Axít béo omega-3 (ω-3) là một họ các axít béo không no đa nối đôi và chúng có nối đôi C=C ở vị trí cacbon thứ 3 tính từ đầu metyl của mạch axít béo. Trong các axít béo omega-3 quan trọng nhất là: axít α-linolenic (ALA), axít eicosapentaenoic (EPA) và axít docosahexaenoic (DHA).
Axít béo omega-3 có nhiều trong thuỷ hải sản như hàu, một số loại cá như cá thu, cá trích, cá ngừ, cá hồi và các loại dầu thực vật (Carlier
et al. 2001). Hàm lượng omega 3 có trong một số thực phẩm được thể hiện trong bảng 2.
Bảng 2. Hàm lượng axít béo omega 3 có trong một số thực phẩm
TT
|
Dầu thực vật
|
Hàm lượng axít béo omega 3
(% so với tổng lượng axít béo)
|
1
|
Cá trích
|
33,7
|
2
|
Cá hồi
|
24,1
|
3
|
Cá bống
|
26,4
|
1
|
Dầu hồ đào
|
4 - 6
|
2
|
Dầu đậu tương
|
4 - 7
|
5
|
Dầu hạt cải
|
9 - 10
|
7
|
Hạt lanh
|
50 - 53
|
10
|
Dầu hạt tía tô
|
57 - 62
|
Trong dầu thực vật, omega-3 tồn tại dưới dạng ALA, tuy nhiên chỉ dưới 5% ALA có khả năng chuyển hóa thành DHA và EPA, axít béo omega-3 cần thiết cho sức khỏe của con người (Ambigaibalan, 2018). Thủy hải sản biển là nguồn cung cấp chính DHA và EPA cho con người. Dầu của các loài nhuyễn thể là nguồn quan trọng chứa omega-3 trong đó EPA là 23,7-28,1% và DHA là 16,7-21%. Dầu cá mòi chứa 10,4-13,2 % EPA và 10,1-11,5% DHA (Xie et al. 2017).
Hình 1. Nguồn omega-3 tự nhiên
Axít béo omega-3 đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho sức khỏe và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sinh học của cơ thể (Ambigaibalan, 2018). DHA là thành phần của tế bào trong việc duy trì sự phát triển bình thường của não, mắt, dây thần kinh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng DHA là thành phần cấu trúc quan trọng nhất trong chất xám vỏ não và thụ thể ánh sáng võng mạc. Là một tiền chất của eicosanoids, EPA đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các leucotrienes, thromboxanes và prostacyclines có tác dụng điều hòa lưu lượng máu, vận chuyển ion và phản ứng viêm (Wang & Shahidi, 2018; Khalily, 2019). Axít béo omega-3 là thành phần thiết yếu cấu trúc nên hệ thống thần kinh trung ương. Hệ thống thần kinh là các mô giàu chất béo trong đó chiếm chủ yếu là DHA của nhóm omega-3.
Omega-3 có khả năng ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch gây ra chứng viêm khớp và làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh này. Axít béo này có vai trò ức chế kết tập tiểu cầu, làm giảm tổng hợp các cytokine gây viêm nên có tác dụng chống viêm làm giảm xơ vữa động mạch, bảo vệ tim mạch (Harris et al. 2008).
Omega-3 còn có tác dụng ngăn ngừa tiểu huyết cầu dính với nhau, ngăn ngừa cholesterol bám vào vách mạch máu do đó giúp mạch máu khỏi bị nghẽn, tránh được nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu dịch tễ học của Delplanque (2004) chỉ ra rằng nguy cơ bệnh tim mạch và tai biến mạch mạch não cao hơn ở những người có nồng độ ALA huyết tương thấp. Axít béo này làm giảm sự loạn nhịp tim dẫn đến tổn thương tim. Tác dụng chống tăng huyết áp của EPA và DHA đặc biệt tốt với người mà động mạch bị xơ cứng, mao mạch bị hỏng, huyết áp cao, lớn tuổi (Geleijnse et al. 2002). Ngoài ra omega-3 còn có vai trò đối với một số bệnh như ung thư, tiểu đường, béo phì (Hidekatsu et al. 2018; Huang et al. 2019).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Carlier, H., Bernard, A., Caselli, C., 2001. Digestion and absorption of polyunsaturated fatty acids; Université de Bourgogne, F21000, Dijon, France, pp. 201-204.
2. Delplanque, B., 2004. Acide gras de la famille n-3: alphalinolénique (ALA) d’origine vegétale et longues chaines n-3, OCL, Vol.11, 357-362.
3. Geleijnse, J.M., Gintay, E.J., Grobbee, D.E., 2002. Blood pressure response to fish oil supplementation: metaregression analysis of randomized trials, J. Hypertens, 20, 1493-1499.
4. Harris, W.S., Miller, M., Tighe, A.P., Davidson, M.H., Schaefer, E.J., 2008. Omega-3 fatty acids and coronary heart disease risk: Clinical and mechanistic prerspectives, Atherosclerosis, 197(1), 12-24.
5. Huang, Q., Mo, M., Zhong, Y., Yang, Q., Zhang, J., Ye, X., ... & Cai, C. (2019). The anticancer role of omega-3 polyunsaturated fatty acids was closely associated with the increase in genomic DNA hydroxymethylation. Anti-Cancer Agents in Medicinal Chemistry (Formerly Current Medicinal Chemistry-Anti-Cancer Agents), 19(3), 330-336.
6. Khalily, R., 2019. Omega-3 Fatty Acids and Health Benefits. Eurasian Journal of Food Science and Technology, 3(1), pp.1-7.
7. Wang, J. and Shahidi, F., 2017. Oxidative stability of marine oils as affected by added wheat germ oil. International journal of food properties, 20(sup3), pp.S3334-S3344.
8. Xie, D., Jin, J., Sun, J., Liang, L., Wang, X., Zhang, W., Wang, X. and Jin, Q., 2017. Comparison of solvents for extraction of krill oil from krill meal: Lipid yield, phospholipids content, fatty acids composition and minor components. Food chemistry, 233, pp.434-441.
Khoa Công nghệ thực phẩm