Tháng 3/2019, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, đàn lợn nái gồm 30 con của gia đình anh Trần Văn Tú ở thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chết sạch trong vòng hai tuần.
Sau thiệt hại trị giá 500 triệu đồng, phải đến tháng 8, anh Tú mới dám phục hồi đàn lợn, khi vaccine vô hoạt phòng dịch tả lợn châu Phi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thử nghiệm ở địa phương.
Anh Tú, người đồng thời là cán bộ thú y của thị trấn Bích Động, kể, từ tháng 3 đến tháng 7/2019, trận dịch gần như “xóa sổ” đàn lợn của các hộ chăn nuôi. Từ 2.300 con, giờ đàn lợn trong dân ở trị trấn Bích Động chỉ còn khoảng 600 con, đó là đã tính cả số lợn tái đàn. Là một trong những hộ chăn nuôi liên kết với Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang, gia đình anh Tú có cơ hội sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi do Công ty hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai thử nghiệm.
Đàn nái mới của gia đình anh gồm 20 con, tất cả đều khỏe mạnh sau khi được tiêm phòng vaccine, “nhiều con đang chuẩn bị sinh lứa đầu”. “Không có vaccine thì chúng tôi không dám tái đàn”, anh Tú khẳng định.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hải, giám đốc Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang - nơi sở hữu hơn một chục trại lợn ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc - ví vaccine thử nghiệm như “chiếc cọc cho người chết đuối”.
“Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, Hải Thịnh không dám thay thế, tái đàn; tổng đàn lợn của Công ty giảm đến một nửa, vì trước hết phải lo bảo toàn đồng vốn. Nhờ hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai thử nghiệm vaccine, chúng tôi đã có thể giữ đàn và đang tăng tốc trở lại,” anh Hải nói.
Sau khi được tiêm vaccine thử nghiệm từ tháng 6/2019, đến nay, toàn bộ hệ thống các trại lợn nái và trại lợn thịt của Công ty Hải Thịnh không có con nào mắc bệnh, “dù ở khá gần các trại trong dân và áp lực dịch bệnh rất lớn,” anh Hải cho biết. Hải Thịnh thậm chí còn tự tin áp dụng chính sách bồi thường 100% cho những gia đình sử dụng giống, cám, kỹ thuật của Công ty trong trường hợp lợn bị nhiễm bệnh dịch tả châu Phi.
Vaccine vô hoạt thế hệ mới
Công ty Hải Thịnh là một trong số các đơn vị có trang trại đang thử nghiệm vaccine vô hoạt phòng tả lợn châu Phi - căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên lợn với tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.
Đây là vaccine do các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học thú y, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và phát triển trên cơ sở sử dụng các chủng virus dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao phân lập được tại Việt Nam.
Phòng thí nghiệm trọng điểm này cũng là đơn vị chẩn đoán ra ca bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của Việt Nam ở Hưng Yên vào ngày 1/2/2019. Ngay sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành giải trình tự genome và kết quả cho thấy chủng virus dịch tả lợn châu Phi gây bệnh tại Hưng Yên thuộc Genotype II, là chủng virus có độc lực cao, đã và đang gây bệnh trên lợn tại Nga, Trung Quốc, Mông Cổ, Lào, Cambodia, Hàn Quốc… Đến nay, hơn 50 mẫu virus dịch tả lợn châu Phi khác nhau từ lợn bị bệnh ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã được Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân lập. Kháng nguyên là virus dịch tả lợn châu Phi phân lập bị làm cho vô hoạt được kết hợp với một số protein tái tổ hợp và chất bổ trợ nano để tạo ra “vaccine chết” phòng bệnh. Tên gọi “vaccine chết”, hay vaccine vô hoạt, để phân biệt với vaccine nhược độc, hay vaccine sống mà trong đó chủng virus sử dụng làm vaccine vẫn còn sống nhưng không có khả năng gây bệnh.
Vaccine vô hoạt truyền thống phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được nghiên cứu và thử nghiệm trên thế giới, tuy nhiên có thể do sự hạn chế về chất lượng chủng virus, chất lượng chất bổ trợ và công nghệ sản xuất… nên chưa nước nào tìm ra vaccine tốt có khả năng bảo hộ đàn lợn được tiêm phòng (hiện thế giới chưa có vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi).
