dụng thế nào, làm thế nào để phù hợp với thực tiễn, và tổ chức thu gọn, vận chuyển, cơ chế hỗ trợ cơ sở kinh doanh xử lý chất thải thế nào cho hiệu quả và khuyến khích được tất cả người dân, cộng đồng tham gia. Trong chương này có đề cập đến vấn đề chất thải nguy hại, những chất thải có chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có tính nguy hiểm khác.

Tôi thấy băn khoăn về chất thải phòng thí nghiệm, chất thải nguy hại cho nguồn gốc vi sinh vật. Cần phải quan tâm đầy đủ hơn chất thải, môi trường phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu ở các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan để đảm bảo an toàn sinh học, tránh lây lan ô nhiễm xung quanh”.

Đại biểu Lan cũng đồng tình với việc cần xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường (trong chương 7) mà ban soạn thảo đã đưa ra, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam tương đồng với các nước phát triển và người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng các nước trên thế giới.

Điều này là rất cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc lộ trình và mức độ tiêu chuẩn để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đôi khi tiêu chuẩn quá cao thì rất khó để cho người dân áp dụng.

HƯNG GIANG - https://nongnghiep.vn/