Bắt kịp xu hướng của các nước tiên tiến, đồng thời nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tận dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tạo thêm thu nhập cho nông dân và hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tuần hoàn được coi là giải pháp và cách thức tổ chức sản xuất phù hợp và tối ưu. Trong khuôn khổ nghiệm vụ Khoa học – Công nghệ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề tài “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền là chủ trì đã tổ chức xây dựng một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Theo đó, đề tài đã phối hợp với UBND xã Yên Cường, HTX Nam Cường và HTX Bắc Cường xây dựng 03 mô hình nông nghiệp tuần hoàn bao gồm: Xử lý phụ phẩm trồng trọt tại đồng ruộng, Đệm lót sinh học cho trâu, bò và Xử lý rác thải sinh hoạt trong nông hộ. Có 34 nông hộ trực tiếp tham gia trong mô hình. Cũng theo khuôn khổ của nhiệm vụ, nhóm đề tài đã tiến hành các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp tuần hoàn, lợi ích của ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, chuyển giao những công nghệ, kỹ thuật phù hợp cho các hộ trực tiếp tham gia thực hiện trực tiếp mô hình tại địa phương.
Sau một thời gian triển khai, ngày 19 tháng 10 vừa qua, cùng với đoàn công tác của Vụ Khoa học – Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về kiểm tra, đánh giá sơ bộ về các mô hình. Từ những báo cáo của chính quyền địa phương cho thấy, các mô hình dễ ứng dụng, dễ nhân rộng và phù hợp, cần thiết với địa phương – là xã có sản xuất nông nghiệp là chính và có nhiều phế phụ phẩm từ các cây trồng như lúa, ngô, cây màu, cây lạc, vỏ lạc, khoai tây… Đồng thời, các mô hình cũng đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt trong việc cải thiện tình trạng vứt bỏ rác thải bừa bãi, hạn chế mùi gây ô nhiễm không khí và tạo ra lượng phân hữu cơ có chất lượng bổ sung chất mùn và cải tạo đất, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí… Bên cạnh đó, kết quả ban đầu của các mô hình cũng được các hộ tham gia đánh giá tốt. Mô hình đã giúp các hộ tận dụng được lượng chất thải lớn để làm phân bón, giảm công lao động…
Tuy nhiên, từ phía địa phương và các hộ tham gia mô hình cũng góp ý một số hạn chế và khó khăn của mô hình như: Những lỗi kỹ thuật nhỏ và vấn đề gặp phải khi thực hiện mô hình, Nguồn và cách nhân giống chế phẩm vi sinh, Các chương trình hỗ trợ nhân rộng mô hình…
Trong quá trình trao đổi và thực tế tham quan các mô hình, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhóm nghiên cứu đã tiếp thu và tư vấn, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho địa phương và người dân như: Tăng cường tập huấn, chuyển giao cho hộ, Giới thiệu nguồn cung ứng men vi sinh phù hợp, Đề xuất những chương trình, dự án có liên quan về hỗ trợ phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam…
Nhìn chung, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường từ nông nghiệp thì phát triển những mô hình nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi có tính khả thi. Thông qua những kết quả ban đầu của một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho thấy tính ưu việt và những lợi ích thiết thực từ các mô hình. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế trong cải tiến và nhân rộng mô hình. Nhưng chỉ cần có sự ủng hộ, quyết tâm của Chính quyền, người dân, định hướng, giúp đỡ của các cấp, ngành liên quan và sự phối hợp của nhà khoa học cũng như toàn xã hội thì tương lai của một nền nông nghiệp tuần hoàn, hiệu quả, bền vững và thịnh vượng là hoàn toàn có thể đạt được vì một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và an toàn.
Một số hình ảnh về buổi đánh giá sơ bộ mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại xã xã Yên Cường, huyện Ý Yên:
Tổng hợp: Bạch Văn Thủy, Khoa Kinh tế và PTNT