Nằm trong chuỗi các hoạt động sinh hoạt chuyên môn thường kỳ của các nhóm nghiên cứu mạnh, chiều này 22/8/2022, tại phòng Hội thảo 405, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý phát triển nông, tổ chức Seminar “Ứng dụng mô hình ARDL để phân tích mối quan hệ giữa di cư, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế tỉnh Bắc Ninh”.
|
|
Thầy cô tham gia seminar tại phòng Hội thảo, Khoa Kinh tế và PTNT |
Tăng trưởng kinh tế là một thước đo quan trọng trong những thành tựu kinh tế quốc dân. Tăng trưởng kinh tế nhanh là mục tiêu thường xuyên của các quốc gia. Tác động tới tăng trưởng kinh tế có rất nhiều yếu tố, bao gồm cả những yếu tố kinh tế và yếu tố phi kinh tế. Trong đó bao gồm cả thất nghiệp và di cư có ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Với lợi thế có vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội, sau khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, từ một tỉnh có thuần nông, Bắc Ninh trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997 – 2021 đạt 13,9%, GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước. Hiện nay, Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghệ cao cả cả nước với 16 khu công nghiệp, 30 cụm công nghiệp, có 1.693 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 20,5 tỷ USD và 11.840 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu mối quan hệ giữa di cư, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh sẽ góp phần xây dựng các chính sách quản lý lao động và phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp cho giai đoạn 1997 – 2021 từ Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh. Phần mềm Eviews với mô hình phân phối trễ tự hồi quy được sử dụng để phân tích dữ liệu. Nghiên cứu lựa chọn Mô hình ARDL là mô hình kết hợp giữa mô hình tự hồi quy vector và mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất và được xem là mô hình thành công, linh hoạt và dễ sử dụng cho việc phân tích các chuỗi thời gian đa biến. Theo đánh giá mô hình này có những điểm mạnh: (1) Hiệu quả hơn khi dữ liệu của nghiên cứu có kích cỡ mẫu nhỏ, (2) Cho phép ước lượng một phương trình thay vì hệ phương trình, (3) Có thể giải quyết mô hình khi các biến có tính dừng hỗn hợp. Mô hình ARDL dùng trong nghiên cứu sau khi logarit hai vế được diễn tả cụ thể như sau:
LnGDPGt = α0 + LnNEIMt-i + LnGDPGt-i + LnUNEMt-i + Ɛt
|
|
ThS. Đồng Thanh Mai trình bày seminar |
Nghiên cứu tiến hành các kiểm định đơn vị gốc, kiểm định đường bao, kiểm định trễ hồi quy và kiểm định hiệu chỉnh sai số để tìm ra mối quan hệ dài hạn và ngắn hạn trong các mối quan hệ giữa di cư, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong dài hạn khi tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 1% sẽ làm giảm 5,05% tỷ lệ thất nghiệp còn tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 1% sẽ làm tăng số người di cư thêm 0,14%.
Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để giảm tỷ lệ thất nghiệp và thu hút thêm người nhập cư đến Bắc Ninh sinh sống. Cụ thể: (1) Địa phương cần linh động những chính sách về thuế, đất để giữ chân các doanh nghiệp FDI đang hoạt động và thu hút thêm các doanh nghiệp FDI mới vào các ngành dịch vụ vốn đang là điểm yếu của tỉnh, đây vẫn là nguồn đóng góp GDPG chính cho toàn tỉnh trong giai đoạn tới; (2) Chính quyền Bắc Ninh cần đầu tư đa dạng hóa và chú trọng quan tâm tới cả các lĩnh vực kinh tế không phải là thế mạnh của tỉnh nhà như nông nghiệp, dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống, vui chơi giải trí, phục vụ cá nhân cộng đồng để giảm tỷ lệ thất nghiệp của địa phương; (3) Tạo các chính sách xã hội về điều kiện nhà ở, y tế, giáo dục ở xung quanh và ngay trong các KCN để thu hút và giữ chân những lao động di cư đã và sẽ đến Bắc Ninh sinh sống vì đây là những nhu cầu cần thiết nhất đối với họ; (4) Phối hợp tổ chức thường xuyên các hội chợ việc làm, ngày hội việc làm để kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với người lao động trong và ngoài tỉnh để một mặt kết nối cung cầu thị trường lao động cho người dân địa phương, một mặt giúp thu hút lao động từ địa phương khác đến.
Seminar đã diễn ra sôi nổi với các ý kiến thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên và nghiên cứu viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn. Kết thúc buổi seminar, TS. Nguyễn Thị Minh Thu kết luận, mối quan hệ giữa di cư, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế là vấn đề đang được quan tâm trong bối cảnh có rất nhiều lao động di cư mất việc làm tại tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh hậu Covid. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể bổ sung một số biến cũng tác động tới tăng trưởng kinh tế và nghiên cứu cần tính đến hiện tượng đa cộng tuyến của các biến nghiên cứu.
ThS. Trần Nguyên Thành – Nhóm NCM Quản lý phát triển nông thôn