Vaccine vô hoạt do nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp phát triển là sản phẩm thuộc thế hệ mới, có sự kết hợp giữa chủng virus ổn định về đặc tính sinh học và đặc tính kháng nguyên với các protein tái tổ hợp có hoạt tính sinh học, các chất bổ trợ nano có khả năng kích thích miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào.
Để đánh giá hiệu lực của vaccine ở quy mô phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai phương pháp công cường độc khác nhau: Phương pháp lây nhiễm tự nhiên giữa lợn được tiêm vaccine với lợn bệnh; và phương pháp công cường độc trực tiếp virus dịch tả lợn châu Phi cường độc đối với lợn được tiêm phòng vaccine.
Theo dõi các triệu chứng lâm sàng của lợn thí nghiệm được để lây nhiễm tự nhiên cho thấy, lợn lô đối chứng không tiêm vaccine có dấu hiệu lâm sàng như sốt, giảm ăn/bỏ ăn trước so với lô lợn tiêm vaccine. Sau 21 ngày phơi nhiễm với lợn bệnh, 4/5 lợn lô đối chứng bị chết, trong khi cả 5 lợn lô tiêm vaccine mặc dù đều có dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhưng vẫn sống. Kiểm tra virus huyết đối với cả lô lợn tiêm vaccine và lô lợn đối chứng không tiêm vaccine cho thấy hàm lượng virus huyết đối với lợn tiêm vaccine thấp hơn so với lô lợn đối chứng không tiêm vaccine. Kết quả này có thể lý giải là do lô lợn tiêm vaccine đã có miễn dịch chống lại virus dịch tả lợn châu Phi nên hàm lượng virus trong máu thấp hơn.
Khi được công cường độc trực tiếp với virus dịch tả lợn châu Phi cường độc, lợn lô đối chứng gồm 5 con không tiêm vaccine chết 100% trong khoảng thời gian 39 ngày. Lô tiêm vaccine có 2 con chết trong vòng 29 ngày sau khi công cường độc; trong khi 4 con còn lại ăn uống khỏe mạnh, bình thường (chiếm 66,67%).
Như vậy, kết quả kiểm tra chất lượng vaccine quy mô phòng thí nghiệm cho thấy vaccine đảm bảo các chỉ tiêu về vô trùng, an toàn và có hiệu lực bảo hộ tốt đối với đàn lợn được tiêm phòng.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành đánh giá chất lượng vaccine tại 6 trang trại lợn của các hộ gia đình thuộc tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh với số lợn được tiêm thử nghiệm gồm khoảng 400 lợn nái và 4.000 lợn thịt. Đến nay, sau thời gian khoảng 8-9 tháng sử dụng vaccine thử nghiệm, các đàn lợn đều khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển bình thường, nhiều lợn thịt đã được xuất chuồng. Quy mô đầu lợn nái và lợn thịt của các hộ gia đình đều tăng gấp đôi và gấp ba so với thời điểm dùng vaccine thử nghiệm, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu.
Thử nghiệm vaccine của nhóm nghiên cứu tại trang trại lợn chăn nuôi theo quy mô công nghiệp thuộc Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang ở huyện Việt Yên và Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, với khoảng 300 lợn nái và 5.000 lợn thịt, cũng cho kết quả tương tự.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các nhà khoa học ở Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cho ra đời sản phẩm thử nghiệm, đáp ứng nhu cầu “phản ứng nhanh” của người chăn nuôi. Những kết quả thử nghiệm này còn cần được lặp lại ở nhiều đối tượng trong thời gian dài, trước khi sản phẩm hoàn chỉnh, ra đời và được lưu hành chính thức trên thị trường. Nhưng những gì sản phẩm thử nghiệm đã chứng minh trên thực tế quả là hứa hẹn với người chăn nuôi và đầy khích lệ với nhóm nghiên cứu.
Vaccine vô hoạt phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu được tiêm cho cả lợn nái, lợn đực giống và lợn thịt. Lợn nái được tiêm mỗi quý một mũi; lợn thịt được tiêm vào ngày tuổi thứ 28, sau đó có thể được tiêm nhắc lại một lần nữa sau 2 tuần, nếu chuồng trại ở khu vực bị dịch bệnh đe dọa.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African swine fever – ASF) đã xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Phi, các nước Đông Âu, Trung Âu, Sardinia (Italy) và châu Á. Ở Việt Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được công bố vào tháng 2/2019, tính đến tháng 11/2019 theo thông báo của Cục Thú y, dịch bệnh đã lây lan trên tất cả 63 tỉnh thành của cả nước. |